Trang nhật ký cách đây 50 năm của Nhà thơ Lưu Quang Vũ

Ngày 17 tháng 4 năm nay, nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ tròn 65 tuổi và đến ngày 29 tháng 8 tới, tròn 25 năm, ông vĩnh biệt chúng ta. Cuộc sống của Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngủi (40 tuổi), nhưng ông đã đóng góp rất lớn cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.

Tên tuổi Lưu Quang Vũ gắn với gần 10 tập thơ, truyện ngắn và hơn 50 vở kịch sân khấu, được hàng trăm đoàn nghệ thuật trong cả nước dàn dựng; tạo nên hiện tượng sân khấu, làm chấn động dư luận những năm đầu đất nước đổi mới. Các nhà nghiên cứu phê bình đánh giá: “Ông là nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”. Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000) - là người trẻ tuổi nhất trong số những người được giải thưởng cao quý này.

Lưu Quang Vũ nổi tiếng trên văn đàn rất sớm, với tập thơ “Hương cây – Bếp lửa” (in chung cùng Bằng Việt)  khi đó ông mới 17 tuổi. Trong nhật ký của ông, chúng tôi phát hiện một bài thơ ông sáng tác khi lên mười. Đó là bài thơ “Thôn Chu Hưng” ông sáng tác cách đây 50 năm, khi ông 15 tuổi
Thôn Chu Hưng thuộc xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, là nơi gia đình nhà thơ Lưu Quang Thuận (bố nhà thơ Lưu Quang Vũ) sơ tán trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây, Lưu Quang Vũ sinh ra, đến năm 1954, giải phóng Thủ đô (6 tuổi), ông cùng gia đình trở về Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, chúng tôi trân trọng giới thiệu trang nhật ký của ông viết cách đây 50 năm, khi ông trở lại nơi ông sinh ra và bài thơ ông viết về mảnh đất này.


Thứ  ba ngày 25/6/1963

Sáng ra, dậy thật sớm, bình minh hãy còn ở phía xa, chỉ để lại một mảnh trời hồng trên gò Lem, cỏ nặng trĩu sương mai lạnh dưới chân, tôi đi ra cây roi. Như những năm xưa, tôi nhặt những quả roi rụng trên đất, rồi trèo lên, bứt đầy hai túi. Lòng tôi rung lên khi cắn vào trái roi ngọt lịm. Trời đã sáng rõ, tiếng chim rừng ríu rít bay đi kiếm ăn...
Bố tôi và tôi đi vào Gia Điền, nơi tôi sinh. Bước chân lên con đường quen thuộc,  nhà ông Cả Bính, nay chỉ còn một bụi cây hoang dại, chổ này tôi vẫn chạy như  bay về, khi mẹ tôi gọi ăn cơm. Qua cái dốc nhỏ là đến nhà ông bà tôi, hai bụi hoa đỏ chót, cả cây trám yêu quý, nơi tôi diễn kịch cũng không còn gì nữa, dù chỉ là một dấu vết. Tất cả, bây giờ chỉ còn một bãi sắn cao rậm rì. Tự nhiên, một nỗi buồn man mác ập tới trái tim tôi. Tôi lại nhớ tới Khanh, bây giờ đã chết, bố tôi không nói gì, không muốn làm tan cái xúc động của tôi. Tôi lặng lẽ đi ra, rẽ những bụi cây gai chằng chịt, nhảy xuống cái khe cũ. Ở đây đầy lá nứa mục, cái hầm trú ẩn vẫn còn, bố con tôi đi xuống dốc. Chổ này, vẫn còn cây gì rất cao, hoa thơm lắm, rụng trắng cả đường ở dưới chân gò, dòng suối vẫn ngoằn ngoèo chảy mãi. Hai bên đường, tuyền là những thứ hoa quả quen thuộc trò chơi của tôi ngày bé. Đi một quãng, lại qua suối, cái cầu cũ bây giờ lùi xuống dưới chừng mười mét. Tôi chả muốn đi cầu, lội suối thích hơn. Qua suối, tôi gặp ngay cây sảng, thân cây xưa tôi vẫn cắt cái vỏ về cho bà tôi ăn trầu. Quả sảng dài dài, màu đỏ chót, phủ một lớp lông mìn mịn, hột nó đen sẫm, ăn bùi bùi... và, kìa! Ở trên đồi, giữa rừng cây rậm rịt hiện ra những cây chuối dại, hoa đỏ:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao loáng ánh dao gài thắt lưng (thơ Tố Hữu).
Bố tôi kể lại những kỷ niệm cũ, nơi kia, chỗ cái ruộng xưa là bãi diễn kịch “Những người ở lại”. Trong nữa là Trường Thiếu sinh quân, còn con đường này trước kia lúc nào cũng nườm nượp những dân công, bộ đội, cán bộ, đèn đuốc sáng suốt đêm. Hai bên, tuyền là những quán hàng của người Hà Nội tản cư. Thủ đô văn hóa của kháng chiến là ở đây. Đủ món ăn: nem chua, chả rán, cà phê, phở, cháo gà,  do những tay chuyên môn của Hà Nội, những cô gái Hàng Bạc, Hàng Buồm, bà tiểu thương chợ Đồng Xuân, ông chủ hiệu giầy, ông phở Giơi chợ Châu Long, thật là vui, không như bây giờ, vắng vẻ, lạnh lẽo.
Vào tới Gia Điền, cố tìm lại cái nhà cũ. Trong trí tôi, cái nhà này chỉ còn mờ mờ. Vào nhà một bác (tôi không nhớ tên), bạn thân của bố tôi. Cả bác trai và bác gái đếu mừng. Đem ra một đĩa bánh nếp, chấm với mật ong đặc quánh và ngọt lịm. Con bác ấy, là cô gái vẫn bế mình ngày xưa, mỗi khi mẹ mình đi vắng, bây giời đã có hai con...
Ra sau nhà, tìm thấy cây ổi cũ, khi tôi đẻ ra, bố tôi đã trèo lên đó mà ngâm thơ. Bố chỉ cho tôi nơi đặt cái giường mà mẹ tôi sinh tôi ra. Chỗ này đây, cách đây mười lăm năm, tôi đã cất tiếng khóc chào đời.
Lên đồi cao, nhà một ông bà quen, trước cửa có cây trám, quả rụng đầy dưới gốc. Buổi trưa về ăn cơm nhà bác Phú. Một mâm cơm đầy ụ thịt gà, thịt lợn, thịt chó.
Bố đi ra huyện, tôi đem giấy bút ra gốc roi vẽ. Rồi một mình đi thăm lại những nơi chốn cũ: gò Lem, khe suối và gò Thờ. Cái đình mà tôi vẫn vào chơi những trưa hè, sợ hãi nhìn tượng thần dữ dội, hay mỗi tối tôi thường tới xem kịch, họp thiếu nhi, học hát tới khuya. Bây giờ đình đã đổ nát rồi, cỏ dại mọc um tùm, không thể nào bước chân vào được. Vào ven rừng hái hoa chuối đỏ tươi. Tôi lại rủ Dũng, thằng bé con bác Cậy lên nương chơi. Tôi cởi trần, lưng đeo con dao rừng sắc như nước quen thuộc. Lên nương lấy mít, tôi hái những thứ hoa quả năm xưa: quả lạc tiên ngọt và thơm, lá vón vén chua chua, quả hồng xanh, quả sim tím, chỉ một buổi mà tôi lại giống y như những ngày thơ ấu: mặt đỏ bừng, lóng lánh mồ hôi, gai xước đầy lưng và hai tay thì dính đầy nhựa, thơm mùi quả dại, mùi đất...
Cùng với bố đi thăm một số nhà: bủ Thuần, chị Ân .v.v. những con người đáng yêu biết mấy, những con người nhiều tình cảm và anh dũng, ngày kháng chiến đóng góp không biết bao nhiêu cho cách mạng.
Trước khi về nhà bác Phú ăn cơm, lại lên đồi thăm nhà anh Khoán, trước cửa có mấy cái xác rắn, xác trăn phơi khô, bữa cơm cũng đầy thịt và rượu (ở đây, tới nhà nào cũng mời rượu - mời ăn cơm). Trời đã tối, sang chơi một nhà nữa rồi về. Đêm sáng trăng, tất cả cảnh vật đều tắm trong ánh trăng vàng bát ngát. Cả dãy núi, cả rừng cây... không khí tươi mát quá.
Về nhà, ra suối xem mổ lợn dưới ánh đuốc, một tay cầm gậy phòng rắn.
Nếu có thời giờ ở đây một hôm nữa tôi sẽ được theo bác Phú vào rừng bắt vẹt, bắt tổ ong và rắn.
Khuya, sang nhà bác Cậy. Ngồi bên bếp lửa nói chuyện với bác Cậy, với Dũng. Thôi, ngày mai lại phải về Hà Nội. Chín năm mới lên, lại ở được có hai ngày. Về ngồi uống chè với Lâm và bác Phú…

THÔN CHU HƯNG
Lưu Quang Vũ

Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng
Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao
Đường ven suối quả vả vàng chín rụng
Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao.

Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn
Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm
Cơm thiếu muối rau dền ăn với trám
Sương trắng đồi, áo mỏng rét căm căm.

Ơi Chu Hưng đêm nằm nghe suối đổ
Nghe gió ngàn và tiếng hoẵng giữa rừng sâu
Ơi Chu Hưng sắn vùi trong bếp đỏ
Ấm những ngày gian khổ khó quên nhau.

Mẹ sinh ra con vào cuối mùa hoa gạo
Loa chuyển rừng tin thắng trận sông Lô
Bố gửi con mảnh vải dù may áo
Súng nổ dồn đuổi giặc suốt mùa mưa.

Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô
Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ
Trong cánh tay xóm làng bồng bế
Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương.

Tuổi lên năm đi nhặt củi ven rừng
Con tập đánh vần bằng bảng tin thắng trận
Ăn đọt măng vầu, uống ngụm nước trong
Con chưa thấy những chân trời cao rộng.

Mùa thu hòa bình rời xa Việt Bắc
Bè về xuôi gió thổi nước sông reo
Rừng vẫy lá đưa ta đi lưu luyến
Bạn nhỏ trên đồi đứng mãi nhìn theo...

Xa Chu Hưng đã chín mùa cá lũ
Sắn bên đồi sắn có xanh tươi?
Mái nhà cũ đêm đêm ai nhóm lửa
Máng tre có còn hứng nước mưa rơi?

Thôn ta mở thêm mấy trường học mới
Hợp tác nhà này chắc đã lên cao
Tháng mấy buổi có phim về chiếu
Đến bao giờ có điện để thay sao?

Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy
Là ngọn nguồn sông biển yêu thương
Ra biển ra sông còn nhớ  mãi
Trắng hoa rừng... ơi Chu Hưng, Chu Hưng!
Hà Nội, 1964