Đại đội màu áo nắng

Đêm Noel 24/12/1972, trong khi Đại đội 915, Đội 91 Thanh niên xung phong (TNXP) Bắc Thái đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa tại ga Lưu Xá, 34 chiếc máy bay B52 cùng 40 máy bay chiến thuật ồ ạt lao đến ném trên 700 quả bom khắp thành phố Thái Nguyên. 60 đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh, 7 người bị trọng thương và may mắn sống sót. Sự kiện bi tráng và hành động anh dũng của đại đội là tổn thất lớn nhất ở mặt trận hậu phương của lực lượng TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Tháng 6/1972 trước yêu cầu cấp thiết tập trung sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, Đội 91 TNXP Bắc Thái quyết định thành lập Đại đội 915. Biên chế của đại đội phần lớn là nữ người dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên – Bắc Kạn, nhiều người chưa biết chữ và nói tiếng Kinh chưa thạo. Tuổi đời của các đội viên còn rất trẻ, đa số 18, 19 tuổi. Nhiệm vụ của Đại đội 915 là sửa chữa Quốc lộ 16A (nay là Quốc lộ 17) và Quốc lộ 1B, bốc xếp vũ khí đạn dược, hàng hóa. Đại đội đóng quân tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc thành phố Thái Nguyên). Do tính chất công việc, các tiểu đội chia nhau cơ động làm việc khắp nơi và ở nhờ nhà dân tại các xóm Núi Hột, Bến Đò, Cây Thị, Làng Phan. Khi diễn ra sự kiện đêm 24/12 đại đội đang đóng quân tại xóm Bến Đò.

Từ giữa năm 1972 Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Cảng Hải Phòng cùng hơn 40 cảng biển và cửa sông bị địch phong tỏa bằng ngư lôi. Tuyến giao thông Lạng sơn - Thái Nguyên - Hà Nội trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ga Lưu Xá đã trở thành “cảng cạn”, với nhiều loại hàng hóa chiến lược. Ra đời trong mùa hè đỏ lửa ấy, Đại đội 915 bước vào cuộc chiến và đối mặt ngay với bom đạn khốc liệt. Quốc lộ 1B và 16A máy bay địch thường xuyên ném bom đánh phá với cường độ cao. Đại đội phải căng mình làm việc cật lực trong mọi thời tiết. Hàng ngày, các trung đội mang vác dụng cụ di chuyển bộ vài cây số đến từng vị trí. Đường xá hư hỏng, luân phiên nhau liên tục làm việc không tính thời gian để các đoàn xe có thể qua lại. Hố bom sâu giữa mặt đường cũng chỉ dùng sức người san lấp, không hề có các phương tiên cơ giới. Những ngày mưa, hố bom vừa lấp xong, xe tải qua đất nhão ra thành bùn, xe sa lầy phải huy động sức người kéo đẩy. Khi cần bốc xếp hàng hóa quân sự, các tiểu đội lập tức hành quân đi làm nhiệm vụ.

Với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và ý chí sắt đá: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đội viên TNXP Đại đội 915 không ngại hy sinh gian khổ, làm việc quên mình với sự lạc quan, hồn nhiên và tự tin dưới bom đạn kẻ thù đảm bảo giao thông luôn được thông suốt cho xe ra mặt trận, Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” với nội dung chính là: Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần được các đội viên thể hiện bằng bản lĩnh và ý thức trách trách nhiệm trong hành động thiết thực, tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân và sức trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Quốc lộ 16A đại đội quản lý đoạn qua xã Nam Hòa, Linh Sơn, Chùa Hang tuy là con đường huyết mạch, nhưng mới được mở và trải tạm nền bằng đất đá cấp phối, lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn. Máy bay Mỹ oanh tạc dữ dội suốt toàn tuyến từ Trại Cau ra Nam Hòa, Linh Sơn. Các khu vực Trường lái xe Tiến Bộ, Trường lái xe Việt Bắc và một số địa điểm trúng bom làm nhiều người chết và bị thương. Đại đội vẫn dàn quân khắp tuyến đường, không ai nhụt chí. Ngày 13/9/ 1972, đại đội đang sửa chữa đường và đào hầm cá nhân cho bộ đội và nhân dân qua lại trú ẩn ven quốc lộ, máy bay Mỹ bất ngờ lao đến ném bom, 01 đội viên hy sinh, 8 chị em khác bị thương rất nặng. Các ngày sau đó, những trân bom liên tiếp trút xuống, các đội viên vẫn bám đường bám cầu để sửa chữa, san lấp, không hề e ngại khi được điều động tới các vị trí trọng điểm.

Trong điều kiện thời chiến còn vô vàn khó khăn thiếu thốn, nhiều bữa ăn chỉ có cơm nắm muối vừng, mâm trải bằng lá cây bên vệ đường nơi làm việc hoặc dưới hầm hào. Các hoạt động văn hóa văn nghệ vẫn luôn diễn ra sôi nổi. Đại đội thành lập đội văn nghệ thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các buổi sinh hoạt với nhiều hạt nhân hát hay, đàn giỏi. Đội viên người dân tộc hát Then, người Kinh hát Chèo, Chầu văn. Đại đội còn được cấp trên biên chế giáo viên dạy bổ túc văn hóa. Các buổi học được tổ chức linh hoạt theo điều kiện nhiệm vụ của từng tiểu đội và diễn ra dưới vườn cây, hoặc trên bãi cỏ, chỉ có duy nhất tấm bảng cho giáo viên, còn học viên trải chiếu ngồi, kê sách vở lên đùi …

12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, thành phố Thái Nguyên và các vùng phụ cận bị ném bom dữ dội. “Cảng cạn” Ga Lưu Xá là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Thời điểm đó, tại ga Lưu Xá vẫn còn tồn đọng gần 2 vạn tấn hàng lương thực, thực phẩm cần được giải tỏa sớm. Ngày 23/12/1972, đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Thái tổ chức ca kíp, tập trung lực lượng, phương tiện giải tỏa hàng hoá ở các kho nằm trong khu vực đánh phá của địch.

Sáng 24/12/1972, Đại đội 915 được lệnh tổ chức lực lượng đến Ga Lưu Xá, phối hợp với các đơn vị bạn thực hiện nhiệm vụ do đồng chí Đại đội trưởng Triệu Đức Việt trực tiếp chỉ huy. Một ngày làm việc với tinh thần tiếp lửa cho tiền tuyến, các đội viên thanh niên xung phong bất chấp hiểm nguy thể hiện sức trẻ và bản lĩnh của mình với nỗ lực cao nhất. Đang mùa đông rét cắt da thịt, nhưng áo đội viên nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Chập tối hôm đó, khi các đội viên đang chuẩn bị ăn bữa cơm chiều để tiếp tục giải tỏa nốt số hàng hóa còn lại thì máy bay Mỹ ập đến… Máu của cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915 đã hòa vào đất đai, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nhiều bậc cao niên xã Linh Sơn và các nhân chứng hôm nay nhắc đến Đại đội 915 đều thể hiện lòng tiếc thương sâu sắc với 60 cán bộ đội viên đã anh dũng hy sinh, đồng thời bày tỏ sự cảm phục trước nghị lực phi thường của TNXP trong thời kỳ chiến tranh đầy lửa, máu và nước mắt. Không chỉ được mệnh danh là đại đội của những “bông hoa rừng” trẻ trung xinh đẹp, Đại đội 915 còn được trìu mến gọi bằng cái tên thân thương “Đại đội màu áo nắng”, bởi màu áo xanh của cán bộ đội viên ai cũng sờn vai, bạc úa và lấm lem bùn đất. Mồ hôi trộn bụi đường và khói bom làm các vạt áo ánh lên màu nắng.

Đại đội 915 được thành lập gấp gáp từ những người trẻ tình nguyện và làm nhiệm vụ trong một điều kiện cực kỳ khốc liệt của chiến tranh. Các đội viên TNXP đã sống, chiến đấu như những người lính dưới bom đạn kẻ thù và chịu mát mát quá lớn. Chiến tranh đã lùi xa. Vết thương từ những hố bom trên đất đai đã dần liền sẹo, nhưng trong lòng những đội viên may mắn còn sống vẫn gợn lên nỗi buồn khi chiến công và sự hy sinh của đại đội không hẳn đã nhiều người biết….

Ghi nhận tinh thần chiến đấu anh dũng và những thành tích xuất sắc của Đại đội 915 trong kháng chiến chống Mỹ, tháng 12-2009, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đơn vị. Nơi lưu danh các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá thuộc địa bàn phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên ngày nay cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 18-12-2012, đúng dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, công trình Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 915 được khánh thành. Đây là một công trình văn hóa lịch sử có kiến trúc đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bên trong Nhà tưởng niệm, cạnh hương án là hai tấm bia đá trang trọng khắc tên 60 liệt sĩ của Đại đội 915 anh hùng. Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiến hành nhiều việc làm thiết thực trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị của Khu di tích để xứng tầm di tích lịch sử quốc gia, đồng thời triển khai các hoạt động với những hình thức linh hoạt tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Phan Thái

Mỏ sắt Tiến Bộ

Xã Linh Sơn - Thành phố Thái Nguyên

ĐT: 0913256857

(Thành viên nhóm biên soạn tập sách văn học nghệ thuật về

Đại đội 915 của tỉnh Thái Nguyên)