Ân hận tuổi thơ tôi
Phố thị quê tôi có truyền thống lâu đời, mang tên Ninh Giang vào năm 1822, thời vua Minh Mạng, phụ quản mấy huyện: Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện và Vĩnh Lại. Sang thời Pháp thuộc, cấp hành chính của Ninh Giang là đại lý, có quan tây nhà đoan, tức viên quan thu thuế người Pháp. Phủ lỵ trên bến dưới thuyền, có thời tới dăm, bảy hãng tàu khách cặp bếp, hãng tàu thủy của ông Mạc Thái Bưởi từng kinh doanh, đưa đón khách vào Nam Định, hay ra Hải Phòng, hay phố Ga, dấu vết của nhà ga tàu hỏa. Quê tôi còn đặc sản nổi tiếng, bánh gai Ninh Giang và ngôi đền Quan Lớn Tuần Tranh.
Thằng Sẹo ở giáp nhà tôi. Nhà nó có hai mẹ con. Tôi chả thấy bố nó đâu, mất rồi hay thằng Sẹo không có bố. Trẻ con mà, chơi với nhau, ít quan tâm gốc gác bạn bè.
Nhà tôi số 13 phố Bè, khu II, thị trấn Ninh Giang, cách nhà thằng Sẹo dăm số nhà thôi. Thị trấn quê tôi êm đềm bên dòng sông Luộc. Khu II ven sông chia thành hai phố, dân quen gọi phố Lở và Bồi. Dân phố Lở, thì mùa lũ dòng sông thường lở sát bờ, lắm nhà bị quật tõm xuống dòng nước lũ. Còn phố Bồi nhà tôi ở vươn ra mênh mang. Sau mùa ngập, nhà nhà thoải mãi trồng chuối, đu đủ,… Đất phù sa, cắm cây con gì đều mọc lên tốt um. Dân hai phố thường ngầm khinh ghét nhau, dân phố này nói xấu phố kia. Phố Bồi có nghề truyền thống đan gầu, cót và làm mộc, mang từ quê gốc, tít vùng làng Vũ Xá, Vạn Thọ, tỉnh "danh giá nhất ông cò". Dân phố Lở thuộc loại gốc gác tứ chiếng, nghề nghiệp tự do. Họ bám lấy ngôi chợ được lập năm 1958, buôn bán vặt và nhảy tàu thủy vét bột mì, than, xăng dầu, hay đánh quả gỗ lạt
.
Phố thị quê tôi có truyền thống lâu đời, mang tên Ninh Giang vào năm 1822, thời vua Minh Mạng, phụ quản mấy huyện: Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện và Vĩnh Lại. Sang thời Pháp thuộc, cấp hành chính của Ninh Giang là đại lý, có quan tây nhà đoan, tức viên quan thu thuế người Pháp. Phủ lỵ trên bến dưới thuyền, có thời tới dăm, bảy hãng tàu khách cặp bếp, hãng tàu thủy của ông Mạc Thái Bưởi từng kinh doanh, đưa đón khách vào Nam Định, hay ra Hải Phòng, hay phố Ga, dấu vết của nhà ga tàu hỏa. Quê tôi còn đặc sản nổi tiếng, bánh gai Ninh Giang và ngôi đền Quan Lớn Tuần Tranh.
Tôi biết thằng Sẹo từ thuở vỡ lòng, sang cấp I vẫn học chung. Chả ai gọi tên thật, mà toàn réo: Sẹo ơi. Nó hồn nhiên chấp nhận tên đó. Không nhận cũng chả xong, thái dương nó có vết sẹo to tổ bố, trụi thui lủi tóc. Gốc tích vết sẹo là vào quãng nó lên năm, lên sáu, mọc ra cái nhọt. Ngày trước trẻ mỏ thường lắm mụn nhọt, rồi thò lò mũi xanh, thối tai, trốc đầu,... Lắm đứa hai lỗ mũi chảy vệt mũi đặc kệt, xanh lè, thi thoảng hít kịt lên một cái, hay mặc nhiên cho chúng tự do trôi chảy tuột vào miệng.
Cái nhọt của thằng Sẹo to gần bằng quả ổi, mọc trên thái dương, từ dạng nhọt xanh chuyển sang nhọt chín – căng mọng, đỏ nhừ nhừ. Rồi nhọt xuất hiện cái ngòi, ri rỉ ra mù. Mẹ thằng Sẹo là người bạo tay, đè nghiến thằng con ra và dùng con dao bổ cau, tự tay bổ cái nhọt. Đau đớn, thằng bé rãy rũa, lịm đi. Mẹ nó bóp lặn cho kỳ ra gần nửa bát mủ và máu, sau đó dùng miếng vải cũ lau chùi và rửa qua bằng bát nước muối, rồi chạy ra chợ mua gói thuốc của bà lang, rắc vào đó. Hồi ấy nó tưởng chết. Đến cả tháng, thứ thuốc của bà lang chợ làm lành vết thương, chỉ để lại vết sẹo tướng, trông như tấm bàn đồ thế giới. Từ đó nó mang tên thằng Sẹo.
Thằng Sẹo rất sát cá. Vào mùa lũ, đầu tháng sáu, tháng bảy âm lịch, nước ngập mấp mé dọc phố Bồi, phố Lở. Dòng nước đỏ au phù sa. Trẻ con người lớn phố thị nhua nhúa ra sông tắm táp. Nóng bức, tắm nước phù sa thật mát mẻ, nghe bảo còn đỡ rôm sảy. Cứ tầm chiều chiều, ngay mép phố, thằng Sẹo ngâm mình dưới làn nước lũ, đánh bắt cá ngạnh. Chốc chốc nó lại quẳng lên bờ con cá trắng nhẫy, to đùng, nặng cả ki lô gam. Ai ai nhìn cũng thích và tiếc buốt ruột. Cách bắt cá của thằng Sẹo nom thì ngon ơ, mà chả ai bắt chước được. Hai bên sườn con cá ngạnh có ngạnh nhọn sắc, nó đánh cho một phát, đau điếng, người phát sốt phát rét. Nhiều đứa tắm sông, có khi thét lên vì bị các ngạnh, cá hau đánh. Thằng Sẹo ngâm mình, dìm tay xuống nước. Chắc nó để bàn tay ở tư thế, con cá xộc vào ăn mồi, rất nhanh, thít ngón trỏ và ngón cái lại, bắt sống con cá. Bắt cá kiểu của của nó phải có mồi. Mồi là gì? Là phân người, phân của chính thằng Sẹo. Trước đó nó ăn rõ nhiều ổi xanh, sung, dái mít,… để tạo ra thứ phân cứng rắn. Khi ị ra, hứng lấy, bôi trát vào lòng bàn tay và dìm xuống nước nhử cá. Cá ngạnh ưa dùng món này. Kể ăn những con cá của thằng Sẹo đánh bắt được, khiếp. Vậy mà sáng sáng mẹ nó bê rổ cá ra chợ, người xúm đen đỏ, khen cá tươi và béo. Cá ngạnh nấu củ chuối, hoa chuối, mẻ, bỗng rượu, ngon tuyệt!
Chính thằng Sẹo là người dạy bơi lội và từng cứu tôi thoát khỏi bàn tay ông Hà Bá. Sông Luộc là một trong hai con sông nối hệ thống sông Hồng và Thái Bình. Đêm ngày tàu thuyền qua lại. Tang tảng sáng tiếng còi tàu u gọi vang vọng mặt nước, khua thức những giấc ngủ ai đó còn nồng khê. Nơi ngã ba: sông Luộc, sống Hóa, con gà gáy ba tỉnh nghe và tiếng gọi đò khuya ời ỡi:
- Đò ơi!
Năm ấy mùa lũ, nhà tôi có chiếc săm ô tô cũ. Mới tập bơi, tôi bơm căng chiếc săm xe, dùng làm phao bơi. Thằng Sẹo trèo lên con đò ngang – bến Tranh. Khi đò ra quãng xa xa, nó nhảy tùm xuống nước. Lần ấy tôi và thằng Sẹo nhũng nhẵng bơi lội. Mùa lũ, nước sông chảy siết, tôi và nó bơi xa bờ, gần giữa sông. Chợi thằng Sẹo phát hiện:
- Mày ơi, hình như phao xịt hơi.
Tôi hoảng hồn. Đúng là phao đang xịt hơi thật, cứ từ từ xẹp xuống. Thằng Sẹo vội dời bám tay khỏi phao, chỉ còn lại tôi. Một mình, nên bơi nhanh, bên cạnh thằng Sẹo bơi tháp tùng. Nó làm tôi yên tâm. May quá, vào gần tới bờ, cũng là lúc cái phao xẹp dí. Thật hú hồn. Thằng Sẹo tính gàn lì, chả biết sợ ma, sợ quỷ và khoái xem món người chết trôi. Chả có mùa lũ nào, khúc sông Luộc chảy qua quê tôi, không có người chết đuối. Sống bên sông, mọi người đầy kinh nghiệm, nhìn xác chết trôi là biết ngay nam hay nữ: xác nam giới nổi rập rềnh, nằm úp mặt; nữ giới mặt ngửa, hai tay giơ lên. Một bữa tôi nghe thằng Sẹo ý ới rủ đi xem. Chúng tôi tới nơi, thấy người xúm xít. Bên mép nước xác chết rập rờn. Chắc ai đó vớt vào và chằng buộc sợi dây thừng. Sóng nước xô đẩy, xác người thi thoảng va đầu vào hòn đá, ri rỉ máu. Cảnh đó ám ảnh làm tôi phát khiếp, vài tuần lễ, đêm hôm ru rú trong nhà. Mỗi khi đi ị, cho khỏi sợ, ngồi trong nhà vệ sinh, tôi hát ông ổng.
Thằng Sẹo nghịch thì thôi rồi. Nhớ mãi cảnh con chim sâu, còn rùng mình. Trèo cây phá tổ chim, nó bắt được con chim non. Đào bới giun và nó cho chim nuốt tươi con giun sống. Chú chim nào biết gì, cứ nghển nghển cổ nuốt. Được một lát, từ đít chim non ngoi ngoi ra con giun, nom hãi hùng. Còn thằng Sẹo cười sằng sặc. Là dân phố thị, ăn gạo sổ, nhưng vùng quê tôi giáp cánh đồng rộng. Vào vụ gặt tôi bám đuôi thằng Sẹo ra đồng bắt chuột. Cuối tháng chín, đầu tháng mười âm là vụ mùa, cánh đồng khô đóc, chuột đồng béo nũng. Bắt được con nào, đập cho chết tươi, gói lại trong lá khoai, rồi bọc tiếp lớp đất sét. Thu lượm cành rào, cây que, chúng tôi đốt lên. Khi đám than hồng đượm, thì thả con chuột vào; than tàn, cời ra, đập lớp vỏ đất, lá khoai sẽ kéo tuốt hết đám lông, trật khấc ra con chuột trắng hếu, nóng hôi hổi; móc bỏ ruột gan, xé chấm muối ớt, món thịt chuột đồng nướng ngon tuyệt!
Tôi còn được thằng Sẹo chiêu đãi bữa thịt gà trước lúc giao thừa. Phố tôi có bà kia rất mê tín và chửi bới thì thôi rồi ngoa ngoắt. Năm nào, tầm gần giao thừa, bà ta cũng bày mẫm lễ ra trước nhà cũng bái. Mẫm lễ có con gà trống nằm chổng mông trên đĩa xôi gấc. Gần giao thừa năm ấy, tôi đang trong nhà, chợt thấy thằng Sẹo ngấp ngến ngoài sân, vẫy vẫy tay và kéo tụt ra bờ sông. Đêm ba mươi trời tối đen như mực, tôi sờ sẫm nhận ra con gà luộc cùng đĩa xôi, còn thằng Sẹo, cười sằng sặc. Hồi ấy đói kém, chả rõ của ấy ở đâu ra, bạn mời là tôi đánh chén ngay. Chúng tôi xé tươi con gà, mỗi đứa một nửa, thả phanh thưởng thức. Xơi xong, tôi mới hay rằng, vừa thụ lộc cỗ cúng giao thừa của nhà bà kia. Lúc đó thì tôi đành lòng thôi, cỗ bàn đã xong xuôi, chui tọt xuống hết dạ dày rồi. Thưởng thức xong, thằng Sẹo thu mâm và len lén đặt trước cửa nhà người ta. Bà này dù lễ lạt bị mất tiệt, song năm mới, chả dám động mồm chửi bới, kẻo rông cả năm. Mà cúng bái, các ngài dùng rồi, còn cẩn thận trả lại mâm, thì chửi bới nỗi gì.
Bến đò Tranh là cửa khẩu từ huyện Vĩnh Bảo sang đất Ninh Giang, con đường tuồn thứ đặc sản, quý hiếm - thuốc lào Vĩnh Bảo. Thuở ấy, sản vật gì xã hội cũng cấm đoán lưu thông, mọi thứ theo dạng tự cung tự cấp, vùng nào sản xuất gì, tiêu dùng thứ đó. Thí dụ dân Vĩnh Bảo, nam nữ, già trẻ thoải mái hút hít thuốc lào, nhưng cấm vận chuyển, tha lôi, trao đổi sang nơi khác, dù là dăm lạng, chỉ mang theo gói nhỏ trong túi thôi để hút là được. Chốt chặn bến đò Tranh thường xuyên có vài ông thuế vụ gác bến. Đêm đó, quãng mười giờ, khi đám đàn bà vận chuyển thuốc lào lậu từ đò lên, bị ông tài chính túm được, lôi xềnh xệch ra vườn chuối ven sông đóng thuế. Thằng Sẹo biết trò trên – bởi họ đóng thuế uỳnh uỵch và rên rỉ suốt. Nó rình mò và chờ lúc ông thuế vụ đang đóng thuế hăng hái, trùm chăn, mặt úp tờ giấy trắng, tay cầm gậy xồ ra.
-Ma! Bớ làng nước ơi!
Hai kẻ kia còn trần hơn nhỗng, tua túa chạy. Làng nước nghe tiếng hô hoán, cũng ào ào lao ra, đuổi ma giúp đôi kia. Vì trần như nhộng, hai kẻ kia đành bịa chuyện, vừa bị cướp bọn cướp trấn lột hết quần áo. Có dân phố nghe vậy, mò vào vườn chuối, thấy đống quần áo - cả quần trong lẫn áo ngoài. Lạ quá, mất công lột bỏ quần áo, sao chúng không lấy nhỉ? Chắc nghe hô hoán, sợ quá, chúng chạy biến rồi. Bữa đó chỉ có con mẹ buôn lậu là may mắn, lấy lại quần áo và bọc thuốc lào và không phải nộp thuế. Chả hiểu sao, ông thuế vụ biết chuyện đó do thằng Sẹo gây ra, âm thầm đến nhà nó, van vỉ bà mẹ, cho xin lại chiếc xắc cốt đựng cuốn biên lai thu thuế. Từ ấy, mấy tay thuế vụ đêm hôm chả còn dám bén mảng vào vườn chuối thu thuế nữa.
Học hết cấp I – lớp bốn, ngày ấy chương trình phổ thông học mười năm, chúng tôi bước vào cấp hai, lớp năm. Thằng Sẹo học chung lớp với tôi. Chủ nhiệm là cô giáo Nhung. Cô dạy toán, hiền lành, nhiệt tình và yêu quý học trò. Vì dài lưỡi, tiếng cô nghe là lạ. Học trò gọi là cô Nhung ngọng. Khi bước sang học cấp II, tôi và thằng Sẹo có vẻ xa cách nhau. Nguyên do nó lân la chơi với đám trẻ phố Lở, rồi bơi sông, leo tàu vét bột mì, than đá,... Có lần chính mắt tôi chứng kiến, chiếc sà lan chở đầy than luyện, nước mấp mé mớn tàu. Từ trong bờ, thằng Sẹo bơi ra, leo lên tàu. Khi thủy phát hiện ra, nó kịp chộp viên than luyện, nhảy ùm xuống nước. Cánh thủy thủ chỉ còn nước nghếch mắt nhìn, giơ tay dọa dẫm, chửi rủa theo. Than luyện dùng chạy tàu hỏa, than đóng thành viên hình chữ nhật, nặng cỡ sáu, bảy cân. Nặng thế mà thằng Sẹo lóp ngóp bơi được vào bờ. Chứng kiến cảnh đó, cố tình đứng đón, khi nó lóp ngóp bê viên than lên bờ, tôi nhìn nó trừng trừng, ánh mắt đầy khỉnh bỉ, ý rằng: mày là thằng ăn cắp. Nó chả ngượng ngùng, còn nhìn trả lại tôi đầy thách thức: tao ăn cắp đấy! Giá viên than luyện khoảng năm hào, mua được bò gạo. Tôi khinh thường nó là thằng ăn cắp. Đâu biết rằng, mẹ thằng Sẹo ngày càng đau yếu, nó phải kiếm sống, nuôi mình và nuôi cả mẹ nó nữa. Còn tôi được bố mẹ bao bọc, biết đâu đến cái đói.
Sức học của thằng Sẹo đuối dần, thi thoảng nó bỏ học, rồi bỏ liên tiếp, tức học kiểu buổi đực buổi cái. Buổi học đó nó đến lớp, bị ngay cô Nhung gọi lên bảng. Thằng Sẹo phải bài giải toán. Bài quá giản đơn, mà nó ngắc nga ngắc ngứ, chả viết ra con số nào. Cô Nhung vẻ tưng tức, thấy nó ậm ạch mãi, cốc nhẹ một cái vào đầu và cho về chỗ. Thật bất ngờ, vung thẳng tay, thằng Sẹo chỏ vào mặt cô giáo và văng câu rõ tục. Sau đó nó tếch thẳng về chỗ ngồi, kéo tuột cặp sách và văng tiếp câu tục nữa:
- Bố mày đ… thèm học nữa nhá!
Cô Nhung và cả lớp đều sừng sờ, không thể ngờ tình thế diễn ra vậy, một đứa học trò vô lễ, láo xược với giáo viên. Mặt cô giáo tái đi vì giận, nước mắt trào ra, còn cả lớp lặng đi như tờ. Thằng Sẹo bỏ học thật, y như lời nó tuyên bố. Cũng từ ấy, tôi chả còn quan hệ, quan tâm tới nó nữa. Nếu phải giáp mặt, hai đứa tránh nhìn mặt nhau. Rồi tôi cũng như quên nó, quên đi một kỷ niệm đáng buồn thuở học trò. Sau này loáng thoáng nghe tin, nó nhập ngũ, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam...
Quãng đầu năm 1980, lũ học trò cấp II cũ chúng tôi có buổi gặp mặt. Thật bất ngờ, tôi gặp lại thằng Sẹo. Người gầy gò, da tai tái, nó khoác bộ quân phục bạc màu. Mặc cảm chuyện xưa, tôi ngồi xa xa và chả bắt chuyện, nói năng gì với nó. Bạn bè ồn ào kể chuyện xưa, thôi thì đủ thứ, đủ chuyện: đánh cãi nhau, đứa này chế ghép vợ chồng với đứa kia, hay réo gọi tên tục cha mẹ, tên thầy cô giáo… Trong cảnh ồn ào, chợt thằng Sẹo đứng lên, mặt nó nghiêm cẩn, kể về mình vừa tham gia cuộc giải phóng nước bạn. Nó trên con tàu biển về nước - tàu há mồm, loại y như tàu há mồm chạy trên sông Luộc. “Các bạn biết tàu chở gì không?” – nó hỏi vậy. “Chở những người dân Căm Pu Chia vừa thoát khỏi cuộc diệt chủng. Đói khát, gầy guột, họ như những cái xác không hồn, biết di chuyển, đi lại được. Tàu cặp bờ, bên bãi biển, sau khi được ăn uống, quanh đống lửa, họ vui vẻ nhảy múa, vì thoát khỏi cuộc diệt chủng.” Thằng Sẹo hỏi tiếp: “Trên tàu chở gì nữa? Xác bộ đội ta. Suốt cuộc hành trình trên biển, phải ngửi mùi xác chết, kinh khủng lắm.” Giọng thằng Sẹo trầm xuống: “Những ngày trận mạc và trên con tàu, tớ nhớ về quê mình, về những chiếc sà lan, tàu há mồm chở hàng hóa chạy trên sông dòng sông Luộc. Tớ nhớ tới tuổi thơ, nhớ những ngày cắp sách tới trường…”
Nghe mà tôi dửng dưng, tới đó, lòng chợt lộn lên tức, sao có kẻ trơ chẽn thế, từng ngụp lặn, ăn cắp, chửi thày cô giáo, làm gì có tư cách nói ra điều đó. Tôi lại nghe thằng Sẹo nói tiếp: “Buổi tới lớp đó, nghĩ là buổi học cuối cùng, tớ sẽ chia tay các bạn, chào cô chủ nhiệm. Hoàn cảnh nhà tớ bi đát lắm, không thể tiếp tục theo học nữa. Tớ tự nuôi mình, còn phải thuốc thang chữa chạy cho mẹ nữa. Không ngờ, buổi học cuối cùng của cuộc đời học trò, lại kết thúc như vậy. Tớ day dứt, ân hận lắm!” Kể tới đây, giọng thằng nó lạc đi, không khí buổi gặp mặt trùng xuống. Thằng Sẹo mắt ngân ngấn nước, ngắc ngứ tiếp:
-Xin lỗi các bạn. Gặp nhau, tớ tha thiết có nguyện vọng này... muốn nhờ các bạn đưa tới gặp cô chủ nhiêm. Tớ xin lỗi cô giáo.
- Cô Nhung mất rồi, mất tháng trước.
Một ai đó đáp lại thế.
Thế là thằng Sẹo bật khóc nức nở, cứ ôm lấy mặt mình mà khóc. Cô giáo chủ nhiệm tuổi thơ của nó đã mất mất rồi!/.
Tin cùng chuyên mục
Ông ngoại người H'Mông
20/01/2018
Truyện mới của lão Trần Quê
17/01/2018
Sự tích những ngày đẹp trời
06/01/2018
Phòm chôn sổ đỏ
14/12/2017
Kỷ vật thiêng liêng ( Phần II)
21/11/2017
Kỷ vật thiêng liêng
21/11/2017