Ông ngoại người H'Mông
Quê lão Sùa mãi tận Lào Cai. Đây là lần thứ bảy lão về phố. Bảy lần xuống núi, vậy mà lần nào cũng thế, lão vẫn cứ hồi hộp. Thương con, nhớ cháu khiến lão quên hết cả mệt nhọc. Hè về đã gần tháng nay rồi mà chẳng thấy mẹ con chúng về quê như đã hứa. Nhớ cháu quá, lão đành lọ mọ khăn gói đi thăm. Mấy hôm nữa, sinh nhật cu Tèo, chắc xong việc đó thì vợ chồng cái con nhà nó mới về? Vậy thì lão đi thăm chúng dự luôn thể. Xem sinh nhật ở phố thế nào. Có khác ở quê không? Mà quê lão, cái đồng rừng tút hút ấy có ai làm sinh nhật bao giờ mà so với sánh?
Tại bến xe khách thị xã, lão Sùa khệ nệ tay xách nách mang ngơ ngác giữa đám đông ồn ào. Ngoài kia, nườm nượp người xe, lão nhìn rối cả mắt. Từ đây về nhà con gái lão phải mất một độ đường nữa. Chẳng biết gần xa bao nhiêu. Những lần trước, lão toàn đi xe ôm. Nó chạy vòng vèo khoảng hai chục phút thì tới. Lần này chẳng thấy chúng đâu cả. Chắc người ta dẹp trật tự, không cho đón khách trong bến? Xốc lại ba lô sau lưng, xách lồng gà lên, lão định hướng rồi bước theo mọi người.
Vừa ra tới cổng bến, ba bốn tay xe ôm vòng tới nhao nhao quây lấy lão. Một người trong bọn họ gạt chân chống, dựng xe, chạy lại. Một tay giằng cái lồng gà, tay kia nó lôi lão về phía chiếc xe. “Mời bố lên xe con. Giá hữu nghị luôn”. Vừa nói, nó vừa chụp cái mũ bảo hiểm lên đầu lão. Chẳng kịp phản ứng gì, lão Sùa trèo lên xe ngồi sau nó như một cái máy. Yên vị, tay xe ôm quay lại hỏi: “Nào, bố bản về đâu?”. Lão Sùa bảo về phố ấy, nhà ấy. Tay lái xe nổ máy, vù ga vừa lúc cánh trật tự đeo băng đỏ đến xua. Chiếc xe ôm chở lão mất hút giữa đường phố tấp nập.
Quê lão Sùa mãi tận Lào Cai. Đây là lần thứ bảy lão về phố. Bảy lần xuống núi, vậy mà lần nào cũng thế, lão vẫn cứ hồi hộp. Thương con, nhớ cháu khiến lão quên hết cả mệt nhọc. Hè về đã gần tháng nay rồi mà chẳng thấy mẹ con chúng về quê như đã hứa. Nhớ cháu quá, lão đành lọ mọ khăn gói đi thăm. Mấy hôm nữa, sinh nhật cu Tèo, chắc xong việc đó thì vợ chồng cái con nhà nó mới về? Vậy thì lão đi thăm chúng dự luôn thể. Xem sinh nhật ở phố thế nào. Có khác ở quê không? Mà quê lão, cái đồng rừng tút hút ấy có ai làm sinh nhật bao giờ mà so với sánh? Xong việc, lão sẽ đón chị em cu Tèo về nghỉ hè trên bản cho bà nó mừng.
Leo hết sáu tầng cầu thang, lão Sùa thở dốc. Rõ khổ. Có thang máy nhưng lão không dám đi. Biết bấm nút nào cơ chứ? Những lần trước, con cháu lão đã hướng dẫn rồi đấy nhưng lão vẫn sợ. Nút bấm chả bấm lại bấm nút không. Nó dông thẳng ngược lên tầng mười hai thì chết. Biết đường nào mà xuống? Hoặc giả nó đột ngột mất điện, kẹt cứng ở lưng chừng thì làm sao? Có ai lên cùng đâu mà nhờ? Thôi thì leo bộ cho nó khỏe. Tránh voi chả xấu mặt nào. Ở nhà leo núi quen rồi. Mấy cái bậc cầu thang này nhằm nhò gì. Vậy mà lần này sao lão lại mệt thế cơ chứ? Đúng là tuổi tác càng cao sức khỏe càng thấp. Các cụ nói cấm có câu nào sai.
Dừng trước cửa phòng, đặt cái lồng gà xuống, lão lấy lại nhịp thở. Sau đó lão bấm chuông. Cửa phòng mở. Ra đón lão là cái Nga, chị thằng Tèo. Mắt con bé sáng lên. Nó đứng ngây nhìn lão từ đầu đến chân rồi reo to: “A! Ông ngoại! Ông ngoại về chơi mẹ ơi!”. Thằng Tèo nghe chị gọi vội chạy ra. Nó chào ngoại rồi chạy lại ôm chầm lấy lão. Lão Sùa cúi xuống bế thằng bé. Cái Nga giúp ông xách chiếc lồng gà. Ba ông cháu ríu rít bước vào nhà. Ngân, con gái lão từ phòng bếp chạy ra. Chị đỡ chiếc ba lô cho bố và bảo Nga xách con gà để vào phòng tắm.
“Ba mẹ con ở nhà cả thế này? Thế bố chúng nó đâu?”. Vừa yên vị trên ghế, lão Sùa hỏi con gái. “Hôm nay chủ nhật, con và các cháu đều nghỉ cả mà bố - Ngân nói - Nhà con vẫn phải ra công trường. Sao bố xuống bến không điện để con ra đón?”. “Điện đóm gì. Có máy đâu mà điện. Mí lại dăm chục xe ôm cho nhanh. Đón với đưa cách rách lắm”. “Những năm chục cơ á? Chỉ hai lăm ngàn thôi. Thế là nó chém bố rồi!”. “Hây dà! Chém với chả băm. Cốt được việc cho mình”. “Cũng tại bố cứ mặc bộ đồ này cơ. Con đã bảo với bố bao nhiêu lần rồi. Về đây bố phải mặc khác ở nhà. Mặc thế này ai cũng biết ngay là người dân tộc”. Ngân ca cẩm. Lão Sùa chặn ngang: “Hây rà! Dân tộc thì đã sao? Mới coóng thế này, oách phết đấy”. “Oách! Oách mới để cánh xe ôm nó chém cho. Thôi, bố nghỉ ngơi tắm rửa rồi thay bộ khác cho con nhờ”. Ngân vẫn cấm cẳn. “Nhưng tao mang toàn quần áo bố bản thôi”, lão Sùa nói. “Thế quần áo bộ đội của bố đâu?”. “Ở nhà. Có đi họp đồng ngũ đâu mà mặc”. “Mấy bộ quần Tây con mua cho bố?”. “Cũng để nhà. Mặc cái ấy không quen. Gò bó lắm”. “Vậy thì bố lấy quần áo ngủ của nhà con mà mặc”. “Thôi. Khỏi cần. Tao cứ bộ này tao mặc”. Lão Sùa dứt khoát. Cái Nga lúc này mới lên tiếng: “Con thấy ông ngoại mặc thế này đẹp mà. Trường con, văn nghệ nha, các bạn con í, đứa nào được mặc quần áo dân tộc thì đứa ấy nổi bật hẳn lên nha. Con cũng có lần được mặc giống dì với bà ngoại đấy, ông ạ. Thích lắm”.
Đang buồn với con gái, nghe đứa cháu nói vậy, lòng lão Sùa dịu lại. Tuy nhiên, lão vẫn không vui khi thấy con gái lão thay đổi nhiều quá. Nó không muốn mình mặc quần áo của tổ tiên ư? Chẳng những thế, cả nói tiếng dân tộc mình nữa, nó cũng không cho lão nói. Trước đây, đã có lần lão dùng tiếng mẹ đẻ để nói chuyện với nó thì mặt nó bỗng tái dại đi. Nó xua tay ra hiệu, rồi rỉ tai lão: “Con xin bố. Bố đừng nói tiếng Mông với con nữa. Về dưới này bố hãy dùng tiếng phổ thông cho con nhờ. Bố nói thế, nhà con nghe không hiểu lại cho bố con mình là thế nọ thế kia. Phức tạp lắm”. Thế đấy. Lại đến mức ấy nữa cơ đấy. Chả lẽ nó xấu hổ về việc đó? Chả lẽ nó chối bỏ nguồn cội? Sau rồi, nghĩ lại lão thấy con gái lão cũng có ý đúng của nó. Tất cả đang chuyện trò vui vẻ mà bỗng nhiên xen vào một thứ ngôn ngữ khác thì cũng chối thật đấy. Thôi thì chiều nó vậy. Nhưng, riêng việc mặc thì lão dứt khoát. Cứ quần áo dân tộc lão mà mặc. Chả gì, đó là bản sắc truyền thống, là niềm tự hào tổ tiên của lão. Đến nhà nước kia cũng còn tôn trọng nữa là.
Lão khuyên con gái phải tự hào về những cái nhất của dân tộc Mông của mình. Ngôn ngữ nhiều thanh, nhiều từ láy nhất. Gạo Mèo, rượu Mèo, táo Mèo ngon nhất. Lợn Mèo, bò Mèo to nhất. Cày Mèo, cối xay Mèo bằng đá độc đáo bền chắc nhất. Ruộng bậc thang với hệ thống tới tiêu ở lưng chừng núi tuyệt vời nhất. Váy Mèo, áo Mèo sặc sỡ đẹp nhất. Múa Mèo, hát Mèo vào loại hay nhất. Rồi thì súng Mèo tự tạo, dao Mèo tốt sắc nhất. Người Mèo đi bộ leo dốc giỏi nhất, vượt khó và hiên ngang nhất…Bây giờ người ta gọi dân tộc Mèo là dân tộc Mông đấy.
Từ một thiếu nữ vùng cao, Ngân - con gái lão Sùa một bước trở thành người phố thị. Số là ngày đó, học xong trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Ngân học tiếp trường y. Nguyện vọng của nàng khi đó là trở thành bác sĩ để về phục vụ dân bản. Nàng càng ngày càng đẹp, như một đóa hoa rừng đầy hương sắc. Bao nhiêu chàng trai vây quanh. Tuy nhiên, Ngân đều tránh họ, nàng chỉ chú tâm cho học tập. Thế rồi, trong một cuộc thi nữ sinh thanh lịch do tỉnh tổ chức, Ngân đoạt ngôi vị cao nhất. Đạt, chồng Ngân bây giờ, khi đó đang thi công công trình bệnh viện của tỉnh đã đeo bám Ngân. Đặc biệt, sau nhiều đêm giao lưu văn nghệ giữa đoàn thanh niên trường Ngân và đoàn thanh niên công ty xây dựng của Đạt, đôi trai tài gái sắc ấy quấn lấy nhau như định mệnh. Đạt đàn giỏi, Ngân hát hay. Hai người không chỉ say nhau trong tiết mục biểu diễn mà cả sau cánh gà sân khấu và ở ngoài đời nữa. Đạt chăm sóc, săn đón, lo lắng cho Ngân. Và rồi, khi Ngân ra trường họ nên vợ thành chồng. Nàng theo chồng về xuôi từ đó.
Vợ chồng Ngân Đạt sống với nhau khá hạnh phúc. Từ đội trưởng thi công, Đạt đã leo dần lên tới chức phó giám đốc công ty. Ngân trở thành y sĩ công tác ở một trạm y tế phường. Họ mua căn hộ tầng bảy của một chung cư rất bề thế giữa thị xã. Lần lượt cái Nga, thằng Phúc (thường gọi là Tèo) ra đời. Ngân bằng lòng với cuộc sống của mình. Thực ra, ban đầu nàng cũng trăn trở lắm. Nhớ mường, nhớ bản da diết lắm. Cấp trên đầu tư cho nàng ăn học để về phục vụ quê hương, thế mà nàng đã phụ họ. Nhiều hôm Ngân nhớ bố mẹ, nhớ núi rừng vô cùng. Sau rồi, cuộc sống cuốn hút, nàng quen dần.
Nghĩ đi rồi nghĩ lại, trước kia có mơ nàng cũng không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình bây giờ. Cửa cao nhà rộng, chung cư nhiều tầng, giữa lòng thị xã, chồng giỏi, con ngoan, công việc nhàn nhã, ổn định… hỏi còn gì hơn thế nữa? Mỗi năm đôi lần về quê, nàng lại có dịp so sánh cuộc sống giữa hai nơi. Bạn bè cùng trang lứa chúng vẫn lam lũ, cũ kỹ với núi rừng. Còn nàng, ngày càng mơn mởn, xinh đẹp, quý phái hơn. Dần dà, Ngân cố quên đi, cố giấu đi cái gốc gác hoang dại của mình. Mỗi lần có người nhà trên quê xuống chơi, nàng vừa mừng vừa lo. Mừng vì gặp lại người thân. Lo vì dân phố lại có dịp “cà kê dê ngỗng” về nguồn gốc “dân tộc” của mình. Thế nên, người thân của nàng đến thăm thưa dần rồi ít hẳn. Chỉ có bố nàng là thường xuyên về đây thôi.
Cơm nước xong, lão Sùa bảo cháu dẫn sang thăm mấy nhà hàng xóm. Gì thì gì cứ phải chào hỏi nhau một đôi câu cho phải phép. Biết được ý định của lão, Ngân chặn luôn: “Bố không phải đi đâu cả. Nhà người ta bận suốt tuần, được ngày chủ nhật tự do, bố đừng quấy rầy họ. Không như ở trên quê mình đâu. Nhà nào biết nhà đó thôi đấy”. Ngân lại gần bố thì thầm: “Bố thấy không? Người ta còn làm thêm cả cửa sắt khóa ngăn từng tầng, từng khu một đấy, bố ạ”.
Lão Sùa trầm ngâm. Đúng thế thật. Chung cư có thêm nhiều cửa sắt quá. Ra mở, vào đóng. Ai cũng có chìa, ai cũng khóa ngay tắp lự. Chả khác gì nhà tù. Sống thế này chán chết. Chả như trên rừng quê lão. Mỗi nhà một quả đồi, một vạt rừng. Vậy mà người ta thường xuyên thăm thú nhau. Vượt suối, trèo đèo, lội bộ đến với nhau. Rượu suông, chuyện gẫu, cởi lòng mở dạ cho nhau. Vui phết. Vài ngày không gặp nhau là bứt rứt, khó chịu. Chả cần cửa đóng then cài, xe máy, ngô thóc cứ để ngoài sân cũng chẳng sao. Đây thì khác, im ỉm suốt. Nhà cửa ngóc ngách hang hốc. Gặp nhau toàn như khách lạ. Thân quen lắm cũng chỉ khẽ gật đầu.
Nhớ lần đầu tiên xuống đây, lão Sùa ở nhà một mình. Lão mở cửa nhà thông thống. Rồi lão kê ghế ra cửa ngồi. Ai đi qua, lão cũng chào. Có người lão còn hỏi thăm khá kỹ. Rồi thì lão sang nhà người ta chơi. Chuyện gẫu cả buổi. Đến khi con gái lão đi làm về thấy vậy hốt hoảng chạy sang gọi lão về. Nó cấm cẳn dặn lão từ rày đừng la cà hàng xóm, đừng chào hỏi lung tung người ta như thế nữa. Lạ! Lão Sùa bực cả mình. Thế còn gì là “tối lửa tắt đèn có nhau”? Vài hôm sau, cái bụng lão chán quá. Lão ngược rừng về quê, rút ngắn kế hoạch chơi thăm con cháu.
Chiều, con rể lão về. Thấy bố vợ xuống chơi, anh vui lắm. Một điều xin lỗi, hai điều xin lỗi. Nào là con bận việc quá chưa đưa nhà con và cháu về thăm ông bà được. Rồi thì đợt này bố xuống đây, phải ở chơi lâu để con đưa bố đi thăm thú thành phố. Nó hỏi thăm mẹ vợ và những người thân trên quê lão. Nó nhắc cả cái cầu thang, cái sàn nhà với bao nhiêu kỷ niệm của nó mỗi lần về thăm. Tính Đạt xởi lởi, dễ gần. Hễ bố vợ xuống chơi là Đạt tìm cho bằng được cái điếu cày để bố hút thuốc. Điếu ục hẳn hoi nhé. Bắn thuốc lào loại này nới sướng.
Những lần trước về đây, lão mang theo cả cái điếu ục to tướng. Con gái lão thấy vậy ngại quá. Nó ngượng với chồng về ông bố “Khốt ta bít” của mình. Thấy lão lôi cái điếu từ trong ba lô ra, Đạt nói luôn: “Lần sau bố xuống chơi, đừng mang theo cái điếu này nữa”. Lão Sùa ngẩn người ngỡ ngàng nhìn Đạt. Còn Ngân thì giật thót mình. Biết ngay mà. Chồng mình gớm lắm. Lão Sùa tần ngần phân bua: “Anh thông cảm. Tại tôi nghiện nặng. Cái bụng tôi nó thèm thuốc quá mà”. Đạt cười cười. Anh chậm rãi, nói rành rọt từng tiếng: “Ý con là thế này. Bố xuống đây, con khắc có điếu cho bố hút”. “Nhưng cái bụng tôi chỉ thích loại điếu ục này thôi. Ở đây làm gì có?”. “Con kiếm được mà”. Đạt bảo sẽ ra chỗ bán đồ tre trúc, chắc chắn sẽ có. Anh đã mua loại điếu này cho anh em đội thi công hút rồi. “Bố yên tâm không phải lo điếu ục nữa. Đường xa mang đi kích rích lắm”. Y rằng, chiều hôm ấy, anh mang về đúng cái điếu mà lão Sùa cần. Đạt còn vê thuốc, châm lửa, hút một điếu thuốc trước mặt Ngân. Cũng tóp má rít, chúm môi phả khói. Cũng hai mắt lờ đờ nhìn theo làn khói bay rất khoan khoái. Thì ra, ngày trước, đi các công trình vùng cao, Đạt cũng đã từng hút điếu ục như thế.
Bữa cơm chiều hôm ấy vui lắm. Cả nhà quây quần quanh mâm cơm. Đích thân Đạt thịt con gà mà lão Sùa mang về. Đúng là gà chạy bộ, gà đồi. Thịt vàng ươm, béo ngậy. Lão Sùa bảo để con gà này đến sinh nhật cu Tèo hãy thịt. Quà bà ngoại gửi cho đấy. Vợ chồng Đạt nói với lão: “Sinh nhật cháu, chúng con tổ chức ở nhà hàng. Chiều nay ăn thịt gà của bố. Liên hoan nội bộ cho ngon”. Cu Tèo nghe bố nói vậy vội reo lên: “A! Tuyệt quá! Hoan hô bố! Hoan hô ông ngoại!”.
Ngoài con gà ra, lão Sùa còn mang về cơm lam, măng sặt, cả mấy chai mật ong nữa. Toàn những thứ ở rừng. Về đây, nó trở thành đặc sản. “Ngày kia mới sinh nhật cháu - lão Sùa vừa thò tay vào trong ba lô vừa nói với cu Tèo - Ông có quà cho cháu đây”. Thằng Tèo tròn mắt hồi hộp. Cả Đạt, Ngân rồi cái Nga cũng háo hức. “Cái này đích thân ông làm đấy. Gỗ đinh hẳn hoi nha. Cứng phải biết”. Lão Sùa lấy ra một vật bọc trong lớp giấy báo. Thằng Tèo xăm xoe: “Cái gì vậy ông?”. Bóc lớp vỏ giấy báo, một cục gỗ tròn tròn, bóng lỳ hiện ra. Ba bố con Tèo tò mò, háo hức.
Lão Sùa thủng thẳng nói: “Con quay đấy. Trên rừng trẻ con, cả thanh niên nữa rất hay chơi trò này. Hồi trước ông cũng mê nó lắm”. Cu Tèo đón lấy con quay mân mê: “Chơi thế nào hả ông?”. Lão Sùa lấy tiếp đoạn dây dù trong ba lô ra, cuốn quanh con quay rồi làm động tác văng tròn thả nó rơi trước mặt. Nền gạch nhẵn bóng, phẳng lì, con quay quay tít. Cu Tèo thích quá đứng khom người nhìn chăm chăm. Quay một lúc khá lâu, con quay loạng choạng rồi đổ ngã. Tèo cầm lên loay hoay làm theo lão Sùa. Nó lóng ngóng cuốn dây, vung thả. Con quay văng ra lọc cọc nằm chỏng chơ dưới gậm bàn. Cái Nga buột miệng: “Chẳng bằng con quay người ta bán ở siêu thị. Xanh đỏ rõ đẹp, lại dễ chơi nữa”. Đạt nghe con nói vậy liền át: “Đấy là đồ Tàu. Trông đẹp mã vậy thôi nhưng không tốt đâu. Trẻ con chơi nguy hiểm lắm. Con này của ông mới chuẩn nè”. Ngân lên tiếng: “Cháu có cả đống đồ chơi kia kìa, ông lại cứ chiều nó”. “Nhưng đây là quà sinh nhật của ông ngoại cho Tèo - Đạt cắt lời vợ rồi quay sang hỏi con - Thích không con?”. Cu Tèo hớn hở: “Thích lắm bố ạ. Mai ông dạy cháu chơi nhé!”.
*
* *
“Chiều nay, chúng con tổ chức sinh nhật cho cháu Tèo ở nhà hàng. Bố mặc bộ đồ này vào nhé!”. Ngân cầm bộ quần áo mới đưa cho lão Sùa. Lão Sùa ngần ngừ. “Con vừa mua ở siêu thị đấy - Ngân nói tiếp - Bố mặc vào cho hợp. Bạn của nhà con toàn khách sang thôi. Bố mặc thế này trông cổ lỗ lắm”. Nhìn thẳng mặt con gái, lão Sùa nói vẻ giận dỗi: “Vậy thì thôi. Tao ở nhà. Cả nhà mày cứ đi nhà hàng mà sinh nhật”. “Không. Ông phải đi với chúng cháu - cu Tèo giãy nảy - Ông về dự sinh nhật cháu cơ mà”. “Ông cứ mặc vậy đi cho oách - cái Nga tiếp lời em - Cháu thích ông đúng là ông cơ. Ở trường cháu, chỉ khi nào có sự kiện mới được mặc đồ dân tộc đấy. Mà chỉ một số bạn thôi nhé. Ông mặc như này cháu mới thấy đẹp cơ”. Vừa lúc đó, Đạt xuất hiện. Nghe vợ và hai con đang bàn cãi nhau về việc mặc của bố vợ, anh nói luôn: “Bố đừng nghe nhà con. Bố cứ mặc thế này cho con. Hôm nay sinh nhật cháu Tèo, ông bà nội cháu không tới được, có ông ngoại thế này là nhất rồi”. Quay sang Ngân, Đạt nhỏ nhẹ: “Em buồn cười thật. Sao phải thế?”. Ngân ngúng nguẩy: “Em chỉ sợ anh thôi”. “Sợ gì mà sợ - Đạt càu nhàu - Chỉ được cái nghĩ linh tinh. Chính em mới là cổ hủ nha”.
Chiếc INNOVA đến đón cả nhà Đạt Ngân đi nhà hàng theo kế hoạch. Lão Sùa ngồi ghế trước, cạnh lái xe. Vợ chồng cái con nhà Đạt ngồi hai ghế sau. Chú lái xe cho Đạt khá nhanh nhẹn nhưng có vẻ ít nói. Chào hỏi lão Sùa xong, anh ta tập trung vào tay lái. Đường phố nườm nượp thế này, căng thẳng thần kinh lắm. Lão Sùa nghĩ vậy. Thế nên, mấy lần lão định bắt chuyện với lái xe song lại thôi. Người ở đâu mà lắm thế không biết. Cả xe cộ nữa. Cứ ríu rít tối hết cả mắt.
Nhà hàng Sao Mai rất hiện đại nằm giữa thị xã. Thực khách đông lắm. Đạt dẫn gia đình mình vào căn phòng đã đặt trước ở phía sát bờ sông. Chỗ này vừa đủ kín đáo lại có không gian thoáng đãng, vừa dự tiệc vừa ngắm cảnh được. Gió sông thổi tới mát rượi. Từng đám lục bình lững lờ trôi trên sông. Tiếng nhạc ghi ta thánh thót, dìu dặt vừa đủ nghe. Lão Sùa tranh thủ quan sát toàn bộ căn phòng. Sang quá. Bàn ghế bọc vải trải khăn trắng toát. Mỗi bàn một bát hoa tươi và chục cái ghế quây quanh. Như vậy là cỗ đóng mười chứ không như quê lão chỉ đóng sáu. Có cả phông trang trí nữa. Dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật Minh Phúc 7 tuổi” nhiều màu nổi bật trên nền phông xanh. Cả hình họa đô rê mon nữa thì phải. Hình như thế. Lão Sùa đoán vậy. Lão không rành cái món này lắm. Chiếc bàn tròn xinh xắn đặt ở giữa trung tâm sân khấu, trên đó là chiếc bánh ga-tô khá to cắm bảy ngọn nến. Lão Sùa ngợp trong khung cảnh sang trọng ấy.
Ít phút sau, khách khứa kéo đến. Mẹ nào con nấy. Bố nào mẹ nấy. Từng cặp, từng đôi, có người kéo cả nhà đến. Trên tay họ là những gói quà xinh xinh. Chào hỏi ríu rít. Ai cũng đến bắt tay lão Sùa. Lũ trẻ con nhìn lão ngạc nhiên lắm. Mấy đứa còn chỉ chỏ về phía lão hỏi bố mẹ. Bộ quần áo H’mông lão mặc nổi bật giữa đám đông.
Đang đông khách vậy, con gái lão vẫy lái xe lại cùng ra xe. Lão tò mò hỏi con rể. Đạt cho biết Ngân đi đón bạn của cô ấy. Thế rồi, sau những lời chào hỏi, mọi người ai nấy đều cắm mặt vào chiếc điện thoại. Có cả cái gì to như quyển sổ nhưng mặt sáng lên như màn hình ti vi. Lũ trẻ túm năm tụm ba dán mắt vào những cái như thế. Người lớn thì mỗi người một chiếc, chẳng ai nói với ai câu nào. Hai đứa cháu lão cũng vậy. Hình như chúng lướt web. Cái Nga chả có lần đã nói với lão thế là gì. Lão Sùa trơ ra giữa đám đông.
Buồn tình, lão chắp tay sau đít đi ra cửa. Phòng kế bên cũng khá đông. Cảnh tượng cũng gần như phòng bên này. Tất cả cũng đang chúi mũi vào chiếc điện thoại và quyển sổ màn hình. Lạ thật. Rủ nhau ra quán liên hoan, giao lưu mà chẳng ai thèm nói với ai câu nào? Đang vẩn vơ như thế, lão Sùa chợt thấy một thằng khá bặm trợn len lén nhìn cái túi xách của một thiếu phụ ngồi ngoài cùng. Chị ta vẫn mê mải với cái điện thoại. Lão không rời mắt khỏi nó. Bộ dạng nó khả nghi lắm.
Y như rằng, nó ngó trước ngoảnh sau rồi giật phắt cái túi của chị nọ trong chớp mắt. Chị ta ú ớ, đánh rơi chiếc điện thoại. Lão Sùa liền băng mình đuổi theo thằng kia. Nó chạy về phía bờ sông. Không có ai bám theo cả. Lão Sùa tiến sát nó. Nó quay lại vung dao lên. Bằng một thế võ, lão gạt tay dao, ngáng chân nó. Nó ngã sõng soài. Lão Sùa lao vào đè lên thằng kẻ cắp. Hai bên vật lộn quần nhau trên bãi sông. Lão sáu mươi đấu với thằng hai mươi. Mặc dù là lính trinh sát thật nhưng ở cái tuổi này lão Sùa cũng đã xuống sức nhiều. Tuy nhiên, với các thế võ hiểm, lão vẫn giữ được thế chủ động. Bất ngờ, lão thấy nhói ở sau lưng. Mặc. Lão giật ngược cánh tay thằng kẻ cắp khóa trái lại. Vừa lúc đó, một số người cũng kịp tới hỗ trợ. Lão Sùa lịm dần rồi không biết gì nữa.
Thấy phòng bên nhốn nháo kêu cướp, Đạt vội chạy sang. Chị mất túi xách kêu khóc chỉ chỏ ra phía bờ sông. “Nó chạy hướng đó. Chỉ có ông lão dân tộc đuổi theo thôi. Anh ơi! Mọi người ơi! Bắt nó giúp em với!”. Đạt nhìn quanh, không thấy bố vợ đâu, đoán là ông đã đuổi theo nó. Anh liền lao đi. Người lớn trẻ con tất cả đều ngơ ngác.
Ngân trở lại nghe tin, chị cuống lên. Giời ơi! Liệu bố có làm sao không? Người ta “đám ăn tìm đến đám đòn tìm đi” sao bố cứ “ôm rơm nhặm bụng” thế cơ chứ? Vừa lúc đó, mấy người dẫn tên kẻ cắp cũng về tới. Họ trao cái túi cho cô gái. “Phúc tổ nhà chị nha. Hôm nay, may có ông dân tộc ấy không thì chị mất trắng”. Nhận lại cái túi, chị vội hỏi: “Thế ông lão đâu rồi?”. “Bị nó đâm. Đưa vào bệnh viện rồi”. “Có nặng không?”. “Chắc là nặng lắm. Máu me bê bết hết cả”.
Ngân tái mặt kêu khóc. Cái Nga, thằng Tèo thấy thế cũng khóc theo. “Bố con đâu?”. Ngân cuống cuồng hỏi con gái. Nga nghẹn ngào: “Lúc nãy, bố con đuổi theo ông rồi!”. Ngân bấm điện thoại gọi chồng. Đạt không bắt máy. Ngân càng lo. Chị gọi lái xe đưa mình vào bệnh viện.
“Có ca cấp cứu nào mới vào không bác?”. Vừa tới cổng viện trung tâm, lái xe thò đầu ra hỏi. Ông bảo vệ đáp: “Có. Có một ca vừa vào đấy”. “Có phải người mặc quần áo dân tộc không ạ?”. Bảo vệ gật đầu. Chiếc xe vọt qua cổng, đỗ sịch trước cửa vào. Xuống xe, Ngân vội vã chạy thẳng đến phòng cấp cứu. Mấy hộ lý trực chặn Ngân lại. Ngân khóc lóc trình bày. “Chị bình tĩnh để chúng tôi xử lý. Trong đó đã có anh ấy rồi”. Ngân đành ngồi ở dãy ghế chờ. Lòng Ngân như lửa đốt. Mãi sau, Đạt mới xuất hiện. Ngân túm lấy tay anh hỏi dồn dập. Đạt vội nói: “Bố bị nó đâm sượt vai. Cũng may, không nguy hiểm lắm. Các bác sĩ sử lý tạm ổn rồi”.
Sáng hôm sau, một đoàn người kéo đến bệnh viện. Ai cũng hỏi thăm “ông dân tộc” nằm đâu. Đi đầu là anh công an và cô gái có cái túi xắc suýt bị mất cắp hôm trước. Vừa đi họ vừa trò chuyện. Sao lại có người dũng cảm thế không biết. Lúc đầu, nhìn ông mặc quần áo người dân tộc, tôi cũng chẳng để ý đâu. Thế mà ông này tinh nhanh thật…
Lão Sùa đã tỉnh và được đưa ra nằm ở phòng bệnh nhân thường. Cô gái suýt bị mất cắp hôm qua nâng túi hoa quả lên trước mặt lão Sùa và nói: “Cháu cảm ơn bác. Không có bác lúc đó thì cháu mất sạch. Giấy tờ. Năm chục triệu cháu vừa rút ngân hàng xong. Bác cố ăn uống, thuốc thang cho chóng khỏe ạ”. Anh công an khu vực trao gói quà và cũng nói lời biểu dương lão. Lão Sùa mỉm cười: “Cảm ơn anh chị. Tôi ổn rồi. Lần sau chị nhớ cẩn thận hơn”. Quay sang Ngân, lão nói: “Hoa quả thì nhận, còn phong bì thì gửi lại các bác”.
Cu Tèo cầm con quay đến bên: “Ông mau khỏe để về dạy cháu chơi quay, ông nhé!”. Lão Sùa mỉm cười: “Nhất định rồi. Năm nay, cháu bảy tuổi rồi đấy. Nhớ chăm ngoan học giỏi nha”. Ngân vui vẻ nhìn hai ông cháu. Đến lúc này chị mới nhận ra bố mình vẫn mặc cái áo dân tộc H’mông bên trong cái áo của bệnh viện. Bất giác, chị nhớ tới những lời dạy của bố về những cái nhất của dân tộc mình. Rồi chị hãnh diện lặng ngắm ông Sùa và mỉm cười một mình trong tiếng ríu rít chuyện trò của mấy vị khách.
Đ.X.T
Tin cùng chuyên mục
Truyện mới của lão Trần Quê
17/01/2018
Sự tích những ngày đẹp trời
06/01/2018
Phòm chôn sổ đỏ
14/12/2017
Kỷ vật thiêng liêng ( Phần II)
21/11/2017
Kỷ vật thiêng liêng
21/11/2017
Đừng đốt sách nữa em
13/11/2017