Đừng đốt sách nữa em

Tôi cầm lên cuốn “ Chiếc lá cuối cùng”. Nước mắt trào tuôn lã chã. Còn gì nữa mà phải níu giữ chiếc lá cuối cùng trong mưa tuyết. Mở cuốn sách ra, mười ngón tay tôi run bần bật. Xé ư? Xé “Chiếc lá cuối cùng” tuyệt diệu này ư? Một khát vọng tình yêu lẽ sống, bỏng cháy đến ngần nào. Không xé ư? Lòng tự ái và tự trọng, bóp thắt tim tôi đến ngạt thở.


 

 

 

Cô giáo chủ nhiệm của tôi bị điên. Cô Hương bị điên. Cả làng người ta đồn rầm lên, rằng cô bị ếm bùa. Bùa điên của người tình cũ.
Tôi tin tất tật, vì tôi là đứa đầu tiên trong lớp cảm nhận ra điều khủng khiếp ấy. Vâng! Vào cái buổi có tiết học văn của cô, lớp chúng tôi đợi mãi, đợi mãi mà không thấy cô đến, tôi với cái Thanh đã phải tìm đến nhà cô. Có thể cô bị ốm. Mùa đông rét như thế cơ mà. Da trời lúc nào cũng tím tái, bờn bợt. Gió hun hút như cắt như cứa. Lại còn mưa phùn lắc rắc cả ngày. Đêm đêm, gió từ bên kia đồi Mỏ Quạ, vượt qua dốc cỏ tranh, cỏ ráng, trườn qua những rừng mơ, rừng mận, rừng luồng, hu hú nối nhau trượt xuống thung lũng, nghe như tiếng khóc của những oan hồn chết yểu. Giá lạnh cắn đốt nhoi nhói đến thót cả ruột gan, đến không thể nào nhắm mắt, dù mẹ tôi đã đốt cả đống củi gộc giữa nhà.
Đây là lần đầu tiên tôi đến nhà cô giáo chủ nhiệm của mình. Nhà ở không xa lớp học sơ tán là mấy, bốn phía được vây kín bằng hàng rào tre gai; phía trước có cái cổng bằng đá tổ ong, mốc thếch những mảng rêu chết rét. Khi nghe chúng tôi gọi cổng, cả một đàn chó vằn vện xồ ra, sủa nhắng nhỏi ầm ầm, rồi nhe nanh gầm gừ đe doạ. Ở làng Thạch Bình này, chỉ giàu chó, nhà nào cũng nuôi chó cả bầy. Chúng chỉ ăn cám lợn, ăn mót phân người, thế mà con nào cũng to cao lừng lững, dữ dằn như cọp. Chỉ cần một con gầm lên, là cả bầy hùa theo ông ổng. Rồi thì chó cả làng giật mình bắt chước, vô cớ nhào ra sủa. Váng cả lên. Đinh tai. Nhức óc.
Giữa bầy vằn vện nhung nhúc, chỉ mỗi bà cụ hom hem, còng lưng trên cây gậy tre đuổi chó. Phải lâu lắm, bầy ưng khuyến mới chịu câm miệng, mới chịu để cho chúng tôi vào nhà.
- Cụ ạ! Cô Hương có nhà không ạ!
Có vẻ như bà cụ không nghe, mà chỉ nhìn miệng chúng tôi mấp máy thì phải. Cái đầu bạc trắng, cái mặt móp méo, nhăn nhúm, cứ nghiêng nghiêng lắc lắc. Đôi môi mỏng rí trên cái miệng móm hóp, cứ giật giật, giật giật. Đôi mắt kèm nhèm cứ hấp háy, như cố sức đoán chúng tôi là ai.
- Cụ ạ! Chúng con gặp cô Hường ạ!
Tôi vừa hỏi, vừa ngạc nhiên thắc mắc, không hiểu tại làm sao, bàn tay cầm gậy của bà cụ cứ run bắn lên bần bật. Bất ngờ cô giáo của chúng tôi hiện ra nơi ngạch cửa. Gương mặt trắng ngần vẫn tròn trịa, chỉ mái tóc là xổ ra, rối bời như cỏ nát. Cô cười. Cười rất tươi như mỗi lần lên lớp. Tôi lật đật cúi đầu chào, rồi bước tới. Trời ạ! Đôi mắt của cô dài dại. Trống rỗng. Vô hồn. Nụ cười bỗng trở nên ngờ nghệch, như thể người mới mất cả đống vàng. Lập tức tôi lùi lại. Lùi lại. Còn cô giáo của tôi thì cứ bước tới. Bước tới. Nụ cười trắng toát đến khó hiểu. Vấp phải cánh cổng đánh két một tiếng, tôi giật tay cái Thanh. “Chạy!”. Hai chúng tôi vùng chạy như bị ma đuổi.
Sau này. Mãi về sau này. Lâu lắm. Lâu lắm. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi ánh mắt vô hồn và nụ cười trắng toát ấy. Nụ cười của người điên. Nụ cười của cô giáo Hương bị ếm bùa điên. Nụ cười của cô giáo đẹp nhất trường. Đẹp nhất xã. Đẹp nhất huyện. Có thể đẹp nhất tỉnh và đẹp nhất nước cũng nên. Nhưng đó là nụ cười điên. Trắng toát sự câm lặng rợn người. Nhiều đêm tôi đã giật mình choàng thức, vì ám ảnh trong cơn mơ, nụ cười trắng toát màu câm lặng ấy. Ngực rung bần bật. Lưng túa mồ hôi. Rùng mình chạy thon thót từ cổ xuống lưng. Đầu căng nỗi ám ảnh sợ hãi. Cô Hương bị điên tình. Điên tình ư?
Thầy Thi buồn xìu xỉu. Những tiết hình học, lượng giác và đại số của thầy, trở nên rời rạc. Không còn nghe thầy dừng lại đọc thơ như độ nào. “Hỡi sông Bười của một thời hoài vọng, chảy suốt mùa nhung nhớ mãi không nguôi”. Tôi thấy thương thầy. Thương thầy lắm. Thầy vẫn hay đến nhà tôi, cùng ngồi học đàn ghi ta với tôi. Chính tôi dạy cho thầy bấm hợp âm đô trưởng, đô thứ. Thầy đã đàn và hát được vài bài, nhịp nhàng theo tiết tấu và giai điệu. “Làng tôi sau luỹ tre mờ xa, tình quê thân yêu những ngôi nhà”. Thầy đã từng đem đến cho tôi mượn những cuốn bài tập toán, bài tập lý. Có lần thầy còn cho tôi cả xếp giấy ca rô, cả cây bút máy Trường Sơn mà tôi hằng ao ước. Vậy mà bây giờ?.. Thầy ơi! Thầy có vượt qua không?
Tôi mượn cô Dung hai cuốn tiểu thuyết Ai Van Hô, đem đến cho thầy. Thầy kéo tôi ngồi xuống bàn.
- Ta đi thăm cô Hương đi!
Tất nhiên tôi phải đi, dù tôi rất sợ. Tôi sợ ánh nhìn trống rỗng. Tôi sợ nụ cười trắng toát. Tôi sợ mái tóc rối bù như cỏ nát. Nhưng tôi không thể không đi. Cô là cô giáo dạy văn của tôi. Cô giáo chủ nhiệm lớp 7A của tôi. Cô là người tôi từng ngưỡng vọng. Cả về tài năng. Cả về nhan sắc. Nói thật đấy. Trái tim non nớt của tôi đã đôi lần run lên, khi cô bước lại gần tôi và cúi xuống. Có gì đấy phảng phất như hương cỏ sữa. Ngòn ngọt mơn man như ngọn gió chạy dọc triền sông Bưởi.
Cả tháng nay cô bị nhốt trong buồng. Bố cô sợ cô lang thang, lạc vào rừng. Mẹ cô sợ cô ăn phải lá độc, trái độc vốn rất sẵn trong rừng. Thầy Thi chỉ được đứng trước cửa buồng nhìn vào. Tôi đứng sau lưng thầy. Thấy cô thật tội nghiệp. Tóc tai rũ rượi. Da xanh tái. Nụ cười dài dại. Có lần, khi nhìn thấy tôi, bỗng nhiên cô ngồi xuống góc giường, đặt cái gối trước mặt, chỉ tay vào mà nói: “giá trị của văn học là sự chuyển tải thông điệp tâm hồn của nhà văn. Con cò bay lả bay la, là con cò các em ạ! Ầu ơ ơ … con cò … con cò”.
Giọng cô nấc lên. Nghe xa thăm thẳm. Trái tin non nớt của tôi cũng nấc lên. Tôi muốn vào với cô, nhưng tôi sợ. Sợ lắm. Cô của tôi bị điên. Điên thật rồi. Ai cũng nói, cô bị ếm bùa điên. Bùa điên của người tĩnh cũ.
Qua hết mùa hoa mơ năm ấy, tôi được vào cấp 3, phải trọ học xa nhà trên huyện. Cả lớp 7A của chúng tôi, chỉ có tôi với cái Thanh và chị Én người Mường, đậu được vào cấp 3 trên huyện. Mỗi tuần, chúng tôi vẫn đi bộ cùng nhau hơn hai mươi cây số, từ Thạch Bình xuống Kim Tân. Ai cũng có một ruột tượng gạo vắt trên vai. Ruột tượng của tôi thắt đôi. Một nửa đựng sáu lon gạo, một nửa đựng sáu lon ngô xay. Thức ăn là một lon muối vừng hay một lon muối lạc; ngoài ra, mẹ còn cho tôi một đồng.
Để không phải tiêu vào một đồng quý báu ấy, hàng chiều, tôi vẫn học theo cách cái Thanh, buộc túm những chùm lá sắn lại với nhau thành bó, đem ra thả ngoài ruộng. Sáng sáng, chúng tôi phải dậy thật sớm, xách oi ra ruộng, vớt những bó lá sắn, giũ ra những con ốc nhồi nhỏ nhhư ngón chân cái. Ấy là vào những sáng mùa đông. Mà mùa đông ở vùng bán sơn địa, lúc nào trời cũng rét cắt da cắt thịt. Mỗi lần nhúng tay xuống nước, da thịt như bị hàng ngàn mũi kim châm chích, lạnh thót vào tận gan tận ruột.
Mùa đông thì thế, còn gần hè, trời nóng như đổ lửa. Nước ở các chân ruộng hầm hập như muốn sôi lên. Cua bị nóng, ngoi lên, đeo vào những gié lúa. Tôi với cái Thanh, trưa nào đi học về, cũng ra ruộng bắt những con cua ấy. Cua với ốc đều chỉ nấu với nước muối làm thức ăn. Muốn có canh chan cơm, chúng tôi vẫn thường hái lá khoai ngoài ruộng hợp tác xã, hay lên đồi hái lá mỏ quạ. Có khi tôi còn lấy nước chè xanh, chan vào cơm mà ăn. Nước mắm thì đã có nước mắm cua bà chủ nhà cho dùng thoải mái.
Một lần, tôi với cái Thanh đang bắt cua ngoài ruộng, nhìn lên thì thấy thầy Thi đang đạp xe trên bờ đê. Có lẽ thầy cũng thấy chúng tôi, nên phanh xe lại đứng chờ.
- Thầy đi họp chuyên môn trên huyện, ghé vào thăm các em. Nghe nói các em học giỏi, thầy mừng lắm! Thầy đem cho các em ít xếp giấy nứa, với hai xếp giấy kẻ ngang, các em chia cho chị Én một ít.
Đứng nói chuyện một lúc, thầy khuyên:
- Các em nên kiếm nhà nào rộng, xa trường một chút cũng được, xin trọ cùng với nhau, để giúp nhau cả trong học tập và ăn uống. Em là học trò sơ tán (thầy nói với tôi), khó khăn hơn chị Én với Thanh, thầy cho mấy đồng, để dành mà học.
Khi thầy Thi đã đạp xe khuất vào chỗ con đê nhập vào chân đồi, tôi vẫn bàng hoàng, đứng sững nhìn theo. Tôi sẽ đứng như thế mãi, nếu như tiếng cái Thanh không cất lên rất khẽ: “Thầy Thi yêu cô Hương đấy. Cô Hương bị bệnh điên, thầy buồn lắm! Làng Thạch Bình đã có mấy người từng điên như cô Hương. Bị bệnh đấy! Không phải ai ếm bùa đâu!”.
Nghe theo lời thầy Thi, chị Én tìm được cho chúng tôi một ngôi nhà trọ rất rộng. Đó là nhà bá Mạnh. Bá Mạnh chưa tới 50, cao to và rất khoẻ. Chồng bá ngoài 70, râu cằm để dài xuống ngực, trắng như cước, tôi gọi là ông. Ông Mạnh người mỏng mảnh, tai điếc nghễnh ngãng, bị bệnh gì đấy mà lúc nào cũng phải đắp chiếu nằm một chỗ. Mỗi ngày ông chỉ ngồi dậy vài lần, vào lúc ăn cơm và lúc trời sập tối. Cả hai chỉ có một người con trai, đã bán cho Đức Thánh Trần. Trên mái nhà, ngay chỗ bàn thờ, có gài thanh gươm hộ mệnh của Thánh. Người con trai tên Mạnh, nên người làng mới gọi bá là bá Mạnh, gọi ông là ông Mạnh. Ông Mạnh trước đây là giáo làng, vừa dạy chữ Việt, vừa dạy chữ Nho cho trẻ trong làng, nên rất được mọi người nể trọng. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy người làng đến biếu ông thứ này, thứ nọ. Lúc thì con cá trắm, cá chép; lúc thì rổ trứng gà, nải chuối. Quà ấy ông với bá Mạnh vẫn chia cho chúng tôi, vì nhà chỉ có mỗi ông với bá. Anh Mạnh là con trai một, nhưng không biết bằng cách nào, đã xin được đi bộ đội, đóng quân ở tận đẩu tận đâu. Xa lắm
Làng ít đàn ông, nên bá Mạnh nhờ sức vóc to khoẻ mà thành thợ cày, thợ bừa chính của hợp tác. Việc nặng thì công điểm cao. Công điểm cao thì được chia nhiều lúa. Bởi vậy bà Mạnh mới gom hết gạo của chúng tôi lại, cho thổi cơm ăn chung với ông và bá.
Từ khi ba chúng tôi cùng trọ học ở nhà bá Mạnh, thỉnh thoảng thầy Thi vẫn đạp xe xuống thăm, vẫn đem cho chúng tôi mượn một vài cuốn sách giải bài tập toán, bài tập lý. Và … như đã thành thói quen, lâu lâu thầy lại dúi cho tôi vài đồng. Tôi ngại lắm, nhưng chi Én vẫn bảo, cứ cầm lấy mà mua sách. Tất nhiên, tất cả tiền thầy cho, cùng với đồng bạc mẹ cho, tôi đều dành để mua sách. Lâu ngày, tôi có đủ cả “Vợ chồng A Phủ”, “Cái sân gạch”, “ Sóng gầm”, “ Thời thơ ấu”, “ Lều chõng”, “ Tắt đèn”, “ Bước đường cùng”, “ Chí Phèo”… Cả truyện nước ngoài, như “Sông Đông êm đềm”, “ Đất vỡ hoang”, “ Rừng thẳm tuyết dày”, “ Nhật xuất mặt trời mọc”…Đó là cả một gia tài mà ông Mạnh rất thích, vì ông vẫn thường nằm trên bộ ván ngựa, đọc say sưa từng cuốn.
Một lần, chị Én mượn được ở đâu cái xe đạp, chở tôi ra hiệu sách ngoài huyện mua cuốn “ Ruồi trâu”. Khi trở về, chị nói: “Cô Hương đang trị bệnh ở Thạch Tùng, hay là ta đi thăm cô đi! Nghe nói dạo này cô đỡ lắm rồi”.
Hai chúng tôi đạp xe gần tới Thạch Tùng thì bị thủng xăm, phải dẫn gần cây số mới có chỗ vá. Thấy trời gần tối, chị Én bảo tôi quay lại, vì sợ đường rừng tăm tối. Chẳng may khi gần tới đò sông Bưởi thì xe lại xì hơi, lại phải dẫn. Dẫn được một quãng thì trời nổi dông, rồi mưa ầm ầm trút xuống. Đường sũng nước, đất đỏ nhão ra, quánh lại như bột nếp, không thể nào đi được. Nước cùng, chúng tôi phải tìm vào cái quán nước bỏ không bên đường, nghỉ lại.
Đêm ấy, tôi với chị Én nằm chung trên cái chõng tre, vì ngoài cái chõng tre dùng bán nước ấy, không có chỗ nào khô ráo, để có thể đặt lưng xuống mà ngủ. Để một tay lên người tôi, chị Én nói:
- Người lớn dân tộc Mường vẫn có tục ngủ thương em ạ! Thương nhau thì ngủ thương với nhau để trò chuyện. Có khi quý nhau, người ta còn cho bạn ngủ thương với vợ mình nữa đấy!
Ôm choàng lấy tôi như ôm đứa em trai bé bỏng, Chị Én cứ thầm thì, đều giọng kể cho tôi về các tục của người Mường. Tôi hỏi, có tục ếm bùa yêu, bùa điên không? Chị xoa đầu tôi: “Có đấy! Nhưng mà chỉ nghe nói thôi. Cái tai nghe thấy thì chỉ mới tin một nửa. Bao giờ cái mắt thấy thêm, thì mới tin hết. Người ta có yêu nhau, thì mới yêu nhau được! Chém vào đá cũng không phá được! Còn người ta ghét nhau, đá băng núi lở, buộc chạc chìu, song mây cũng đứt. Sau này lớn thì em biết”.
Chị Én đâu biết, trái tim mười sáu của tôi lúc ấy, đập rạo rực biết bao niềm cảm xúc. Nhưng rồi vì quá mệt, do phải đạp xe đèo chị, do phải dẫn xe, phải vác xe, tôi đã thiếp đi trong những câu chuyện “ Đẻ đất đẻ nước”, “ Nàng Ún chàng Xịa”… Thiếp đi trong giấc mơ lóng lánh sao trời.
Hôm sau, khi cùng cái Thanh lên đồi hái chè cho ông Mạnh hãm nước, tôi hỏi nó, có thật người Mường có tục ngủ thương không. Chớp chớp đôi mắt to tròn, nó nói: “ Có ngủ thương từ xưa đấy! Có chửa buộm nữa! Lỡ chửa buộm với người ta thì phải làm lễ rửa mặt. Giàu thì con trâu. Nghèo thì con gà, con vịt, hay chỉ con cá. Nhưng phải thương nhau thật lòng”.
Từ cái đêm nghe chị Én nói về tục ngủ thương, nghe cái Thanh nói về lễ rửa mặt, tự nhiên tôi hay vô cớ xao xuyến về một điều gì đó. Ngun ngún trong tôi tiếng gọi của một chàng trai đang lớn. Tôi nhận ra rằng, chị Én rất đẹp. Cái Thanh cũng đẹp. Nếu cái Thanh cho tôi ngủ thương thì sao nhỉ? Hồi còn học lớp 7 ở Thạch Bình, tôi từng nghe anh Sở nói rằng, anh rất yêu chị Én. Không biết anh Sở với chị Én có ngủ thương với nhau lần nào? Ngủ thương. Ngủ thương. Chị Én đẹp thế! Cái Thanh đẹp thế! Ngủ thương sẽ thế nào?
Bị hun đốt bởi ngọn lửa con trai, mỗi khi nhìn thấy chi Én ngồi chải tóc, cái Thanh ngồi chải tóc, tôi thường cầm một cuốn sách, tha thẩn lên đồi chè ngồi đọc. Tôi không còn cười nói hồn nhiên với cả hai người. Tôi hay đọc đi đọc lại cuốn “ Ai Van Hô”, đoạn tả tâm trạng nàng Rê Béc Ca rối bời trước chàng Ai Van Hô dũng cảm. Tôi cũng đọc đi đọc lại, cuốn “ Thép đã tôi thế đấy”, đoạn tả cô gái Tô Nhi A gặp gỡ PaVen bên hồ nước trong rừng. Những câu chữ như hát, như nhảy múa, rung ngân trong tâm cảm cả một nỗi niềm xao xuyến đến ngầy ngật.
Chị Én đẹp đấy. Nhưng có lẽ chị Én là của anh Sở. Anh Sở năm nay đã hăm hai tuổi, học chung với tôi năm lớp 7; vẫn thường nhờ tôi viết thư cho chị Én. Cả hai đều là người Mường. Có thể anh chị đã ngủ thương với nhau. Yêu nhau thì chắc phải ngủ thương với nhau mà nói chuyện. Còn cái Thanh, nó chỉ bằng tuổi tôi, thế mà tóc nó đen quá, dày quá. Đôi mắt cứ lóng lánh như hai giọt nước. Nếu nó lớn bằng chị Én, chắc nó cũng đẹp như chị.
Vào dịp hè lớp 8, chị Én rủ tôi về nhà chị ở Lạch Quèn. Nhà chị nằm giữa rừng luồng ngút ngát. Đi hết rừng luồng là tới rừng mơ. Cả một rừng mơ chạy dài tới chân một con thác nhỏ, đổ thẳng xuống một con suối nhỏ. Phía sau con suối nắm sát rừng mơ là một bờ đá cuội, đủ các sắc màu, đủ các vân mây rất đẹp. Bên một cây trẩu già đại thụ, cành lá xum xuê, bật lên một tảng đá lớn, mặt phẳng lì và bóng ngời đến rười rượi mát. Ngay từ cái vấp nhìn đầu tiên vào nơi ấy, tôi đã choáng ngợp, đã tưởng tượng ra một miền cổ tích đầy huyền thoại của nàng Ún và chàng Xịa.
Một hôm anh Sở đưa tôi lên rừng Lạch Quèn lượm trám bùi và hái hột gắm, lúc trở về, nhớ tới cây trẩu, tảng đá và ngọn thác, tôi rủ anh Sở vào đó tắm. Anh Sở đồng ý, nhưng bảo tôi đến đó trước, còn anh còn phải ghé vào nhà chị Én, thăm bố chị – Lão thợ săn từng một thời nức danh cả bản.
Tôi một mình quẩy hai bọc trám bùi và hột gắm, lần theo rừng mơ, đi về phía thác nước đổ ào ào dội tiếng. Mùa hè mưa nhiều, nước nhiều, thác nước sôi trào bọt trắng, đổ ầm ầm như bờm ngựa tung ngàu ngàu sức lực. Tôi đứng sững, ngây người trước ngọn thác réo gầm. Thốt nhiên tôi nhìn thấy, chị Én với thầy Thi đang cuộn lấy nhau dưới chân tảng đá. Thầy tôi lại thế ư? Người thầy mà tôi vô cùng kính trọng lại thế ư? Chị Én là của anh Sở cơ mà! Có thể chị Én với anh Sở đã ngủ thương với nhau. Chị Én đã nói, chỉ những người thật lòng yêu nhau, mới ngủ thương với nhau. Anh Sở đã từng nhờ tôi viết thư cho chị Én. Ôi, anh Sở ơi! Mắt tôi nhoà đi. Loa loá. Loa loá.
Một bàn tay đặt lên vai tôi. Một bàn tay bịt lên miệng tôi. Đó là anh Sở. “Đi! Về đi!”. Anh Sở vừa nói, vừa kéo tôi vào rừng mơ. Không hiểu vì sao, lúc đó tôi cũng rón rén nhón chân từng bước. Khi đã vào sâu trong rừng mơ, tôi đẩy anh Sở ra, rồi vùng chạy. Căm cắm chạy thẳng ra bờ sông Bưởi.
Nằm xoài xuống đất, úp mặt vào một gốc vải sần sụi, đang mùa đỏ ối quả chín, tôi khóc nấc lên. Khóc rung cả người. Phải lâu lắm, lâu lắm, tôi mới ngồi dậy. Đầu óc trống rỗng. Toàn thân rã rượi. Xung quang, dường như tất cả đều chìm vào câm lặng. Tôi sẽ ngồi như thế mãi, nếu như anh Sở không ở đâu xuất hiện.
- Về thôi em! Mặt trời chín lắm rồi!
Tất cả sẽ trôi đi như bóng mây qua khung cửa, nếu như tôi không nghe tin cô giáo Hương bị chết trôi ngoài sông Bưởi.
Biết không thể chữa trị hết căn bệnh kỳ lạ mà cô Hương mắc phải, như nhiều người ở Thạch Bình từng mắc phải, bố mẹ cô đành phải đón cô từ bệnh viện về nhà. Khi đò ngang ra đến giữa sông, chợt nhìn thấy mấy đứa học trò ôm cặp đứng đợi trên bờ bên kia, cô Hương đang ngồi liền đứng dậy, nắm tay mẹ mà nói: “Học sinh của con kìa mẹ! Đến giờ rồi. Con cò lặn lội… Con cò…Cò ơi”.
Chưa ai kịp phản ứng gì thì cô Hương đã gieo mình xuống nước.
Mùa hè, nước lũ từ thượng nguồn, lúc nào cũng đổ về cuồn cuộn; trên đò chỉ có mấy người già cả, làm sao họ có thể cứu được cô giáo Hương của tôi đang mắc bệnh tâm thần.
Đám ma của cô sũng ướt trong cơn mưa tầm tã. Cái Thanh kéo tay tôi, chỉ vào một người đàn ông đeo kính cận, nói: “Bạn học của cô giáo ở trường Sư phạm đấy. Nghe chị Én nói, vì thầy ấy lấy vợ mà cô điên đấy”.
Tôi ngoái nhìn sang phía chị Én. Chị cũng ướt sũng vì mưa. Mái tóc dài của chị rũ xuống, dính bết vào tấm lưng thon thả. Thầy Thi đứng phía bên kia, đang cùng anh Sở ném từng nắm đất xuống huyệt mộ. Cả hai đều ủ rũ, gương mặt như chảy ra nỗi buồn vô vọng.
Khi trở về làng, anh Sở khều tôi đứng lại, kéo tụt vào trong góc đình Nghè. Ở đó, ở trong góc đình bỏ không hoang phế đó, anh Sở lôi ra một cây nỏ bằng gỗ lim đen nhánh.
- Cho em này! Cho làm kỷ niệm. Mai anh đi rồi
Tôi tròn mắt nhìn anh, ngạc nhiên hỏi:
- Mai anh đi đâu? Đi công nhân nông trường à?
- Không, mai anh đi bộ đội. Làng mình đi cả thẩy bẩy người. Thằng Giônxơn đã đánh bom ra tới Nam Định, Hải Phòng. Chiến tranh sẽ ác liệt lắm đấy.
Đêm đó, tôi nằm mê thấy từng bầy máy bay thần sấm sét đen trùi trũi, đua nhau chúc xuống cắt bom. Từng chùm. Từng chùm. Những tiếng nổ chát chúa đến rợn người. Lửa khói cuồn cuộn. Có tiếng la thét dội lên. Mở choàng mắt, nhìn ra ngoài tôi thấy, phía bìa làng đã có nhiều nhà đỏ đèn thức dậy.
Lạ thật! Chưa bao giờ làng Thạch Bình lại thức sớm như hôm nay. Ở vùng bán sơn địa này, người ta đi ngủ rất sớm và thức dậy rất muộn. Công việc đồng áng quần quật cả ngày, cần phải ngủ thật nhiều để lại sức. Với nữa, dầu hoả phải chia nhau từng gù, lấy đâu ra mà đỏ đèn, đỏ lửa. Hôm nay chắc phải có việc gì. Nhìn thấy cái nỏ treo trên vách cót, tôi chợt hiểu ra. Thôi rồi. Cả làng dậy sớm là để chuẩn bị tiễn trai làng lên đường nhập ngũ.
Tụt khỏi cái giường tre, tôi lật đật chui xuống bếp, xúc đầy một bát ngô bung. Ngô răng ngựa bung nhừ, nhạt nhẽo, nguội ngắt, nhai cứ lạnh cả mồm; nhưng vẫn phải cố ăn cho no, để còn tiễn đưa anh Sở và trai làng xuống huyện.
Vừa trệu trạo nuốt xong bát ngô bung, thì cái Thanh và mấy đứa bạn kéo đến. Thanh nói:
- Đi! Đi tiễn thầy Thi, Tiễn anh Sở! Làng Thạch Bình đi tiễn đông lắm. Mau lên kẻo muộn!
Nghe tên thầy Thi, tự nhiên tôi hình dung ra cảnh thầy với chị Én cuộn lấy nhau dưới gốc Trẩu, bên tảng đá lớn. Lòng tự trọng của tôi ngún lửa, cháy phừng phừng. Thầy của tôi không thể thế được. Họ đã phản bội anh Sở. Phản bội niềm tin của tôi.
Nhìn thẳng vào mắt cái Thanh, tôi nói:
- Đi trước đi!
Dường như cái Thanh tự ái trước câu nói của tôi, nên chẳng thèm lên tiếng, lặng lẽ bỏ đi cùng đám bạn.
Khi cái Thanh đi rồi, tôi ngồi thừ ra như đứa mất hồn, đầu ong ong muôn vàn ý nghĩ. Càng nghĩ càng lún sâu vào cùng quẫn giận hờn. Anh Sở. Chị Én. Thầy Thi. Tất cả đều là người tôi kính trọng. Vậy mà ….
Nóng ran trong đầu đến không chịu nổi, tôi lôi ra cả chồng sách quý của thầy mua tặng. Sách toán này. Sách lý này. Sách hoá này. Cả sách truyện nói về tình yêu cao thượng. Rê Béc Ca. Tô Nhi A. Ai Van Hô. Pa Ven Corsơghin. Cả Na Ta Sa và Andrây. Cả “ Cánh buồm đỏ thắm”. Cả “ Cây phong non trùm khăn đỏ”. Tôi đã tin tưởng thầy Thi và chị Én biết bao. Vậy mà … Vậy mà…
Tôi cầm lên cuốn “ Chiếc lá cuối cùng”. Nước mắt trào tuôn lã chã. Còn gì nữa mà phải níu giữ chiếc lá cuối cùng trong mưa tuyết. Mở cuốn sách ra, mười ngón tay tôi run bần bật. Xé ư? Xé “Chiếc lá cuối cùng” tuyệt diệu này ư? Một khát vọng tình yêu lẽ sống, bỏng cháy đến ngần nào. Không xé ư? Lòng tự ái và tự trọng, bóp thắt tim tôi đến ngạt thở.
Roạt. Một trang lìa ra. Roạt. Thêm trang nữa lìa ra. Rồi trang nữa. Trang nữa. “Chiếc lá cuối cùng” rơi tơi tả. Mắt tôi nhoè đi. Tay tôi run bây bẩy. Vậy mà tôi vẫn đánh được que diêm, châm vào đống giấy. Một sợi khói yếu ớt trườn ra run rẩy. Một ngọn lửa xanh lè phụt cháy. Tôi sẽ đốt. Đốt hết từng cuốn một. Trái tim non nớt, bị ám ảnh bởi tục ngủ thương của tôi, còn biết làm gì hơn thế.
Tôi sẽ xé hết, đốt hết, những cuốn sách của thầy cho tôi, nếu như chị Én không đột ngột hiện ra. Gương mặt chị trắng xanh. Đôi mắt mở to. Bàng hoàng. Sửng sốt.
- Đừng! Em đừng dại! Chị đã biết hết rồi! Sách của thầy quý lắm! Rồi sau này lớn lên em sẽ hiểu! Đừng đốt sách nữa em!
Gương mặt đẫm ướt của chị cúi xuống. Mái tóc đen dày của chị xoã xuống. Chị kéo tôi đứng dậy. Tôi gục đầu vào ngực chị. Khóc nấc lên.
Đại Lải, 11/7/06