Hoa thài lài

“Không phải trách móc, mà là một lời thanh minh nhẹ nhàng cho lỡ lầm tuổi học trò qua đi trong những năm tháng chiến tranh”.

Thi chạy tá hỏa vào bệnh viện, quên cả lấy tích kê xe, chỉ kịp nhao đến cửa có cái biển đỏ: Phòng cấp cứu. Những bóng áo trắng, bóng người chống nạng và những gốc cây xà cừ cứ lòa nhòa trôi về phía sau. Thanh, con ơi. Trái tim của người mẹ ừng ực chảy trong ngực Thi. Khốn khổ con tôi, nó bé bỏng, xinh xẻo, ngoan ngoãn là thế. Bây giờ nó nằm thiêm thiếp trên cái bàn trắng toát. Đôi chân của nó đỏ tím từ đùi trở xuống, hai người y tá đang nhanh nhẹn bôi lên đó một thứ mỡ nhờ nhờ, hăng hắc rồi phủ gạc lên. Chợt nó mở mắt:

 

-Mẹ. Con không đau lắm đâu.

Tóc nó dính bết vào trán, miệng nó cười mà không nhấc nổi cặp môi mỏng tái. Nước mắt Thi trào ra, chị bíu vào một cánh tay mặc áo blu rồi khuỵu xuống trước cửa phòng cấp cứu.

Trời nắng gắt, cái nóng 38 độ đặc quánh, ngọn cây không có một chút gió, người ta cảm thấy ngộp thở trong bầu không khí ngột ngạt hơi lửa và sự lo âu ấy. Bóng người mặc áo blu trắng dìu Thi ra cái ki ốt sơn xanh cạnh cổng viện dùng làm căng tin phục vụ nhân viên của viện, đỡ chị ngồi xuống rồi gọi nước chanh tươi. Thi thảng thốt:

-Con tôi…

-Chị cứ bình tĩnh.

-Lỗi tại tôi. Thi nức nở: Con bé thường ngày vẫn thương mẹ đi làm về muộn, trời nóng nó tập nấu cơm giúp mẹ. Cái bếp cao chênh vênh, khấp khiểng chưa kịp sửa, cả nồi cơm đang sôi đổ ụp vào, ôi con ơi…Chợt nhận ra sự vô ý của mình, Thi choàng ngẩng lên:

-Xin lỗi…

Ôi trời. Khoan đã, Thi không tin vào mắt mình. Ai thế này? Khuôn mặt vuông nghiêm nghị, ngăm đen đầy nét phong trần. mái tóc dầy gọn ghẽ, điểm bạc. Cái miệng lúc nào cũng như cười…Cổ họng khô đặc, Thi khó nhọc thốt lên:

-Anh Ngọc…

Đúng là anh. Cả hai cùng im lặng. Thi nhìn vào cặp mắt đen thẳm của anh rồi lúng túng cúi xuống.

-Cháu bị bỏng sâu, nhưng rất may đã biết rửa sạch nhớt nước cơm nóng bám ở da bằng nước lạnh và vào đây kịp thời, tuy vậy phải điều trị lâu đấy.

Vẫn giọng nói của mười sáu năm trước, sôi nổi nhưng ấm áp, chân tình. Anh giục Thi uống nước mấy lần nhưng cả hai vẫn ngồi yên như thế chẳng biết bao nhiêu lâu. Những giọt nước đọng bám xung quanh hai cốc nước đá bắt đầu lan nhanh xuống thành hai vòng nước ở chân cốc, nước trong cốc hình như cũng đầy lên…

Thi như nhìn thấy lại buổi chiều hè ấy, mấy đứa con gái chạy chân trần trên lưỡi cát sát mép sông Hồng của bãi Tự Nhiên. Anh hiện ra đột ngột trước mặt cả bọn như Chử Đồng Tử vậy. Anh lúng túng trước, khuôn mặt đỏ dừ lên như ngấn phù sa trên bộ quân phục. Tụi bạn của Thi giúi vào tay anh nắm có thài lài:

-Tặng đấy! Rồi cười ré lên, chạy biến. Không hiểu sao Thi không chạy theo được đám bạn. Đôi chân Thi ríu lại, ngập dần trong cát ẩm.

Mười sáu tuổi, khai tăng lên hai tuổi để được vào học lớp trung cấp tài chính, Thi bé nhất lớp và giản đơn như lũy tre làng, nghe mọi người nói chuyện tình yêu cứ như người trên sao Hỏa. Chợt cơn gió vùng bãi thốc qua, hất cái mũ mềm trên đầu anh xuống nước. Anh luống cuống chạy theo, nhặt được mũ thì lại để rơi nắm cỏ.

-Kìa sao lại vứt đi? Hoa đấy!

Đột nhiên Thi bắt bẻ như vậy. Khoảng cách bị phá vỡ. Anh bạo dạn nhìn xoáy vào mắt cô gái mảnh dẻ giữa bãi cát mênh mông.

-Thì đây. Nhặt được bông hoa đẹp nhất rồi còn gì.

-Đâu? Vớ vẩn!

Thi xoay người chạy đi, vừa chạy vừa nhặt những viên đất phù sa đỏ hồng ném theo đám bạn đang vừa cười vừa giơ tay ra hiệu lêu lêu Thi phía đầu bãi sông.

Hai tuần sau. Chủ nhật, Thi không về nhà, ở lại trường ôn thi. Chị Nhung - lớp trưởng đi vào phòng và gọi:

-Thi ơi, ra có khách.

Ai nhỉ? Suốt ba năm học, cứ chiều thứ bảy là Thi đạp xe về nhà với mẹ, cuối chiều chủ nhật anh cả lại đưa Thi trở lại trường, có ai đến thăm riêng Thi bao giờ đâu.

-Cứ ra khắc biết!

Chị Nhung nheo mắt cười tinh quái, cốc nhẹ lên đầu Thi. Thi lặng lẽ đi ra phòng thường trực. Hóa ra là chàng Chử Đồng Tử ở bãi sông hôm nọ.

-Tôi đến trả bạn cái cặp tóc, bạn đánh rơi ở…

-Nhưng sao lại biết…ở đây? Thi ngạc nhiên thực sự.

-À, Chử Đồng Tử và Tiên Dung mách đấy!

-Rõ lém! Thi bật cười và tự nhiên cảm thấy mến mến anh chàng bộ đội cao to, ngăm đen trong bộ quân phục mới, thẳng thớm.

-Cảm ơn anh nhá, chào.

-Khoan đã, tôi…

-Gì cơ? Bỗng nhiên Thi thấy sờ sợ. Tim đập rộn lên.

-Tặng các bạn nắm lá chua gội đầu. Chỗ tôi đóng quân nhiều…

-Ô! Lộ bem quân sự nhá.

Lần này thì chàng quân nhân ngẩn mặt. Bác bảo vệ cười khầng khậc:

- Thế là một hòa nhé!

Tối hôm ấy đám con gái đun nước lá, rũ tóc ra nhưng chưa đứa nào gội, chúng lôi Thi ra và châm ngòi:

-Khai báo thành khẩn! Nếu không các chị mày bỏ ế nước chua.

Thi leo lên giường, bật khóc. Tiếng cười càng được thể:

-Chúng mày ạ, chuyến này kho bồ kết của bà Nhung cứ gọi là để mối xông mất thôi.

Một cái gì đó vơ vẩn hình như đang cố trong tâm thức Thi, nó cứ kéo mấy con số của bài toán ma trận trong đầu Thi lúc vào gần, lúc lại đẩy ra xa. Từ hôm ấy, Thi bỏ không ra bãi sông chơi như mọi khi nữa. Ngày thi tốt nghiệp đang đến gần. Cho đến một hôm, cả bọn đang ngủ trưa, chú trưởng phòng hành chính kéo chị Nhung ra hiên, hai người bàn bạc gì đó rồi thấy chị Nhung chạy vào vơ quần áo của của Thi nhét vội vào cái túi du lịch giả da, đoạn dựng Thi dậy:

-Mau! Về nhà với chị.

Linh cảm như có điều gì đó chẳng lành, Thi lăn ra vệ cỏ, nấc lên, van nài nhưng chị Nhung không nói, chỉ dỗ dành, ấn Thi ngồi lên xe và đạp dấn. Trời nắng ong ong, rát như lửa. Qua được hai cây số đường đê lỗ mỗ ở gà, ổ trâu, lưng áo chị Nhung đã ướt đẫm. Vừa tránh cái ổ gà, chiếc lốp trước nổ bung, hai chị em ngã xoài trên mặt đê nóng khét, Thi ngất lịm. Bốn giờ chiều mới về tới nhà, Thi lao vào ôm lấy cái quan tài sơn đỏ đựng mẹ và lại ngất đi.

Sau đám tang mẹ hai ngày, Thi lại phải trở về trường để trả kỳ thi cuối. Chị Nhung dẫn Thi và mấy đứa bạn cùng tổ sang đơn vị bộ đội đóng ở làng bên để cảm ơn anh. Hôm trước, giữa lúc hai chị em đang sống dở, chết dở giữa đường đê thì anh đi công tác về qua đấy. Anh đưa Thi và chị Nhung vào một nhà dân gần đó nghỉ tạm và gửi chiếc xe hỏng ở đó còn mình thì chạy tắt đồng về đơn vị mược của anh nuôi chiếc xe đạp tiếp phẩm để hai chị em đi tiếp.

Bất ngờ trước toán con gái bạo miệng, anh lập cập đánh đổ cả rá khế. Anh tên Ngọc, là quân y sỹ, quê ở tận vùng trung du. Cảm mến, trước những tình cờ (như là cố ý) của cuộc đời, Thi đã đến với tình yêu nồng nàn nhưng vụng về của Ngọc. Những buổi chiều, dưới ánh hoàng hôn đỏ rực của bãi sông Hồng, Thi đã đón nhận những cái hôn đầu tiên hừng hực như tuổi mười tám của mình. Hai người cùng hái cỏ thài lài và xây những tòa lâu đài cát như khi còn ở nhà chăn trâu, cắt cỏ. Mơ ước về ngày mai của Thi cũng giản đơn như những vốc cát ướt vậy.

Vào kỳ thi tốt nghiệp, nhà trường quy định đóng cửa thường trực, học sinh miễn tiếp khách, thời bấy giờ là vậy. Một buổi tối, trời mưa tầm tã, bác bảo vệ bấm Thi ra phòng thường trực. Thi không thể nào quên được cái đêm mưa cuối hè năm bảy hai ấy. Ngọc ôm lấy Thi, áo anh sũng nước. Thi run lên, nức nở.

-Anh chỉ có mười lăm phút thôi, đơn vị anh chuyển vào phía Nam.

Nghe Ngọc nói thế Thi vùng níu lấy anh:

- Không!

Phích nước sôi trên bàn bác bảo vệ vướng tay Thi đổ ộc vào đôi giày vải của anh. Thi cuống quýt. Anh không còn thời gian cởi giày, cứ đứng ngâm chân vào vũng nước mưa trước cổng trường. Thi chạy vội về phòng, lôi trong va li ra cái áo gối đang thêu dở. Chị Nhung ấn vào tay Thi bao thuốc lá Trường sơn đỏ. Anh lùa tất cả vào ngực áo, ấp khuôn mặt ướt đẫm lên má Thi rồi vùng chạy. Thi cũng chạy theo, vấp ngã rồi lại chạy theo anh cho đến khi bóng anh hút vào màn mưa đêm…

Những ngày sau đó Thi sống trong tâm trạng thảng thốt, khắc khoải. Chẳng có thư từ gì của Ngọc, chỉ có tin đồn. Nghe đâu, bàn chân anh bị nhiễm trùng nặng; anh bị kỷ luật vì vi phạm mệnh lệnh hành quân…

Thi ra trường,nhận công tác ở tỉnh và sống trong chờ đợi. Miền Nam giải phóng. Một năm. Hai năm. Chẳng thấy Ngọc trở về. Và rồi cuộc đời rẽ Thi đi hướng khác…

-Bây giờ Thi sống ra sao?

Thi choàng khỏi ký ức, ngước nhìn anh, cái nhìn u ức, oán trách. Ngọc cười buồn, châm thuốc hút.

-Năm bảy bảy anh ra Bắc, đến tìm em, chỉ gặp chị Nhung, chị thông báo em sắp lấy chồng, đẹp đôi nhất cơ quan.

-Sao? Chị Nhung…

-Ra trường, chị Nhung vào tuyến lửa, để lại một cánh tay ở đó. Chị về quê với căn bệnh quái ác trong người. Nhung không đi công tác nhưng thỉnh thoảng có tới thăm em, chỉ để biết tin, không lộ mặt bao giờ.

-Trời ơi! Sao các người nỡ…?

-Thấy em đủ đầy trong hạnh phúc, vả lại…Nhưng thôi, chiều nay anh đưa chị tới thăm cháu.

-Chị? Vợ anh, ai thế?

-Em đoán thử xem. Ngọc cười: -Chị Nhung!

-Hở trời! Thi không tin vào tai mình nữa.

Ngọc đứng lên. Lúc này Thi mới để ý thấy anh chỉ còn một chân. Thi chợt hiểu. Nỗi oán giận đã đổi chỗ cho niềm xót xa, ân hận dâng lên nghẹn ngào. Hình như Thi đã không giữ được trọn tình với những người thân yêu nhất vẫn đi sát cuộc đời Thi cùng những mất mát của riêng họ.

Mắt Thi nhòa đi, tiếc nuối và ân hận. Hai cốc nước chanh trên bàn vẫn đầy tràn, nước đá đang tan./.