Phóng sự- Những nụ cười trên đỉnh Lũng Khoai

Đoàn thiện nguyện NHỮNG TẤM LÒNG THƠ họp tối 29-12- 2015 thống nhất lấy tên đoàn là TẤM LÒNG THƠ. (bỏ chữ NHỮNG) Trưởng đoàn Đặng ngọc Bích phổ biến ý định cho chuyến đi từ thiện học sinh nội trú Bản Tọ - Phù Yên- Sơn La

Đi tiền trạm là đội phó Phạm Khắc Dương và Hải Phong. Các anh báo cáo cặn kẽ tình hình “mắt thấy tai nghe” của bà con người Mông và các cháu học sinh nội trú… Xã Bản Tọ là một xã nghèo miền núi thuộc huyện Phù Yên – Sơn La. Những con đường heo hút, hai bên đường là những miền đồi núi đất đá pha tạp, cây cối hoang sơ. Những ngôi nhà chênh vênh, xơ xác được lợp ngổn ngang, những tấm tranh nhàu nát, cũ mới chen nhau. Trong nhà đồng bào chẳng có gì đáng giá. Phiên liếp hở hoác gió lùa. Những đứa trẻ sấp sỉ tuổi đến trường chạy lông ngông tô hô không quần áo Cả bản có 71 hộ, (do điều kiện của đoàn chưa có kinh phí, chủ yếu nhờ vào lòng thiện nguyện tự tâm của cộng đồng nhân ái, nên trước khi đi BTC đã quán triệt chúng ta dành chút quà động viên những gia đình thực sự khó khăn), hai anh đã chọn ra 20 hộ thực sự khó khăn để đoàn có phương án ủng hộ. Vào thăm trường nội trú Bản Tọ, ngôi trường được xây bằng gạch hai tầng cũ kỹ. Khoảng hơn chục phòng học. các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 là con em đồng bào Mông trong xã. Các cháu sinh hoạt ăn uống tập thể, được nhà nước và địa phương chu cấp mỗi tháng 400k tiền ăn học tại ký túc. Vào ngày thứ 7 các cháu được về cùng cha mẹ tối chủ nhật lại có mặt để sáng thứ hai vào học. (Có cháu phải đi bộ hai ba mươi cây số.) Với các cháu tuổi đang lớn mà một ngày ăn 18 ngàn trong thời buổi giá cả này thì thật là chua xót! (cả ngày ăn chỉ bằng cái bánh mì pate sáng của một cô cậu học sinh thành thị.) Bếp ăn thì chủ yếu là rau, thịt cá không đáng kể… Các cháu ở thành khu riêng theo giới tính, trung bình mỗi phòng có 8 đến 12 em trong khoảng diện tích suýt soát 20 m2, giương tầng bằng sắt. Cả trường có 236 học sinh. Sau một hồi bàn bạc chúng tôi thống nhất dự kiến sẽ phát động quên góp ủng hộ cho 20 hộ nghèo nhất, mỗi hộ một gói quà 10kg gạo, một thùng mỳ, 1 lít dầu ăn, 1 lít nước mắm, 1 kg đường và một ít gia vị. Trường học sẽ ủng hộ cho các cháu 3 tạ gạo, 30 thùng mỳ, 617 quyển sách giáo khoa còn thiếu và khuyến khích 50 cháu học sinh nghèo vượt khó mỗi cháu một áo rét, 1 đôi giầy, 1 cặp mới, 2 bút, 2 cuốn vở mới…(dự kiến khoảng 35 triệu). Đội phó Dương một thanh niên năng nổ, nhiệt huyết . Anh như một vị tướng tiên phong, thường được cử đi tiền trạm. Dương đã trực tiếp hỏi nguyện vọng của dân, cán bộ trên bản về những nhu cầu cần thiết nhất. Anh đưa ra ý kiến muốn phát động ủng hộ mấy cặp bò, hoặc dê cho một số gia đình nghèo đông con giúp họ xóa đói giảm nghèo. Nhưng mọi người ý kiến hiện kinh phí của đoàn chưa có mà quyên góp đợt này là đợt thứ tư trong vòng 6 tháng e không khả thi, vả lại giáp tết mưa rét, mọi người lại lao vào công cuộc lo cho cái tết nên ý định đó để sau. Sáng hôm sau tôi phát động bài kêu gọi ủng hộ đồng bào và học sinh người Mông Suối Tọ - Phù Yên – Sơn La. Nỗi lo của ban tổ chức đoàn chúng tôi dần dần vơi đi khi những thông tin ủng hộ hàng ngày cập nhật. Người ủng hộ tiền, người ủng hộ gạo, người ủng hộ sách giáo khoa, cặp, bút…


Chưa đầy ba tuần phát động con số hàng hóa đã vượt nhiều so với dự án ban đầu, gấp tới ba lần. Riêng cô Nguyễn Hồng Phượng (Xe lửa Gia Lâm – Long Biên) đã ủng hộ cho các cháu 263 áo rét, 100 quần, 150 áo sơ my…và đoàn thanh niên bên vụ thanh tra 1 ngân hàng tham gia trợ duyên ủng hộ 236 cặp học sinh, 236 đôi giầy. Chúng tôi hội ý quyết định ủng hộ cả 236 cháu mỗi cháu một cặp mới, áo mới, giầy mới, 4 tập vở mới, hai bút mới…và một số thứ khác. Thật là kỳ diệu! Ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng đang được thắp lên. Chúng tôi háo hức chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho chuyến đi. Mấy ngày mưa trở rét, mang theo cái lạnh từ phương bắc tới. Ti vi thông báo thứ 7 chủ nhật miền ngược có nơi có tuyết rơi… Những khó khăn trước mắt như thử thách tinh thần thiện nguyện của đoàn TẤM LÒNG THƠ chúng tôi. Sáng 22-1 Bích thông báo mọi vấn đề đã sẵn sàng, “Cháu đang chuẩn bị thực phẩm, đồ ăn nước uống cho đoàn ngày mai, chú viết thông báo mọi người 4h xuất phát từ Long Biên, và chuẩn bị áo rét, áo mưa đầy đủ”. Tôi tuân lệnh. Bích một bà mẹ có hai con vậy mà ngày đêm hết lo kiếm tiền nuôi các cháu ăn học, lại lo việc quyên góp đúc chuông, xây chùa, in kinh…rồi lo từ vận động quyên góp đến từng cái bánh mỳ, chai nước….

Cô là một tấm gương, ghị lực, chỉn chu vì đạo hạnh mà mọi người trong đoàn noi gương! Và còn bao người nữa như cô Hương, cô Ngân, anh Hải, anh Ngọc… đặc biệt những người già như cụ Lý, cụ Thực (tuổi quá 80 ) cũng tham gia trèo đèo lội suối đến với bản nghèo. Những con người TẤM LÒNG THƠ thật đáng ngưỡng mộ! Khí thế hừng hực trong lòng chúng tôi xá gì mưa rét mùa đông! “Các cháu ơi1 Ngày mai chúng tôi sẽ mang lửa ấm tình yêu thương của bà con cô bác miền xuôi lên sưởi ấm cùng các cháu! Hi vọng thắp lên cùng các cháu ánh sáng nghĩa tình ấm áp tương lai!”

 

4h kém 20 (23-1-2016) khi tôi ra khỏi nhà, những đợt gió mùa đông bắc ào ạt thổi tới. Những tấm biển của các cửa hàng mặt phố run lên cầm cập báo hiệu một đợt rét có lẽ là lạnh nhất trong năm. Ra đến điểm tập chung đã thấy bà Huyền Thương, “chị ra được mươi phút rồi” Bà Thương đẹp như một bà Hoàng hậu. Hơn bảy mươi mà bà vẫn phong độ, trẻ trung nụ cười tươi tắn, da trắng, căng như da con gái. Mấy tháng nay không chuyến từ thiện miền ngược của đoàn vắng mặt. Đợi mươi phút thì lục tục người đến. 4h đoàn TẤM LÒNG THƠ bên Long Biên đã có mặt gần đủ. Còn thiếu cụ Lạc (83 tuổi) cụ đi lấy bánh mỳ do cô Liễu ( thành viên đoàn) ủng hộ ( 300 chiếc) giờ chưa về, tôi sốt ruột. Một lúc sau 4h5 cụ được một cô gái đèo đến mang theo gần chục bị bọc. Bánh nóng như tấm lòng của Liễu cũng nóng hổi, nhiệt huyết với đoàn. Cụ nói “tôi phải ra lò từ 2h sáng…đợi làm, chờ lâu nên ra chậm…” 4h10 chúng tôi xuất phát. Xe đến đường Giải Phóng đón bộ phận bên nội thành.

Đúng 5h10 chúng tôi lên đường. “Sơn La thẳng tiến”!. Hà nội sớm mùa đông lung linh ánh điện. Xe lao vun vút trong niềm phấn chấn của chúng tôi. Trước mặt tôi những đèn đường, đèn ở những khu nhà cao tầng lung linh. Tôi ngỡ như chúng tôi đang lạc vào giữa Thiên Hà mênh mông huyền ảo! Xe đến đến huyện Ba Vì là 6h sáng, trời bắt đầu mưa phùn mặt đường ánh lên trơn nháng. Đến Thanh Sơn – Phú Thọ thì mưa phùn càng nặng hạt. Những hạt mưa như những mũi tên bắn vào cửa kính xe. Cậu tài xế thỉnh thoảng lại lấy khăn lau hơi nước làm mờ kính. Con đường liên tỉnh dải nhựa đã lâu, gồ ghề, nứt vỡ nhiều đoạn, thỉnh thoảng mọi người lại như sắp bật khỏi ghế… Mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, đường càng trơn, xe nhiều đoạn như bò ra đường.

“Còn hơn trăm cây số nữa liệu 11 h có đến được Phù Yên không?”- lòng tôi bồn chồn. 9h xe đến Thu Cúc một thị trấn miền núi nghèo nàn, mặt phố có một số hàng tạp hóa, hiệu sửa xe. Thấp thoáng những ngôi nhà 3 tầng, và thỉnh thoảng thấy những tấm biển “mát xa”…Tôi trêu cậu lái xe “đến chỗ có biển mát xa cho đoàn dừng để mọi người vào mát xoa cháu nhé!” cậu lái xe cười không nói gì. Xe qua Đèo Khế, Mỏ Đá Chiềng trời mịt mù như sương khói. Cái lạnh đã thấm vào mọi người, trên ghế ai cũng ngồi ôm gối gật gù, im lặng như mơ màng đến trường Suối Tọ nơi mà gần như cả đoàn chưa bao giờ biết tới. Đoạn đường qua đèo Khế, quanh co có lẽ tới gần 40 km. Xe rẽ trái hướng đi Phù Yên. Tôi nhìn biển đường thấy cách nghĩa lộ 70 km. Lúc đó là 10h sáng. Còn 38 km nữa là chúng tôi đến trung tâm huyện phù yên. Đội phó Dương gọi điện hẹn bí thư huyện đoàn ra quán nơi đoàn sẽ ăn trưa ở đó. Đúng 11h9 phút xe dừng trước cửa quán, chúng tôi xuống xe. Việc đầu tiên tôi tìm cái điếu mà một cậu mua ở thị trấn Thu Cúc ra rít một hơi sảng khoái.Tiếng rúc lên xoe xóe vui tai khiến mấy cậu thanh niên “Lào” cũng xúm lại…

Bữa cơm trưa đầm âm chan hòa. Mọi người ai cũng vui vẻ phấn chấn, chuẩn bị bước vào cung đường cuối cùng lên trường nội trú xã Suối Tọ. “Cháu đã hợp đồng với các hộ được ủng hộ ra trường nhận quà rồi”- Thường anh bí thư huyện đoàn nói với tôi. “ nếu có thời gian chúng tôi muốn vào trao quà tận nhà từng hộ nó ý nghĩa hơn, để đồng bào đi xa thật không an lòng”- Đoàn trưởng Bích tiếp lời. “ở trên đó trời mưa to lắm, đường trơn nếu các chị vào tận hộ dân, em nghĩ hết đêm không về đến nhà, mà đường phải đi bộ đến gần chục cây số”. Chúng tôi thống nhất phương án sẽ phát quà cho các cháu học sinh cùng các hộ khó khăn tại trường. Hơn 12h trưa xe chúng tôi lại lên đường. 13h 5 phút xe đến tới sân trường. Có lẽ trong suốt hành trình hơn 200km đây là cung đường thơ mộng nhất. quanh co, cao dần…lại quanh co. Hai bên đường là những cánh rừng thông tăm tắp. Tôi bất chợt tưởng tượng đến những cánh rừng xứ bach dương thơ mộng (trên phim)…đẹp, đẹp hoang dã! “ước gì có những cô sơn nữ xinh đẹp mà cùng chụp ảnh để khoe với dân làng phây cho chúng lác mắt” ( tôi thầm nghĩ, nở nụ cười tự sướng). Trường Suối Tọ có tất cả 9 lớp, tổng cộng có 236 em người dân tộc Mông. Có 31 thày cô và nhân viên, trong đó có 19 là nữ. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thanh Thúy năm nay 40 tuổi. Trường được xây dựng ở lưng chừng núi Lũng Khoai, trung tâm của xã. Xã Suối Tọ là một xã nghèo của huyện Phù Yên, cả xã có 9 bản. Có 4 bản ở xa trung tâm hơn 20km, bản Pác Pê Sê xa nhất, cách trung tâm xã tới 32km đường đi bộ. Cả xã có khoảng 600 hộ với số nhân khẩu khoảng 3000 dân. Ở đây dân chủ yếu trồng cây lương thực. Ruộng trồng lúa rất ít, chỉ là những thung lũng nhỏ dốc, cứ mưa lớn là coi như trắng tay. Cây lương thực chủ yếu là sắn, ngô. Cây ăn quả thì có chuối, một số mới trồng táo mèo nhưng xa đường quốc lộ chẳng bán được. Đời sống chủ yếu tự cung tự cấp.

Ra đón đoàn là cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Thúy và hàng trăm các cháu học sinh. Trên gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười. Mọi người ai cũng vui khôn tả. Đoàn tranh thủ chụp một kiểu ảnh chung ngay đầu xe. Cô hiệu trưởng dẫn ban tổ chức chúng tôi vào hội trường . Các chàng trai, cô gái Hà nội thì tranh thủ chụp ảnh trước cảnh núi non hùng vĩ mịt mù sương khói. Những nụ cười tươi như nắng, ấm áp cả núi rừng! Nhìn các cháu học sinh phong phanh cười méo mó mà lòng chúng tôi se lạnh. Sân khấu nhanh chóng được dựng lên. Hàng vừa kịp đến. Đoàn trưởng Bích huy động tất cả các thanh niên ra vác hàng vào hội trường, một số cán bộ và các thày giáo cùng tham gia. Phải mất 20 phút hàng hóa mới mang vào hết. Trần thư phát thanh viên của đoàn giới thiệu đoàn, sau đó giới thiệu nhà thơ Ái Nhân đại diện BTC đoàn lên phát biểu trao quà cho trường. Tôi bước ra, nghẹn ngào xúc động. Trước hàng trăm cháu học sinh những con người ưu tú, tương lai của các bản làng vùng cao này. Trước các cháu chúng tôi thấy công sức của đoàn còn vô cùng nhỏ bé. Các cháu trông mà thương. Nhiều cháu chỉ mặc phong phanh một chiếc áo cánh. Gương mặt thì ngơ ngác, xanh xao… (Tôi trộm nghĩ “giá như một số các cháu béo phì ở thành thị mà lên học trường nội trú này thì tốt biết bao…bố mẹ chúng khỏi lo con béo bệnh” (!)) Cô hiệu trưởng nhỏ nhắn, gương mặt phúc hậu đáp lời cảm tạ. Thày giáo Vũ Hồng Hải bắt nhịp các cháu hát một bài đồng ca, rồi giới thiệu tốp nữ lên múa một bài Thiên nga bên hồ. Tôi cứ ngỡ như những con thiên nga xinh đẹp đang bay trên đỉnh núi. Những gương mặt thơ ngây đang nở những nụ cười rạng rỡ. Những nụ cười như báo hiệu mùa xuân đã về trên đỉnh Lũng Khoai ấm áp nghĩa tình! Hàng ủng hộ xếp đầy sân khấu. Các cháu ngồi chặt phòng hội trường. Tiếng hát của các cháu như quyện vào hồn chúng tôi. Ai cũng vui cười, những gương mặt hân hoan hạnh phúc. Tôi càng ngẫm câu nói “Cho đi một chút yêu thương, nhận về vô vàn hạnh phúc!” (của một nhà từ thiện) thật đúng. Tôi nói với các cháu nên mặc áo vào cho khỏi lạnh, mà các cháu vẫn ngồi im mặc dù tôi thấy một số cháu chỉ mặc một chiếc áo sơ mi. Mãi sau tôi rỉ tai cô hiệu trưởng “em cho các cháu mặc áo để chụp ảnh", bấy giờ lác đác có mươi cháu mặc. Cô nói nhỏ với tôi “một số cháu bảo để tết mới mặc” Gần 4 h chiều quà tặng cho các cháu gần xong (còn 27 cháu không ăn ở nội trú chưa kịp phát) Chúng tôi chợt nhận ra bà con ở các bản xa chờ nhận quà đã đến trường từ 11h trưa mà con đường về bản còn xa. Chúng tôi nhanh chóng mang hàng ngoài xe vào để phát quà cho đồng bào trước. Phát cho những hộ nghèo xong trời đã chuyển lạnh. Cô hiệu trưởng nói “Thôi số còn lại để chúng em phát tiếp, đoàn thu xếp về kẻo tối”. Mọi người bịn rịn chia tay. Những kiểu ảnh nghĩa tình nối vòng tay chia sẻ được chụp. Long người lưu luyến, rưng rưng…

Chia tay các cháu trường Bản Tọ, chia tay vùng núi Lũng Khoai mịt mù sương gió, chúng tôi lên xe về xuôi. Tôi ngước nhìn lên dãy núi Khang phía xa kia nơi có biết bao bản làng heo hút, còn chưa đủ ăn. Có biết bao nhiêu cháu bé còn chưa đủ mặc, chưa được đến trường mà lòng tôi se lạnh! Đường về cũng quanh co hun hút. May thay trời không mưa. Hơn tiếng sau trời mới bắt đầu mưa xe vừa đến đèo Khế. Cung đường mà có lúc xe như bò ra đường. Trơn nháng, mù mịt mưa phùn. Cái lạnh đã ngấm vào đôi chân đã từng bị gãy của tôi tê giá, lúc này nhiệt độ xuống tới 3 độ. Cô Phượng nói với tôi “em bận quá, kho nhà chị em cho mấy cuộn len lớn mà không có người cắt, giá cho mỗi con một chiếc khăn quàng cổ thì tốt biết bao!” Tôi thấy mắt cô rưng rưng…

 

Đúng 9h tồi xe dừng lại ở quán phở gần khu K9, đoàn nghỉ để mọi người ăn phở. Mọi người đều đã đói. Ai cũng so ro. Những câu chuyện "mắt thấy tai nghe" của mỗi người vẫn râm ran không ngớt. 11h đêm tôi là người cuối cùng xuống xe. Mưa phùn đã bớt, tôi cùng cụ Lý (83 tuổi) đi bộ về nhà trong niềm hạnh phúc!. Âm hưởng những nụ cười trên đỉnh Lũng Khoai còn theo mãi chúng tôi.