Góc khuất của Nhà thơ Nguyễn Bính khi làm chủ bút báo "Trăm hoa"

Tết này, Nhà thơ Nguyễn Bính qua đời tròn 50 năm. Tuy nhiên, dường như ngày giỗ của nhà thơ tài hoa vào loại bậc nhất Việt Nam không mấy ai nhắc đến. Thậm chí, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được giới thiệu nhiều trên sách báo nhưng nhiều góc khuất chưa được đề cao. Kỷ niệm 50 năm ngày giỗ của ông, tacphammoi.net công bố một số tài liệu về ông để chúng ta tưởng nhớ về người nhà thơ tài hoa, bạc mệnh: Nguyễn Bính.


 

VỀ NGÀY GIỖ CỦA NGUYỄN BÍNH

Hầu như ai cũng biết rằng. nhà thơ Nguyễn Bính qua đời vào một ngày giáp Tết Bính Ngọ (1966), chính xác là ngày 29 Tết (tháng chạp này không có ngày 30). Tuy nhiên, kể về cái chết của ông thì mỗi người nói một kiểu, không thống nhất. Theo nhà văn Vũ Bão, người bạn thân thiết với Nguyễn Bính ở Ty Văn hóa Hà Nam và là người hỏi những người chứng kiến sự ra đi của Nguyễn Bính sớm nhất (mùng 4 tết) ông đã kể lại như sau:

“Khi làm báo Hà Nam, tôi và Nguyễn Bính có một người bạn chung tên là Đỗ Văn Hứa, người thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh này làm nghề bốc thuốc Đông y nhưng cũng viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu là Tân Thanh. Đặc biệt, anh rất yêu thích thơ Nguyễn Bính nên mỗi lần về Ty Văn hóa Hà Nam họp, Tân Thanh lại khẩn khoản mời Nguyễn Bính về nhà mình chơi. Được cái cô Sang - vợ Tân Thanh - là người rất mến khách, mỗi lần chúng tôi về nhà là cô tiếp đón niềm nở... Mùng 4 Tết tôi mới được nghỉ, đạp xe đi thăm đây đó... 10 giờ ngày mùng 4 Tết, tôi tới nhà Tân Thanh ở Mạc Hạ. Vừa nhìn thấy tôi dắt xe đạp vào trong sân, cô Sang đã nói ngay: "Bác Vũ ơi, bác Bính mất rồi!". Tôi đứng sững lại: "Ai nói với cô?". Cô Sang nói tiếp: "Tuần trước, bác ấy đạp xe về nhà em. Trời trở gió, vừa vào tới nhà, bác ấy đã bảo nhà em đưa bác đi bệnh viện. Thời may, bệnh viện huyện lại sơ tán ngay xã em. Bác ấy bị thổ ra máu. Nằm ở bệnh viện huyện 3 ngày, sức khỏe hơi đỡ, lại về nhà em lấy xe đạp tính về Đại Hoàng ăn tết với vợ con. Hôm ấy đã là 29 Tết rồi. Thấy bác còn mệt, chúng em sợ bác không đủ sức về tận Đại Hoàng nên cố giữ bác lại ăn Tết cùng chúng em... Sáng sớm 30, nhà em tính sang chỗ hàng xóm chia thịt lợn mang về cái đùi và một ít lòng, tiết canh để hai anh em ăn cơm. Bác Bính bảo nhà em cứ ở nhà ăn với bác bát cơm cái đã. Nể bác, nhà em ngồi nán lại ăn cơm. Bác Bính có thói quen ăn xong là đi rửa tay. Bác vắt khăn lên vai, lò dò bước xuống cầu ao. Bỗng chúng em nghe tiếng bác gọi "Tân Thanh!". Nhà em chạy vội ra sân, thấy bác Bính đang gục xuống bên gốc mít, cạnh hố vôi. Nhà em xốc bác lên, tựa người bác vào ngực mình. Miệng bác đầy máu, bác thổ ra huyết. Nhà em chạy đi gọi anh Huê và anh Đáp, nhờ họ cáng bác lên bệnh viện gấp. Y sĩ khám cho bác ấy xong mới cho nhà em biết bác ấy mất rồi. Nhà em ra bưu điện huyện gọi điện báo tin cho bác Trúc Đường và Ty Văn hóa..."

NGUYỄN BÍNH LÀM CHỦ BÚT TUẦN BÁO “TRĂM HOA” (1955-1957)

Hai mươi năm sau cái chết của Nguyễn Bính (20/1/1966), tác phẩm của nhà thơ này mới thoát khỏi cõi "im lặng đáng sợ" của sự quên lãng chẳng biết vô tình hay cố ý của những ai ai, trở lại được in ấn, đăng tải, bàn luận. Từ 1986, những sưu tập, tuyển tập thơ Nguyễn Bính liên tục được in ra, liên tục có mặt trên giá các quầy sách các hiệu sách. Tiếp đó cũng đã thấy xuất hiện nhiều cuốn sách nói về con người, cuộc đời và đặc sắc sáng tạo của nhà thơ này. Khá nhiều đoạn đời Nguyễn Bính đã được phác hoạ, dù có khi chỉ thông qua những giai thoại.

Tuy vậy, có một loạt sự việc về hoạt động của Nguyễn Bính những năm 1955- 1957, tức là khi Nguyễn Bính từ miền Nam tập kết ra Bắc, sống và làm việc ở Hà Nội, làm báo Trăm hoa, rồi sau chừng như là bị an trí, nghĩa là bị buộc phải về sống ở Nam Định, thì hầu như ít thấy ai nhắc đến. Những bài viết được gom vào các cuốn sách Nguyễn Bính, thi sĩ của yêu thương ; Nguyễn Bính, đời và thơ; Thơ và giai thoại Nguyễn Bính; Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê, v.v... không nhắc gì đến sự việc này; những người được xem là từng có xúc tiếp, thậm chí cùng làm việc với Nguyễn Bính thời gian nói trên như Trần Lê Văn, Hoài Việt,...nếu nhắc đến cũng chỉ bất đắc dĩ xác nhận "Nguyễn Bính làm báo Trăm hoa", thế thôi.

Có lẽ, Tô Hoài là người trong cuộc duy nhất tính đến nay có hé ra đôi dòng hồi ức về hoạt động nói trên của Nguyễn Bính. Rải rác trong hai cuốn Cát bụi chân ai (1992) và Chiều chiều (1999), người đọc có thể nhặt được đôi chi tiết về Nguyễn Bính thời làm báo Trăm hoa, tất nhiên là được trình bày hoàn toàn theo cách nhìn của người kể chuyện.

Theo hồi ức của Tô Hoài : "không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra những số báo Trăm hoa đầu tiên", thế rồi "cấp trên" của Tô Hoài "có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà xuất bản giúp Trăm hoa"( khi đó Tô Hoài làm việc ở Nhà xuất bản Văn nghệ, vậy nói "nhà xuất bản" đây có lẽ là NXB ấy -- người viết bài này ghi chú), và chính Tô Hoài được giao nhiệm vụ "thuyết phục một tờ báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân văn". Theo Tô Hoài, do sự can thiệp này, "tờ Trăm hoa rõ ra một vẻ khác. Không về bè với Nhân văn, như chẳng đi với ai". Cấp trên của Tô Hoài nhận xét từng số từng bài, "cho là chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết". Tô Hoài đem nhận xét ấy bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính bảo Tô Hoài: "Trăm hoa phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách cho xong !". Sáng kiến "đầu tư" cho Trăm hoa kết thúc ở đấy. Một buổi tối, Nguyễn Bính rủ Tô Hoài đến ăn ở nhà hàng Lục Quốc. Nguyễn Bính bảo: "Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm hoa!" (Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Hà Nội: Nxb Hội nhà văn, 1992, tr.56 ).

Phải chăng sự việc Nguyễn Bính với tờ Trăm hoa như trên đã dẫn tới những sự việc tiếp theo: do "không về bè với Nhân văn" nên Nguyễn Bính đã không trở thành đối tượng phê phán trong vụ Nhân văn-Giai phẩm; tuy vậy, do tỏ ra "chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết" trước yêu cầu "chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân văn" nên tựu trung Nguyễn Bính vẫn bị đẩy khỏi Hà Nội, tức là vẫn bị trừng phạt, nhưng hình thức trừng phạt nhẹ hơn ?

Tô Hoài cho rằng chỉ là giai thoại (lời đồn đại chứ không phải sự thật) những chuyện "Nguyễn Bính bị đầy phải xuống xin việc dưới quê, Nguyễn Bính chỉ được biên tập ca dao hò vè". Theo Tô Hoài thì giản dị là "Nguyễn Bính về Nam Định rồi quyết định ở hẳn dưới ấy chỉ vì Nguyễn Bính đã sắp nên vợ nên chồng với cô hàng cà phê thành Nam. Nguyễn Bính đã bỏ không ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn với tôi ( tức Tô Hoài - người viết chú) để xin ra làm báo Trăm hoa. Khi Trăm hoa hết tiền phải đình bản, Nguyễn Bính không còn ở biên chế nào thì Hội Nhà văn đã giới thiệu Nguyễn Bính về Nam Định"; "thời kỳ ở Nam Định, Nguyễn Bính đã in nhiều sách trên nhà xuất bản Phổ Thông ở Hà Nội. Trường ca Tiếng trống đêm xuân, lại vở chèo Cô Son đương công diễn. Mỗi lần lên lấy nhuận bút kha khá, tôi được Nguyễn Bính và Trúc Đường rủ đi đánh chén" (Tô Hoài, Chiều chiều, Hà Nội: Nxb Hội Nhà Văn,1999,tr.228).                                              Thật ra, nếu đối chiếu thời gian thì người ta sẽ không dám tin hẳn lời Tô Hoài, là vì Nhà xuất bản Hội Nhà Văn được lập ra sau Đại hội thành lập Hội nhà văn (từ 01/4/1957 đến 04/4/1957), khi đó tờ Trăm hoa do Nguyễn Bính đứng tên tục bản cũng đã chấm dứt hoạt động vài tháng rồi. Thời điểm mà Nguyễn Bính tham gia làm Trăm hoa có thể là giữa tháng 11/1955 (khi tên Nguyễn Bính xuất hiện với chức danh Chủ bút trên bìa tờ Trăm hoa cũ do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm) hoặc muộn nhất là tháng 10/1956 (khi ra mắt số 1 tờ Trăm hoa tục bản do Nguyễn Bính làm chủ nhiệm). Có lẽ đúng ra cơ quan mà Nguyễn Bính đã rời bỏ để đi ra ngoài làm báo Trăm hoa là nhà xuất bản Văn nghệ. Còn chuyện Nguyễn Bính về Nam Định để tìm một công việc làm, nếu không do Hội Văn nghệ Việt Nam thì cũng do Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu, -- điều này thì có thể suy ra từ hồi ức Tô Hoài.

Trên thực tế, Nguyễn Bính về Nam Định trước sau chỉ làm một nhân viên ngoài biên chế của ty văn hoá tỉnh, và ông trưởng ty Chu Văn dường như được giao đặc trách "chăm sóc" Nguyễn Bính, như Tô Hoài viết: "Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở ty văn hoá Nam Định có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn đến điều thế nào" (Chiều chiều, sđd, tr.228 ). Tô Hoài nói điều này trong Chiều chiều chứ không phải trong Cát bụi chân ai (1992), khi Chu Văn (1922-1994) còn sống; hãy nhớ rằng trước đó nữa, cả hai ông, Tô Hoài và Chu Văn, người đề tựa, kẻ viết lời bạt cho Tuyển tập Nguyễn Bính (1986), giọng điệu rất hoà hợp nhau, như đều là hai "cố nhân" của Nguyễn Bính.

Dù có thể là đáng tin cậy đến mức nào, "chứng từ " của Tô Hoài về Nguyễn Bính như trên vẫn là quá ít ỏi. Trong khi đó, những nhân vật chính từng chịu nạn Nhân văn-Giai phẩm, trong một vài cuộc trò chuyện tương đối cởi mở gần đây, khi được hỏi về trường hợp Nguyễn Bính thì dường như lại không còn giữ được thông tin nào đáng kể.

Bởi vậy, cần tìm hiểu lại Trăm hoa.

(Lại Nguyên Ân - còn tiếp)