Toàn văn Báo cáo Tổng kết 9 năm hoạt động của CLB Thơ Việt Nam
Sáng 6/10/2015, Đại hội Đại biểu CLB Thơ Việt Nam nhiệm kỳ II (2015-2020) đã diễn ra tại Trung tâm TDTT Hà Đông. Dự Đại hội, có 1200 đại biểu đến từ các các CLB khắp mọi miền đất nước. Đại hội đã bầu ra BCH nhiệm kỳ 2, gồm 64 ủy viên. Nhà báo, nghệ sĩ Bành Thông tái đắc cử Chủ tịch CLB thơ Việt Nam nhiệm kỳ 2015 -2020. Tại Đại Hội, Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam, Nghệ sĩ, Nhà báo Bành Thông đã đọc Báo cáo Tổng kết hoạt động của CLB Thơ VN 9 năm qua (2006 - 2015).
Nghệ sĩ, Nhà báo Bành Thông đọc Báo cáo Tổng kết 9 năm hoạt động.
CÂU LẠC BỘ THƠ VIỆT NAM
=========
BÁO CÁO
ĐẠI HỘI CÂU LẠC BỘ THƠ VIỆT NAM
LẦN THỨ II- NHIỆM KỲ 2015-2020
Kính thưa các vị khách quý!
Kính thưa Đoàn Chủ tịch!
Kính thưa Đại hội!
Được sự chỉ đạo của Hiệp Hội Phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Câu lạc bộ thơ Việt Nam tổ chức Đại Hội lần thứ II nhiệm kỳ 2015-2020. Để báo cáo về hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ sắp tới, bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ II 2015-2020 và sửa đổi một số điều trong điểu lệ.
Tôi xin báo cáo một số nét chính về hoạt động của Câu lạc bộ.
I-VỀ TỔ CHỨC:
1/ Đại hội toàn thể 1300 hội viên CLB Thơ Việt Nam lần thứ nhất tại Hội trường Ba Đình ngày 05-10-2006 đã bầu ra BCH gồm 27 thành viên. Ngày 17-11-2008 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội nghị BCH mở rộng kỳ họp thứ II nhiệm kỳ I đã bầu bổ sung tổng số Uỷ viên BCH là 36.
Ngày 16-6-2013 tại Bảo tàng Phòng không không quân đường Trường Chinh thành phố Hà Nội Hội nghị BCH mở rộng lần thứ III nhiệm kỳ I đã bầu bổ sung tổng số là 41 Uỷ viên.
Ngày 17-3-2014 Hội nghị BCH mở rộng lần thứ IV tại Trung tâm văn hóa Thành phố Hà Nội đã bầu bổ sung tổng số là 53 ủy viên BCH.
Trong thời gian qua, CLB đã miễn nhiệm và cho nghỉ sinh hoạt 37 người trong BCH gồm có 2 ủy viên thường trực và 2 ủy viên BCH qua đời; 4 ủy viên thường trực; 1 ủy viên thường vụ và 22 uỷ viên BCH vì lý do sức khỏe, chuyển công tác và hoàn cảnh gia đình, 1ủy viên thường vụ và 3 ủy viên BCH vì vi phạm kỷ luật nên đã cho nghỉ sinh hoạt.
CLB có 12 Ban:
1-Ban Tổ chức
2- Ban Kiểm tra
3- Ban Tài Vụ
4- Ban Thi đua khen thưởng
5- Ban Kinh tế đối ngoại
6- Ban Biên tập
7- Ban Sáng tác
8-Ban Thông tin truyền thông
9-Ban đời sống
10-Ban Hội viên
11- Ban Văn nghệ
12-Văn phòng
Có 2 Trung tâm:
1-Trung tâm Tư vấn Chăm sóc sức khỏe các nhà thơ Việt Nam.
2- Trung tâm Nghệ thuật Hương đất Việt.
-Trung tâm Thi đàn quán sau một thời gian hoạt động vì không có kinh phí nên đã ngừng hoạt động.
- Đã thành lập được 243 CLB trong đó có 36 CLB cấp tỉnh và 207 CLB cấp cơ sở từ Cao Bằng , Lạng Sơn đến Bà Rịa, Vũng Tàu.
-Đã kết nạp được 9.600 hội viên, thành phần rất đa dạng. Có người là cán bộ cao cấp, tướng lĩnh trong quân đội, các chức sắc tôn giáo, trí thức, doanh nhân, công nông binh và nhiều thành phần lao động khác. Trong số hội viên nói trên có 300 người là hội viên các hội chuyên ngành TW và hội viên Hội VHNT địa phương. Có trên 1000 hội viên là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Thật đúng như người xưa nói: “Thơ không phải của dăm ba thi hào, thi bá, thơ là của mọi nhà”. Nhà phê bình Nguyễn Khôi đã viết: “Các CLB thơ phường, thơ xã được khuyến khích thành phong trào. Cái được của thơ phong trào (mà nghệ sỹ Bành Thông làm chủ soái ) là không đặt vấn đề “nghệ thuật thi ca” lên hàng đầu (như các hội VHNT) mà là tạo sân chơi cho những ai yêu thơ thích làm thơ, hội tụ kết dính với nhau, nên các bạn thơ chia sẻ bao điều tâm tư tình cảm, ít có tổ chức nào hôm nay làm được như vậy”.
Câu lạc bộ đã hoạt động theo sự chỉ đạo của Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban tuyên giáo Trung Ương là đưa các CLB thơ Việt Nam của các địa phương về sinh hoạt tại cơ sở. CLB đã có công văn yêu cầu các CLB Thơ Việt Nam từ tỉnh, thành, quận , huyện, thị xã đến cơ sở thực hiện sự chỉ đạo của trên. Cho đến nay đã có một số CLB thơ Việt Nam đã hoạt động trong các Nhà văn hóa quận, huyện và các trung tâm văn hóa tỉnh. các CLB nói trên đã được lãnh đạo Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa tạo điều kiện thuận lợi nên hoạt động rất có hiệu quả.
Đã có 4 CLB thơ Việt Nam cấp tỉnh và 4 đơn vị cấp huyện được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận và cho phép thành lập CLB có tư cách pháp nhân, có dấu tròn và tài khoản riêng, đó là : CLB Thơ Việt Nam tỉnh Quảng trị, CLB thơ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, CLB thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ, CLB thơ Việt Nam tỉnh Hòa Bình và 4 CLB thơ Việt Nam huyện Lục Ngạn, Việt Yên, Yên Thế và thành phố Bắc Giang tỉnh Bắc Giang.
II- VỀ HOẠT ĐỘNG:
Trong thời gian qua các CLB thơ Việt Nam trong toàn quốc đã tổ chức hàng nghìn cuộc Hội thảo, giao lưu, ra mắt tập thơ, trao bằng khen, trao kỷ niệm chương. thẻ hội viên, trao đổi và tôn vinh thơ. Có những buổi rất đặc biệt hoành tráng.
CLB thơ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, được chính quyền và các ban ngành địa phương tạo điều kiện thuận lợi nên các CLB thơ Việt Nam Trong tỉnh hoạt động rất nề nếp. CLB thơ Việt Nam Tỉnh Phú Thọ đựợc UBND tỉnh coi là một đầu mối văn hóa của tỉnh nên được hỗ trợ kinh phí để hoạt động. Các CLB Việt Nam cấp huyện như: Ý Yên (Nam Định), Từ Liêm (Hà Nội), Hương sen (Thăng Long Hà Nội), CLB Luật sư- CLB Hương Đồng, Bắc Thăng Long Hà Nội và Đoan Hùng (Phú Thọ) là những đơn vị hoạt động xuất sắc.
Các CLB thơ Việt Nam Tỉnh Quảng Trị, Thăng Long Hà Nội, TP.Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP.Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Bình Dương đã duy trì được phong trào hoạt động ở cơ sở, nhiều CLB đã ra được tuyển tập thơ rất phong phú.
Các CLB thơ Việt Nam Bình Phước, Tiền Giang tuy gặp một số khó khăn phức tạp do hoàn cảnh khách quan, nhưng vẫn hoạt động sinh hoạt thơ.
Những CLB thơ Việt Nam cấp quận, thị xã như Đường Thi Đất Việt ( TP. Hồ Chí Minh), Hương thơ xứ Huế (Thừa Thiên Huế), Vĩnh Linh (Quảng Trị), Phú Bình (Thái Nguyên), Sông Cầu (Bắc Ninh), Xuân Mai (Thăng Long Hà Nội), TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), Thanh trì (TP.Hà Nội), Đúc Cơ ( Gia Lai ) và các CLB trực thuộc , Hương Việt, Luật sư Hà Nội, An Ninh, Song Hà, đã hoạt động sôi nổi, thường xuyên giao lưu, xây dựng phong trào thơ vững mạnh.
CLB Thơ Việt Nam TP.Hải Phòng nhờ tổ chức tốt 2 cuộc Liên hoan thơ với 5 tỉnh bạn cuối năm 2013 và đầu năm 2014 về đề tài “Biển đảo quê hương” được đông đảo khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Nên vừa qua CLB tổ chức Đại Hội nhiệm kỳ II được đồng chí Nguyễn Hữu Doãn, Ủy viên Thường vụ , Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đến tặng hoa, động viên và đánh giá cao sự hoạt động có hiệu quả của CLB.
Đã mở 2 lớp sáng tác cho 50 Hội viên ở 11 tỉnh.
III- VỀ XUẤT BẢN:
Đã xuất bản được 2 Tuyển tập HƯƠNG ĐẤT VIỆT, 2 KỶ YẾU HỘI VIÊN VÀ TÁC PHẨM, 35 tập san HƯƠNG ĐẤT VIỆT, 27 tập san NGƯỜI YÊU THƠ và nhiều tập thơ như : Vạn Niên Thanh, Hồn đá, Chí Linh thiêng và thế Rồng bay vv…với 117.000 bài thơ và hàng triệu trang in đã đến tay bạn đọc. Các tỉnh cũng được mùa xuất bản: CLB thơ Việt Nam Tỉnh Phú Thọ ra được 16 tập thơ Hương Cội Nguồn, CLBthơ Việt Nam Hà Nội ra được 7 tập thơ Hà Nội. Các CLB cấp tỉnh huyện và cơ sở cũng đều có từ 1-2 tuyển tập thơ bìa cứng + giấy trắng, nhiều hình ảnh rất sinh động và hàng nghìn hội viên đã xuât bản những tập thơ riêng. Có một số hội viên in đến 5-6 tập.
Người làm thơ có 2 điều sung sướng: Thơ được trình làng và có nhiều người đọc. CLB thơ Việt Nam làm được hai điều đó.Với hơn mười vạn bài thơ được phát hành trong cả nước. Những bài thơ phản ánh đủ các trạng thái, mọi cung bậc tình cảm. Mỗi bài là một cánh cửa mở ra để chúng ta đi sâu vào tâm hồn tác giả. Có nhiều cuốn đã được các bạn yêu thơ chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Có thể nói chưa thấy một tổ chức CLB nào in nhiều thơ như CLB thơ Việt Nam.
IV- VỀ TỔ CHỨC 8 CUỘC THI THƠ TOÀN QUỐC
1- Năm 2009 : đề tài “Nông nghiệp”(Phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại Việt Nam) có 2.214 tác giả tham gia với 6.211 bài thơ. Trao giải tại “Triển lãm nông nghiệp Quốc tế” tổ chức tại Hà Nội ngày 15-1-2009.
2 - Năm 2010: Phối hợp với UBND thị xã Chí Linh-Hải Dương . Đề tài “Đại Vương Trần Hưng Đạo”, Thi hào Nguyễn Trãi, Vạn thế Sư biểu Chu văn An” có 3.114 tác giả tham gia, với 8.110 bài thơ, trao giải tại Thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương ngày 28-4-2010.
3- Năm 2010 : đề tài “Chào mừng nghìn năm Thăng Long” có 3.412 tác giả tham gia với 8.425 bài thơ, trao giải tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam ngày 12-9-2010.
4- Năm 2011: đề tài “ Đề thơ cho tranh khắc đá” (Phối hợp với Công Ty đá mỹ nghệ Minh Đức) có 2.124 tác giả tham gia với 7.101 bài thơ.Trao giải tại lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập CLB Thơ Việt Nam tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn ngày 17-6-2011.
5 -Năm 2011: Giải thưởng Đại Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm đề tài: “Bác Hồ”. Phối hợp với UBND huyện Vĩnh Bảo- Hải Phòng có 2.872 tác giả tham gia với 14.812 bài thơ, trao giải tại Đền thờ cụ Trạng Trình –Nguyễn Bỉnh Khiêm huyện Vĩnh Bảo- Hải Phòng ngày 21-12-2011.
6- Năm 2012: Giải thưởng Đại Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm đề tài: “Đạo nghĩa” phối hợp với UBND huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng, có 4.925 tác giả tham gia với 26.254 bài thơ. Trao giải tại Đền thờ cụ Trạng Trình –Nguyễn Bỉnh Khiêm.
7-Năm 2013 : Giải thưởng Đại Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ đề Hướng thiện có 2615 tác giả dự thi với 7245 bài thơ. Trao giải tại Trung tâm Văn hóa TP.Hà Nội.
8- Năm 0214: Giải thưởng Đại Nam Nguyễn Bỉnh Khiêm đề tài “Tình mẹ” có 3917 tác giả dự thi với 6.337 bài thơ. Trao giải tại trung tâm văn hóa TP.Hà Nội.
V- VỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
- Đã tặng 2 sổ tiết kiệm cho 2 gia đình liệt sỹ ở Hà Nội 1.000 000 đồng.
-Tặng chùa Bửu Thắng (Đắk Lắk) 10 thùng quần áo và mỳ tôm giúp cô nhi quả phụ.
-Phối hợp với Trung tâm chăm sóc sức khỏe các nhà thơ tặng đồng bào bị lũ lụt TP. Hà Nội 10 thùng thực phẩm chức năng trị giá 60 triệu đồng.
- Tặng đồng bào Đà Nẵng bị lũ lụt 5 triệu đồng.
-Phối hợp với CLB thơ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tặng cháu Trần Thị Thanh Tâm (Ban Mê Thuột) tiền để mổ não 20 triệu đồng
- Tặng ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình ở Chư Kpro huyện Krông –Buk có 5 người con bị nhiễm chất độc màu da cam trị giá 48 triệu đồng.
- Tặng 160 xuất quà, mỗi xuất 200.000đ cho trẻ em học sinh nghèo vượt khó. Tặng 2 ngôi nhà cho cụ Vũ Thị Châm ở xã Hoàng Cương và cụ Trần Thị Hữu ở xã Minh Dân đều ở huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ.
- CLB Thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã tài trợ 15 triệu đồng để in cho hội viên Viên Nguyệt Ánh bị liệt cả hai chân tập thơ “Hôn thầm trong mơ”.
- Tặng thư viện huyện Mê LinhTP. Hà Nội 600 tập thơ.
-Tặng bộ đội Trường Sa (3 đợt) hơn 7.000 cuốn sách các loại.
-Xây dựng phòng lưu niệm Nhà Thơ Nguyễn Bính tại Trường PTTH Nguyễn Bính huyện Vụ Bản –Nam Định.
- Triển lãm hơn 1.000 tập thơ tại Bảo tàng Phòng không Không quânnhân kỷ niệm 40 năm “Chiến thắng Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”, và tặng toàn bộ số sách đó cho Quân chủng Phòng không không quân.
- Tặng quỹ “Vì người nghèo” Quận 12 TP. Hồ Chí Minh 115 triệu đồng.
-Nhiều đợt tặng quà tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn. Ngày 5-9-2015 Đã tặng 40 thùng quà, quần áo, sách vở nhân dịp năm học mới cho trường Dân tộc bán trú Nam La -huyện Văn Lãng- tỉnh Lạng sơn, đưa tổng số các cuộc làm từ thiện của CLB thơ Việt Nam lên gần 1 tỷ đồng.
VI- VỀ TÀI CHÍNH
Xã hội hóa Văn học nghệ thuật là việc làm rất khó khăn, nhất là thơ. Ở thị trường thơ là một mặt hàng ế ẩm. Nhưng chúng ta đã phát huy nội lực, tạo đà sáng tạo để thơ đến với công chúng và được công chúng đón nhận.
Với 9600 hội viên, sinh hoạt ở trên 50 tỉnh trong cả nước. Hàng năm có nhiều đợt phải đi công tác các tỉnh xa, rất tốn kém. Mà không đi thì không nắm được phong trào, chi cho hoạt động văn phòng , thi đua cũng rất tốn kém. Trong khi đó chúng ta chỉ thu lệ phí mỗi năm 20.000đồng/1 người, mà chỉ được 1/5 số hội viên đóng góp, nên kinh phí hoạt động rất khó khăn. Hai tập san “Hương Đất Việt” và “Người yêu thơ” mới chỉ ở mức cân bằng thu chi.Vì tập san “Người Yêu thơ” phải trả nhuận bút. Nên chúng ta đã phải hết sức tiết kiệm để duy trì hoạt động của CLB.Trong thời gian tới với sự đổi mới của CLB tình hình sẽ sáng sủa hơn.
Bên cạnh những thành công và ưu điểm, chúng ta còn những hạn chế cần rút kinh nghiệm:
-Ban chấp hành chưa thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo đến các CLB thành viên.
-Ban Biên tập còn để thất lạc bài của hội viên, in ấn có lúc còn thiếu sót, chưa kịp thời đính chính.
- Nội bộ Ban chấp hành, Ban chủ nhiệm, một số đơn vị cơ sở không sinh hoạt thường xuyên , nên có sự không thống nhất hoạt động. Không thường xuyên báo cáo hoạt động với CLB thơ Việt Nam.
VII- NHỮNG MỐC SON:
Phát huy truyền thống của CLB, sau khi tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Hội trường Ba Đình lịch sử, CLB đã tổ chức các cuộc kỷ niệm lớn tại nhà khách Chính Phủ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường UBND tỉnh Thái Bình, khu du lịch Khoang Xanh trên 1000 người đã đến công viên Thiên đường Bảo Sơn dự lễ kỷ niệm 5 năm thành lập CLB thơ Việt Nam rất hoành tráng. Cùng với sự sáng tạo của CLB thơ Việt Nam, các CLB thơ địa phương cũng có những mốc son đáng nhớ:
-Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên phủ, CLB thơ Việt Nam Thăng Long Hà Nội đã tổ chức giao lưu thơ tại Khoang Xanh. Trên 600 hội viên của 18 tỉnh đã về dự giao lưu thơ, tham quan tắm suối suốt một ngày thoải mái. CLB thơ Việt Nam Hà Nội đã tổ chức Đại hội tại Nhà hát lớnThành phố nơi “Thánh đường” của Nghệ thuật Việt Nam.
CLB thơ Việt Nam Yên Lạc- Vĩnh Phúc ra mắt tập thơ “Mạch nguồn Đồng Đậu” hơn 300 nhà thơ của 9 tỉnh đã về dự. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đến dự và giao lưu thơ. Các CLB thơ Việt Nam của: Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định đã phối hợp tổ chức ngày hội tôn vinh thơ tại Thái Bình. Gần 700 nhà thơ của toàn miền Bắc đã về dự. Nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra để tôn vinh thơ và đêm lửa trại tưng bừng tại huyện Vũ Thư đã làm cho ngày hội thêm giàu ý nghĩa. CLB thơ Việt Nam phối hợp với UBND thị xã Chí Linh Hải Dương đã tổ chức lễ trao giải thưởng đề tài 3 Danh nhân Văn hóa tại thị xã Chí Linh, hơn 500 quan khách và hội viên, các tác giả đoạt giải đã về dự. Ngày 28-29-30 tháng 4 năm 2011 Ban tổ chức tuần lễ du lịch Hạ Long đã mời đoàn CLB thơ Việt Nam của 6 tỉnh là: Thái Bình, Hà Nội, Thăng Long, Hải Dương, Nam Định và Quảng Ninh tham gia Liên hoan trình diễn thơ tại Hạ Long. Nhiều tiết mục dàn dựng công phu, trình diễn thơ đầy sáng tạo, được hàng ngàn khán giả trong và ngoài nước nhiệt liệt hoan nghênh. CLB thơ Phú Thọ tổ chức ra mắt tập thơ “Lời người gieo hạt” của cố nhà thơ Quách Đình Hưu. Một sân khấu lớn được đặt giữa sân vận động tại quê của tác giả. Sau lời giới thiệu tập thơ, 6 nghệ sỹ quốc gia đã trình diễn những bài thơ trong tập “Lời người gieo hạt”. Gần 100 quan khách là cán bộ tỉnh, huyện, xã và hơn 2000 đồng bào các dân tộc địa phương luôn có những tràng pháo tay thật lớn để cổ vũ những tiết mục đặc sắc. Có thể nói đây là một buổi trình diễn thơ độc đáo nhất.
Nguyên tiêu năm Canh Dần 2010 đã phối hợp với CLBthơ Việt Nam các tỉnh phía Nam tổ chức ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 tại Quận 12 TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Trần Thế Lưu- Chánh văn phòng Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh đã đánh trống khai mạc. Gần 2000 người đã đến dự và thưởng thức những tiết mục ngâm thơ, ca múa, diễn thơ, múa lân, múa võ phụ họa cho thơ.
Hàng chục quán thơ đã giới thiệu hàng trăm tập thơ phục vụ khán giả.
Đặc biệt Ban tổ chức đã bán đấu giá đôi câu đối của nhà thơ Ngụy Phúc Yên –Phó Chủ tịch CLB thơ Việt Nam phụ trách phía Nam được 115 triệu đồng. Số tiền này đã giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 12 TP.Hồ Chí Minh để ủng hộ Qũy “Vì người nghèo”
Chúng ta cũng có sáng kiến năm 2007 đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam cho CLB tham gia “Ngày thơ Việt Nam”. Ông Hữu Thỉnh đã đồng ý và chia khu vực ở Văn Miếu: Khu giữa là của Hội Nhà Văn Việt Nam, khu trong là cho thơ trẻ và khu ngoài là cho CLBthơ Việt Nam. CLB đã thuê họa sỹ đến đo vẽ sơ đồ. Nhưng không hiểu tại sao Hội Nhà Văn VN lại không thực hiện.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 năm 2010 CLB Thơ Việt Nam tổ chức tại Quận 12 TP.Hồ Chí Minh có hơn 2000 người tham gia. Trong khi đó, một đơn vị ở TP.Hồ Chí Minh tổ chức ngày thơ Việt Nam tại Nhà hát lớn Thành Phố. Theo nhà báo, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đếm được có 83 người tham dự. Do đó từ năm 2011, Hội Nhà văn Việt Nam cùng các Hội VHNT địa phương đã mời các CLB thơ tham gia đông vui như ngày nay.
Chúng ta cũng đã 7 lần phối hợp với các đơn vị tổ chức “Ngày hội Lục bát” tại Hà Nội, hàng ngàn người từ khắp mọi miền đất nước đã đổ về dự. Hội trường Trung tâm Văn hóa TP.Hà Nội và Hội trường công viên Thiên Đường Bảo Sơn có sức chứa gần 2000 người nhưng luôn chật ních hội trường.
Trong thời gian qua , nhiều ClB tổ chức Liên hoan thơ như các CLB thành phố Hải Phòng, Thành Phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đường Thi đất Việt, TP. Hồ Chí Minh. Thăng Long –Hà Nội, Lâm Hà, Lâm Đổng, Quê Hương, quận 12 TP, HCM, Phú Thọ, Bắc Giang, các ngày Hội Lục Bát với nhiều chủ đề phong phú, hấp dẫn. CLB đã tặng hàng ngàn Huy chương vàng , bạc cho các hội viên trong toàn quốc.
Chúng ta có một đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Chủ nhiệm và các Ban chuyên môn hết sức năng động. Đó là những người hy sinh nhiều mặt, thời gian, sức lực, tiền bạc để góp phần duy trì hoạt động của CLB các cấp.
VIII- PHƯƠNG HƯỚNG:
Qua 9 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta đã khẳng định mô hình hoạt động của CLB “ Xã hội hóa và xóa bỏ bao cấp” theo tinh thần nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính Trị Ban Chấp hành TW- khóa X là đúng hướng.
Trong những năm tới quyết tâm của chúng ta là: Tiếp tục duy trì hoạt động của CLB thích hợp với tình hình mới. Phát huy thắng lợi của 8 CLB tỉnh và huyện đã được Chủ Tịch UBND tỉnh ra quyêt định công nhận theo tinh thần nghị định 45/CP của Chính Phủ (có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng).
1-Trước hết CLB thơ Việt Nam đề nghị các Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành và Nhà Văn hoá các quận huyện, thị xã tiếp nhận các CLB Thơ Việt Nam đang sinh hoạt tại địa phương là thành viên của đơn vị. Chịu sự quản lý, chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của trung tâm văn hóa và Nhà Văn Hóa để phục vụ kịp thời những nhiệm vụ của địa phương. (Như mô hình của một số các đơn vị đã thực hiện.)
Về tập san Người yêu thơ:
- Nâng cao chất lượng nội dung , trình bày đẹp. Đây là diễn đàn văn nghệ để trao đổi học tập nhằm giao lưu giữa các nhà thơ và đôc giả trong toàn quốc.
- Duy trì đều đặn tập san Hương Đất Việt để thỏa mãn nhu cầu giới thiệu thơ của đại đa số hội viên.
-Tổ chức in tuyển tập thơ, tập san số đặc biệt cho các CLB và tập thơ cho các hội viên với giá ưu đãi nhất.
- Mở trại sáng tác thơ mỗi đợt 6 ngày cho khoảng 20 nhà thơ.
- Tổ chức ngày thơ lục bát và liên hoan thơ phối hợp với Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
- Tổ chức làm Video clip chân dung thơ nhạc cho hội viên.
-Tăng cường công tác tuyên truyền giới thiệu hội viên và tác phẩm, nâng cao chất lượng trang Web của CLB thơ Việt Nam.
Kính thưa các vị Đại biểu!
Kính thưa Đại hội!
CLB thơ Việt Nam ra đời trong lúc rất khó khăn, không kinh phí, thiếu kinh nghiệm, chúng ta đã phải tìm tòi, sáng tạo và vận động cho mình một mô hình thích hợp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã đi đầu trong xã hội hóa thơ và xóa bỏ bao cấp để hình thành một CLB thơ có thương hiệu như ngày nay, với 9.600 hội viên, 243 CLB cơ sở trong cả nước hoạt động với 3 tự: Tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước Pháp luật . Với hơn 10 vạn bài thơ được xuất bản và hàng triệu trang in. Hai tạp san Hương Đất Việt và Người yêu thơ ra thường xuyên là một cố gắng rất lớn.
Với phương châm tiêu chí: Điều kiện vào CLB thơ không phải là tài năng mà là Nhân cách. Cho nên hội viên của chúng ta khi đã đeo huy hiệu trên ngực, luôn tự hào là người có văn hóa, ăn mặc lịch sự hơn , không uống rượu say, không làm thơ đả kích, luôn theo quy chế của CLB, góp phần giữ gìn trật tự trị an ở địa phương. Các hội viên thường bảo nhau:
Chơi thơ trọn nghĩa vẹn tình
Ai mà chơi xấu, chúng mình không chơi!
Nhiều người cho rằng từ ngày CLB thơ việt Nam ra đời thì phong trào sáng tác thơ rầm rộ hẳn lên. Nhiều CLB thơ và trường phái thơ ra đời để trăm hoa cùng đua nở. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi còn sống đã nói: “Thơ cần như cơm, khi cơm áo đã đủ đầy thì thơ cần hơn cơm!”. Ngày nay nhờ sự đổi mới của Đảng, cái ăn, cái mặc đã tạm ổn. Đó là lúc chúng ta cần rất nhiều thơ.
Người đời đúc kết rằng: “Thêm một bài thơ là đời bớt đi một tội ác” và khẳng định: "những người làm thơ thường không ác”.
Và cái được lớn nhất của chúng ta là đã làm cho hàng triệu người, vững lòng tin vào con người, vào cuộc sống, yêu đất nước Việt Nam tươi đẹp, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu quê hương xứ sở và yêu chính mình.
Chúng ta đã truyền cảm qua thơ vào một bộ phận không nhỏ người cao tuổi, đề họ quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên hận thù; để ngày ngày sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Và chúng ta sẽ chọn lọc để lại cho đời những câu thơ tài hoa, sống mãi với thời gian.
Chúng ta tin rằng, mô hình xã hội hóa thơ và xóa bỏ bao cấp của CLB thơ Việt Nam để không lãng phí tiền thuế của nhân dân sẽ được nhà nước nghiên cứu và đưa vào áp dụng cho cả nước trong thời gian tới.
Và như vậy, những hội viên trong CLB chúng ta đã có một diễn đàn chính thức, một sân chơi sang trọng và bình đẳng. Không có chiếu trên, chiếu dưới, không có thơ đàn anh, đàn chị, chỉ có những bài thơ hay và chưa hay mà thôi. Không có thày thơ mà chỉ có bạn thơ. Mà bạn thơ chính là tri âm tri kỷ. Ta học bạn, bạn học ta, để cho thơ của mỗi người viết ra phải là tiếng lòng của chính mình. Song như thế vẫn chưa đủ, còn phải là nơi gặp gỡ, những rung động suy nghĩ của nhiều người khác. Có như thế thơ mới đứng vững được với thời gian. Và chúng ta cũng phải biết trân trọng tất cả những giá trị tinh thần của mỗi tác giả. Vì đó là những bông hoa đẹp góp vào, làm nên một vườn hoa hương sắc trong làng thơ Việt mến yêu.
Kính thưa các vị đại biểu!
Kính thưa Đại hội!
Câu lạc bộ thơ Việt Nam được như ngày hôm nay, chúng tôi xin chân thành cám ơn Ban Tuyên giáo TW, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam , Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Văn Hoá cơ sở, Hiệp Hội Phát triển Văn hoá Doanh nghịệp Việt Nam đã thường xuyên chỉ đạo và tạo điều kiện để CLBThơ Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Hội VHNT, Trung tâm Văn hoá, Nhà Văn hoá các địa phương trong toàn quốc đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các CLB thơ VN ở cơ sở hoạt động.
Xin chân thành cám ơn Nhạc sỹ Nhà thơ Vũ Mão, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Nghị sỹ Quốc Hội Lê Như Tiến, nhà thơ Bằng Việt, Tiến sỹ Vũ Duy Thông, nhà thơ Lại Hồng Khánh đã thường xuyên chỉ đạo, giúp đỡ CLB thơ Việt Nam hoạt động.
Cám ơn các nhà tài trợ đã thường xuyên giúp đỡ tài chính để CLB thơ Việt Nam có kinh phí hoạt động.
Xin chân thành cám ơn các nhà thơ , các nhạc sỹ đã giúp đỡ chắp cánh cho hội viên CLB thơ Việt Nam, chân thành cám ơn các cơ quan báo, đài TW và địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu những tin tức hoạt động của CLB thơ Việt Nam.
Xin chân thành cám ơn và vô cùng biết ơn các quý vị lãnh đạo, các quý vị Đại biểu và toàn thể cán bộ hội viên đã đến dự Đại hội hôm nay.
Xin trân trọng cám ơn!
BCH. CÂU LẠC BỘ THƠ VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Nghệ sỹ, nhà báo Bành Thông