Trong cuộc đời của mỗi con người, mỗi dân tộc, có những ngôn ngữ, âm thanh khiến ta không bao giờ quên được. Tiếng nói, âm thanh của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam là tiếng nói của trí tuệ, tâm hồn dân tộc ta. Đó là tiếng nói tuyệt đẹp, âm thanh dịu dàng, đôn hậu. Nó như nhạc, như thơ. Những lời nói giống như những đóa hoa trong vườn đẹp, như tiếng gió giữa ngàn cây, như bài ca của những làn sóng vỗ vào bờ cỏ và hoa. Tiếng nói ấy khi nói với nhân dân, với những người ta yêu mến thì tràn đầy tình cảm, tha thiết, chân thành. Nhưng khi lên tiếng trước kẻ thù thì đanh thép, hào sảng, độ lượng, bao dung, khiến chúng phải cúi đầu kính phục.
Từ một sớm đầu thu năm 1945.
Cho đến sáng hôm nay, trên vòm trời thoáng đãng của buổi bình minh tuyệt đẹp này, ta bỗng nghe thấy những âm thanh vang tới đánh thức ta dậy. Đó là tiếng lao xao lay động của muôn triệu lá; bản nhạc véo von ríu rít của những bầy chim. Phía xa kia, phía ngoài thành phố hình như nghe có tiếng sóng vỗ bờ của một con sông. Đâu đây, từ một căn gác nhỏ vọng ra những khúc nhạc thánh thót, êm đềm, dưới đôi tay điêu luyện của một nghệ sĩ dương cầm.
Trong dòng âm thanh sống động thanh tao ấy, ta vừa chợt nghe rõ một giọng nữ trung trong trẻo của chị phát thanh viên
“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Từ giây phút ấy trong lòng ta bỗng dâng lên một niềm vui khôn tả. Ta cảm thấy càng mến yêu hơn Tiếng nói Việt Nam - tiếng của Quê hương đang đưa ta đến những miền đất, khoảng trời Tổ quốc. Và ta lắng nghe, ta suy ngẫm: Tiếng nói này, làn sóng âm thanh này đã mang đến cho chúng ta một đời sống tinh thần tráng kiện. Lòng yêu nước, thương nhà. Cái đẹp và cái cao thượng
Phải. Đúng là như thế. Mỗi lần nghe Đài. Trong dòng âm thanh vượt lên, lan xa mãi, ta thấy như Đất nước hiện ra trong hương sắc của những bông sen thơm ngát trong đầm, trong nắng thu vàng, và trong vị ngọt bốn mùa của những vườn cây hoa trái sum xuê. Hương đồng, cỏ nội đằm thắm khúc dân ca.
Trong cuộc đời của mỗi con người, mỗi dân tộc, có những ngôn ngữ, âm thanh khiến ta không bao giờ quên được. Tiếng nói, âm thanh của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam là tiếng nói của trí tuệ, tâm hồn dân tộc ta. Đó là tiếng nói tuyệt đẹp, âm thanh dịu dàng, đôn hậu. Nó như nhạc, như thơ. Những lời nói giống như những đóa hoa trong vườn đẹp, như tiếng gió giữa ngàn cây, như bài ca của những làn sóng vỗ vào bờ cỏ và hoa.
Tiếng nói ấy khi nói với Nhân Dân, với những người ta yêu mến thì tràn đầy tình cảm, tha thiết, chân thành.
Nhưng khi lên tiếng trước kẻ thù thì đanh thép, hào sảng, độ lượng, bao dung, khiến chúng phải cúi đầu kính phục.
Với riêng tôi khi viết thiên tùy bút này, tôi thầm nghĩ. Những chương trình, chuyên mục trên Đài, mỗi khi ta lắng nghe... một bản tin tổng hợp trong tuần, một bài ca, một tác phẩm văn học… Tất cả, tất cả như được chung đúc nên bởi một pho sách âm thanh, mở ra hình sông, thế núi, hiện lên gương mặt Việt Nam; như bài ca không bao giờ tắt, như cây cối mãi xanh tươi, như cánh đồng hoa không bao giờ tàn héo. Tiếng nói và âm thanh của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam mãi mãi trường tồn trong tiến trình lịch sử của Dân tộc chúng ta.
Hôm nay và mai sau.
Các bạn! Những thính giả thân mến của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Cho đến sáng hôm nay, tôi vẫn nghĩ rằng, các bạn cũng như tôi đang nhớ về một sớm mùa thu năm ấy.
Ngày ấy, ngày 2 - 9 - 1945, Bác Hồ kính yêu của Dân tộc Việt Nam ta đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình trong niềm hân hoan của hàng chục vạn đồng bào, chiến sĩ. Lời người được truyền đi trên làn sóng của đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
“Hỡi đồng bào cả nước! Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Một dân tộc gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập.
Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vũng quyền tự do và độc lập ấy.”
(Trích từ nguyên bản Bản tuyên ngôn độc lập Hồ Chủ tịch đọc tại quảng trường Ba Đình 2 – 9 - 1945)
Từ giây phút ấy cả dân tộc chúng ta hiểu rằng, Bác là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và chính Người cũng đã sáng lập ra Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
“Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”
Lần ấy, lần đầu tiên nghe tiếng nói quê hương âm vang trên Đài phát thanh của Tổ Quốc mình, ta hiểu rằng. Tiếng đài, âm thanh của Đài tựa như nhịp cầu khơi lại cội nguồn lịch sử, cho ta nhớ về một dân tộc Việt Nam có một Bạch Đằng giang, mãi mãi là niềm tin cho mình, sẽ chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, và cũng sẽ chiến thắng tất cả mọi trở lực trên con đường đi tới hòa bình, hạnh phúc. Tiếng nói trên Đài đã cùng ta ngoảnh lại nhìn tướng quân Trần Quang Khải, hơn 700 năm trước cướp lại Thăng Long, ngâm bài thơ đoạt giáo giặc trên bến Chương Dương. Và Lê Lợi giải vây thành Đông Đô, chém Liễu Thăng trên Ải Bắc; và Quang Trung, với cuộc tiến công thần tốc, diệt tan đội quân Tôn Sĩ Nghị trong ngày tết chiến thắng đẹp nhất trong lịch sử dân tộc.
Tiếng Đài vẫn như đang nói với chúng ta rằng. Những cuộc chiến đấu đánh tan những thế lực xâm lược phương Bắc định thôn tính nước ta vừa kết thúc từ những thế kỷ trước; thì bọn xâm lược mới lại kéo đến.
Thế kỷ 20, tiếng Bác Hồ âm vang mãi trên làn sóng của Đài. Người đọc lời kêu gọi Toàn Quốc kháng chiến (19-12-1946). Người căn dặn chúng ta “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”
Ôi! Non sông gấm vóc của ta. Ôi! Niềm hạnh phúc chan chứa ta hằng mơ ước… vừa giành được trong tay chưa được bao lâu thì những tên hung nô, bạo chúa của thế kỷ 20 lại kéo đến hòng chiếm đoạt.
Tiếng nói Bác Hồ vang vọng trên Đài là lời hịch non sông, là mệnh lệnh của Tổ quốc giục giã chúng ta chiến đấu và chiến thắng.
… “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”
*
Buổi sớm nay, khi một cô thôn nữ 18 tuổi ở một làng quê đang mải mê gặt lúa trên đồng, khi một chàng trai tuổi 20 khuôn ngực nở nang tràn đầy sinh lực, sắp sửa bước vào buồng lái, lái chiếc xe siêu trọng chở hàng tấn thiết bị máy móc vào một khu công nghiệp... Gương mặt các bạn đều bừng sáng, trẻ trung... Các bạn có nghe giọng đọc trên Đài phát thanh của Tổ quốc không?
Sau ngày chiến thắng 30-4-1975, tiếng nói trên Đài từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ mùa thu 1976, Đài tiếng nói Việt Nam lại chuyển mình với biểu tượng mới của dáng hình Đất nước. “Đây là tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Đài đang truyền đi chương trình buổi sáng hôm nay. Đất nước ta đang được xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn ngày xưa đấy. Và đây, niềm ước mơ đến cháy lòng, nay đã trở thành hiện thực. Những nhà máy, những công trình mới. Những thành phố bên bờ biển cả, những chung cư, siêu thị, trung tâm khoa học, viện nghiên cứu, tháp lọc dầu, những phi trường, hải cảng mới, những cây cầu hiện đại, và những con đường cao tốc đưa ta đến những chân trời xa rộng...
Đó là những ấn tượng sâu sắc của chúng ta, của thế hệ hôm nay. Còn ngày hôm qua, có thể ta chưa thể nào hiểu một cách sâu sắc rằng, những thế kỷ trước, thế hệ cha anh họ đã sống ra sao? Và câu thơ nào, trang sách nào đã khơi dậy trong tâm hồn và con tim họ tình yêu Tổ quốc.
Đó là pho sách đã được thể hiện bằng tiếng nói, âm thanh của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đang cùng thế hệ hôm nay quay lại nhìn về những năm tháng oanh liệt và vinh quang đó.
...Có những khoảnh khắc,... những đêm, những ngày... trước mặt ta là kẻ thù, sau lưng ta, bên phải, bên trái, trên trời, dưới đất... nơi đâu kẻ thù cũng đến vây bủa. Rồi kìm, kẹp, lao tù, máy chém. Những thế lực xâm lược ào đến Đất nước ta không chỉ bằng những đoàn ngựa chiến, bằng gươm giáo và súng thần công mà còn có cả trọng pháo, xe tăng, tên lửa... những phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại nhất của thế kỷ 20 cộng với một dã tâm xâm lược “đốt sạch, giết sạch, phá sạch”...
Vậy mà thế hệ cha anh chúng ta đã sống và chiến đấu thật xứng đáng, rất xứng đáng, xứng đáng tột cùng với sứ mệnh cao cả mà Tổ quốc đã đặt trên vai họ “Dựng nước và giữ nước”.
Vẫn còn sống mãi một Bế Văn Đàn, lấy thân mình làm giá súng, một Phan Đình Giót, người anh hùng lấp lỗ châu mai, một Tô Vĩnh Diện oằn lưng chèn pháo.
Vẫn mãi mãi còn đây niềm tự hào, lòng kiên trung vì nước, vì nhà của Bà mẹ Suốt, của người con gái Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển và 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc. Và đây nữa một đảo Cồn Cỏ anh hùng, và Trường Sa, Hoàng Sa... những pháo đài trên biển, một trận địa pháo Nguyễn Viết Xuân, một trận Bình Giã, Ba Gia, Núi Thành... trên bầu trời Thủ đô Hà Nội. Một trận Điện Biên Phủ trên không. Những binh đoàn không quân, hải quân, lục quân với một trận tuyến Nhân Dân đã kết lại thành một khối làm nên chiến thắng. Thế hệ hôm nay và những thế hệ nối tiếp sau họ sẽ còn mãi mãi quay lại nhìn về lịch sử của một dân tộc có hàng ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã gắn Huân chương cho những Sư Đoàn, những thành phố, thị trấn và những phường, xã anh hùng.
Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã đại diện cho Tiếng nói quê hương, cho lời Tổ Quốc tuyên dương những Anh hùng.
Trong tiếng Đài có tấm lòng lãnh tụ, Bác kính yêu. Người sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
“…Bác Hồ! Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”
Chúng ta đang nghe giọng hát của nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa! Được truyền đi qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đấy.
Hình tượng âm nhạc quyện với lời ca đã để lại trong ta bao ấn tượng sâu sắc.
Thế nhưng, không chỉ có ấn tượng sâu sắc của một bài ca. Mỗi khi nghe Đài, ta vẫn cảm nhận thấy rằng, phía sau những tiếng nói, âm thanh còn có biết bao nhiêu gương mặt, tâm hồn mà ta hằng yêu mến, trân trọng.
Không thấy mặt chỉ nghe thấy lời.
Không gặp gỡ Người mà nghe rõ những âm thanh.
Đó là những phóng viên, những phát thanh viên, những chuyên viên kỹ thuật, những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ của Đài. Tên tuổi của các chị, các anh đã làm nên thành tựu của Đài.
Có thể dẫn ra đây những gương mặt, con người mà ta tin mến: Nguyễn Thơ, Kiên Cường, Tuyết Mai, Hoàng Yến, Kim Cúc, Minh Khuê, Huy Sơn, Phượng Minh.
Và Quý Dương, Quang Thọ, Thu Hiền, Lê Dung, Trung Kiên, Trần Hiếu, Thanh Hoa…
Và đây nữa, những nghệ sĩ ngâm thơ, Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm… Rồi Vũ Kim Dung, Ngọc Thọ...
Phải nói một cách trân trọng và lịch lãm rằng, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam là nhịp cầu bền vững kết nối những tâm hồn với nhau, nối những con người lại với nhau, nối tình yêu lại với nhau, Đảng với Nhân Dân, Lãnh tụ với Dân tộc, mặt đất với bầu trời, quê hương với những quê hương.
Âm thanh trên Đài mãi mãi còn bay xa, bay xa không chỉ phủ sóng trên vòm trời Tổ Quốc, mà còn bay xa mãi, qua những Đại Dương, qua những phương trời bè bạn. Tiếng nói đó, làn sóng âm thanh đó mang tầm vóc của một dân tộc giàu nghị lực và nhân nghĩa đang phấn đấu cho một xã hội văn minh, công bằng và dân chủ. Tiếng nói ấy đang hòa nhập với xu thế phát triển hội nhập toàn dân trên tất cả mọi lĩnh vực.
Năm tháng sẽ trôi qua. Những cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt. Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, mở ra một chân trời mới của tình hữu nghị hợp tác giữa các dân tộc. Tiếng nói Việt Nam đang lên tiếng chào những công dân nước Việt.
Làn sóng âm thanh dường như đang chở nắng thu đi. Nắng mang tấm lòng của hàng triệu con tim của một Dân tộc đang cùng nhịp đập, để đón chào bè bạn khắp năm châu đến với Tổ quốc mình.
Việt Nam là điểm hẹn thanh bình, an toàn đã và đang đón chào các bạn.
“… Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi
Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời
Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả
Vút phi lao gió thổi trên bờ.
Buồm vươn cánh vượt sóng ra ngoài khơi
Trong nắng hồng bừng lên sáng ngời...”
Lời ca sâu lắng, vút cao đọng mãi trong lòng ta. Và tiếng nói trên Đài, làn sóng âm thanh đó đang cùng chúng ta mở ra những chân trời mới của lịch sử.
Và tiếp theo, là tiếng hát trong ấm, vang xa... tràn đầy niềm tự hào.
“Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi
Sáng ngời muôn thuở
Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ…”
Bài hát ta nghe lúc trước mang tên “Việt Nam quê hương tôi" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, do nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ thể hiện. Ta lắng nghe, ta đã lắng nghe và hiểu rằng, nghệ sĩ Quang Thọ thuộc thế hệ của những người đi trước.
Còn bài hát thứ hai, bài hát ta nghe sau đó là của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nói về “Đất nước”. Tiếng hát vẫn đang bay lên đó.
“… Đất nước tôi sáng ngời muôn thuở
Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ…”
Đó là tiếng hát của nghệ sĩ Trọng Tấn. Một giọng ca nam cao, trong như pha lê, đầy vẻ tự hào, tin tưởng.
Đó là những kỷ niệm sâu sắc của tôi về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
Tiếng nói đó, làn sóng âm thanh đó đang cùng chúng ta mở ra nhưng chân trời mới của lịch sử.
Các bạn thính giả thân mến của Đài. Các bạn vẫn đang cùng tôi lắng nghe đấy chứ.
... Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...