Ra mắt cuốn "Tiếng vọng từ những linh hồn" của Hoàng Anh Sướng

Sáng 25/8/2015, tại Hiên trà Trường Xuân, số 13, phố Ngô Tất Tố, Văn Miếu, Hà Nội, đã diễn ra lễ ra mắt “Tiếng vọng từ những linh hồn”- tập phóng sự xã hội của nhà báo Hoàng Anh Sướng vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành tháng 8.2015. Sách dày gần 300 trang, họa sĩ Văn Sáng làm bìa, nhà văn Tạ Duy Anh biên tập. Khách mời tham dự chương trình: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng,đại đức Thích Thanh Đoàn , ..cùng rất nhiều anh chị em bạn bè trong giới báo chí về dự. (MC là nhà văn Sương Nguyệt Minh). Tại buổi lễ, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã bộc bạch những suy nghĩ của mình về nghề báo, về những chủ đề mà anh theo đuổi nhiều năm nay để viết phóng sự. Từ thuyết lý của phật giáo nguyên thủy, anh nghiên cứu về văn hóa tâm linh hiện nay, rồi tập trung vào việc tìm mộ liệt sĩ và một số vấn đề khác liên quan đến lối sống, với tâm nguyện bằng các trang sách của mình góp phần làm cho con người bớt đi những nỗi khổ, sống thanh thoát, hạnh phúc.

 

Nhà báo Hoàng Anh Sướng (Báo Tuổi trẻ và đời sống) đã dồn tâm sức 10 năm lên rừng xuống biển, ra đảo,… đi theo, trò chuyện, chứng kiến các nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, Vũ Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Khắc Bảy, Nguyễn Văn Nhã… tìm mộ liệt sĩ. “Tiếng gọi từ những linh hồn” là kết quả lao động sáng tạo, đầy tâm huyết với cái nhìn trung thực, khách quan, giàu lòng nhân ái của một nhà báo luôn đau đáu, khắc khoải với vấn đề tìm mộ liệt sĩ, vấn đề mà Đảng, nhà nước, toàn quân, toàn dân rất quan tâm trong suốt mấy chục năm qua.

Hoàng Anh Sướng sẽ giúp bạn đọc nhận ra hành trình nhọc nhằn nhiều năm của cựu chiến binh - thượng úy Vũ Thị Minh Nghĩa tìm hàng ngàn mộ liệt sĩ. Đặc biệt là chị Vũ Thị Minh Nghĩa, Phan Thị Bích Hằng và một số nhà ngoại cảm khác chung sức trong cuộc tìm kiếm gần 4000 hài cốt liệt sĩ ở “địa ngục trần gian” nhà tù Phú Quốc diễn ra rất kỳ bí, nhưng cũng rất thuyết phục bằng thực chứng sinh động.

Ngòi bút phóng sự nhân ái của Hoàng Anh Sướng không chỉ miêu tả các cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ mà còn mở rộng biên độ hiện thực làm cho tác phẩm vạm vỡ và hấp dẫn, sinh động. Chẳng hạn, anh dựng chân dung, số phận chị Vũ Thị Minh nghĩa với tư cách là nhân vật văn học đồng thời với hành trình gian khó, bền bỉ đi tìm mộ liệt sĩ trong tâm thức nghĩa tình và niềm tin yêu đồng đội. Tương tự, anh dựng thân thế sự nghiệp anh hùng khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất và nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến rất sâu sắc, thần tình; sau đó mới miêu tả kỳ công hành trình đi tìm và tìm được mộ các bậc kỳ nhân đáng kính ấy.

Cùng với các tác phẩm “Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh”, “Bùa ngải xứ Mường”, “Hạnh phúc đích thực” và bây giờ là “Tiếng vọng từ những linh hồn”, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã khu biệt một vùng hiện thực tái tạo, phản ánh riêng với cảm hứng nhân đạo bằng một phong cách phóng sự khác biệt giàu chất văn, xác lập một vị trí vững chắc trong làng báo.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: "Tiếng gọi từ những linh hồn" là một tập phóng sự xã hội của Hoàng Anh Sướng miêu tả về những chuyến đi tìm mộ liệt sĩ đầy ắp tình người những thấm đẫm mồ hôi và tràn nước mắt và được viết với một bút pháp trầm tĩnh, da diết, và sâu lắng gợi cho người đọc nhiều ngẫm nghĩ… Giản lược tối đa tính thông tấn sự kiện, Hoàng Anh Sướng hướng ngòi bút chọn nhiều chi tiết lạ, dị biệt và cái nhìn nhân đạo để chứng tỏ, cắt nghĩa sự thật thế giới tâm linh”. ... "Tôi tin rằng: Quyển sách này cũng sẽ lấy mất nhiều nước mắt của bạn đọc, bạn đọc nữ sẽ càng bị rơi nước mắt nhiều hơn. Khi gấp quyển sách lại, bạn sẽ bâng khuâng và tin yêu cuộc sống, nhưng câu hỏi: làm thế nào để hóa giải nỗi đau của kiếp người, của nhân loại? sẽ còn vang vọng mãi không thôi".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Với cuốn sách này, ta lại thấy một Hoàng Anh Sướng khác. Ở đó, anh như một nhà khoa học nghiên cứu tâm linh, nghiên cứu những hiện tượng di biệt, phi thường, nhưng lại có thật bằng thực chứng. Đây là một cuốn sách hay. Đặc biệt hấp dẫn. Tư duy khoa học kết hợp với tài văn, tài dẫn dắt chuyện, khiến những ai đã cầm cuốn sách đều không thể buông nổi, nếu không đọc hết đến những dòng cuối cùng. Đó là cái tài đặc biệt mà không phải nhà báo, nhà văn nào cũng có thể làm được. Điều bất ngờ là rất nhiều thầy cô giáo đã lấy những bài viết trong cuốn sách này khi đăng tải trên báo làm tài liệu ngoại khóa cho môn lịch sử. Bởi đây là những trang sử sống động của một phần lịch sử đất nước. Nếu những trang sử hào hùng của dân tộc cũng được viết với ngòi bút đầy ma lực như thế này thì chẳng bao giờ học trò chán ghét môn sử và quay lưng lại với cha ông. Cuốn sách này có thể xem như một gợi ý cho những người làm sử về cách chép sử, để những trang sử không nguội lạnh như những hiện vật hóa thạch trong các viện bảo tàng mà luôn nóng buốt như những giọt nước mắt tri ân đối với những thế hệ đi trước…”

Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét: “Giống như tên của cuốn sách, sự vang vọng của nó, với thời gian và với tâm hồn bạn đọc, chắc chắn sẽ vượt xa ra khỏi khuôn khổ của một cuốn phóng sự mô tả hiện thực gớm ghiếc của cuộc chiến tranh, để đồng hành cùng chúng ta như một chứng thực cho phần bi thương nhất của lịch sử dân tộc và để tha thiết nói lên ước muốn được sống trong hòa bình của con người”.

Tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, với tư cách là khách mời, đã nhấn mạnh về phong cách làm báo của Hoàng Anh sướng, đó là cẩn trọng - biết mười mà chỉ viết một. Lặn lội 10 năm với nhân vật, đề tài, bây giờ anh mới công bố một tập sách dày chưa đến 300 trang, đã thể hiện rõ tính cẩn trọng ấy, mà bây giờ nhiều nhà báo trẻ không có được. Chính vì vậy, 8 phóng sự in trong tập sách của Hoàng Anh Sướng đã tạo nên một chỉnh thể tác phẩm, không thêm, không bớt được. Về tên gọi cuốn sách, khi nhà văn Sương Nguyệt Minh nêu gợi ý về những tên gọi khác, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định, "Tiếng vọng từ những linh hồn" là cái tên phù hợp nhất, không thể thay thế.


Buổi ra mắt sách đã diễn ra trong không khí vui vẻ, ấm cúng nhưng không kém phần trang trọng, cảm động với cả nụ cười lẫn những giọt nước mắt .Xin tri ân những tấm lòng tốt của những nhà ngoại cảm chân chính như Năm Nghĩa ,Bích Hằng... và cũng không quên ghi công Hoàng Anh Sướng đã hơn mười năm cất công lăn lộn cùng họ để viết nên cuốn sách tâm huyết này!

(Ngọc Mai Tổng hợp)

 

HÌNH ẢNH TRONG BUỔI RA MẮT SÁCH