Khai giảng năm nay: Thủ tục rườm rà sẽ "biến mất"

Thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, vào ngày 5/9 tới đây, tất cả các trường học sẽ tiến hành tổ chức khai giảng. Việc khai giảng cùng 1 ngày được thống nhất sau phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại “Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên” do Bộ GD-ĐT tổ chức. Điều đặc biệt là khác với các năm trước, năm nay lễ khai giảng sẽ được tổ chức gói gọn chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, hoạt động thể thao để lại ấn tượng đẹp cho mỗi học sinh về ý nghĩa của khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

 

Những thủ tục rườm rà như các bài phát biểu dài lê thê, báo cáo thành tích hay các em học sinh phải đội nắng để chờ các vị đại biểu tới tham dự đã được Bộ giáo dục và đào tạo yêu cầu cắt bỏ để buổi lễ khai giảng sẽ thực sự vì học trò.

Lễ khai giảng năm nay sẽ diễn ra trong 1 tiếng đồng hồ và bớt các thủ tục rườm rà, nhiêu khê
Những thủ tục rườm rà như các bài phát biểu dài lê thê, báo cáo thành tích hay các em học sinh phải đội nắng để chờ các vị đại biểu tới tham dự đã được Bộ giáo dục và đào tạo yêu cầu cắt bỏ để buổi lễ khai giảng sẽ thực sự vì học trò. Tinh thần mới của lễ khai giảng năm nay nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh.

Nhớ lại những khai giảng trước, học sinh tiểu học Nguyễn Hải Đức ở Hà Nội, năm nay lên lớp 5, cho biết: “Trước ngày diễn ra lễ khai giảng, em phải đến trường tập nhiều lần để chuẩn bị, trời nắng, ngồi ghế nhựa ở sân trường rất mệt, có bạn mang được ô còn đỡ, những bạn không mang ô đều mồ hôi nhễ nhại”.

Học sinh trung học cơ sở Nguyễn Thị Loan ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Em thấy lễ khai giảng diễn ra quá lâu, nhất là phần chào đón các vị đại biểu rồi các phát biểu của thầy cô. Sau khai giảng, chúng em cũng phải lên lớp luôn nên hầu hết đều uể oải sau khi dự xong buổi lễ”.

Lễ khai giảng trang trọng, ngắn gọn

Trước thềm lễ khai giảng năm học 2015-2016, những ngày gần đây, tại các trường học ở Hà Nội, học sinh và các thầy, cô giáo đang phấn khởi tập luyện các tiết mục trình diễn trong lễ khai giảng. Khác với mọi năm, năm nay cả thầy và trò đều không phải tập dượt nghi lễ đi đứng, xếp hàng có phần nặng nề; thay vào đó là không khí nhộn nhịp với tiếng nhạc vui tươi, học sinh trong trang phục đồng diễn màu sắc thể hiện ca khúc do mỗi lớp tự chuẩn bị.

Theo nhà giáo Văn Như Cương - Chủ tịch hội đồng Trường Lương Thế Vinh, tại ngôi trường do ông quản lý lâu nay đều có tình thần tổ chức lễ khai giảng không rườm rà, phức tạp gây mệt mỏi cho các em học sinh. “Chỉ có năm học Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về dự lễ khai giảng tại trường thì có bài phát biểu, ngoài ra trường chỉ tổ chức chào cờ, hát quốc ca, đọc thư chủ tịch nước và đánh trống khai giảng, sau đó học sinh tổ chức văn nghệ, vui chơi”, thầy Văn Như Cương cho biết.

Cũng theo thầy Văn Như Cương việc để các trường chọn ngày khai giảng theo lịch của các đại biểu rất nhiều khê nên ông rất đồng tình, ủng hộ việc Bộ giáo dục và đào tạo yêu cầu tổ chức lễ khai giảng thực sự vì học trò.

Hầu hết các hiệu trưởng trên địa bàn Hà Nội đều chia sẻ rằng, do năm nay nhà trường không chủ động mời khách đến dự lễ nên những nhiêu khê về khâu chuẩn bị, đón tiếp, hoặc những phát biểu dài dòng đều không có trong buổi lễ.

Phần lễ năm nay sẽ được tổ chức không quá 30 phút. Trong đó có phần đọc thư Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu khai giảng ngắn gọn, nhưng chứa đựng cảm xúc thầy cô với thông điệp có khích lệ học sinh phấn khởi, tự tin bước vào năm học mới. Cuối cùng là những tiếng trống vang lên để khai trường.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, nhiều năm nay, phụ huynh và các thầy cô giáo phàn nàn tổ chức khai giảng năm học mới cồng kềnh, rườm rà quá nhiều nghi lễ, nghi thức khiến cho khâu chuẩn bị của nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ các em học sinh rất mệt mỏi.

Trên cơ sở gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong hội nghị tổng kết giáo dục toàn quốc và sau đó là ý kiến của giám đốc 63 tỉnh thành, ngành giáo dục đã thống nhất tổ chức khai giảng vào 1 ngày. Và chọn ngày 5/9 có ý nghĩa toàn dân đưa trẻ đến trường.
Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội đã có công văn yêu cầu các trường triển khai lễ khai giảng trong thời gian từ 7h30 đến 8h30, gồm đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát quốc ca, nghe đọc thư chủ tịch nước, đánh trống khai giảng… “Ngày khai giảng các trường tổ chức theo tinh thần ngắn gọn, bớt lễ nghi”, ông Thống cho biết.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, với quy định khai giảng ngắn gọn như năm nay giảm được nhiều áp lực cho chính các trường và lãnh đạo đi dự khai giảng. Mọi năm, dù bận đến mấy các lãnh đạo vẫn phải xếp lịch đi dự khai giảng nhiều trường để động viên các cháu, năm nay chính vì tổ chức 1 ngày nên mỗi lãnh đạo chỉ đến một trường. “Hà Nội ưu tiên những trường có điều kiện khó khăn, vùng sâu vùng xa để đến động viên và không có phát biểu nào”, ông Thống cho hay.

Với tinh thần thống nhất từ các cấp quản lý giáo dục đến các trường về một lễ khai giảng vì học trò, chắc chắn lễ khai giảng năm nay sẽ thực hiện được ý muốn nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và đúng như lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu : “Cả nước cùng khai giảng một buổi, cùng một giờ, cùng một thời khắc, cùng hát quốc ca, cùng chào cờ, cùng đọc thư Chủ tịch nước. Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn còn phần sau là để ngày hội cho thầy cô giáo và các cháu. Chúng ta làm thực sự vì học sinh. Chúng ta xem lại những lễ khai giảng trước vì các cháu hay vì người lớn”.

Nguồn dantri.com