Ngày 17/6/2015, tại Lục bát Quán số 6, ngõ 40 đường Võ Thị Sáu, Hà Nội, đã có buổi gặp mặt trang trọng và thân mật, giới thiệu 3 tác phẩm được giải trong Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”; một cuộc thi sáng tác văn học có tầm cỡ quốc gia, mang ý nghĩa thời đại và giá trị nhân văn cao, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức trong 3 năm (2012 – 2015). Đến dự, có các nhà văn, nhà thơ, đại diện các Nhà xuất bản, cùng đông đảo các phóng viên báo chí, truyền thông…
Vượt qua hàng trăm tác phẩm của hơn 100 tác giả, “Chuyện đời tự kể”, “Không thể mồ côi” và “Những kẻ giời hành” đã lọt vào tốp 15 tác phẩm xuất sắc nhất tham dự Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”; một cuộc thi sáng tác văn học có tầm cỡ quốc gia, mang ý nghĩa thời đại và giá trị nhân văn cao, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức trong 3 năm (2012 – 2015).
Cả 3 tác phẩm nêu trên đều có một điểm chung: Dù ở những cấp độ ít nhiều khác nhau, nhưng đều do Nhà văn Đặng Vương Hưng “động bút” và để lại những dấu ấn đáng nhớ. Sau khi được xuất bản thử nghiệm, các cuốn sách này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bạn đọc, giới chuyên môn đánh giá cao và nhanh chóng được tái bản, có sửa chữa và bổ sung.
“Chuyện đời tự kể” là tác phẩm đầu tay của Trung tướng Lê Ngọc Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND). Ông sinh ra ở xã Cẩm Thanh, thuộc thị xã Hội An của tỉnh Quảng Nam xưa. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đều là vùng “đất trắng”, chiến tranh ác liệt tới mức xã chỉ có 5 ngàn dân, nhưng có tới 710 liệt sĩ, gần 300 thương binh và 162 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cậu bé Nam mồ côi cha từ khi chưa ra đời, lớn lên trong bom đạn, mới 5 tuổi đã theo má đi khắp các nhà tù của giặc, chứng kiến bao cảnh chúng tra tấn dã man cán bộ ta bị bắt. Mới 11 tuổi, Lê Ngọc Nam đã xung phong đi làm liên lạc, hoạt động cho Cách mạng liên tục 50 năm. Trải qua hàng trăm trận đánh và hàng ngàn chuyên án lớn nhỏ, ông đã được Đảng, Nhà nước phong cấp bậc hàm Trung tướng… Theo Nhà văn Phạm Khải (Phó Tổng Biên tập Báo CAND, thành viên Chung khảo) đánh giá: Dù “Chuyện đời tự kể” chỉ có 160 trang sách ngắn gọn, nhưng dung lượng mà tác phẩm chuyển tải không chỉ dừng lại ở đó. Có nhiều chi tiết đời thực, nhiều trang viết cảm động, nếu công tác tuyên truyền tốt sẽ có sức lan tỏa chẳng khác gì “Sống như anh” nổi tiếng một thời của Trần Đình Vân. Với những chiến công thầm lặng như đã kể lại trong sách, Tác giả của “Chuyện đời tự kể” xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND!
“Không thể mồ côi” là tự truyện đầu tay của Tác giả Minh Vân. Một người phụ nữ có nghị lực phi thường, đã dành 23 năm trời, lặng lẽ đi khắp thế giới, để gặp gỡ tới 463 nhân chứng để tìm lại người cha cho mình và khắc họa chân dung của Anh hùng LLVTND, Liệt sỹ Đào Phúc Lộc – Một cán bộ Tình báo xuất sắc của Việt Nam, người đã vinh dự được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý… “Không thể mồ côi” còn là hành trình gần 70 năm cuộc đời của một con người có số phận đặc biệt: Bà Minh Vân (tên đầy đủ là Đào Thị Minh Vân) được sinh ra tại Hà Nội vào đúng đêm lịch sử toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946. Có mẹ là Liệt sĩ trong Kháng chiến chống Pháp (1948) và cha là Liệt sĩ trong Kháng chiến chống Mỹ (1969). Mới 14 tháng tuổi, cô bé Minh Vân đã mồi côi mẹ và cũng vĩnh viễn phải rời xa không một lần được gặp lại người cha. Cuộc sống trong chiến tranh không hề dễ dàng, nhưng Minh Vân đã mạnh mẽ và kiên cường để vươn lên, tự mình vượt qua chính mình với bao gian nan thử thách, trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội. Đúng như bà đã khẳng định trong cuốn sách: “Tôi không chỉ là một “đứa trẻ mồ côi” như người ta nhầm tưởng. Hay nói đúng hơn, tôi không thể mồ côi dễ dàng như chiến tranh đã làm sự chết chóc và bất hạnh với bao người”. Cuốn sách là tự truyện của một cá nhân, nhưng đã góp phần tái hiện phần nào chiều dài của gần 70 năm của lịch sử dân tộc hào hùng theo từng cung bậc khác nhau: Dưới con mắt của một cô bé, góc nhìn của một nữ sinh sống trong thời bao cấp của cuộc kháng chiến chống Mỹ; cảm nhận của một phụ nữ trưởng thành trong thời kỳ quá độ đất nước chuyển đổi từ bao cấp sang kinh thị trường; và sau cùng là tâm sự của một người đàn bà từng trải cuộc đời với con cháu mình; những điều tâm huyết nhất gửi lại mai sau. Và dưới góc độ ấy, “Không thể mồ côi” muốn gửi đến bạn đọc những bài học sâu sắc và nhân văn về tình người, tình đời, về khổ đau, hạnh phúc… mà mỗi chúng ta sẽ tự chiêm nghiệm cho mình.
Chử Thu Hằng và Ngọc Mai tặng hoa chúc mừng Nhà thơ Đặng Vương Hưng
Nếu “Chuyện đời tự kể” và “Không thể mồ côi” đều thuộc thể loại ký, nội dung viết về người thật, việc thật và tác giả của chúng lần đầu tiên xuất hiện; thì “Những kẻ giời hành” là cuốn sách có nội dung hư cấu, thuộc thể loại tiểu thuyết của Nhà văn Đặng Vương Hưng. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc sống xung quanh một nghĩa trang, thời điểm những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, với những nhân vật “thường dân” dưới đáy một xã hội thu nhỏ, tệ nạn xã hội và tội phạm trong cuộc đấu tranh giữa thật và giả, thiện và ác… Với thông điệp nhân văn sâu sắc: Bạn có thể đã trót “hư”, nhưng hãy cố gắng đừng “hỏng”. Hình như đã sinh ra và sống ở cõi đời này, ai trong chúng ta, cũng không ít thì nhiều, không sớm thì muộn, đều bị “giời hành”. Đã bao giờ bạn tự hỏi: “Giời” đã “hành” mình như thế nào chưa? Điều quan trọng là ta biết cách “Vượt qua vận hạn” và tự tin làm chủ số phận của chính mình!
Nhà thơ Đặng Vương Hưng nói về quá trình biên tập và in ấn tác phẩm.
Tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” được nhiều thành viên giám khảo cuộc thi đánh giá là đã góp phần làm “phát lộ” một cây bút văn xuôi có nghề:
- “Một khu nghĩa trang, một con người, một cảnh đời, một nỗi niềm, một tình yêu, một đêm trắc trở, một kỷ niệm ùa về, một dáng hình con gái, một bến đỗ bình an, một khát khao đàn bà, một tâm đức vị tha, một lạnh lùng độc ác… Tất cả đều có trong cuốn sách này! Mà đà đi, hơi thở của từng con chữ, từng trang viết cứ lặng lẽ cảm hóa, như thôi miên người đọc... Tác giả đã biết khai thông cái mạch huyệt đậm chất folklore đời thường, để bật lên những góc khuất cuộc đời. Đó là cái rất khó, mà không phải cây bút thuần thục, có nghề nào cũng làm được”! (Đại tá, Nhà văn Chu Lai).
- “Tiểu thuyết khá hấp dẫn, có cảm xúc nhân văn, nhiều đoạn nhiều chương đọc xúc động. Ý tưởng về cuộc sống nhốn nháo thời hậu chiến được tác giả mô tả sinh động, có ẩn dụ. Những giấc mơ, hồn ma, không khí nghĩa địa làng… gây ấn tượng và nhân vật khá rõ nét, có ngôn ngữ, có sắc thái, không bị sơ lược, khái niệm, từ ông Sầm đến Hữu Hoạt… hai nhân vật này được tác giả xây dựng khá rõ và đáng nhớ”. (Nhà văn Lê Minh Khuê).
- “Người đọc bị ám ảnh bởi câu chuyện về những thân phận người trong một cuộc bể dâu rất nhiều “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Ngay nhan đề tiểu thuyết đã ám gợi độc giả, khiến họ ngay lập tức phải đặt câu hỏi: Vì sao con người lại bị biến thành “Những kẻ giời hành”? Cái nhan đề này là một sự khái quát hóa bằng nghệ thuật ngôn từ về thân phận con người, về những kiếp người ở cõi trần gian, mà do vô số những nguyên nhân khác nhau, đã trở thành nạn nhân của những hoàn cảnh đầy rẫy sự trớ trêu và phi lí”. (Nhà phê bình Bùi Việt Thắng).
- “Sầm, Xuyến, Hoạt, Thủy… là những tính cách khác nhau. Nhưng họ lại giống nhau, bởi đều là “Những kẻ giời hành” và thậm chí là tội nhân của chính mình. Một câu chuyện hấp dẫn, xuyên suốt những số phận trớ trêu. Cuốn sách với đề tài hiện đại, giống như một tiếng kêu cay đắng, ngậm ngùi và sẻ chia. Thông điệp ấy, khiến tác phẩm mang một giá trị nhân bản hiếm có”. (Đại tá, Nhà văn Phạm Hoa).
- “Có thể coi "Những kẻ giời hành" là những phiên bản chồng và ghép của cuộc sống. Trong đó, con người với những số phận đã không hẹn mà gặp cùng nhau hội ngộ bởi những nguyên cớ hiện tại khởi nguồn từ quá khứ. Sự tham lam, bảo thủ, cơ hội, lừa lọc, phản trắc... cùng lòng tốt và sự tha thứ, hy sinh, những giá trị nhân văn cùng đan chen và thể hiện như hai mặt không thể tách rời. Ảo và thực, cũ và mới, quá khứ và hiện tại, thiện và ác… với những nhân vật điển hình, sinh động, hiện lên rõ nét trong tác phẩm qua thủ pháp đồng hiện của nhà văn. Câu chuyện bắt đầu xuất phát ở nơi gặp gỡ và chia biệt của kẻ sống, người chết, khiến ta có thể soi mình vào quá khứ để nhận ra rằng: Triết lý “nhân quả” linh nghiệm đến nỗi, không phải chờ đến kiếp sau!” (Nhà phê bình Chu Thị Thơm).
*
Trung tướng Lê Ngọc Nam (đến từ TP. Đà Nẵng), Tác giả Minh Vân (đến từ TP. Hồ Chí Minh) và Nhà văn Đặng Vương Hưng (Chi hội Nhà văn CAND) là 3 trong số 18 Nhà văn được tôn vinh và 15 Tác giả được giải thưởng, sẽ cùng xuất hiện trên sân khấu của Nhà hát Âu Cơ – TP. Hà Nội, trong chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên “Những trang sách vàng 70 năm CAND”, được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 19/6/2015./.
Nguyễn Đặng Minh Nhật
Chử Thu Hằng làm MC dẫn chương trình.