Du lịch Campuchia ngẫm về..."nỗi sợ"
Chưa có thể nói Campuchia là nước có trình độ dân trí cao, bởi vệ sinh, cảnh quan môi trường đất nước này còn nhiều hạn chế, thứ nữa “xin ăn” không chỉ phổ biến chỗ đông người mà còn “loang nhiễm” đến các công chức Hải quan nước này khi “cộp” dấu xuất, nhập cảnh. Nhưng “soi” 6 “nỗi sợ” du khách khi đến Việt Nam mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập, chí ít “nỗi sợ” ở Campuchia còn phân nửa. Chẳng biết độ “lành” của người Campuchia sức hút ra sao, nhưng thực tế không thể phủ nhận số du khách đến nước này, ngày một gia tăng
Tác giả và vé thăm quan Angkor Wat
DU LỊCH CAMPUCHIA NGẪM VỀ … “NỖI SỢ”
Tâm sự từ Phó Thủ tướng
Bên hành lang Quốc hội sáng 11/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra số liệu so sánh bức tranh du lịch Việt Nam với 3 nước nhóm đầu Đông Nam Á “Thái Lan, Malaysia, họ có 27-30 triệu khách du lịch nước ngoài/năm; Singapore cũng có 15-16 triệu khách. Thu nhập từ ngành du lịch của Thái Lan một năm khoảng 50-60 tỉ USD trong khi Việt Nam chỉ được khoảng 8 triệu khách, doanh thu 10 tỉ USD”.
Những con số trên đã nói tất cả khoảng cách về số lượng, doanh thu, chất lượng phục vụ du khách của Việt Nam so với các nước tốp đầu trong khu vực. Những nguyên nhân cơ bản về khoảng cách đã được nhận diện, trong đó 6 “nỗi sợ” của du khách khi đến Việt Nam về: tình trạng “chặt chém”; “giao thông rất không an toàn”; “ăn xin và ăn cắp vặt”; “vệ sinh an toàn thực phẩm” “rác thải đến cả chuyện nhà vệ sinh”; “không thể hiện sự tôn trọng khách, biểu hiện khi khách không mua hàng” đã được Phó Thủ tướng tâm sự, chia sẻ: “Nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề này thì không cần tốn tiền mà du lịch cũng lên” đó không chỉ dành những người trực tiếp làm du lịch mà rộng, xa hơn đó là văn hóa ứng xử của người Việt ta.
Những ngày Campuchia
Campuchia là nước có giá điện khá cao trong khu vực, hạ tầng chưa thật tốt, nhưng lượng du khách đổ về Vương quốc này những tháng hè khá đông dù cái nắng không hề dễ chịu. Phen, hướng dẫn người địa phương cho biết cứ bình tâm thưởng ngoạn cảnh quan, chẳng nên bận tâm về trộm cắp, và thực tế sự yên bình trong “rừng người” tại chợ đêm (night market) là những thụ cảm. Giống như các nước, hàng hóa chợ đêm ở Campuchia khá phong phú, quần áo của trẻ nhỏ đến người lớn may theo phong cách địa phương được bán đồng giá 10.000 “riel” (khoảng 52.000 đồng Việt Nam) bày rất nhiều quầy trong chợ. Hàng thủ công mỹ nghệ làm bằng tay được “thách” với giá khá cao, nếu không muốn mua trả giá thật thấp, người bán chẳng giận, chẳng buồn, chẳng chèo kéo, mọi chuyện cứ chậm chậm như phong cách sống của dân bản địa. Về ẩm thực các Pub Street ở Siem Reap giá có cao hơn đôi chút nhưng nếu vào các quán ngoài phố Pub Street giá cả các món ăn khá dễ chịu. Nếu “khoái khẩu” món côn trùng bạn khỏi phải “sờ túi” mà cứ “thả phanh” yên tâm thưởng thức hương vị của dế, châu chấu, cà cuống… hoàn toàn tự nhiên, bởi ngành nông nghiệp nước này không hề sử dụng thuốc trừ sâu. Các dịch vụ giải trí nơi đây không cao cấp nhưng cũng không quá “úi xùi” với 1 USD bạn có thể đi vòng quanh Thủ đô Phnom Penh bằng phương tiện “Tuk, tuk” hoặc “mát xa” chân (massage foot) chừng 10 phút; Cũng có thể thư giãn bằng cảm nhận nét mặt “ngồ ngộ” người đối diện và cảm giác “nhột nhột” bàn chân, nếu bạn cùng thả chân xuống bể cho cá rỉa. Tất cả toát lên sự giản đơn cho mê hoặc phong cách sống mang đậm văn hóa Ang Kor Wat (kinh đô chùa) – một kỳ quan thế giới. Điều thú vị, du lịch kỳ quan này được ông chủ “gốc Việt” quản lý khá bài bản và chặt chẽ. Mọi du khách đều phải chụp hình được “quét” lên vé, với mã số, ngày, tháng để kiểm soát. 20 USD là giá 1 ngày thăm quan Ang kor Thom (kinh đô lớn), Ang Kor Wat và du khách sở hữu chiếc vé xinh xắn có hình lưu niệm cho chuyến đi.
Khoảng cách và thông điệp
Quân, anh bạn cùng tôi quần thảo 2 buổi chợ đêm ở Phnom Penh và Siem Reap thỉnh thoảng lại thốt lên: “dân đây lành thật”. Độ “lành” Quân cô gọn tính cách người Campuchia làm tôi nhớ hình ảnh thị phạm của Phen, hướng dẫn viên nói về nghi lễ chào hỏi của người bản địa. Cùng là cái chắp tay cúi người nhưng ngón cái chỉ ngang ngực là cái chào bạn hữu, ngón cái chỉ càng cao (mồm, mũi, trán, đỉnh trán) cấp độ kính trọng càng tăng dành cho từng bề bậc. Văn hóa chào hỏi của người Campuchia, suy cùng chẳng phải phức tạp của hành vi mà thẳm sâu là tâm thế thông điệp từ người chào. Liên tưởng bài học “Gọi dạ, bảo vâng” cách giáo dục gia phong của người Việt thấy giật mình, quan trọng cần hướng dẫn là tâm thế của người đón nhận chứ chẳng phải lời “dạ” tiếng “vâng”. Không hiếm gặp hình ảnh các bé “hồn nhiên” chào hỏi người bề bậc với tâm thế “lời ra” đầu “ngoảnh lại” mà lỗi chưa hẳn đã thuộc về các bé.
Chưa có thể nói Campuchia là nước có trình độ dân trí cao, bởi vệ sinh, cảnh quan môi trường đất nước này còn nhiều hạn chế, thứ nữa “xin ăn” không chỉ phổ biến chỗ đông người mà còn “loang nhiễm” đến các công chức Hải quan nước này khi “cộp” dấu xuất, nhập cảnh. Nhưng “soi” 6 “nỗi sợ” du khách khi đến Việt Nam mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập, chí ít “nỗi sợ” ở Campuchia còn phân nửa. Chẳng biết độ “lành” của người Campuchia sức hút ra sao, nhưng thực tế không thể phủ nhận số du khách đến nước này, ngày một gia tăng. Một chỉ số khá thú vị về ngành công nghiệp “không khói” đối với các nước Đông Nam Á: Bình quân 1 người dân Singapore đón 2 khách du lịch/năm; Malaysia tỷ lệ này là 1/1; Thái Lan 3 người dân đón 1 khách, còn ở ta con số này khoảng 11 người/ khách. Đối với Campuchia tỷ lệ này ngang bằng với Thái Lan, khoảng cách sẽ nới rộng nếu không thực sự vào cuộc như thông điệp từ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đây không chỉ là vấn đề du lịch, mà là nếp sống, là văn hóa mà chúng ta phải xây dựng”./.