Du thủy trên sông Bạch Đằng(bút kí)
Trong cuộc đời có biết bao chuyến đi mà chúng ta khó nhớ hết. Nhưng cũng có những chuyến đi để lại cho ta nhiều ấn tượng không thể nào quên. Với tôi, chuyến du thuỷ bằng con thuyền nhỏ trên sông Bạch Đằng cùng một nhóm anh chị em văn nghệ sĩ là như thế... Nhân kỷ niệm tròn 10 năm Trại sáng tác VHNT của Hội VHNT Quảng Ninh tại Đà Lạt (2005-2015), các văn nghệ sĩ Quảng Ninh từng tham dự Trại đã mời Ban Văn học (Hội VHNT TX Quảng Yên) và một số anh chị em văn nghệ sĩ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương v.v.. tổ chức một chuyến đi thực tế sáng tác trên dòng Bạch Đằng giang (TX Quảng Yên).
Nghe nói được đi thuyền trên sông Bạch Đằng, cả khách và chủ, không ai là không hào hứng. Bởi đây là con sông gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Đặc biệt là chiến thắng vang dội của quân dân nước Đại Việt chống đạo quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh vào năm Mậu Tý 1288. Cũng nơi đây, theo truyền thuyết, các đức vua Trần Minh Tông, Lê Thánh Tông trên đường thị sát ra phủ Hải Đông từng dừng chân lại Bến Ngự (Trại Yên Hưng xưa), ngắm trăng trên đồi Nguyệt Lĩnh và xúc cảm làm thơ. Người đời sau gọi bến đó là Bến Ngự… Những câu thơ của người xưa vẫn còn đây: Giáo gươm lởm chởm núi non dày. Mặt bể rung rinh sóng tuyết bay. Đất ráo mưa xuân hoa dệt gấm. Thông reo gió tới lá khuơ mây… (Bạch Đằng giang-Trần Minh Tông). Bờ biển chon von núi mấy hàng. Chập chồng chiều dọc lại chiều ngang. Đất nhiều cá muối dân no đủ. Ruộng thiếu hoa màu thuế nhẹ nhàng… (An Bang phong thổ- Lê Thánh Tông)
Có những dịa danh, dòng sông, núi non, Đất và Người ở ngay bên ta mà ta cũng từng có thể biết và chưa biết, chưa hiểu thấu. Nhân chuyến đi này các bạn sẽ cùng ôn lại những trang sử hào hùng, những kỷ niệm một thời, giao lưu Thơ Nhạc và cùng nhau thưởng thức những món ẩm thực hải sản, thực phẩm tươi sống của vùng sông nước Quảng Yên. Đấy cũng chính là mục đích tạo cảm hứng sáng tác và quảng bá du lịch sinh thái, sông nước và lịch sử, văn hóa Bạch Đằng giang.
Sáng tháng 5. Mùa hạ trải nắng mới trên mặt sông. Anh chị em trong đoàn từ các nơi tập trung về Bến Ngự và xuống tàu đò, bắt đầu cuộc hành trình. Sau cơn giông đêm qua, sáng nay trời thật trong trẻo, mát mẻ. Cơn mưa đầu mùa dường như đã gội sạch không gian, gợi ra nhiều khát vọng cháy bỏng trong cảm xúc, hứa hẹn những sáng tác mới! Theo lịch trình, chúng tôi sẽ qua sông Rút, đầm Nhà Mạc, rồi tới Cái Tráp - Lạch Huyện, vòng qua Quỳnh Biểu - Cống Mương... Nghĩa là từ trên sông, chúng tôi sẽ được thấy vòng đê uốn lượn, với các đoạn khúc ôm lấy đảo Hà Nam, những cánh rừng ngập mặn, những bãi phù sa, những ô đầm nuôi trồng thuỷ sản của cư dân Hà Nam, Thuỷ Nguyên, thấy công trường đang thi công cầu Bạch Đằng trên tuyến đường Hạ Long - Hải Phòng. Chúng tôi có cả một ngày rong ruổi trên sông nước...
Qua gầm cầu sông Chanh, từ dưới nhìn lên, thấy dáng vóc cây cầu trên đầu sừng sững đang chở trên mình nó những dòng người và xe cộ ngang sông. Đấy chính là dòng đời một vùng quê đang thao thiết chảy vào cuộc sống như dòng nước cũng đang thao chiết chảy ngàn năm dưới chân. Đến bến Phà Rừng, cửa sông Bạch Đằng hiện ra. Ai cũng ngỡ ngàng trước trời nước mênh mông ấy, như choáng ngợp trước một bức tranh lụa kỳ vĩ! Là “dân bản địa”, tôi tranh thủ giới thiệu sơ bộ về dòng sông đã mang nặng biết bao giang khúc và vận mệnh lịch sử. Trong đó là lịch sử nhà Trần ba lần đại thắng Nguyên Mông. Không thể không kể về sự tích bà hàng nước mách “lịch Thuỷ triều sông Bạch Đằng” và mưu lược bày trận đồ bãi cọc của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm sông nước dân gian với tài thao lược của Trần Hưng Đạo đã làm nên một chiến công vĩ đại, ghi vào trang sử hiển hách của nước ta. Và nhờ đó mà dòng sông này còn vang vọng đến ngàn năm!
Bằng những tư liệu đã chuẩn bị, tôi hưng phấn làm công việc của một “hướng dẫn viên du lịch”: Trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã tính toán và bí mật cho quân sĩ chuẩn bị và đóng hàng nghìn cọc gỗ bố trí thành các trận địa cọc dưới lòng sông Bạch Đằng. Tài liệu khảo cổ tại bãi cọc Yên Giang cho thấy cọc được cắm theo hình chữ chi, mỗi cọc có đường kính từ 15 đến 33cm, được bố trí thành chùm, từng cụm cách nhau trên dưới 1m theo hướng ngược dòng sông. Đó là một công trình quân sự vĩ đại và mang tính khoa học cao. Thiên tài quân sự của Trần Quốc Tuấn còn thể hiện ở chỗ đã dụ được đoàn chiến thuyền hùng mạnh của địch vào đúng thế trận bày sẵn để tiêu diệt. Khi Ô Mã Nhi - viên tướng khét tiếng trận mạc của Nguyên Mông - dẫn đoàn thuyền chiến tới sông Bạch Đằng, thuỷ quân nhà Trần ra giao chiến và giả thua; chiến thuyền Nguyên Mông đuổi theo tiến sâu vào trong họng sông Bạch Đằng… Lúc ấy tướng nhà Trần là Nguyễn Khoái mới dẫn đội quân khiêu chiến nhử đoàn chiến thuyền quân Nguyên vào bãi cọc. Khi thuỷ triều xuống, thuỷ quân nhà Trần gồm hàng trăm chiến thuyền nhỏ lẹ cùng quân lính mai phục ở hai bờ sông tràn ra thành một dải thuyền, chắn địch. Quân dân Đại Việt khí thế ngút trời, tên bắn như mưa dồn các chiến thuyền địch vào trận địa cọc để phóng hoả. Giao tranh từ giờ Mão đến giờ Dậu ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (9-4-1288), quân dân nhà Trần đã đại thắng. Gần 600 chiến thuyền, trên 4 vạn quân tướng của đế quốc Nguyên Mông đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng giặc Ô Mã Nhi bị bắt sống. Chiến thắng Bạch Đằng 1288 không chỉ đập tan cuộc xâm lược lần thứ ba của đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh và đi vào lịch sử của dân tộc chúng ta như một chiến công chói lọi, xoá sổ cả một “hạm đội huyền thoại”, mà trên thực tế đã làm suy yếu và chấm dứt mộng bá vương của một đế quốc phong kiến tàn ác đầy tham vọng…
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, nhà thơ Minh Đức, Chử Thu Hằng cùng thốt lên: Thật hiếm có dòng sông nào trên đất nước ta lừng lẫy oai hùng như Bạch Đằng giang! Các văn nghệ sĩ tranh thủ ghi chép. Hoạ sĩ Nghiêm Vinh lấy giấy bút ra ký hoạ những cảnh sông nước, bãi rừng và những gương mặt bạn bè. Còn tôi, với giọng đầy cao hứng tiếp tục giải thích, mở rộng: Bạch Đằng chảy qua hai huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng nay là TX Quảng Yên (Quảng Ninh) đổ ra cửa biển Nam Triệu. Sông Bạch Đằng, còn gọi là sông Vân Cừ, dòng chảy mênh mông, sóng vỗ tung bờm trắng xoá. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi từng mô tả: “Sông Vân Cừ rộng 2 dặm linh 69 trượng, sâu 5 thước, núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận trời, cây cối lấp bờ, thật là nơi hiểm yếu”. Tên Vân Cừ được giải thích bởi khi nước triều lên có gió bắc thổi, hoặc nước triều xuống có gió nam thổi, dòng sông cuộn lên những con sóng lớn bạc đầu như mây trắng. Ngoài ra, sông Bạch Đằng còn gọi là sông Rừng, với bến đò Rừng, bến phà Rừng nối đôi bờ Quảng Ninh - Hải Phòng. Người Yên Hưng trước đây từng lưu truyền câu “Con ơi, nhớ lấy lời cha/ Nước lên, gió bấc chớ qua sông Rừng” để nói lên sự hiểm yếu của sông. Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa Việt Nam. Ngày nay, sau gần 8 thế kỷ kể từ trận chiến bãi cọc Bạch Đằng năm ấy, địa lý dòng sông đã có nhiều thay đổi lớn. Theo sử sách ghi lại, cửa biển ngày đó so với bây giờ cách nhau hàng chục km do phù sa bồi đắp. Chắc nơi đây vào những tháng năm của thế kỷ bão táp thời nhà Trần, là cửa sông sóng vỗ lưng trời như bờm ngựa tung trắng xoá? Thay đổi thế mà lòng sông vẫn rộng ngút cả tầm mắt. Gió nắng quét những làn mỏng như chiếc chổi lau bụi, sáng cả mặt gương sông! Chúng tôi háo hức cảm thấy mình như những thuỷ binh trước giờ xung trận. Lại nhớ bài thơ của nhà vua Trần Minh Tông, trong đó có hai câu: “Chạm mây gươm giáo xanh von vót/ Sóng tuyết khi đầy lại lúc vơi…”.
Thuyền đến Ngãnh Cốc, ngang địa phận thôn Đồng Cốc (phường Nam Hoà) thì một sự cố bất ngờ đến với chúng tôi. Vào thời điểm ấy, nước rặc mạnh, rút nhanh trơ lòng sông gần như tới đáy. Thuyền mắc cạn trên bùn, ngay cạnh một khúc cồn nằm ngang sông. Nhà đò đã hết sức cố gắng rồ máy, chống đẩy, lay đi lay lại, đò vẫn không thể nào nhích lên được. Chúng tôi đành cắm sào đợi nước. Lại được dịp thả trí tưởng tượng khi có ai đó bảo: Biết đâu thuở ấy bầy chiến thuyền hùng hậu của Nguyên Mông cũng mắc cạn như thế này và hoảng loạn đè lên nhau bỏ chạy, đâm vào cọc mà tan thây…(!).
Hoàng Công Cư, nguyên Phó Giám đốc Công ty Quản lý Đường Sông 3 (anh mới nghỉ hưu sau gần 40 năm bồng bềnh trên sông nước Quảng Ninh), nói: “- Chúng ta đã không tính trước con nước, xuất phát chậm giờ nên gặp phải lúc “con nước chết”, dòng sông cạn đáy… Ít nhất phải nằm chờ một tiếng nữa mới may thoát khỏi bãi này!”. Mọi người ồ lên: Ái chà, chắc “các cụ” muốn cầm chân đám cháu chắt hậu thế này tại đây để “thử thách” chăng? Vậy thì tranh thủ… đọc thơ thôi!
Mọi người hào hứng hẳn lên. Tôi và Minh Đức - “nữ thi sĩ miền sơn cước” - đứng ra dẫn chương trình giao lưu thơ ca ngẫu hứng ngay trên đò. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc cũng tham gia ý kiến ôn lại những ngày hoạt động Trại Sáng tác VHNT của anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Ninh ở Đà Lạt 2005. Hoàng Công Cư đọc một chùm thơ mở đầu. Rồi Đỗ Minh Tâm, Minh Đức, Vũ Thế Hùng, Tiên Lãng, Chử Thu Hằng… ai cũng sôi nổi góp vui. Chợt nhớ có lần Vũ Thảo Ngọc nói sẽ về thăm Hà Nam quê tôi nhưng sau đó đợi mãi không đến, khiến tôi rất buồn. Nhưng cũng chính cái sự “lỡ hẹn” ấy đã giúp tôi có cảm xúc để viết bài thơ “Sao chẳng về thăm” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Báo Hạ Long. Ký ức đánh thức, tôi đọc một mạch bài thơ, vừa là để “hoá giải” lời trách, vừa là cho mọi người cùng biết xuất xứ bài thơ…
Hoá ra không như Hoàng Công Cư nói, đã hơn một tiếng trôi qua mà nước vẫn chưa lên, con thuyền vẫn không thể nhúc nhích ra khỏi đáy sông. Tôi đề xuất “phương án 2”: Chuyển hướng, rút thuyền ra quay lên thượng lưu sông Bạch Đằng! Tất cả đồng thanh: Rút! Rút! Bao nhiêu lời ví von vui đùa được thốt ra theo con thuyền từ từ đẩy khỏi bãi cạn.
Ngược dòng, con thuyền lại hoà mình vào không gian phơi phới gió nắng cửa sông nhằm hướng lên Cồn Khoai, Điền Công, Bo Gia Đông... Đến đoạn sông Giá, một nhánh nhỏ chảy vào địa phận huyện Thuỷ Nguyên, Vũ Nhang gợi ý: Ta ghé vào thăm khu quần thể di tích Tràng Kênh, Minh Đức (gồm đền thờ Ngô Quyền, đền thờ Lê Đại Hành, đền thờ Đức thánh Trần, chùa Tràng Kênh và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh). Mọi người nhất loạt đồng ý.
Thuyền cập vào bến với những bậc đá lát rất công phu. Mọi người bước lên, ngợp trong một không gian đền đài thật đẹp mang đậm nét cổ kính kết hợp hài hoà hình khối, sắc màu kiến trúc thời hiện đại với hệ thống cây xanh, cây cảnh được trồng và chăm sóc rất công phu. Chính khu quần thể tâm linh nằm bên bờ tây sông Bạch Đằng này đã góp phần làm vợi bớt những gì sôi động, bề bộn của không gian Khu công nghiệp Tràng Kênh, Minh Đức của nhà máy xi măng, nhà máy điện đang ngày đêm toả nhiệt và khói bụi… Người ta có thể dạo bộ dưới vòm cây xanh mát, lòng dịu đi và lắng đọng với hồn xưa muôn thuở. Có thể nói đây là một điểm du lịch tâm linh và sinh thái mà các du khách cần biết và rất đáng đến, đáng nhớ… Xem người lại ngẫm mình, khu quần thể Chiến thắng Bạch Đằng, nơi chính trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng ở Quảng Yên nay vẫn chưa làm được điều này trong hệ thống du lịch để thu hút khách thập phương…
Chiều ngà ngà chuyển và dát vàng nắng trên mặt sông! Thuyền chúng tôi quay về Bến Ngự, nơi sáng nay khởi hành. Bóng cao vút nhà thờ bến Đạo Quảng Yên hiện ra mỗi lúc một lớn dần trong khung gầm cầu Sông Chanh. Bóng nhà thờ soi xuống mặt sông long lanh, xao động bởi cây cầu Sông Chanh như một nét mày thanh tú của thiếu nữ. Chiều sông nước gợi cảm đến bồi hồi! Tức cảnh sinh tình, vì thế chăng mà bao đời nay có biết bao áng văn chương để đời đã bắt đầu từ chính trên mảnh đất này?
Quảng Yên 9-5-2015