Năm tháng nhọc nhằn và đắm say

Sáng qua (16/6), tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Tạp chí Than -Khoáng sản Việt Nam (Tạp chí TKV) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Những năm đầu thành lập, Tạp chí ra mỗi tháng/kỳ; cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Đến nay, Tạp chí xuất bản 2 kỳ/tháng với 16 chuyên mục ổn định; mỗi kỳ phát hành trên 1 vạn cuốn. Trang điện tử vinacomin.vn do Tạp chí đảm trách ngày càng phát huy hiệu quả trên cả 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Tạp chí có xưởng in với trang thiết bị hiện đại. Nhân dịp này BBT TÁC PHẨM MỚI chúc mừng CBPV Tạp chí TKV và giới thiệu bài viết của Nhà báo Cao Thâm, cựu Phó TBT Tạp chí TKV. Bài viết đã đăng trên Tạp chí TKV số ra ngày 10/6/2015

NĂM THÁNG NHỌC NHẰN VÀ ĐẮM SAY

Cao Thâm

Cựu Phó TBT Tạp chí TKV

Trong đời làm báo, tôi có 18 năm làm Phó TBT, trong đó gần 11 năm làm Phó TBT Tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam. Đây là nơi tôi gắn bó lâu nhất và cũng là nơi tôi kết thúc chặng đường hơn 30 năm làm "Báo Nhà nước” để rẽ vào con đường làm báo khắc nghiệt hơn, dài lâu và khoáng đạt hơn (hiện nay tôi về làm Phó TBT Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập và Báo Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam thuộc Hiệp Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam). Tại buổi liên hoan chia tay anh chị em cơ quan Tạp chí TKV, trong tôi tràn ngập nỗi bâng khuâng về những năm tháng làm báo nhọc nhằn và đắm say...

 

Tôi tự hào về sự phát triển mạnh và ổn định của Tạp chí

 

Ngày tôi về Tạp chí, cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động nghiệp vụ rất nghèo nàn và lạc hậu. Phòng làm việc của tôi cùng Thư ký Tòa soạn không được trang bị vi tính; máy ảnh loại cổ, sử dụng phim. Tạp chí in đen trắng trên giấy xấu, chế bản bằng chương trình lạc hậu. Thì bây giờ, tất cả phóng viên đều được trang bị phương tiện hoạt động nghiệp vụ hiện đại. Tạp chí ra mỗi tháng 2 kỳ, in 4 màu với nhiều chuyên mục; nội dung và hình thức ngày càng nâng cao.

Ngày tôi về, lực lượng chuyên môn chỉ có 4 người, đều kiêm nhiệm.Tổng Biên tập, Phó TBT, Thư ký Tòa soạn, Trưởng phòng PV đều là những phóng viên chủ lực và làm nhiều công việc khác ở Tòa soạn. Chúng tôi viết nhiều, ký nhiều bút danh, đến nỗi không còn nhớ bút danh của mình! Do lực lượng mỏng lại kiêm nhiệm nên thông tin không kịp thời; cơ cấu bài vở trong các số của Tạp chí chưa cân đối; các chuyên mục không ổn định; lỗi chính tả khá nhiều… Tuy vậy, thời đó và trước đó (thời anh Đoàn Kiển, Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập, nhà văn Võ Khắc Nghiêm, Phó Tổng biên tập), Tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết chất lượng cao. Đặc biệt là những bài viết của nhà văn Võ Khắc Nghiêm, nhà báo Nguyễn Hùng, Lệ Huyền v.v. về ứng phó của ngành Than trước tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á (1997 -1999),  phải giãn sản xuất để lập lại mối quan hệ cung cầu; gây sự xáo trộn dư luận xã hội.

 

Bây giờ, lực lượng phóng viên trẻ được tăng cường. Công tác quản lý phóng viên, quản lý biên tập được cải tiến, khoa học, hợp lý nên các chuyên mục ổn định, phản ánh toàn diện và kịp thời các sự kiện lớn diễn ra trong Tập đoàn, kể cả những nơi xa xôi như Tây Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng ... và hạn chế những sai sót. Tôi tự hào về sự phát triển vượt bậc đó.

 

Điều tôi tâm đắc và đề cao vai trò quản lý chuyên môn của TBT trong những năm gần đây là chủ trương mở những chuyên mục mới và các chuyên đề. Chuyên mục “Chuyện kỳ này” và “Vấn đề kỳ này” thực chất là những bài chính luận, biểu dương những nhân tố tích cực và phát hiện những bất cập trong quản lý, được biểu đạt bằng hình thức mới, dễ đọc, dễ tiếp thu. Chuyên mục “Tình Giai cấp” thấm đẫm chất nhân văn và mang lại hiệu ứng tích cực trong đời sống công nhân mỏ. Các chuyên đề: Đẩy nhanh tốc độ đào lò; hiến kế giảm giá thành; tái cơ cấu doanh nghiệp; chăm lo nguồn nhân lực, giữ chân thợ lò v.v. tập hợp những bài viết chuyên sâu theo ý đồ chỉ đạo của TBT, trong đó phản ánh thực trạng và phân tích, lý giải, đề xuất những giải pháp, góp phần tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn trong công tác quản lý.

 

Điều nữa, tôi cũng rất tâm đắc và đề cao vai trò chỉ đạo của TBT, đó là chủ trương mở rộng và nâng cao hoạt động xuất bản, in ấn, phát huy triệt để cả các trang thiết bị gần như đã hết khấu hao của Xưởng in tiếp quản từ Tạp chí Năng lượng. Những thợ in lành nghề từ thời còn Bộ Mỏ và Than chỉ in Tạp chí Than đen trắng và một số ấn phẩm như kỷ yếu, sổ giao nhận ca, các biểu mẫu v.v. cho các đơn vị trong ngành thì những năm gần đây, Tạp chí từng bước mở rộng hoạt động xuất bản bằng việc tổ chức biên soạn, in ấn các ấn phẩm cao cấp cho khách hàng trong, ngoài ngành và liên kết làm phim. Đặc biệt, ở sự kiện 20 năm thành lập Tập đoàn, với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Giám đốc, sự ủng hộ tích cực của Văn phòng và các Ban trong Tập đoàn, Tạp chí đã biên soạn, in ấn cuốn sách “20 năm Than - Khoáng sản Việt Nam” trên 300 trang với nội dung phong phú, hình thức đẹp, với ngồn ngộn tư liệu đầy đủ, chính xác, chỉ vẻn vẹn một tháng trời, có thể nói đó là một kỷ lục!

 

Tôi yêu quý môi trường làm việc của Tạp chí

 

Sẽ có người hỏi tôi, vì sao đang làm việc ở Tạp chí có điều kiện và môi trường tốt như vậy lại “xê dịch”? Thưa, là vì nguyên tắc của quy trình bổ nhiệm cán bộ và hoàn cảnh của cá nhân - tôi phải nghỉ việc ở Tạp chí TKV thì Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông mới cho phép cơ quan chủ quản  bổ nhiệm tôi giữ vị trí quản lí cơ quan báo chí mới. Thực lòng, tôi rất yêu quý môi trường làm việc của Tạp chí. Đó là một tập thể đoàn kết, thương yêu nhau; tận tình giúp đỡ nhau trong công việc và trong cuộc sống. Trong công việc, không tránh những lúc to tiếng, nhưng đó là những tranh luận, thậm chí cãi vã về chuyên môn, vì sự phát triển của Tạp chí; tuyệt nhiên không có bè phái, kiện tụng; an ninh trong quan hệ đồng nghiệp được giữ vững; môi trường làm việc an lành. Anh chị em trong cơ quan thân ái thương nhau như trong một nhà. Một môi trường như vậy mà phải xa, kể cũng tiếc!

 

Điều kiện làm việc của Tạp chí cũng rất thuận lợi; luôn được các anh lãnh đạo Tập đoàn, các ban và các đơn vị trong Tập đoàn quan tâm. Tôi nhớ, có lần, tôi được tháp tùng anh Đoàn Văn Kiển (khi đó là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn) đi kiểm tra tiến độ  xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động. Hôm đó mưa to. Chiếc máy ảnh của tôi không thể tác nghiệp được. Nhân cơ hội này, tôi “ca cẩm” với anh Kiển về “hoàn cảnh” của Tòa soạn. Tiếp đó, chị Lệ Huyền, khi đó là Trưởng phòng PV cũng khéo léo thuyết phục TGĐ và các anh trong HĐQT cùng bộ máy điều hành ủng hộ về cơ chế để Tạp chí làm tốt hơn vai trò Cơ quan ngôn luận Tập đoàn. Sau đó, anh Kiển, với tư cách là Bí thư Đảng ủy, đã triệu tập cuộc họp bàn về sự phát triển của Tạp chí và Đảng ủy Tập đoàn đã ra nghị quyết, ưu tiên đầu tư cơ sở vật  chất, về phát hành v.v...

 

Sau này cũng vậy, các anh lãnh đạo Tập đoàn luôn quan tâm đến Tạp chí và mong Tạp chí hướng tới trở thành người bạn thân thiết của Thợ mỏ. Mọi yêu cầu cần thiết phục vụ cho hoạt động chuyên môn đều được Tập đoàn quan tâm, giải quyết. Những ngày Tết, ngày 21/6, bận gì thì bận,  các anh lãnh đạo Tập đoàn đều đến thăm, động viên CBPV Tòa soạn. Là phóng viên Tạp chí, đi đến đơn vị nào trong ngành cũng được lãnh đạo đơn vị trân trọng đón tiếp, tạo thuận lợi để tác nghiệp. Năm qua, chất lượng Tạp chí và các ấn phẩm, các dịch vụ của Tạp chí đạt đỉnh cao. Từ đó, doanh thu và thu nhập của CBPV Tòa soạn đạt cao nhất, kể từ khi thành lập.

Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng đắm say

 

Dù môi trường và điều kiện làm việc ở Tạp chí tốt như vậy nhưng chúng tôi vẫn không thoát được nỗi nhọc nhằn của nghề báo, nhất là làm báo trong ngành Than - Khoáng sản  một  ngành “như quân đội đánh giặc”. Chúng tôi dường như triền miên mắc nợ - nợ bài vở. Nhiều nghề khác, hết giờ làm việc, về nhà vui thú với gia đình; nghề báo thì bất cứ lúc nào cũng có thể nghĩ đến thông tin, nợ bài. Nhiều đêm, chị Huyền (TBT) nhận được những tin nhắn phiền toái và đầy khả nghi. Thì ra, đó là tin nhắn của phóng viên, của CTV thông báo về vụ tai nạn hầm lò, về những điều trăn trở của công nhân. Có thể nói, trong ngành Than - Khoáng sản xảy ra sự kiện gì đều tác động đến Tòa soạn. Số trước vừa đưa vào nhà in, chưa hết lo lắng về sự sai sót lại phải lo bài cho số sau; lại phải đi. TBT, Phó TBT cũng phải đi; phóng viên nữ đang mang bầu vượt mặt cũng phải đi. Cái sự đi, gian khổ nhất là đi lò. Lò giếng Mông Dương, Vàng Danh, Nam Mẫu v.v. đều có dấu chân phóng viên Tạp chí TKV. Có đi mới có tư liệu để viết bài; mới cảm thông chia sẻ nỗi vất vả của thợ lò.

 

Có tư liệu rồi, phải viết bài.Viết bài xong phải cùng nhau biên tập, làm maket. Bất kể thời gian, bất kể giá rét; con thơ nhớ mẹ gào khóc qua điện thoại, kệ. Tất cả lực lượng phóng viên, biên tập viên đều tập trung làm xong số Tạp chí để kịp tiến độ. Giờ đây, khi đã rời xa đồng nghiệp, lật lại những trang Tạp chí tôi mới thấy sức đi, sức viết của phóng viên nơi đây thật đáng nể; tôi mới thấy biết bao nỗi nhọc nhằn của đồng nghiệp tôi sau mỗi con chữ, mỗi bức ảnh.

 

Nhọc nhằn là vậy nhưng bây giờ, nếu được lựa chọn, tôi vẫn chọn nghề báo; tôi lại thấy những năm tháng nhọc nhằn ấy thật đáng yêu, đáng trân trọng. Tôi bâng khuâng nhớ những chuyến đi thực tế, hò hẹn nhau trong giá rét rồi cùng nhau lặn lội tới vùng mỏ Quảng Ninh, tới những vùng cao Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng v.v.; Nhớ những chuyến xuống lò sâu, leo ngược dốc mấy cây số, mồ hôi đầm đìa, mặt lấm lem than bụi; Nhớ những đêm làm maket thức bạc mặt, xì xụp ăn mì tôm, cái bánh mì… Mới hay, những cuộc cãi vã chỉ vì dấu chấm, dấu phẩy trong bản thảo bỗng trở nên tầm thường, bé nhỏ trước những năm tháng làm báo trong ngành Than kỳ diệu, đắm say...