Hội thảo quốc tế: Văn xuôi Việt Nam - Hội nhập và phát triển

Nhằm giới thiệu tới các nhà văn Quốc tế về nền văn xuôi Việt Nam phong phú, đa dạng, có lịch sử nhiều thế kỷ, sáng 03/03/2015, tại hội trường Nhà khách Quân đội (1A Nguyễn Tri Phương, Hà Nội), Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam tiếp nối với Hội thảo về văn xuôi: “Văn xuôi Việt Nam – Hội nhập và phát triển”. Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam điều hành hội thảo.


Đoàn chủ tích điều hành Hội thảo

Tham luận “Văn xuôi Việt Nam hiện đại trong hội nhập và phát triển” của Giáo sư Phong Lê mở đầu hội thảo, giới thiệu những nét chính về văn xuôi Việt Nam trong thế những kỉ qua.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nổi tiếng với các tiểu thuyết trường thiên: “Mẫu Thượng Ngàn, “Đội gạo lên chùa”, đã gửi tới các nhà văn dự hội thảo tham luận: “Khuynh hướng tìm về nguồn trong tiểu thuyết hiện đại Việt Nam”. Trong bản tham luận, ông nhấn mạnh: Cái mà một người nước ngoài thích ở một nền văn học chính là cái riêng của nền văn học ấy.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Văn xuôi Việt Nam - Hội Nhập và phát triển


Nhà văn Sương Nguyệt Minh là một nhà văn, đại tá quân đội chia sẻ: Trong đội ngũ nhà văn Việt Nam chúng tôi có nhiều người xuất thân từ quân đội. Tôi là một người lính, một nhà văn trưởng thành từ những năm tháng ở chiến trường Tây Nam, chiến trường Campuchia. Văn xuôi viết về công cuộc bảo vệ biên giới Tây Nam đã xuất hiện một lực lượng nhà văn tương đối hùng hậu như Chí Trung, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc…và có hàng trăm nhà văn nhà thơ viết về chiến trường Campuchia, và đề tài này xuyên suốt các tác phẩm của họ với ba nội dung chính: Tố cáo tội ác diệt chủng của Polpot; giải đáp câu hỏi vì sao quân tình nguyện Việt Nam đến Campuchia; hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Nhà văn Sương Nguyệt Minh nói: Văn xuôi đề tài Campuchia, hình như đó là bảo tàng chứng tích chiến tranh.

Nhà văn Lào, Phiulavanh Luangvanna


Nhà văn nữ Phiulavanh Luangvanna của Lào đã trình bày tham luận: “Làm thế nào để tác phẩm văn học của chúng ta hội nhập tốt hơn tâm hồn của con người?” bằng tiếng Việt lưu loát. Bà nói: Chúng ta nói đến cái đã làm trong quá khứ, cũng chỉ để nói làm thế nào cái mà chúng ta làm sau này trong tương lai cho tốt hơn. Văn học đã nhờ cái đẹp, cái hay, cái tốt của nó để tồn tại, tồn tại để làm nhiệm vụ: làm cho người ta yêu nhau hơn. Tình yêu là trái tim của văn học, hay trái tim của văn học là tình yêu. Từ thời loài người chưa có tôn giáo, văn học đã làm điều này, và con người vẫn tiếp tục làm điều này mãi. Hiện tại, nhìn lại thế giới của chúng ta, con người đã yêu nhau hơn chưa? Bây giờ mẫu thuẫn giữa người với người, giữa các nước vẫn còn nhiều, bạo lực, chiến tranh, mà chưa nhìn thấy cách giải quyết vấn đề. Tại sao con người không tiếp tục dùng văn học để giải quyết mâu thuẫn?
Nhà văn Phiulavanh Luangvanna cho biết đôi nét về văn học Lào: Văn học Lào ít mâu thuẫn, và mâu thuẫn không cao. Nhân dân Lào yêu khách, mến người, ít xung đột, bởi vì trong kho tàng văn học của nhân dân Lào rất phong phú những tác phẩm giáo dục để con người yêu và quý trọng nhau, yêu dân, yêu nước. Tôi rất hoan nghênh Đảng, Chính phủ Việt Nam bao giờ cũng mong muốn các dân tộc trên thế giới gần gũi, yêu thương, giảm thiểu mâu thuẫn về chính trị, quân sự. Đó là một cách rất mềm mại và thời đại”.


Các đại biểu tham dự Hội thảo Quốc tế Văn xuôi Việt Nam - Hội nhập và phát triển

Nhà văn Igor Britov trình bày tham luận “Làm thế nào để sách Việt Nam xuất hiện ở Nga”. Ông nói: Bản thân tôi cũng có lần bắt tay vào việc dịch văn học. Và đôi khi tôi như người dò dẫm tìm đường. Tôi thực hiện phép thử trên những lỗi sai. Trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm nghề báo đã giúp tôi - tôi có hơn 25 năm làm việc ở đài phát thanh. Một lý thuyết riêng mà tôi tự rút ra cho mình được tôi đặt tên là “Thuyết 3 giọng nói” đã có hiệu quả. Người dịch phải lắng nghe ba tiếng nói: tiếng nói của tác giả, tiếng nói nhân vật và tiếng nói nội tại trong bản thân mình. Quan trọng là làm sao để luôn vang lên tiếng nói tác giả và dịch giả trong cùng một hòa âm. Đôi khi tôi cho phép mình được cao giọng ở tiếng nói cá nhân khi cảm thấy có gì đó chưa thật ổn ở tác giả.

Hội thảo Quốc tế “Văn xuôi Việt Nam – Hội nhập và phát triển” đã diễn ra trong không khí sôi nổi, cầu thị với nhiều tham luận của nhiều nhà văn trong nước và quốc tế:Thùy Dương, Lê Bá Thự