Bô - xít Tây Nguyên, nỗi niềm mừng tủi

Hàng loạt tờ báo vừa đăng tin: Hôm qua và hôm nay (9 -10/2/2015), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm dự án Alumin Nhân Cơ, Đăk Nông và Công ty Nhôm Lâm Đồng thuộc Tổ hợp bô - xit Tây Nguyên. Thủ tướng bày tỏ niềm tin vào triển vọng phát triển một ngành công nghiệp nhôm bền vững và an toàn ở Tây Nguyên. Sau hơn 1 năm vận hành thương mại, sản phẩm alumina sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho. Sản lượng alumina xuất khẩu trong năm 2014 đã đạt 490 ngàn tấn, đem lại nguồn thu ngoại tệ xấp xỉ 160 triệu USD. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: "Rõ ràng ở Tân Rai, hiệu quả kinh tế đã thấy rất tốt. Thủ tướng đánh giá, việc xuất khẩu alumin trên thực tế dự án đã diễn ra đúng như các phương án trong dự toán. Giá alumin xuất khẩu còn cao hơn mức dự báo trước đây.

Theo báo cáo của TKV, giá bình quân xuất khẩu alumin cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của dự án trước đây là là 325 USD/tấn. Còn hiện nay, giá đã tăng lên mức 350-360 USD/tấn so với mức 300-310 tấn/USD hồi đầu năm. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: "Dự án Tân Rai cho thấy, vấn đề hồ bùn đỏ là an toàn”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, Tây Nguyên có trữ lượng quặng bauxite ước khoảng 11 tỷ tấn, thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. Mục tiêu chung của Chính phủ là phải phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá Tây Nguyên. Ông nói: "Từ quặng bauxit, chúng ta làm ra alumin. Hiện nay là để xuất khẩu nhưng mục tiêu lớn nhất là để phục vụ cho chế biến nhôm, đáp ứng nhu cầu trong nước"."Chúng ta kỳ vọng sẽ phát triển Tây Nguyên thành vùng công nghiệp nhôm trọng điểm, lớn trên toàn thế giới. Với trữ lượng hiện nay, ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam có thể phát triển 50-70 năm", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chủ trương của Chính phủ là khai thác bền vững và hiệu quả, trước hết là hiệu quả về kinh tế, sau nữa là phải đảm bảo về an toàn môi trường, có hiệu quả về văn hoá, xã hội".

Thủ tướng cho biết thêm, hiện đã có hàng chục doanh nghiệp đã đăng ký sẽ đầu tư sản xuất chế biến sử dụng nguyên liệu nhôm Tây Nguyên. Ví dụ, có doanh nghiệp đã dự kiến sẽ mua nhôm lỏng ở đây, để sản xuất vành ô tô, xuất khẩu đi toàn thế giới.

 

NỖI NIỀM MỪNG - TỦI

 

*Những thông tin sai lệch về dự án Bô xít Tây Nguyên, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho đất nước và chủ đầu tư; làm xáo trộn dư luận xã hội, liệu có bị xử lí?

Vậy là công sức, trí tuệ và nước mắt của rất nhiều CNCB Tập đoàn TKV đổ xuống vùng đất Tây nguyên nay đã ra quả đầu mùa. Một thứ quả thai nghén quá lâu bởi nhiều lý do và đã vượt qua đau đớn, cực nhọc để ra đời. Một thứ quả mang nặng nỗi niềm mừng tủi của những người đầu tiên đi mở đất…

…Tôi có người bạn làm báo ở Tây Nguyên. Dịp ra Hà Nội nhận giải thưởng cuộc thi báo chí, gặp tôi, anh trách (cứ như tôi là người quan trọng lắm) rằng, Vinacomiu (anh nói nhầm Vinacomin -nay gọi là Tập đoàn TKV - thành Vinacomiu) nhà anh làm ăn sao mà để báo chí “đánh” zữ zậy? Tùm lum quá trời! Tôi bảo, một dự án lớn như vậy, có nhiều ý kiến phản biện là chuyện thường. Rồi tôi giải thích, đưa ra dẫn chứng để khẳng định rằng, một số thông tin dư luận nêu chưa đúng với thực tế. Anh tỏ vẻ ngạc nhiên, zậy hả? zậy hả? Tui ở Tây nguyên, làm báo ở Tây nguyên nhưng bây giờ nghe anh giải thích tui mới hiểu. Zậy sao anh không viết báo, nêu những “zấng đề” đó? Tôi bảo, viết chứ! Không những tôi mà đồng nghiệp tôi và rất nhiều nhà khoa học, nhiều người dân Tây Nguyên, trong đó có vị lãnh đạo của tỉnh đã viết bài đăng trên các báo khác ủng hộ chủ trương phát triển công nghiệp bô-xít, nhôm Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước. Riêng tôi (người viết bài này) là một trong những nhà báo đầu tiên được vào Tây Nguyên từ khi dự án đang khởi động và đã viết hàng chục bài báo; trong đó có loạt bài phản biện với những phản biện về dự án bô – xít. Anh lại ngạc nhiên, zậy hả? zậy hả?

Chắc hẳn, nhiều người đã đọc những bài viết phản biện, quan ngại về Dự án bô-xít, nhôm Tây Nguyên đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội; được nghe các tham luận phản biện trong các hội thảo khoa học; được biết, nhiều  đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. v.v. và lãnh đạo các bộ, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đến Tây Nguyên, kiểm tra khảo sát Dự án này. Nhưng có lẽ ít người biết, trước khi triển khai Dự án, Tập đoàn TKV đã tổ chức đoàn tham quan khai thác chế biến bau xít tại Úc, Braxin, Nga, Trung Quốc, với đại diện các Bộ Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Công nghiệp v.v. và lãnh đạo các địa phương ở Tây Nguyên. Chuyến đi đó đã có báo cáo dày mấy trăm trang, làm tài liệu tham khảo cho Dự án bô-xít ở nước ta. Đó là một trong những bước cần thiết, thận trọng cho công tác chuẩn bị của Dự án.

Chúng tôi là nhà báo, không phải nhà khoa học nên không đánh giá, nhận định về hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án - Việc đó thuộc các nhà quản lý, các nhà khoa học, chúng tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên, tôi biết chắc, một số thông tin trong các ý kiến phản biện không đúng với thực tế. Chẳng hạn, có ý kiến quan ngại rằng, Dự án bô-xít, nhôm có nguy cơ phá rừng Tây Nguyên. Tôi đã vào Tây Nguyên, thấy rằng, những vùng dự án đều là đồi trọc, làm gì có rừng để mà phá!

Lại nữa, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cho người nước ngoài vào khai thác bô-xít. Thực tế, nhà thầu nước ngoài trúng thầu Dự án xây dựng nhà máy tuyển, luyện alumin. Họ trúng thầu thì họ có quyền thuê nhân công, kể cả người nước họ - cũng như Dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng và nhiều dự án yêu cầu công nghệ cao khác, chuyên gia Việt Nam không làm được, đều phải thuê chuyên gia nước ngoài - xây dựng xong nhà máy họ rút về nước chứ họ đâu có KHAI THÁC BÔ-XÍT! Và đến thời điểm đó, TRONG HÀNG NGÀN GIÁO SƯ, TIẾN SĨ CỦA VIỆT NAM CHƯA AI LÀ CHUYÊN GIA LĨNH VỰC CHẾ BIẾN BÔ – XÍT (luyện quặng bô xít thành alumin; luyện alumin thành nhôm). Vậy thì, nhà thầu nước ngoài trúng thầu, họ không sử dụng chuyên gia và công nhân của họ để thực hiện dự án thì biết thuê ai ở Việt Nam! Dù vậy, khi họ sang Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Việc quản lý họ thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của nhà thầu chứ đâu chỉ riêng Chủ đầu tư là TKV! Và  hiện nay, với dự án Tân Rai (Lâm Đồng), nhà thầu đã bàn giao cho Chủ đầu tư để quản lí, vận hành; hầu hết chuyên gia đã về nước, không ai lấy vợ sinh con, lập bản ở Tây Nguyên như dư luận đồn thổi.

Tiếp nữa, có ý kiến cho rằng, khai thác bô-xít sẽ phá vỡ bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Chúng tôi cho rằng, cho rằng, quan điểm này chưa đúng. Bởi, khi kinh tế phát triển thì xã hội, trong đó có văn hóa cũng phát triển chứ sao lại phá vỡ bản sắc văn hóa? Thứ gì thuộc bản sắc, cần bảo tồn, thì phải có chế tài để bảo tồn; quan điểm vậy, chả hóa ra chúng ta không “mở cửa”, hội nhập với thế giới hay sao?

Và tiếp nữa, về mối quan ngại nguy cơ bùn đỏ. Rõ ràng, nếu hồ chứa bùn đỏ bị vỡ như ở Hunggary, tác hại sẽ không lường đối với môi trường và môi sinh của đồng bào trong vùng Dự án. Tuy nhiên, nói dại, nếu vậy thì mọi con đập của công trình thủy điện đều có thể bị vỡ; mọi ngôi nhà cao tầng đều có thể  bị đổ, nếu tính toán lựa chọn hệ số kiên cố của công trình không đảm bảo an toàn. Và nếu thế thì tác hại của các công trình này còn khủng khiếp gấp trăm lần so với vỡ đập chứa bùn đỏ. Vậy thì, muốn ngăn chặn nguy cơ bùn đỏ, chỉ có cách thiết kế hồ đập đảm bảo an toàn trên cơ sở những dữ liệu của khoa học. Giả dụ, có nhà báo phát hiện, trong hồ sơ thiết kế hồ chứa bùn đỏ của Dự án bô-xít chưa đủ cơ sở để đảm bảo an toàn. Khi đó, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, làm sáng tỏ sự việc báo nêu và yêu cầu thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn theo các cơ sở của khoa học. Đằng này, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng loan tin đập chứa bùn đỏ ở Hunggary bị vỡ, vậy là dư luận lại rộ lên nguy cơ bùn đỏ Tây Nguyên, vậy là các đoàn lại kiểm tra, dự án lại đình trệ, lại phát sinh chi phí…Dịp tháng 8 năm nay, do mưa lớn, đuôi quặng trong khu vực khai thác bị vỡ, dư luận lại rộ lên hồ chứa bùn đỏ bị vỡ. Nếu “quả bom Tây Nguyên” này bị vỡ, sao người dân hạ lưu không lên tiếng phản ứng?

…Bây giờ, những tấn alumin vượt qua đau đớn, cực nhọc để vươn ra thị trường thế giới, tôi chạnh lòng nghĩ đến những người đầu tiên đi mở đất. Từ năm 2005, Tổng Công ty Than Việt Nam và Bộ Quốc phòng đã quyết định điều một đơn vị quân đội thuộc Tổng Công ty Đông Bắc, do Đại tá Bùi Quang Tiến dẫn đầu vào Tây Nguyên để khảo sát, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đây là đơn vị quân đội làm kinh tế và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Thời ấy, tôi đã vào Tây Nguyên, ở đấy 10 ngày. Tôi đã vào UBND xã Nhân Cơ (Đăk R’Lấp, Đắc Nông) nơi trung tâm của Dự án Alumin Nhân Cơ; đã vào bon Pù Dấp, gặp Già làng Điểu Sơn, gần 100 tuổi; gặp ông Điểu N' Gá; ông Võ Đại Tần v.v là những người giúp đỡ bộ đội Đông Bắc những ngày đầu vào Tây Nguyên. Ở đấy, tôi đã nghe đồng bào Mơ Nông bày tỏ tâm tư tình cảm với TKV; về nỗi vui mừng của đồng bào với Dự án bô-xít. Tôi cũng đã ngủ ở doanh trại lợp tôn của các anh bộ đội Đông Bắc, nghe các anh kể chuyện về những ngày đi mở đất. Vào Tây Nguyên, các anh bộ đội đã nhanh chóng quan hệ mật thiết với đồng bào, “ba cùng” với đồng bào và được đồng bào tin yêu; đến nỗi đồng bào tình nguyện lấp cả cái hồ rộng 4 ha, gọi là hồ Cá Trê, rất linh thiêng để làm mặt bằng khu công nghiệp nhôm. Một dự án khổng lồ, sử dụng diện tích làm mặt bằng công nghiệp rất lớn, rất nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa, mất hoa màu tài sản, nhưng không hề có đơn thư kiện tụng của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Các bài viết về Tây Nguyên trong chuyến đi này đã đăng trên Tạp chí Vinacomin, báo Quân đội Nhân dân v.v.

Dù đầu tư vào Tây Nguyên rất lớn, chưa có cơ chế đặc thù cho dự án đặc thù mang tính thí điểm, nhưng  Tập đoàn TKV đã đầu tư xây dựng nhiều trường học, nhiều con đường và các công trình phúc lợi cho các địa phương Tây Nguyên; xây nhà tặng nhiều gia đình nghèo ở Tây Nguyên; cử con em đồng bào Tây Nguyên đi học nghề luyện kim ở nước ngoài và thành lập trường dạy nghề mỏ -  luyện kim tại Tây Nguyên, trong đó ưu tiên cho con em địa phương.

 

Những người có công đầu với dự án này là ông Đoàn Kiển (khi đó là Tổng giám đốc TKV); ông  Hòa “Pu Tin”, Phó TGĐ; Đại tá Bùi Quang Tiến, nguyên Giám đốc Alumin Nhân Cơ; ông Lê Việt Quang, nguyên Giám đốc Công ty Nhôm Lâm đồng v.v. Trong đó, ông Hòa "Pu Tin" đặc trách về công nghiệp bô xít, đi lại Tây Nguyên như con thoi; nay đã nghỉ hưu. Đại tá Bùi Quang Tiến hơn 10 năm nằm vùng ở Tây Nguyên từ khi dự án chưa khởi động, nhiều năm không về quê ăn Tết; ông được bà con Tây Nguyên thương yêu quý trọng như con, nay ông rời TKV trở về với TCT Đông Bắc…Các ông nêu trên không những chịu gian khổ trong quản lí điều hành dự án mới mẻ, xa xôi mà còn chịu búa rìu của dư luận. Bây giờ, khi đã có quả đầu mùa thì chắc những người trong cuộc không khỏi mừng mừng tủi tủi khi quá thấm thía nỗi gian nan của những năm tháng đi tìm sự no ấm cho vùng đất Tây Nguyên và sự ra đời của một ngành công nghiệp mới cho đất nước.