Đại dịch Ebola: Việt Nam chưa ai bị mắc

Dịch Ebola hiện đang trở thành một đại dịch mới đe dọa tới sức khỏe của toàn thế giới khi vùng dịch ngày càng lan rộng, vượt nhanh hơn sự kiểm soát của ngành y tế các nước Tây Phi.

Tây Phi đang đối mặt với dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola. Đây là đợt bùng phát dịch chưa từng có, đi kèm với những thách thức khôn lường và rất khó kiểm soát.

Nguyên nhân của dịch là do một chủng vi rút gây chết người nguy hiểm nhất trong dòng họ vi rút Ebola.

Đây là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 4 thập kỷ của căn bệnh này, với tổng số mắc là 1.323 ca, trong đó có 826 ca tử vong, xảy ra tại 4 nước Tây Phi.

Vi rút Ebola đang tấn công Tây Phi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, dịch bệnh diễn ra tại những khu vực có dân biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không, điều này trái ngược với những gì diễn ra trong các vụ dịch trước đây. Các trường hợp mắc bệnh sinh sống tại khu vực nông thôn, nơi khó tiếp cận và ở các thành phố đông dân cư.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho đến thời điểm này, trong hơn 4 thập kỷ qua Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Ebola. Tuy nhiên trước tình hình lan rộng và vượt quá tầm kiểm soát của dịch bệnh, Bộ Y tế đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố yêu cầu phối hợp cùng phòng chống nguy cơ dịch Ebola vào Việt Nam.

Ông Trần Đắc Phu -  Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết triệu chứng khi nhiễm vi rút Ebola gồm: sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng hoặc có thể có nôn, tiêu chảy, phát ban, chảy máu. Tuy nhiên triệu chứng này giống với nhiều bệnh khác nên khi có biểu hiện của bệnh, người bệnh cần được tiến hành dịch tễ xem có di chuyển từ vùng dịch về hay không.

Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng dịch trong vòng 21 ngày, cơ quan liên quan cần thực hiện ngay các biện pháp cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.

Ông Phu cho viết hiện nay hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do vi rút Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện đang là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do vi rút Ebola. Để kiểm soát sự lây truyền của vi rút, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.