Từ vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề: Điểm lại vụ sư thầy tự đúc tượng mình
Sư thầy Thích Minh Phượng – trụ trì chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) từ khi tiếp quản chùa đã gây ra nhiều sai phạm khiến người dân phẫn nộ.
Gần đây, báo Phụ nữ phơi bày sự thật chấn động liên quan đến vụ bảo mẫu chùa Bồ Đề có hành vi buôn bán trẻ em. Từ vụ việc này, dư luận đặt nghi vấn về đức hạnh của nhà sư. Liệu cửa Phật có phải là nơi thanh khiết, không vướng bụi trần hay không?
Một trong những vụ việc gây chấn động dư luận về đức hạnh của nhà sư thời gian gần đây là vụ sư thầy Thích Minh Phượng – trụ trì chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội).
Kể từ khi tiếp quản chức trụ trì chùa Chân Long, sư Phượng đã liên tiếp có những hành động khiến người dân Chàng Sơn phẫn nộ. Dưới đây là những hành động sư trụ trì Thích Minh Phượng theo cáo buộc của người dân địa phương:
1. Phá hoại di tích chùa cổ
Làm trụ trì tại chùa Chân Long, sư thầy Thích Minh Phượng đã tự ý thuê người vào chùa đào xới đất để làm hố bể tự hoại, nhà vệ sinh phục vụ riêng cho cá nhân mình mà không hề cho ai biết, cũng không báo cáo lên UBND xã Chàng Sơn. Tiếp đến, ông Nguyễn Xuân Long (tức sư thầy Thích Minh Phương) đã tự ý chuyển bỏ nhiều bức tượng phật đã tồn tại lâu đời của di tích để thay vào đó là những pho tượng phật mới không rõ nguồn gốc.
3 trong số 8 pho tượng cổ cũng bị sư Phượng chuyển đi nơi đâu mà người dân trong xã Chàng Sơn không hề hay biết. Sư Phượng còn tự ý xây dựng nhà tắm rất hiện đại, xây gara ô tô hoành tráng trước cửa chùa. Trong khi chùa Chân Long xuống cấp trầm trọng, sư Phượng không hề tu sửa mà dùng số tiền công ích chuộc lợi cho bản thân.
Những người dân ở xã Chàng Sơn cũng cho rằng, bát hương cổ, tượng cổ của chùa không cánh mà bay cũng vì lý do đã bị bán mất.
2. Tự đúc tượng tượng mình?
Đầu tháng 11/2013, sư Phượng tự ý mang ra khỏi chùa một pho tượng cổ có tên “Vua Cha Ngọc Hoàng”, thả xuống sông và nói rằng: “Đem tượng xuống sông tắm, vì bị các giãi trong chùa lỡ tay làm xước xát”.
Để thay thế cho bức tượng “Vua Cha Ngọc Hoàng”, sư Phượng đã bí mật đem về một bức tượng đồng (có trọng lượng khoảng 350 kg, cao khoảng 1,4 m), với khuôn mặt giống y hệt sư Phượng, sau đó nói với người dân: “Đây là tượng vua Trần Thánh Tông”, đưa về để thay thế "Vua Cha Ngọc Hoàng", bà con hãy cùng thờ, phúng.
Người dân Chàng Sơn vô cùng phẫn nộ đã đem bức tượng này kéo ra giữa chợ, đồng thời treo nhiều pano biểu tình trước cổng chùa yêu cầu sư Phượng ra khỏi chùa.
3. Lối sóng phóng túng
Tại nơi ở của sư Phượng, người dân phát hiện nhiều vỏ lon bia, chai bia cùng rất nhiều bình rượu ngâm. Trong nhà tắm của sư Phượng, người ta thấy ngổn ngang những lọ dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt mà vị sư này sử dụng. Khi tập hợp lại có sữa tắm, sữa rửa mặt, dầu gội đầu, thậm chí còn có keo bọt giữ nếp, tạo dáng cho tóc.
Đáng chú ý, sư Thích Minh Phượng cất giữ trong gara của mình xây trong khuôn viên chùa chiếc ôtô hiệu KIA Morning, có giá khoảng hơn 400 triệu đồng.
Rất nhiều người dân bức xúc cho rằng nhà sư đã biển thủ tiền công đức, đóng góp xây dựng chùa để mua chiếc ôtô này. Ông Điệp (đội 4 xã Chàng Sơn) nhận định: “Một người tu hành cần dùng đến ôtô làm gì? Và quan trọng là ông ta dùng khoản tiền từ đâu để mua được chiếc ôtô như thế?”
Tuy là người tu hành nhưng sư Phượng còn ra tay đánh người, buông những lời lẽ thiếu văn hóa. Chị Nhung (người dân Chàng Sơn) kể: “Hôm đấy, xe ôtô của sư Phượng đâm vào người chở gỗ, sư không quan tâm người đó có chết hay không mà lo xe của mình bị xước sơn, vỡ kính.
Tôi chạy lại đỡ người chở gỗ thì sư chửi rồi túm tóc bóp cổ, tát vào mặt. Không hiểu sư bóp kiểu gì mà đầu tôi không ngẩng lên được suốt một tuần, tôi phải đi bệnh viện Sơn Tây chữa nửa tháng mới khỏi.
Gần một vạn dân xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây đã đồng tình ký vào đơn kiến nghị đến Thành hội Phật giáo Hà Nội.
Vụ việc đến nay đã tạm lắng xuống nhưng niềm tin của người dân xã Chàng Sơn nói riêng và người dân cả nước nói chung vào đức hạnh của các nhà sư đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Phương Thảo (tổng hợp)
Nguồn: giadinhvn.vn