Không được bịa ra lịch sử!
KHÔNG ĐƯỢC BỊA RA “ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ”
*TRẦN NHUẬN MINH
Đây là trường hợp ông “ HOÀNG KHUÔNG, Thương Hiệu và Pháp Luật”, tôi nghĩ dòng sau tên ông, là xuất xứ của bài báo ông đăng lại trên Vanvn, cập nhật 31/10/ 2024, của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi tìm hiểu thì biết đây là Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật, với tên tuổi những người làm báo rất đáng kinh nể. Tôi COPY y chang ra như sau:
Hội đồng Cố vấn, Biên tập
1. TS. Lê Ngọc Dũng – Chủ tịch
2. TS. Lê Doãn Hợp
3. Ông Vũ Trọng Kim
4. TS. Thang Văn Phúc
5. TS. Nguyễn Tiến Dĩnh
6. Thạc sỹ Đào Bình
7. Nhà báo Phạm Thị Lý
Tổng biên tập:
Th.sỹ, Nhà báo Đào Bình (Nguyễn Văn Bình)
Phó tổng biên tập:
Nhà báo Đỗ Minh Tuấn
Nhà báo Khổng Thị Nhung”.
Trước hết, tôi cảm ơn Tạp chí Thương hiệu và Pháp luật và sau đó cảm ơn Vanvn đã đăng lại bài của ông. Tôi cũng cảm ơn ông, đã chú ý đến bà Nguyễn Thị Duệ của quê hương tôi. Nhưng điều tôi hoàn toàn không hiểu được, tại sao ông lại ghi cái điều ông bịa ra ấy có ghi trong Đai Việt sử ký toàn thư ( ĐVSKTT). Điều tôi chỉ thấy có trong nhóm mà từ năm 1991, tôi đã gọi là Sử thổ phỉ. Tôi khuyên ông không nên tự nguyện tham gia vào nhóm Sử thổ phỉ này.
Vanvn đã đăng lại bài của ông từ Thương hiệu và Pháp luật, tôi COP lại y chang đoạn đầu như sau:
“Nguyễn Thị Duệ: Nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử Việt Nam, có gì đặc biệt?
CẬP NHẬT NGÀY: 31 THÁNG MƯỜI, 2024 LÚC 22:04
Lịch sử khoa bảng Việt Nam ghi nhận một nữ trạng nguyên duy nhất, đó chính là bà Nguyễn Thị Duệ (quê ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Nguyễn Thị Duệ: Nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử Việt Nam, có gì đặc biệt?
Giáo dục Việt Nam thời phong kiến coi trọng Nho học, phụ nữ không có quyền tham gia thi cử. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Duệ là ngoại lệ. Bà không chỉ là nữ tiến sĩ đầu tiên ở nước ta, mà còn là nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng.
Tinh Phi cổ tháp - Tháp mộ Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ ở Chí Linh,Hải Dương.
Ngày 14.3.1574, ở vùng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương, một nữ nhi ra đời. Vốn sinh ra trong một gia đình Nho học nghèo khó, Nguyễn Thị Duệ (còn gọi là Nguyễn Ngọc Toàn), hiệu Diệu Huyền sớm thể hiện sự thông minh trác việt. Duệ cũng yêu thích chữ nghĩa từ nhỏ.
Tương truyền, bà biết viết văn, làm thơ khi mới 4 tuổi. Vừa thông minh lại sở hữu nhan sắc xinh đẹp, nên khi mới chỉ hơn 10 tuổi, bà đã được nhiều gia đình quyền quý trong vùng hỏi cưới, định hôn nhưng bà không đồng ý”.
Trong ĐVSKTT có dẫn, năm 1592, khi chúa Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm Thăng Long, nhà Mạc thất thế, chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Duệ cùng cha theo lên đây. Theo ông Hoàng Khuông, thì ĐVSH TT ghi như sau:
“ Năm Giáp Ngọ (1594), khi nhà Mạc mở khoa thi cử để tìm kiếm nhân tài giúp nước, thu hút nhiều sĩ tử, trong đó có bà Nguyễn Thị Duệ. Bà lấy tên Nguyễn Ngọc Du, ăn mặc giả trai đăng ký dự thi. Trong các kỳ thi Hương, Hội và Đình, bà đều đỗ đầu và trở thành trạng nguyên. Khi ấy, bà chỉ khoảng 17 – 18 tuổi.” ( tôi nhấn mạnh – TNM)
Sau đó là một đoạn khác: “ trong cuốn Những Người Thầy Trong Sử Việt có nhắc đến việc khi triều đình mở tiệc đãi tân khoa, Nguyễn Thị Duệ lúc ấy lấy danh là Nguyễn Du đến làm lễ đầu tiên. Thấy tân trạng mặt hoa da phấn, thân hình mảnh mai, sóng mắt long lanh, vua mới ngờ vực rồi hỏi và được biết Ngọc Du thực chất là con gái.
Cả triều đình kinh ngạc vì chuyện xưa nay chưa từng có, cho rằng đây là tội khi quân, khó thoát khỏi án chết. Tuy nhiên, vua Mạc không trừng phạt, còn tỏ ra quý trọng tài sắc của bà, cho lấy lại tên cũ, ban cho làm lễ quan trong cung dạy chữ và lễ nghi cho các cung tần, thị nữ.”
Thưa ông Hoàng Khuông. Trong tất cả những điều trên, tôi chỉ quan tâm có một điều thôi: theo ông, thì ĐVSKTT ( đã dẫn): Năm Giáp Ngọ ( 1594) bà Nguyễn Thị Duệ cải trang làm nam giới thi đỗ Trạng nguyên.
Trước hết tôi tra trong ĐVSKTT. Tôi có 6 bộ ĐVSKTT của 6 lần in khác nhau. Lần nào sách in ra, tôi cũng mua 1 bộ và đối chiếu các lần in khác nhau hoàn toàn như nhau.
Bộ sử tôi vẫn để đầu giường là của Nhà xuất bản Thời Đại năm 2013. Sở dĩ tôi chọn bộ này để thường xuyên tra cứu, vì cả bộ sử, sách in gộp vào 1 tập, khổ lớn, giấy rất trắng, cỡ chữ lại lớn hơn tất cả các lần in khác, nên dễ đọc.
Từ trang 891 đến 895 của bản in bộ sử này, ghi toàn bộ các vụ việc xảy ra của năm Giáp Ngọ (1594) của nhà Mạc, tuyệt đối không có 1 chữ nào về vua Mạc mở khoa thi Tiến sĩ năm Giáp Ngọ ( 1594) và bà Duệ không những đỗ Tiến sĩ mà còn đỗ Trạng Nguyên.
Vậy việc bà Duệ thi đỗ Trạng Nguyên năm Giáp Ngọ ( 1594) có trong ĐVSKTT là do ông Hoàng Khuông bịa ra trên tạp chí điện tử “Thương hiệu và Pháp luật”. Tôi băn khoăn, không biết việc làm đó của ông Khuông có vi phạm điều 9 của Luật Di sản Văn hóa ( sửa đổi) hay không?
Vài năm trước, tôi có đọc một bài nghiên cữu rất công phu của nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình Đặng Văn Sinh, người Chí Linh, Hải Dương. Ông Đặng có cơ sở khi đưa ra ý kiến rằng: Bà Duệ thi đỗ Trạng Nguyên, hoàn toàn là một chuyện hư cấu. Và chuyện hư cấu này đã thành lịch sử, có trong tất cả các sách lịch sử, kể cả các sách giáo khoa dạy cho trẻ con về sự trung thực trong phẩm chất không thể thiếu để làm một con người Việt Nam ở thời đại mới ( như những sự kiện và nhân vật lịch sử có thật).
Trong Đăng khoa lục sưu giảng của Phó đô Ngự sử Trần Tiến, ghi tên tiến sĩ các khoa thi từ khởi đầu đến trước năm ông mất ( 1770) không có tên Nguyễn Thị Duệ. Tập sưu tầm biên khảo Tục Công dư tiệp kí của Trợ giáo Thái tử nhà Lê, Trần Trợ, có ghi bà Duệ giả trai đi thi và coi đó là chuyện dân gian hư truyền. Cả 2 tác giả này đều cùng huyện Chí Linh, quê bà Duệ.
Khi truyện hư cấu dân gian, được biến thành lịch sử , như các giá trị lịch sử được tôn vinh khác, với giá trị chân thực cao quí, thì sự hòa nhập và thăng hoa trong đời sống thực tiễn, như đã diễn ra từ vài chục năm nay, ở Chí Linh, Hải Dương với hàng loạt các sự kiện mà chúng ta tôn trọng, là như thế nào, chúng ta đều đã biết rồi.
Tôi chưa có điều kiện để khẳng định điều đã nêu trên. Nhưng tôi thấy là chuyện đó giống như chuyện “Nữ tú tài” của Trung Quốc mà tôi đã đọc nhiều lần từ thủa còn học cấp 1.
Nhân đây, tôi nói thêm 2 chuyện, mà tôi nghĩ chúng ta nên tham khảo, để từ đó sẽ dễ dàng đồng cảm với tôi hơn, khi tôi kiến nghị với Nhà nước một việc ở cuối bài báo này :
1 - Tôi đã 2 lần được mời sang Đài Loan, đã nghe ở Đài Nam, chuyện bà hàng nước báo cho ông Trần Thành Công ( như ông Trần Hưng Đạo của ta) về cái khe lạch cách đó vài dặm, khi triều cường, có thể đưa đoàn thuyền trận vào vùng vịnh, và ông Thành Công đã nghe theo bà hàng nước này, mà đánh tan quân Hà Lan, giải phóng Đài Loan. Vậy bà hàng nước Đài Loan và bà hàng nước Bến Rừng ( Quảng Yên) báo cho ông Trần Hưng Đạo ngày giờ nước lên để đóng cọc gỗ, đánh tan đoàn thủy quân Nguyên Mông, có họ hàng gì với nhau không? Nên nhớ đền thờ Trần Hưng Đạo ở bến Rừng mới xây năm 1936, dựng bia năm 1942, và đền Vua Bà ( bà hàng nước), chắc cũng được xây trong dịp này. Tôi đã đứng trong pháo đài của quân chiếm đóng Hà Lan, trước ở trên bờ biển, nay ở trung tâm đô thị khang trang nhất của thành phố Đài Nam, Đài Loan.
2 – Một trong 4 nhà sử học danh tiếng nhất, từng làm vẻ vang cho nền sử học Việt Nam, đã cùng một giám đốc sở văn hóa địa phương, sọan 1 tập sách lịch sử, bịa tròn 100 cung nữ đã nhảy xuống suối tự tử khi theo vua Trần Nhân Tông, về Yên Tử tu khổ hạnh - sau 6 năm tu ở Ninh Bình. Ông không nghĩ rằng, chính ông đã khai sinh ra các nhóm “ Sử thổ phỉ” tràn lan sau này, nghĩa là những người viết sử, muốn viết thế nào cũng được, tùy theo ý mình muốn. Vua Trần vừa đi tu vừa lo việc nước, nên ông ở nhiều thời gian hơn tại am Ngọa Vân Đông Triều rồi mất ở đây, cách chùa Hoa Yên ở Uông Bí khoảng 40 km về phía Đông, nơi theo phim tư liệu hiện còn lưu giữ được, một số nhà sử học danh tiếng vẫn khẳng định chùa Hoa Yên- Uông Bí mới là nơi vua Trần mất.
Điều sai đó, nay đã khắc phục được rồi. Nhưng tròn 100 cô cung nữ chết, thì không ai sửa được cả. Và ngoài 100 cô đã chết, các cô còn sống, vua lập làng Mụ, làng Nương cho các cô ở, nay các làng đó, thành tên làng du lịch lịch sử ở Yên Tử - Uông Bí. Gần đây, một hãng rượụ phát hiện không phải tròn 100 mà tròn 300 cung nữ chết ở suối Giải Oan khi theo vua đến đây. Vùng đất chôn 300 cô này, mọc lên một loại cây sim lạ, có chất nhựa riêng. được chiết xuất làm một thứ rượu rất đặc sắc để bán cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Mới đây lại được biết, hãng rượu này được cấp hơn 300 ha để trồng loại sim đặc biệt đó ( có nguồn gốc từng mọc trên mộ 300 cô )… Vậy sự bịa đặt, từ truyền thuyết dân gian ( mới), đã thành lịch sử, thành đời sống văn hoá và du lịch , thành sản phẩm sản xuất bán kiếm lời - rõ ràng là vi phạm điều 9 Luật Di sản Văn hóa ( sửa đổi ) - thành tên hành chính địa phương, khi công ti đứng tên khắc dấu… thi ai sửa được đây… Và cứ thế, nó vận hành trong đời sống du lịch và thương mại… càng ngày càng xa, biết đâu vài mươi năm nữa, cứ theo đà này ( nhiều người và cả cơ quan có thẩm quyền ủng hộ), số cung nữ chết, có thể lên đến bao nhiêu, ai mà biết được…
Những sự việc tương tự như thế này, ở các địa phươmg, nhiều không kể xết… và tất cả, đều không được ai quan tâm. Thật đáng sợ. Đây là sự nhiễu loạn. Đừng tưởng cứ nói dối nhiều lần giống nhau, người ta sẽ tin là mình nói thật. Và chỉ một điều hệ trọng, người ta biết rõ là mình nói dối, người ta có quyền không tin vào bất cứ cái gì ta có thật và nói thật. Hình như ít ai nghĩ đến điều này vô cùng nguy hiểm là như thế nào…
Do đó, tôi kiến nghị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho phép Cục Di sản Văn hóa lập thêm một phòng là “ Phòng Bảo vệ lịch sử nội bộ”, học theo “Cục Bảo vệ chính trị nội bộ” của Đảng ta, và tôi thấy việc mới này cấp bách và cần thiết vô cùng, mà tầm quan trong lâu dài của nó không hề kém, đều là cùng bảo vệ những giá trị cao cả và thiêng liêng, một đằng là của một Đảng cầm quyền và một đằng là sự tồn vong của cả một dân tộc.
Hạ Long, 01/11 / 2024
TRẦN NHUẬN MINH