Nhà thơ Trần Nhuận Minh: "Những tài năng thơ vẫn đang xuất hiện"
NHÀ VĂN KIỀU BÍCH HẬU PHỎNG VẤN NHÀ THƠ TRẦN NHUẬN MINH
Nhà thơ Trần Nhuận Minh sinh năm 1944 ở Hải Dương, từ 1962, sống và viết ở Quảng Ninh, đã biên soạn giới thiệu 6 nhà thơ lớn Khuất Nguyên, Xergây Exênhin, Raxun Gamzatốp, Yanit Rítxốt, Nicôla Ghiden, Oan Uytman trong bộ sách Thi ca thế giới chọn lọc (2004). Đã nhận 26 giải thưởng. Về Thơ: Giải thưởng Hội Nhà văn 2003 (Bản Sonata hoang dã); Giải Nhà nước 2007 (Nhà thơ và hoa cỏ, Bản Sonata hoang dã); Giải Sông Mê Kông tại Campuchia 2020 (Qua sóng Trường Giang). Về Văn xuôi, giải Nhì tiểu thuyết ( về biên giới và biển đảo) 2020 (Hòn đảo phía chân trời). Về Nghiên cứu: Giải Đào Tấn 2023 (Thời gian lên tiếng - Đi tìm Sự thật - Đối thoại văn chương).
2 trang ruột tạp chí Neuma tháng 7+8.2024 giới thiệu tác phẩm của nhà thơ Trần Nhuận Minh
1. Thưa nhà thơ đáng kính, hãy cho độc giả của chúng tôi biết nhà thơ nghĩ gi về đại dịch, và tương lai của văn học sau đại dịch?
Đó là một tai họa lớn của toàn nhân loại, dĩ nhiên có thể hạn chế được tốt hơn. Nhưng thời gian đầu, chúng ta đã không làm tốt được việc đó. Đã có một số tác phẩm viết về việc này, nhưng chưa đủ sức chinh phục bạn đọc. Tôi hi vọng ở tương lại. Bởi nó tác động rất sâu sắc đến số phận của hàng trăm triệu người, không thể không có những tác phẩm tương ứng.
2. Hãy chia sẻ về điều tốt cũng như điều chưa tốt của nền văn học hiện tại? Ai sẽ chiến thắng hôm nay?
Điều tốt là nó luôn đồng hành với con người trong những vấn đề đặt ra của đời sống hôm nay. Điều chưa tốt là nó sẽ khó có khả năng chinh phục được những độc giả tinh hoa trong tương lai. Vì những hạn chế nhất định của cá nhân nhà văn và những yêu cầu của xã hội. Ai sẽ chiến thắng ư? Những tài năng lớn như Gacxia Mắckét. Hay như Yannis Ritsos. Vẫn đang xuất hiện.
3. Ông lấy nguồn cảm hứng từ đâu?
Từ số phận của những con người trong những va đập rất ghê gớm của thời cuộc: chiến tranh, khủng bố, thiên tai… Chỉ tính từ năm 1939 đến nay, với khoảng hơn 80 năm, những biến động kinh hoàng của nó bằng cả hàng ngàn năm trước cộng lại. Đó là bội số chung lớn nhất của tất cả các dân tộc. Là một nhà thơ, hi vọng là một trong những đại diện cho nhân dân mình, tôi buộc phải cất lên tiếng nói từ đó. Đó là một khát vọng sáng tạo của tôi, không bao giờ nguôi ngoai.
4. Mọi người có còn đọc sách nữa hay không?
Có chứ. Bây giờ và mãi mãi. Tôi tin chắc như vậy. Bởi đơn giản thôi: Đọc sách là một trong những thuộc tính của CON NGƯỜI. Càng về sau, phần NGƯỜI càng lớn hơn phần CON. Vì thế, đọc sách sẽ là, vẫn là, một việc làm không thể thiếu của CON NGƯỜI.
5. Ông đã xuất bản được bao nhiêu cuốn sách cho đến thời điểm này? Và làm thế nào để bạn đọc thế giới tiếp cận, đọc sách/thơ của ông?
Tôi đã được xuất bản 62 tập sách ở trong và ngoài nước. Cả thơ và văn đều được đưa vào sách giáo khoa phổ thông từ năm 1980 đến nay. Để bạn đọc thế giới tiếp cận được với tác phẩm của mình, cái công lớn nhất thuộc về các nhà dịch thuật. Nhiều tác phẩm của tôi được tái bản từ 5 đến 34 lần. Văn xuôi đã được dịch ra 7 thứ tiếng ở 7 quốc gia. Thơ đã được dịch ra 14 thứ tiếng ở 18 quốc gia. Có 4 tập thơ xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, được phát hành toàn cầu. Tôi rất biết ơn các nhà thơ đã dịch thơ và văn của tôi.
6. Ông có nghĩ rằng số phận của mình đã được định đoạt bởi Chúa hoặc đấng tối cao nào đó, hay mình có thể thay đổi số phận theo ý chí của mình?
Có lúc tôi cũng đã nghĩ như vậy, nên trong 2 bản trường ca: Bản Sonata hoang dã tái bản 15 lần, tôi đã sáng tạo ra Đấng Mê Tơi, và trường ca 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, tái bản 6 lần, tôi đã sáng tạo ra Đấng Âm U, để giải thích những điều mà tôi không giải thích được, dường như đang điều hành số phận mình. Hai Đấng này là sáng tạo riêng của tôi, không phải vị Chúa tể của bất cứ tông giáo nào.
7. Tôn giáo cũng đang gây ra những cuộc xung đột, chiến tranh - một số người nêu ý kiến như vậy. Ông có quan điểm về vấn đề này thế nào?
Thời trung cổ đã có những cuộc chiến tranh tôn giáo mang tầm thế giới, tàn sát nhiều triệu người ở một số quốc gia. Nay tôn giáo dường như có trong nguyên nhân của một vài cuộc chiến tranh có tính sắc tộc. Do đó mà nó thêm gay gắt và khó tháo gỡ. Các nhà cầm quyền phải cố hóa giải từ đầu để nó không xảy ra, hoặc nếu buộc phải xảy ra, thì nó không phải là vấn đề chủ yếu.
8. Tiền có mang lại hạnh phúc?
Tiền rất cần để không đói rét, để được học hành và có thuốc chữa bệnh. Nghĩa là có tiền sẽ có đời sống an lành. Hạnh phúc cao hơn thế, vì nó còn nằm trong các giá trị tinh thần mà đồng tiền nhiều trường hợp không với tới được. Tiền là phương tiện. Còn kẻ ngu xuẩn sẽ coi tiền là mục đích. Không phải không có nhà rầt giầu, tiện nghi 5 sao, mà vợ chồng, anh em con cháu chém giết nhau đó sao?
9. Sách điện tử hay sách in, loại nào được chuộng trong tương lai?
Tôi chắc sẽ là sách điện tử. Vì nó nhẹ nhàng mà dung lượng rất lớn, đáp ứng được các tiện ích của nhiều loại người. Tuy thế, sách in vẫn tồn tại và trong tình hình ấy, buộc phải nâng cao giá trị hơn, kể cả nội dung và nghệ thuật tác phẩm. Tất nhiên, kết cấu sách và cách trình bày mĩ thuật cũng phải công phu hơn, hấp dẫn hơn. Nghĩa là đẳng cấp phải cao hơn. Cá nhân tôi, tôi làm việc bằng sách điện tử, nhưng thưởng thức nghệ thuật tác phẩm, thì phải qua sách in.
10. Ông nghĩ gì về năm công nghệ? Liệu chúng ta có biến mất tăm tích trong các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính hay không?
Tôi ủng hộ công nghệ và hi vọng từ đó, càng về sau, thời gian dùng vào việc càng ít hơn, mà kết quả của việc lại cao hơn. Nghĩa là công nghệ làm cho chất lượng sống được tăng lên rất nhiều. Ta sống và làm việc trong vài chục năm, mà kết quả chắc chắn cha ông ta tài giỏi đến đâu cũng không bằng được. Còn có bị “mất tăm tích không”, cái đó tùy từng người. Sẽ có người tự mất tích đấy, không sao cả. Nhiều người khác sẽ tự nhân mình lên hàng chục lần. Về tổng thế, vẫn là hay hơn.
11.Về vấn đề môi trường, liệu tiến bộ công nghệ và con người có phải chịu trách nhiệm cho những thảm họa môi trường? Tại sao?
Công nghệ càng phát triển, môi trường càng bị hủy hoại, chỉ có điều nhiều hơn hay ít hơn mà thôi. Liều lượng đó cũng là do con người. Chưa bao giờ chúng ta phải chịu những tác động tiêu cực của môi trường như bây giờ. Chỉ riêng việc biến đổi khí hậu đã rất nặng nề. Vì thế, phải có biện pháp hạn chế ngay từ đầu, từ từng việc nhỏ của mỗi con người đến mỗi quốc gia. Gây thảm họa môi trường, phải coi là tội ác lớn nhất chống lại con người, còn hơn những tội phạm chiến tranh.
12. Điều ước của ông năm 2023. Chọn một bài thơ ngắn của ông về điều ấy?
Hòa bình, không có chiến tranh, không có khủng bố và áp bức. Nghĩa là Hạn chế được cái Ác.
Đây là bài thơ ngắn của tôi:
ĐIỀU ƯỚC
Điều đầu tiên của Nhà cầm quyến có ĐỨC
Là đưa dân ra ngoài vòng gươm đao
Để mọi gia đình đời đời sum họp
Và chiến trường mọc đầy bông lúa vàng…
Còn ngắn nhất ư? Thưa bạn, đây là bài thơ ngắn nhất mà tôi muốn được bạn chia sẻ:
ĐỪNG QUÊN
Cái ÁC vỗ vai cái THIỆN
Cả hai cùng cười đi về tương lai…
Nhà văn Kiều Bích Hậu (T/h)