Hỗn độn hài nhảm lên ngôi
Trong bộn bề cuộc sống, áp lực công việc và những lo toan gánh nặng gia đình đè lên nhiều người, stress là căn bệnh của thời đại thì họ cần phải có nhu cầu giải trí. Hài kịch, tiểu phẩm hài lên ngôi. Hàng loạt những chương trình gameshow của nhà đài về hài kịch, tấu hài hút khách.
Ở mảng sân khấu ngay cả những kịch tâm lý xã hội, chính kịch đạo diễn vẫn phải khéo léo đưa những mảng miếng có yếu tố gây cười để lôi kéo khán giả. Vở diễn nào khán giả càng cười nhiều vở diễn đấy càng bán được vé, mặc cho những chi tiết đấy nằm ngoài kịch bản gốc.
Sống trong thời đại ngày nay, việc tự quảng bá, tiếp thị hình ảnh của bản thân lên sóng mạng là điều quen thuộc. Nhiều nhân vật xuất hiện trên TikTok trở thành những cái tên Idol vô cùng “hot” khi chọc cười khán giả. Có lẽ chưa bao giờ công chúng lại đói tiếng cười đến như thế. Nhưng trong hàng vạn tiếng cười, cần lắm tiếng cười sâu sắc, tiếng cười trí tuệ chứ không đơn giản chỉ là tiếng cười cơ học thì lại là điều vô cùng khó khăn.
Một chương trình hài kịch trên sóng truyền hình. (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Nhiều người nói nên dẹp đi mớ lí thuyết suông với hình ảnh đẹp kiểu như kết cảnh kịch êm đềm như một bức tranh lãng mạn. Nhà tổ chức sản xuất cau mày, nhăn trán mắng đạo diễn: “Cậu ạ, thời đại nào rồi mà cậu còn muốn bay bổng, ướt át, cậu phải bắt vào thị hiếu khán giả xem họ “đói” món gì thì chúng ta cho họ ăn món đó chứ”.
Đạo diễn quay ra phân trần: “Khán giả thích là một chuyện nhưng mình phải bám kịch bản, phải trung thực với kịch bản. Nghệ thuật có tính định hướng. Tác phẩm nghệ thuật sẽ đưa họ đến với những suy nghĩ cao đẹp, nuôi dưỡng sự trong sáng trong tâm hồn khán giả”.
Nhà tổ chức sản xuất lần này nổi cáu thật sự: “Ai trả lương cho tôi và cậu? Ai đang nuôi mấy chục nhân viên nhà hát. Chính là khán giả đấy. Họ là thượng đế, họ thích cái gì ta chiều cái đấy. Giờ khán giả họ thích cười, muốn cười và thèm cười. Cậu có làm ra sản phẩm nghệ thuật hay bằng giời, chủ đề sâu sắc mà họ không mua, vé bán cho ai xem. Nghệ sĩ lúc đấy lại tha hồ mà đói”. Đấy là câu chuyện diễn ra ở các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cả nước từ hàng chục năm nay.
Vào những ngày tháng 10 vừa qua Nhà hát Tuổi trẻ cho ra mắt những vở kịch một thời của Lưu Quang Vũ như: “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ông không phải là bố tôi”, và “Ai là thủ phạm”… Mặc dù là kịch tâm lý nhưng đạo diễn cũng khéo léo đưa những màn cười vào tác phẩm. Kể cũng mừng, trong khi sân khấu kịch đang bị hàng loạt các loại hình giải trí khác cạnh tranh như âm nhạc, điện ảnh, khu vui chơi… thì ở đây hai ngày nghỉ cuối tuần thứ bảy, chủ nhật khán giả vẫn tới xem đông.
Cứ đến đoạn gây cười, khán giả vỗ tay rần rần, cười ồ lên, TS khoa học Ngữ văn Đoàn Hương ngồi cạnh tôi bảo: “Khán giả tầng lớp bình dân họ thích xem hài, nên phải có những màn pha trò kiểu mới như thế này, chứ nếu cứ làm kịch theo lối nghệ thuật hàn lâm thì chỉ có mấy ông nghiên cứu đi xem với nhau”.
Xong vở diễn, nữ tiến sĩ Ngữ văn nói như một sự chấp nhận không thể nào khác được: “Phải xem những ai đến rạp, số đông là tầng lớp bình dân, họ muốn xem cái gì không phải tư duy nhiều, đau đầu nặng óc, họ cả ngày kiếm tiền mệt mỏi nên không thích xem cái gì phải động não, tư duy. Họ thích tiếng cười cơ học thoải mái. Nhưng cái hay cái giỏi của người đạo diễn là phải làm sao những mảng miếng ấy thành tiếng cười trí tuệ, tiếng cười thâm thuý, tiếng cười sâu cay. Còn mình giờ đây chủ yếu là tiếng cười cơ học, tiếng cười của trò diễn (động tác diễn)”.
Đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khán giả mà cách đây 20 năm về trước, Nhà hát Tuổi trẻ đã có hẳn chương trình hài kịch sân khấu riêng vào thứ bảy hàng tuần với những tiểu phẩm vui nhộn mang danh: “Đời cười” do đạo diễn NSND Lê Hùng dàn dựng.
Hiện nay, có đến 6 đơn vị nghệ thuật ở lĩnh vực sân khấu tại TP Hồ Chí Minh sống tự túc bằng nguồn xã hội hóa nên áp lực về kịch bản hút khán giả là yếu tố đặt lên hàng đầu. Chỉ cần nhìn lịch biểu diễn của nhà hát thì thấy khán giả khoái khẩu hải kịch đến cỡ nào. Nhà hát 5B Võ Văn Tần, lịch trong tháng diễn 12 vở, có 5 vở là kịch thiếu nhi, 1 vở là kịch tâm lý còn lại 6 vở là hài kịch, hài tâm lý tình cảm, hay hài kịch xã hội. Ở những đơn vị khác như Sân khấu Hồng Vân, Thế giới trẻ, Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh cũng quảng bá những vở kịch hay tiểu phẩm hài kịch để hút khách.
Nhà biên kịch Lê Quý Hiền than thở: “Hài kịch để làm hay rất khó. Những kịch bản sâu sắc, tâm lý chính kịch đang yếu dần, bớt dần để nhường đường cho hài kịch. Nhưng ngay kể cả hài kịch thì vẫn cần sự duyên dáng, cái cười ý nhị chứ không phải những miếng hài nhảm để câu khách. Thời xưa, NSND Tào Mạt đã sáng tạo ra anh hề, anh hề đấy khiến khán giả chảy nước mắt vì thương cảm, đó là sự sáng tạo đạt đến trình độ tuyệt kĩ của cả người viết lẫn người diễn. Diễn viên lạm dụng ngoại hình và ngôn ngữ có thể khiến người xem bật cười theo kiểu bản năng, nhưng không thể gọi là chất hài sân khấu đúng nghĩa, kéo chất lượng vở diễn đi xuống”.
Một hình ảnh trong tiểu phẩm hài.
Một thực tế nghệ sĩ đã thành danh hài thì liên tục được bầu show kéo đi diễn và được trả cát sê cao ngất ngưởng, còn nghệ sĩ diễn chính kịch hay bi kịch thì ít có show diễn hơn nên cát sê cũng èo uột trừ một vài trường hợp hi hữu.
Từ sân khấu hài, đến truyền hình với chương trình khác nhau thi nhau mọc lên như: “Thách thức danh hài”; “Cười xuyên Việt”; “Ơn Giời! Cậu đây rồi”; “Đấu trường tiếu lâm”; “Tuyệt chiêu siêu diễn”; “Làng hài mở hội”… Sau hàng loạt các gameshow truyền hình về hài lần lượt ra đời và chiếm sóng giờ vàng, các nhà sản xuất cho đến nay vẫn không ngừng cung cấp cho nhà đài những chương trình hài. Tuy nhiên, không phải tất cả các chương trình đều đạt chất lượng, thỉnh thoảng khán giả vẫn phải chịu trận với những hài nhảm nhỉ, diễn lố, nói năng nhăng cuội trong một show lớn. Việc lợi dụng ngoài hình, béo, lùn, hói, vẩu, buông thả trong câu nói ở nhiều chương trình gameshow mà ta bắt gặp.
Những màn gái giả trai, trai giả gái trang điểm loè loẹt, ăn mặc lố lăng, nói năng nhí nhố để chọc cười khán giả. Hoặc nhiều người lợi dụng hình thức tăng cân quá khổ và hành động đi đứng nằm ngồi kém duyên để chọc cười thiên hạ. Không ít những thí sinh đi thi quanh đi quẩn lại làm bụng bầu nghễu nghện, nghênh ngang, để gây chú ý khác người. Họ còn lấy luôn giám khảo ra làm “mồi nhắm” và “chửi” giám khảo cật lực. Đôi khi giám khảo bị thí sinh réo tên nhiều quá, mặt ngẩn tò te, bất lực, đành phải cười trừ.
Họ cứ nghĩ như vậy là hay nhưng không biết rằng đó là sự nghèo nàn ý tưởng, thiếu tính sáng tạo. Hay những động tác phùng mang trợn mắt, sắn quần tới bẹn, nói bậy bạ chuyện quan hệ tình yêu nam nữ bằng những câu vè là những cách thường được sử dụng trong các gameshow.
Thời đại công nghệ 4.0 nhiều “nhà đầu tư” tự biên, tự diễn sẵn sàng là “ông chủ” để quay sản phẩm của chính mình rồi tung lên môi trường đông như kiến cỏ là mạng xã hội. Những clip TikTok dài từ 1 đến 2 phút quay bằng điện thoại di động vào tình huống tình tay ba, đánh ghen, cặp bồ, bố chồng nàng dâu, chủ đề “trâu già thích gặm cỏ non” hoặc “trẻ con thích chơi đồ cổ” nhan nhản trên mạng xã hội. Trên TikTok, mấy câu đùa “duyên” từ một anh thợ hàn, thợ mộc, thợ nề… cũng trở thành Idol của giới trẻ. Cứ thế, những tác phẩm nghệ thuật đích thực xa dần rồi vắng bóng nhường cho hiệu ứng thời nay ăn vội, sống gấp, giải trí bình dân được lên ngôi.
Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/