Bi kịch nông dân

Có lẽ ở Việt Nam ta không có nghề nào cực khổ, vất vả hơn nghề nông. Từ lúc làm ra hạt giống để gieo mạ là đã khổ rồi. Nếu thuận buồm xuôi gió thì còn đỡ, không may gặp lúc thời tiết xấu hay có lũ lụt, hạn hán thì có khi phải gieo đi gieo lại vài lần. Hạt giống lên rồi thì phải lo vay mượn tiền ngân hàng mà trả tiền cày xới, mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây… Trong suốt quá trình canh tác, người nông dân luôn nơm nớp lo âu, cả lúc lúa chín vàng. Thiên tai địch họa luôn đeo đẳng họ như bóng với hình, như lũ tràn ở đồng bằng, lũ quét ở miền núi, bất cứ lúc nào cũng có thể nhấn chìm hàng chục hàng trăm, hàng ngàn hecta lúa chỉ trong một đêm.


Dưa hấu mất giá, nông dân cho trâu ăn

 

Dường như không thể kể hết những vất vả của người nông dân, ai đã tận mắt chứng kiến những bông lúa sắp đến ngày thu hoạch mà bị ngã chìm dưới nước mưa thì khó mà cầm được nỗi lòng.
Mất mùa thì khổ đã đành. Nhưng khi được mùa thì sao?cuộc sống của người nông dân liệu có bớt khổ hay không?Thực tế đã có biết bao nhiêu bài học nhãn tiền cho chúng ta thấy một cảnh trớ trêu nhưng vẫn thường xuyên diễn ra đó là người nông dân được mùa nhưng bị thương lái ép giá, phải bán với giá rẻ, lợi nhuận thu lại chẳng được là bao, họ vẫn cứ phải khóc khi được mùa.
Được mùa mất giá, được giá mất mùa là một điệp khúc buồn muôn thuở mà người nông dân ở nhiều địa phương phải gánh chịu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề vẫn tồn tại bao lâu nay nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Phải chăng sự thiếu định hướng chiến lược trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã khiến cho người nông dân không thể thoát khỏi điệp khúc này?
Đầu tháng 2/2014, hàng loạt người dân trồng bắp cải đều chịu chung cảnh lỗ nặng. Giá tại ruộng khoảng 500 đồng -1.000 đồng/kg, trong khi đó tại các thành phố lớn, giá lại cao gấp nhiều lần.
Nếu xét theo quy luật cung cầu, thì khi một mặt hàng có lượng cung trong xã hội tăng lên đột biến trong khi lượng cầu thay đổi không đáng kể thì giá cả mặt hàng đó sẽ theo chiều hướng giảm. Nay thì ngược lại, chỗ thừa chỗ thiếu làm xuất hiện đầu cơ giá cả, trong khi người nông dân lại chịu lỗ nặng, cộng với hàng loạt nông phẩm cạnh tranh giá rẻ qua con đường nhập lậu, là điều khiến người nông dân rơi vào khốn đốn như hiện nay.
Tiếp đó lại đến chuyện quả dưa hấu cũng là đề tài nóng trên các báo và truyền hình suốt thời gian vừa qua. Dưa hấu của nông dân ở Quảng Ngãi đến kỳ thu hoạch giá chỉ còn 1.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không mua. Nhiều ruộng dưa chín không bán được bị thối rữa nông dân đành lòng phá bỏ cho trâu bò ăn nhiều đến mức trâu, bò bị tiêu chảy.Có lẽ là người dân dù có trồng lúa, trồng rau hay trồng dưa hấu cũng đều khổ như nhau. Người nông dân với tầm nhìn hạn chế, cộng thêm đó là tâm lý đám đông, cứ thấy người khác trồng cây gì được mùa, kiếm ra tiền là lại lao vào trồng theo mà không cần biết nền kinh tế sẽ biến động như thế nào, với điều kiện của gia đình mình thì làm như vậy có mang lại hiệu quả kinh tế hay không?Thêm nữa là việc nuôi con gì, trồng cây gì ở nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa được quy hoạch ổn định, nông dân chủ yếu làm theo tâm lý mùa trước làm khá thì mùa sau tiếp tục, dẫn đến tình trạng được mùa nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Cái gốc của nông dân là ruộng đất mà giờ đất không nuôi nổi họ, không mang lại hạnh phúc cho gia đình họ. Nông dân chỉ trông vào hạt thóc mà thóc lúa quá rẻ. Cần mua bất kỳ đồ đạc gì trong nhà cũng phải bán không biết bao nhiêu thóc mới sắm được.Hạt thóc đã không còn có ý nghĩa đối với những mặt hàng cứ tăng giá chóng mặt hàng ngày trên thị trường. Trước đây thóc, lúa, trâu, bò, lợn, gà… của nông dân bán đi rất được giá, đó là của cải của họ. Giờ những thứ đó bán lại rẻ, rẻ như thóc, nếu để sắm sửa trong nhà, giá trị của chúng không đáng bao nhiêu.
Có thể thấy là cuộc sống của những người nông dân quanh quẩn với những vất vả, lam lũ, đói nghèo, cơ cực. Không biết đến khi nào họ mới hết khổ?Có lẽ chỉ khi nào người nông dân có được sự định hướng về sản xuất, mỗi địa phương phải có quy hoạch riêng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xác định rõ người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì; Khâu chế biến, tiêu thụ được tổ chức ra sao. Người nông dân phải được tham gia vào quy hoạch này và họ phải được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng tận tình đến từng hộ gia đình. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, khâu tổ chức thực hiện phải thực hiện đúng với những giải pháp đặt ra. Khi đó may ra người nông dân mới có thể thoát được khỏi tình trạng trồng cây gì, nuôi con gì cũng khổ và lỗ nặng như hiện nay.Việt Nam là nước nông nghiệp, nông dân chiếm khoảng 70% dân số. Vì thế, muốn cho “Dân giàu nước mạnh” không còn cách nào khác là phải cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam.
Hà Nội, ngày 7 tháng 5 năm 2014
(tác giả gủi bài cho TÁC PHẨM MỚI)