THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH kỉ niệm 10 năm thành lập và ra mắt sách “Thi nhân Miền cổ tích” tập 3.
Sáng nay, (4/10/2022), tại Hội trường lớn Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH kỉ niệm 10 năm thành lập và ra mắt sách “Thi nhân Miền cổ tích” tập 3. Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, đại diện nhiều câu lạc bộ thơ tại Hà Nội và một số tỉnh tới dự, tặng hoa và phát biểu tham luận về cuốn sách.
Các đại biểu dự lễ chụp ảnh lưu niệm với BQT. THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH.
Báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động của THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH do Nhà thơ Phạm Ngọc Tâm Dung, Trưởng Ban Quản trị trình bày, nêu rõ: “Cách đây đúng 10 năm, có một nhóm văn nghệ sĩ Thủ đô gồm các nhà khoa học văn chương tên tuổi, các nhà giáo, nhà thơ và cả những người từng làm khoa học kỹ thuật - "Nhóm chúng tôi yêu nghệ thuật" mà hai đàn anh văn chương PGS.TS nhà văn Vũ Nho, PGS-TS nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện là linh hồn của nhóm, trên con đường ngẫu hứng, săn tìm nét đẹp, nét lạ, nét độc đáo... trong sự sống của văn chương, đã tìm về một xóm nhỏ ven sông, thuộc địa phận xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đón họ là một ngôi làng cổ; Một con thuyền sơn màu xanh, neo đậu dưới bóng si, bóng sung cổ thụ; một vùng sông nước cỏ cây hoang sơ; một ngôi nhà cổ với những mảng tường rêu phong cũ kỹ; Một thoáng người quê nón lá chân trần; một nhóm "Thi Sĩ Đồng Quê" với những cái tên, mới chỉ nghe thôi đã gợi cho ai đó ngây ngất tiếng gọi thi ca: Xuân Đam, Xuân Nhuận, Quốc Anh, Tô Diệp, Thiệu Bá, Trần Văn Thước, Trần Hùng...
Vâng! sẽ là rất thiếu sót, nếu ta không kể đến tên một người đàn ông phong trần - cựu thư sinh con nhà căn cơ, được sinh ra từ ngôi nhà cổ kia, từ khi em cất tiếng khóc chào đời, đã được người bà và người mẹ hiền thục, dịu dàng múc nước từ dòng sông kia mà tắm cho em, để cho em uống nước mà nhớ cội nguồn... Và để rồi bao năm của kiếp người lận đận, là bấy năm đã không sao quên được vị ngọt lành của dòng Sứ Giang. Cho tới khi tuổi già sồng sộc đến, người con của Miền Sông Nước ấy, không thể nào kìm lòng được nữa, bỏ Thủ Đô hoa lệ mà trở về với bến sông xưa, lấy con thuyền và những người bạn cũ, lấy vần thơ khi mộc mạc hồn làng, khi bay bổng hồn phố, khi xốn xang hồn yêu... mà làm bạn tri âm...
Người ấy là bạn ấu thơ, là đồng nghiệp, là em trai tôi: Phạm Thành Ý - còn gọi là Phạm Thường Dân.
Rồi thật may, không hiểu vì duyên nghiệp, hay vì một lý do nào đó, mà các văn nghệ sĩ đàn anh trong nhóm "Chúng tôi yêu nghệ thuật", nơi Thủ Đô sang trọng và nhóm "Thi sĩ đồng quê" lại nhanh hoà nhập và gắn bó cùng nhau như thể anh em, đắm say nhau như thể... tình nhân đến thế!
Tổng biên tập Tạp chí "Diễn Đàn Văn Nghệ Việt Nam - Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện; PGS-TS Nhà văn Vũ Nho; PGS.TS. Nhà khoa học Đàm Đức Vượng; Nhà giáo Nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc, Nhà giáo Hoàng Kim Bảo và tôi, thường hay hợp nhau về một sở thích. Ấy là những khi trong lòng dạt dào cảm xúc, nhớ cảnh, nhớ người... chúng tôi lại rủ nhau bắt xe Dương Sim mà...phấp phới..."về quê". Để rồi trong gia tài ảnh và thơ của nhóm tôi, lại ngân lên dạt dào, da diết những chùm thơ:
-"Thuyền thơ neo bến sông đời
Bốn bề sóng hát vỗ lời nhân gian
Thơ theo gió chở quá giang
Đem lòng mình bác cầu sang lòng người "
(Thơ Thường Dân)
- "Cầm lòng một bát cơm nâu
Dưới chân nước giá, trên đầu mưa bay
Mẹ tôi như nhánh mạ gầy
Chắt chiu thành bát cơm đầy nuôi tôi
Miếng trầu không dám mặn vôi
Sợ đôi má đỏ người đời gièm pha"
(Thơ Xuân Đam)
- "Chân trần khoả nước mạn thuyền
Em cười rơi cặp đồng tiền xuống sông
Tôi mò đằm tận đáy dòng
Nước thì có nước tiền không có tiền"
(Thơ Quốc Anh)
-"Theo chân người ấy tôi về
Đường quê một nẻo, xóm quê… ngậm ngùi.
Quả sung chát, hạt lạc bùi
Câu thơ vỡ! Ngấn lệ vùi… xót xa"
(Thơ Nguyễn Đình Bắc)
Cũng lại nơi bến sông này, bao nhiêu là thơ, là trường ca, là truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, phê bình, dịch thuật, âm nhạc... như một vườn hoa trăm hồng nghìn tía, đua nhau nở rộ trên mảnh vườn Miền Cổ Tích.
Trong số đó, có những tác phẩm nổi tiếng trong làng văn mà tác giả của nó là những nhà văn tên tuổi, được các nhà chuyên môn đánh giá cao, có tầm ảnh hưởng lớn trong giới văn chương và xã hội, nhưng cũng có những tác phẩm bé bé mộc mạc, hiền lành... chỉ viết về những cảm xúc riêng tư của cá nhân, về tình yêu, về cuộc mưu sinh thường nhật, về lá rau... con cá... Khi là của các "chủ nhân" khi là khách vãng lai, cứ thế mà hồn hậu ra đời.
Và cũng lại bao nhiêu câu chuyện trong chén rượu quê, nhắm với thơ, trên "Thuyền Thơ", là bấy nhiêu nụ cười vui và cũng có cả nụ cười ra... nước mắt! Chưa ai thống kê được, hơn mười năm nay, bà mẹ "Miền Cổ Tích" đã sinh ra được bao nhiêu đứa con tình thần là các tác phẩm văn chương. Cũng chưa ai đếm được chúng ta có bao nhiêu tác phẩm thơ, văn, nhạc đã được trang trọng giới thiệu trên mặt các báo văn chính thống, trên các trang báo văn điện tử của các cơ quan ngôn luận.
Hoa đến thì, thì hoa phải nở, một ngày đẹp trời, của năm 2018, những Người Thơ Cổ Tích đã tập hợp, ghi lại những thành quả sáng tạo của họ bằng việc in sách. Và thế là ấn phẩm đầu tiên mang tên "Thi Nhân Miền Cổ Tích 1", với các tác phẩm thơ, văn, phê bình của 33 tác giả dày 550 trang, sang trọng được in ấn.
Ngày 19 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở ủy ban nhân dân xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - Cái nôi yêu thương của Miền Cổ Tích, đã tưng bừng chào đón tác phẩm trong niềm vui hân hoan của chính quyền địa phương, quan khách, bạn văn và các Thi Nhân. Cũng từ đó, trang báo mạng mang tên "Miền Cổ Tích" ra đời, ngay lập tức đã thu hút hàng trăm cây bút Thái Bình, Hà Nội và các tỉnh lân cận tham gia. Bên cạnh hàng chục cây bút già dặn, chất lượng, là hội viên của các hội lớn như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà Văn Hà Nội, còn có những cây bút trẻ sung sức, tiềm năng, tạo ra sức lan toả nhất định trong dư luận văn chương.
Trên đà phát đạt, nhằm ngày 7- 7- năm 2020, tại hội trường lớn của Hội Nhà Văn Việt Nam, Miền Cổ Tích chúng ta lại đón chào tác phẩm "Thi Nhân Miền Cổ Tích 2" dày 650 trang văn, thơ, phê bình, nhạc, với hơn 60 tác giả, trước sự đón nhận vui mừng của các cơ quan, báo chí, bạn bè và công chúng Thủ Đô - Điều mà trước đây, chúng tôi chưa bao giờ dám mơ tới.
Sở dĩ Miền Cổ Tích của chúng ta có được những thành công rạng ngời như vậy là nhờ có sự đóng góp công sức và trí tuệ của các quý vị trong Ban quản trị. Đó là các Thi Nhân: Phạm Ngọc Tâm Dung, Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc, Nhà thơ Đặng Thành Tô, Nhà thơ Dương Đoàn Trọng, Nhà thơ Đoàn Thịnh, Nhà thơ Lê Ngọc Kim. Chúng ta lại có được một đội ngũ các đàn anh văn chương, trong vai trò cố vấn: Đó là các quý vị: PGS TS Nhà văn Vũ Nho; PGS.TS - Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện; Đại Tá, Nhà thơ Mai Nam Thắng; Nhà thơ Ánh Tuyết; Nhà thơ Lê Tiến Vượng, cùng các nhà văn, nhà thơ tên tuổi khác.
Lực lượng to lớn nhất, tiên phong nhất, là điểm nhấn mạnh nhất của Miền, đó là những gương mặt quen thân, của hơn 500 Miền viên, ta gặp hằng ngày trên trang báo mạng, là những người đam mê nghệ thuật văn chương, đến với Miền Cổ Tích bằng tình yêu, bằng sự mến mộ và bằng cái tâm trong sáng.
Trong bốn năm trở lại đây, trang báo mạng thật sự là hình ảnh mái nhà chung, ấm áp cho hơn năm trăm Người Thơ, hàng ngày gặp gỡ, đồng cảm, sẻ chia và tương tác. Trang báo của chúng ta từ lâu, đã được nhiều cấp lãnh đạo, bạn văn và công chúng nhiệt liệt quan tâm và có những đánh giá cao. Ngoài việc đăng bài, chia sẻ của các cá nhân, ban quản trị, còn phát động những chương trình hành động, bám sát các thời điểm chính trị, kết hợp với các đơn vị bạn, để hòa cùng dòng chảy thời gian với dân tộc, với đất nước bằng các cuộc vận động, đoạt giải các cuộc thi sáng tạo nghệ thuật...
Điểm lại, tuy chúng ta vẫn còn có một số hạn chế nhất định, nhưng chúng tôi cũng tự mạnh dạn thưa trình rằng: Sự hoạt động văn chương của Miền Cổ Tích đã có những thành công rực sáng, bởi tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, gắn bó ấm áp và kích thích được sự sáng tạo nghệ thuật văn, thơ và âm nhạc, góp phần tạo nên điểm sáng nhân văn, tạo được thương hiệu cho Miền Cổ Tích trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng.
Miền Cổ Tích chúng ta, sinh ra từ hơi thở của làng quê, rồi hơi thở văn chương giúp ta trở về với hình hài của chính mình. Đó là món quà quý giá của tổ tiên ta để lại cho ta. Chúng ta sống và viết không phải chỉ là để lập danh mà còn để tái hiện chính mình, bà con mình và quê hương mình. Có thể, chúng ta còn có một hy vọng nho nhỏ đó là sự chiu chắt hồn vía cho con cháu ta. Có thể khát vọng tha thiết của ta lớn hơn thực tế thật nhiều, nhưng mà đâu ai cấm được ta mơ!”
Ấn phẩm mới nhất vừa xuất bản Thi Nhân Miền Cổ Tích tập III (NXB HNV 9-2022) là một hợp tuyển chọn lọc, giới thiệu hơn 300 tác phẩm thơ, truyện ngắn, ca khúc, lý luận phê bình của hơn 80 Văn Nghệ sĩ của Miền sáng tác, biên soạn trong hai năm gần đây. Cuốn sách là sự tiếp nối hai cuốn cùng tên Tập I Tập II đã in vào những năm 2019, 2020 hợp thành một bộ ba quyển dày dăn, cho thấy sự hiện diện nồng nhiệt, niềm say mê đóng góp tài năng, tâm huyết vào đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại, của một lớp văn nghệ sĩ yêu nghề, chân thành gắn bó với sự nghiệp đổi mới đất nước, sự phồn thịnh của văn chương - nghệ thuật dân tộc.
PV.