90 năm phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn
Ngày 17-10, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học 90 năm phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn nhằm đặt cái nhìn toàn diện hơn về những đóng góp quan trọng của nó đối với tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc.
Trưng bày một số cuốn sách của các tác giả Tự Lực văn đoàn và sách nghiên cứu về Thơ mới và Tự Lực văn đoàn tại hội thảo - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhìn nhận lại những giá trị của dân tộc
Trong phát biểu đề dẫn, TS Trần Thiện Khanh - phó viện trưởng Viện Văn học, chủ trì hội thảo - nhắc lại quá trình "sám hối", "nhận thức lại" về vai trò, đóng góp của Thơ mới và Tự Lực văn đoàn.
Đó là khoảng thời gian sau Đổi mới, một số nhà Thơ mới (Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Anh Thơ, Tế Hanh...) chủ động tham gia quá trình nhận thức lại, đòi hỏi lịch sử văn học trả lại cho Thơ mới vị trí văn học sử vẻ vang, thay vì gán cho Thơ mới những hạn chế, sai lầm, lệch lạc về lập trường, thế giới quan.
Đến nay, thiết chế xã hội của văn học thay đổi, cùng với sự thay đổi tư duy, sự hình thành của lớp công chúng mới, người ta không còn đọc Thơ mới hay Tự Lực văn đoàn từ góc độ ý thức hệ, từ nhãn quan chính trị, xã hội học dung tục, mà xuất hiện ngày càng nhiều cách diễn giải khoa học, cởi mở và nhân văn hơn về địa vị lịch sử, tư tưởng, đóng góp của Thơ mới.
Từ đầu thập niên 1990 đến nay, việc tập hợp, giới thiệu lại các tác giả, văn bản Thơ mới khá bài bản, hệ thống, cung cấp cho độc giả bức tranh Thơ mới đa dạng, có chiều sâu hơn trước.
Và Tự Lực văn đoàn là một nhóm/tổ chức văn chương có công lao lớn trong việc đổi mới văn học, văn hóa đầu thế kỷ 20, tuy "không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại", theo nhận định của GS Hoàng Xuân Hãn.
Theo GS Phong Lê, hội thảo đầu tiên "giải oan" cho Thơ mới và Tự Lực văn đoàn được Viện Văn học phối hợp với một số cơ quan tổ chức năm 1989 nhân 100 năm sinh và 50 năm mất thi sĩ Tản Đà, ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Sau đó lần lượt các "án oan" khác được giải.
Phê bình đừng sợ nói chuyện đồng tính
Tại hội thảo, tham luận khá mới mẻ của ThS Đặng Thị Thái Hà (Viện Văn học) có chủ đề Xuân Diệu trong Tự Lực văn đoàn - Một tiếng nói Queer nhận được sự chú ý của đại biểu tham dự. Và góp ý, phản biện của TS Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội) về bài nghiên cứu này còn gây chú ý hơn.
Trong bài tham luận của mình, ThS Thái Hà đã chỉ ra những "triệu chứng" Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt) của Xuân Diệu thể hiện trong thơ ông. Trao đổi lại, ông Hiếu đánh giá cao bài nghiên cứu ở chỗ đã thôi tiếp tục ngợi ca Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình theo nghĩa phổ quát mà chỉ ra tính chất "Queer" của Xuân Diệu.
Tất nhiên đây chẳng phải là lần đầu tiên có phát biểu này, PGS.TS Đỗ Lai Thúy đã nói câu chuyện này từ lâu. Nhưng sự tiếp bước của những nhà nghiên cứu trẻ ứng dụng thuyết Queer vào phê bình văn học ở Việt Nam là rất cần thiết.
Ông Hiếu cho rằng tâm lý sợ đồng tính len lỏi vào phê bình văn học của ta bấy lâu nay đã khiến giới nghiên cứu rất sợ nói Xuân Diệu đồng tính. 90 năm Thơ mới mà vẫn chỉ một giọng điệu ngợi ca Xuân Diệu là "khát khao giao cảm với đời" thì không được, phải mở ra những kết luận mới.
Nếu tiếp tục xóa mờ đi tình yêu đồng tính của Xuân Diệu (mà chính ông cũng muốn che mờ) cũng là làm mất đi cái cá biệt rất hay của ông. Cho nên, theo ông Hiếu, vấn đề ở đây không chỉ nêu ra cái tâm lý "sợ đồng tính" của Xuân Diệu mà phải xử lý cả tâm lý "sợ đồng tính" trong đường lối phê bình của chúng ta thì nghiên cứu của ta mới có tính chất vấn và độ vang vọng.
Ông Hiếu cũng bày tỏ mong muốn các nghiên cứu theo thuyết Queer sẽ vượt ra khỏi việc đọc triệu chứng như nghiên cứu của ThS Thái Hà mà đi sâu hơn, trả lời câu hỏi "Liệu một tác giả đồng tính thì có gì đáng nói ngoài trạng thái đồng tính của họ?".
Queer không chỉ là vấn đề dị biệt về giới tính mà là dị biệt về nhiều thứ khác, sự vênh lệch những giá trị phổ quát. Đôi khi sự vênh lệch này ở các nghệ sĩ lại chính là điểm gợi cảm nhất của họ, là giá trị thực sự của họ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/