Đừng nhân danh xây dựng nhà hát để hủy diệt Hồ Tây - Ý kiến của Nhà văn Nguyễn Hiếu
Hồ Tây người ta thường cho là báu vật trời đất dành cho Hà Nội. Lá phổi thiên nhiên nơi phía tây thành phố. Điều hoà tuyệt vời cho Thủ Đô. Nhưng đấy là lối nói cho hợp lòng dân, còn trong thực tế . Vài đời thị trưởng của Hà Nội gần đây, không ít người đã giở nhiều trò để hòng biến Hồ Tây thành dự án kiếm chác. Ông thì bày thuỷ cung Thăng Long, có kẻ còn táo tợn hơn định đóng cọc đường sắt qua Hồ Tây. Hồi viên thị trưởng có học vị là kiến trúc sư tên Nguyễn Thế Thảo cũng lăm le nọ kia với Hồ Tây, mỗ tôi viết cả một lá thư dài công khai nhân danh nhà văn Hà Nội gửi cho ông này - thư đăng trên báo Tiền Phong. Trong thư mỗ tôi đưa ra con số hồi tiếp quản Thủ đô Hồ Tây rộng hơn 800 ha, sau hơn nửa thế kỉ Hồ tây bị ngoạm dần còn chưa đầy 500 ha. Gần đây lại có tin HN lăm le lấp Đầm Trị - một hồ nhánh của Hồ Tây - đặc sản sen mỗi khi mùa hè về để xây nhà hát 3.000 chỗ ngồi. Người đề xuất dự án này mỗ đoán chắc cũng chẳng phải yêu mến, tha thiết gì với sân khấu Hà Nội và người xem đâu mà chỉ tỏ ra sáng dạ khi nghĩ đến một dự án khoác áo văn hoá để xâm chiếm, thu hẹp Hồ Tây một cách hợp pháp rồi cùng chia xẻ bổng lộc ở dự án nhà hát này. Nhân danh một người Hà Nội mỗ tôi cực lực phản đối. Nhân danh một nhà văn HN mỗ tôi cho đây là sự "mượn màu son phấn ...", vẽ rắn thêm chân, vừa lãng phí vừa xâm phạm cảnh quan duy nhất còn tương đối thiên nhiên của Hà Nội. Hôm qua đọc báo Nông thôn ngày nay, thấy sử gia Dương Trung Quốc nói rất hay, rất khéo nhưng rút ra cũng là sự phản đối việc xây nhà hát. Nay mỗ tôi cũng xin góp thêm tiếng nói cho sự phản đối này.
Có lần mỗ tôi nói nhìn cách quản lý cấp thoát nước là biết trình độ quản lý một đô thị. Hà Nội động mưa là ngập, ông Đào Ngọc Nghiêm - GĐ Sở quy hoạch - Kiến trúc HN còn cho biết để tránh cho HN ngập, tắc sau mưa thì cùng một số biện pháp thì Hà Nội cần đào 700 ha ao hồ nữa. Vậy mà từ vài vị thị trưởng gần đây chỉ ra sức lấp Hồ, ao, nay đã chưa đào thêm lại đòi lấp thêm đầm Trị thì quả là....
Còn điều này nói thêm. Quanh hồ đẹp như Hồ Tây nếu là người Trung Quốc họ chỉ trồng thêm liễu, thông, phượng còn ở HN ta thì chưa có ông thị trưởng nào cấm xây nhà cao tầng quanh Hồ Tây. Nhà cao cứ thi nhau mọc, khiến Hồ Tây dần dần hoá cái ao làng. Lại thêm một sự kém cỏi, một tầm nhìn ngắn và thực dụng, trọc phú bộc lộ trong quản lý Hồ Tây - một thắng cảnh đang được tư duy dự án coi như miếng mồi ngon mà bao kẻ tham lam đang thâm óc để nghĩ đến cách xâm phạm.
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Tin cùng chuyên mục
Giống và khác nhau nỗi cô đơn của hai thế hệ
17/04/2020
Người chết có thể đem theo thứ gì?
29/02/2020
Điểm danh những mỹ nhân của làng văn Việt
04/01/2020
100 CÂU CÁCH NGÔN THỜI @
24/12/2019
Thơ vui của Tống Ngọc Trung
09/12/2019
Chùm truyện cực ngắn của Trần Hoàng Trúc
22/11/2019