Giống và khác nhau nỗi cô đơn của hai thế hệ

Nhà thơ Anh Ngọc kể: Trong buổi Hội thảo về Thơ truyền thống và Thơ cách tân tại Hội nghị các nhà văn trẻ vừa qua, tôi có làm một so sánh vui bằng cách đem ra một chủ đề là "Nỗi cô đơn", mời bạn trẻ nào có bài thơ viết về chủ đề này thì đứng lên đọc, sau đó tôi sẽ đọc một bài của tôi cùng chủ đề....
Lập tức đã có bạn thơ nữ trẻ xinh đẹp là HUỆ THI đến từ Cần Thơ đứng lên và đọc bài thơ "ĐỘC THOẠI CÙNG ĐÊM", đúng là rất chi là... cô đơn.... , và tiếp đó, tôi đọc bài thơ "BUỔI CHIỀU NHÂN THẾ" mà tôi cũng viết về nỗi cô đơn cực kỳ của con người...

1.
ĐỘC THOẠI CÙNG ĐÊM

Thơ Huệ Thi


Đêm rơi qua vai gầy
Có nghe dòng sông chảy ?
Người đi về phương ấy
Chao đảo nửa hồn cay


Đêm dấu nhẹm hồn lay
Thương hương hoa héo hắt
Cô phòng giờ im bặt
Nửa tình đắp tơ hơ


Đêm siết chặt vần thơ
Riết réo tình vụn vỡ
Bỗng ôm mình lo sợ
Cúc áo hở bằng không!


Đêm có gửi gì sông?
Trăng vỡ đôi vầng nhớ
Sao loã lồ hơi thở
Mờ tỏ gọi tình ơi...

2.
BUỔI CHIỀU NHÂN THẾ

Thơ Anh Ngọc


Ta thích mình vì mình nói ít
Mình thích ta vì ta nói nhiều
Một người nói nhiều, người nói ít
Ngồi lại bên nhau thành buổi chiều


Buổi chiều có hàng cây cơm nguội
Không biết đông về lá cứ xanh
Có con sông chảy như mơ ngủ
Mơ ngủ như ta ngồi với mình


Buổi chiều nhân thế mây đi vắng
Có người vừa nhẩm mấy câu kinh
Mình ơi mình nói gì đi chứ
Sao để riêng ta chuyện một mình.


3/12/2009".


Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lời bình vui về hai bài thơ này:

Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền có chép hai bài thơ của nữ thi sĩ trẻ Huệ Thi và Nhà thơ lão thành Anh Ngọc cùng STT của anh và muốn biết "lời bình tếu" của Lão Khoa là tếu thế nào? Nhiều bạn đọc cũng điện cho tôi, bảo tôi đưa lại lời bình tếu ấy. Tôi xin đưa lại và nói cụ thể thêm chút ít để bạn bè giải trí. Chuyện này ở cuộc Hội thảo về thơ ở "Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều điều hành cùng hai nhà thơ trẻ Quang Hưng và Thuỵ Anh. Cuộc Hội thảo có tên là "Truyền thống và Cách tân". Sau khi nghe các nhà thơ trẻ bàn luận rất nghiêm túc và không kém phần sâu sắc về chủ đề ấy, một vài nhà thơ lão thành cũng tham gia cho có đủ thế hệ. Nhà thơ Anh Ngọc đưa ra một trò chơi rất hay. Để phân biệt thế hệ Trẻ và Già, Cách tân và Truyền thống, thử đọc một bài thơ nói về nỗi cô đơn.

Nữ thi sĩ Huệ Thi, một cô gái Cần Thơ đẹp như người mẫu, đọc ngay bài thơ ĐỘC THOẠI CÙNG ĐÊM, nhà thơ Anh Ngọc đọc bài BUỔI CHIỀU NHÂN THẾ. Thi sĩ Nguyễn Quang Thiều có "bỏ bom" tôi, mời tôi bình cả hai bài. Tôi bảo tôi yêu cả hai người. Một cô em xinh như hoa hậu, và ông anh tôi, ông thày về nghề của tôi. Tôi thấy cả hai bài đều chẳng có gì cô đơn. Cũng chẳng có tí "cách tân" nào. Cả hai thi sĩ yêu mến đều viết về tuổi giả của mình. Cái già của người trẻ và cái già của người già. Họ đều già, nhưng già lại khác nhau. Ở Huệ Thi, tôi thấy hơi dài, lẽ ra chỉ nên co lại trong bốn câu thôi. Lủng củng nhiều chữ quá. Những "hồn lay", "hồn cay", "cô phòng", "Nửa tình", "trăng vỡ", "vầng nhớ", "tình ơi", tập hợp tất cả những từ này, đặt trong hơi thơ Huệ Thi, tôi thấy nó rất cổ, rất cũ. Lại dài quá. Thơ là cô đọng. Các cụ bảo "Ý tại ngôn ngoại". Lời phải rất ít mà ý lại nhiều, thậm chí ý có tầng có vỉa, tràn ra cả ngoài lời. Cô đơn thường "hướng nội", nhưng Huệ Thi lại "hướng ngoại", cùng chất liệu như của Huệ Thi: Người đi về phương ấy, người ở lại "cô phòng", "Trăng vỡ đôi"... Cách Huệ Thi 300 năm, Cụ Nguyễn Du chỉ có bốn câu thôi, mà rất hiện đại: "Người về chiếc bóng năm canh / Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi / Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường...". Thật tuyệt vời. Hoá ra ông Cụ hiện đại hơn anh em mình bây giờ. Mà câu thơ cứ thăm thẳm. Cũng nói về sự cô đơn, với bao nhiêu hiểm hoạ, Ông Cụ tả cô Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư mà chỉ có sáu chữ: "Canh khuya, thân gái, dặm trường...". Tài vô cùng. Tôi không lấy thiên tài ra để doạ anh em trẻ, tôi chỉ bàn về bản chất của thơ thôi, là cô đúc, ý tại ngôn ngoại. Cũng nói về sự cô đơn, Hữu Thỉnh: "Một mình một mâm cơm / Ngồi bên nào cũng lệch", hay "Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình...". Thi Hoàng: "Có những buổi chiều không biết cất vào đâu". Các thi sĩ khác nhiều lắm. Điểm 7 ngày không hết.

Còn thi sĩ Anh Ngọc, ông anh và ông thày của tôi cũng không "cách tân", không nói về sự cô đơn, mà nói về tuổi già. Có hai câu tương đối khá: "Một người nói nhiều. người nói ít / Ngồi lại bên nhau thành buổi chiều". Nhưng ngồi bên gái mà lại "Mơ ngủ như ta ngồi với mình", hôm tôi nghe trực tiếp, hình như thi sĩ đọc "Buồn ngủ như ta ngồi với mình". Bây giờ mới biết là "Mơ ngủ", thì có khác một tí, nhưng dù thế nào thì "Mơ ngủ", hay "buồn ngủ" mà lại ngồi bên gái thì chỉ là lão già thôi, mà lại già lỏi, già cục bộ, già không đều, dẫn tới già toàn thân. Thi sĩ bảo: "Ta thích mình vì mình nói ít / Mình thích ta vì ta nói nhiều". Đấy là thi sĩ lập ý cho ngồ ngộ, chứ thực tình những ai nói ít, sợ những người nói nhiều lắm. Sợ đến kinh khiếp. Thi sĩ bảo: "Mình ơi, mình nói gì đi chứ/ Sao để riêng ta chuyện một mình". Tôi lại nhớ đến một thi sĩ khác, cũng viết về một lão già lẩm cẩm, nhưng ông này hóm lắm, người già thường không bao giờ biết thân phận mình, lại cứ hay dậy dỗ, mà khổ ghê: "Dạy con, con không hiểu / Nói cháu, cháu chẳng nghe ? Đành mình nói với mình / Chán rồi không nói nữa".
(Lời bình của Nhà thơ Trần Đăng Khoa)