Điểm danh những mỹ nhân của làng văn Việt
Mỹ nhân được tụng ca “Sắc tài dậy khắp giang sơn một thì” chính là nữ sỹ Ngân Giang. Bà là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Đã lìa xa trần thế 18 năm nhưng tài năng và nhan sắc của bà vẫn như một “tượng đài” khó thay thế.
“Tầu về rồi tầu lại đi/Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga”. Khi viết câu thơ ấy, nữ sỹ Ngân Giang, tên thật Đỗ Thị Quế, sinh năm 1916, mới chỉ 6 tuổi. 9 tuổi, Ngân Giang đã có thơ đăng báo, được xem như một thần đồng về thơ. 16 tuổi, bà sinh nở tập thơ đầu tiên “Giọt lệ xuân”, trở thành người nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Ngân Giang xứng đáng là “Nữ hoàng Đường thi của Việt Nam” với 4000 thi phẩm. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Ngân Giang chính là “Trưng Nữ vương”: “Thù hận đôi lần chau khóe hạnh/Một trời loáng thoáng bóng sao rơi/Dồn sương vó ngựa xa non thẳm/Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi/Ngang dọc non sông đường kiếm mã/Huy hoàng cung điện nếp cân đai”.
Nhắc đến Ngân Giang nếu chỉ nhắc đến tài thơ phú hay giai thoại tình yêu, vẫn là chưa đủ. Bà là một mỹ nhân tài sắc vẹn toàn, với da trắng, môi hồng, đôi mắt như làn thu thủy. Ngạc nhiên hơn, nữ sỹ sở hữu cặp môi đầy đặn khá sexy mà các cô gái thời nay ao ước.. “Hồng nhan đa truân”, nữ sỹ Ngân Giang không ngoại lệ. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn đã đi vào thơ bà: “Một quán bên sông cuối phố nghèo/Miếng trầu bát nước có bao nhiêu/Cuộc đời hay dở khoan bàn đến/ Lá rụng quanh thềm gió hắt hiu”; “Mười năm quét lá bên sông/Hình hài để lại cái còng trên lưng”….
Không cùng thời với nữ sỹ Ngân Giang nhưng cũng làm thơ, cũng nổi tiếng với nhan sắc xinh đẹp, chính là tác giả của bài thơ Sóng: “Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu/Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau”. Trước khi được biết đến là một nhà thơ nổi tiếng thì Xuân Quỳnh là diễn viên múa xinh đẹp, từng biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Không sở hữu nhan sắc kiêu sa, vẻ đẹp của nữ thi sĩ ấm áp, đôn hậu. Nhiều người đã khen ngợi nụ cười tỏa nắng của Xuân Quỳnh. Nhân kỷ niệm 77 năm ngày sinh của nhà thơ, Google đã thay đổi logo trang chủ với hình ảnh cố thi sĩ Xuân Quỳnh. Bức vẽ lấy cảm hứng từ hai thi phẩm nổi tiếng của Xuân Quỳnh là Sóng; Thuyền và Biển, nữ thi sĩ mặc áo dài nở nụ cười sáng bừng khuôn mặt phúc hậu.
Bên mảng văn xuôi, làng văn Việt cũng có những gương mặt nữ được đánh giá tài sắc vẹn toàn. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, mẹ của đạo diễn Nguyễn Hoàng Duy và người mẫu Trang Nhung là một đại diện tiêu biểu. Vẻ đẹp quyến rũ của tác giả “Thành phố đi vắng” tỏa ra từ làn môi mọng, đôi mắt vừa nồng nàn, vừa “xuyên thấu”… Gương mặt của văn sỹ Thu Huệ nhiều màu sắc điện ảnh. Nếu không biết chị là một nhà văn nổi tiếng thì người ta nhầm chị là một diễn viên cũng không có gì ngạc nhiên.
Đã lên chức bà nội mấy năm nay nhưng nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn đẹp mặn mà, gout ăn mặc sang chảnh và những móng tay bao giờ cũng được sơn màu ấn tượng. Có người nhất định bầu nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là bà nội đẹp nhất vịnh Bắc Bộ.
Tác giả “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, nhà văn quân đội Đỗ Bích Thúy cũng là bông hoa xinh đẹp của làng văn Việt. Chị là một trong số ít những nhà văn thành công đặc biệt ở đề tài miền núi, song đó chỉ là trên trang viết. Ở ngoài đời, Đỗ Bích Thúy là một mỹ nhân của chốn thị thành, yêu thích thời trang. Vóc dáng thanh mảnh, gương mặt xinh đẹp nên chị dễ dàng “cân” nhiều kiểu trang phục, nhiều lối make up, nhiều kiểu tóc. Đỗ Bích Thúy đã ngoài 40 nhưng chị sở hữu vẻ ngoài “hack” tuổi.
ĐÀO NGUYÊN