Chuyện thời “Bao cấp”
Cha tôi và các cháu nội, ngoại năm 2002.
Cha tôi là một trong ít người thông thạo chữ nho nhất vùng. Trước đây, mỗi khi các nhà thờ họ, cổng làng, các di tích lịch sử ở quê tôi được phục chế, cần viết lại câu đối bằng chữ nho hay dịch sắc phong vua ban, đều nhờ cha tôi hoặc bác San tôi. Từ khi cha tôi và bác tôi mất, công việc dịch chữ nho phải thuê người ở xa, hoặc đưa ra Viện Hán Nôm ở Hà Nội. Trình độ quốc ngữ của cha tôi chỉ tương đương lớp 9 bây giờ, nhưng thời đó vào loại cao. Với trình độ ấy, lại là đảng viên khi còn rất trẻ (18 tuổi), cha tôi có thể đi thoát li, phấn đấu trở thành “ông nọ, bà kia” như nhiều người con xứ Nghệ hiếu học thành đạt khác. Nhưng cha tôi không được như họ. Cha tôi cũng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau ngày hòa bình, cha tôi về quê, chống chọi với nắng lửa, với gió Lào, với bão lụt miền Trung và cam chịu những bất công vô lí của thời bao cấp để anh em chúng tôi có lí lịch “sạch sẽ” trước khi bước vào đời.
Về quê, cha tôi tham gia công tác ở địa phương và làm thợ may. Ông nội tôi làm nghề đông y. Thời học ở trường làng, lớp tôi nhiều bạn có tục danh để chế nhạo. Tục danh của tôi là “Thuốc”. Mỗi khi, bạn nào chỉ nói “Thuốc”, thậm chí bắt chước động tác cắt thuốc bắc là tôi đã nổi khùng và mặc cảm bởi nghề thuốc bắc của ông nội tôi. Đôi khi, đến lớp, tôi có áo mới khác lạ, tận dụng từ những mẩu vải vụn, các bạn trong lớp giải thích với cô giáo bằng giọng miệt thị “Nó là con nhà thợ may”, rồi đọc: “ Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn cứt” (thợ hàn nồi, tận dụng sắt vụn). Có vậy cũng làm tôi chạnh lòng, muốn cha mình cũng đi làm cán bộ nhà nước.
Khi đó cha tôi cũng là cán bộ, nhưng cán bộ địa phương. Ông làm “bàn giấy”, nghĩa là làm công việc ghi chép, sổ sách gì đó chứ không phải làm lãnh đạo Đảng, đoàn thể hay bộ máy chính quyền. Không biết công việc của cha tôi gồm những gì mà hàng ngày ông cắp cặp đi, tối cắp cặp về. Việc may vá cha tôi chỉ tranh thủ làm ban đêm, điệu bộ lén lút như làm một việc mờ ám. Một hôm, đang đêm, khi cha tôi đang đạp máy khâu thì thấy dân quân ập đến. Họ lập biên bản, bắt quả tang cha tôi đang... đạp máy khâu rồi tịch thu đầu máy đưa vào kho ủy ban xã. Cha tôi đứng chết lặng. Mẹ tôi van xin các chú dân quân. Đó là các chú trong làng, thường ngày tôi thấy họ đi cày, đi bừa, có chú thi thoảng nói năng bông phèng, cợt nhả với đám con nít chúng tôi. Trời rét mà chú nào cũng mặc mong manh, quần vá gối, vá đít. Chuyện thiếu mặc thảm hại ở quê tôi ngày ấy còn lưu truyền đến giờ. Rằng, nhà chú H., hai vợ chồng có mỗi cái quần dài. Một bữa, chú H. nhường quần cho vợ mặc đi chợ. Đến trưa, có người mời chú H. ăn giỗ. Chú H. mặc cái quần đùi bờn bợt ra bờ rào phấp phỏng, chờ. Quá trưa, gia đình đang có giỗ không thấy chú H. đến bèn sai con đến giục. Chú H. không còn cách gì trì hoãn, đành “diễn” cái quần đùi bờn bợt, xo ro ngồi vào mâm cỗ!
Trong mắt tôi, các chú dân quân ngày ấy toàn người hiền lành, gần gũi. Vậy mà khi họ ập đến bắt quả tang cha tôi đạp máy khâu, tôi thấy mặt ai cũng ra vẻ nghiêm trang và ác. Và tôi thấy cha tôi cũng giống như người nấu rượu lậu, buôn lậu; còn cái đầu máy khâu như thứ hàng quốc cấm. Sau này tôi mới biết, cấp ủy và chính quyền địa phương có chủ trương tịch thu các phương tiện hành nghề của những cán bộ, đảng viên để triệt tiêu con đường phát triển kinh tế tư nhân. Cán bộ đảng viên mà tranh thủ kiếm tiền bằng nghề may, nghề mộc, nghề rèn là không những ảnh hưởng đến công việc tập thể mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng của quần chúng, là đi theo con đường tư bản!
Đó là những năm đói kịch liệt. Bão gió, mất mùa liên miên khiến dân quê tôi xác xơ, chạy kiếm ăn như chạy loạn. Mẹ tôi, chị tôi theo đoàn người kéo lên mạn miền núi Tân Kỳ mua sắn, mua khoai. Đường lên Tân Kỳ chừng ba chục cây số, qua dốc Cầu, qua Ba Xanh, Ba Quanh. Những cái tên nghe đã thấy thăm thẳm, nhọc nhằn. Thời bom Mỹ bắn phá, mẹ tôi gửi tôi sơ tán ở nhà Mự Sen (mợ) trên Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ để gia đình đỡ một miệng ăn. Lần đó, tôi đã leo dốc Cầu, đi qua Ba Xanh, Ba Quanh. Dốc Cầu cao ngất, còn Ba Xanh, Ba Quanh là những lối mòn len lỏi qua những khu rừng già, chênh vênh bên vực sâu. Sau này, trong tập thơ “Mùa giáp hạt” tôi đã viết: “Những trận đói tháng ba ngày tám/ Dáng mẹ treo trên dốc Cầu chạng vạng/ Hai thúng sắn khô vít lưng mẹ còng”.
Sắn khoai ngày ấy đã cứu sống chúng tôi, nhưng cũng không ít lần chúng tôi say sắn sùi bọt mép, suýt chết. Nhà tôi có mấy cái chum sành, cái đựng khoai khô, cái đựng sắn khô, cái đựng khoai lang sống. Mấy anh em tôi đi học về, đói vàng mắt, thường ăn vụng khoai sống. Khoai sống dưới đáy chum, chổng mông cũng không với tới được, tôi phải dùng liềm, bổ vào khoai, câu lên từng củ. Chúng tôi rửa qua loa, ăn sống, uống nước lã, đau bụng kêu oai oái. Tôi nhớ, năm tôi chừng tám chín tuổi, đã theo anh tôi đi buôn vịt con. Qua cầu Ông Canh - một trong những trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ - trượt chân, cả gánh vịt rơi xuống sông. Đàn vịt con túa ra. Anh em tôi gào khóc, đuổi vịt giữa bãi sông nham nhở hố bom; trên đầu máy bay Mỹ đang gầm rú kinh hoàng.
Những trận đói có nguy cơ chết người ấy khiến mẹ tôi lên tiếng, bàn với cha tôi bỏ quách cái chức cán bộ, đòi máy khâu về mà làm ăn, cứu đàn con. Sau này lớn lên tôi mới biết, khi đó cha tôi đang đứng trước bi kịch lớn. Nếu nghe theo lời mẹ tôi, tức cha tôi là kẻ bất mãn. Thành phần gia đình của cha tôi thuộc trung nông, còn mẹ tôi thành phần địa chủ. Mang tiếng con nhà địa chủ nhưng thời niên thiếu, mẹ tôi cũng làm lụng vất vả; lớn lên cũng tham gia phong trào phụ nữ của địa phương. Khi cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi, cậu tôi (quê tôi gọi anh mẹ là cậu) bị tịch thu hết tài sản, ruộng đất. Ngôi nhà “tứ trụ” bị dỡ đi chia cho người nghèo. (Bây giờ, trên nền đất ấy, anh Quỳ, con cậu tôi, làm lại nhà mới, to đẹp hơn xưa). Với lí lịch ấy, nay lại có tư tưởng bất mãn, chắc chắn, lí lịch anh em tôi sẽ mang tì vết khó mà ngóc đầu lên được. Còn nếu hàng ngày cha tôi vẫn xách “đó” ra ủy ban xã, làm việc đến tối mịt mới về, thì đàn con có nguy cơ chết đói. Cuối cùng, cha tôi quyết định, vẫn để đầu máy khâu ở kho ủy ban và chọn con đường cứu đói bằng cách, gỡ dần phụ tùng xe đạp đem bán, lấy tiền cứu đói!
Thời trai trẻ, cha tôi đã được ông nội tôi mua cho xe đạp pho-luýt-ri-ông (tôi không nhớ tên nhãn mác, chỉ viết theo phiên âm), áo ba-đờ-xuy, mũ phớt, kính râm v.v. Đó là những thứ mà thanh niên quê tôi thời đó không mấy ai có. Chiếc xe đạp được cha tôi giữ rất cẩn thận. Khi đi về, ông lau chùi rồi treo lên bằng hai sợi dây xích. Hai gác đờ bu (chắn bùn) được đính mấy cái lông gà để lau bụi cho hai vành xe khi nó lăn bánh. Trong lúc túng quẫn này, cha tôi quyết không theo con đường làm ăn cá thể mà gỡ đôi vành đem xuống chợ Si bán để lấy tiền mua gạo.
Đó là một ngày dài vô tận. Từ chợ Si đi bộ theo đường tắt về nhà tôi chừng 6 cây số mà cha tôi vác đôi vành xe đi từ sáng đến quá trưa vẫn chưa thấy về. Mẹ con tôi đổ hết ra bờ sông ngóng. Đến vàng mặt trời mới thấy cha tôi trên vai vác đôi vành xe, bước chệnh choạng trên con đê vênh sống trâu, mặt bạc ra. Mẹ tôi hốt hoảng, hỏi:
- Sao lại vác vành về?
Cha tôi nói hụt cả hơi:
- Chờ đến lúc tan chợ chẳng ai hỏi mua. Khắp nơi đều đói kém, lo cái ăn chả đủ.
Mẹ tôi tiếp:
- Thế đã có gì vào bụng chưa mà mặt bạc ra thế?
Cha tôi thều thào:
- Lúc đi, chẳng có gì vào bụng, hi vọng bán được vành, ăn thứ lót dạ. Không ngờ…
… Rồi cuối cùng mấy bác trong cấp ủy và chính quyền địa phương cũng nhìn thấu gia cảnh nhà tôi, quyết định trả đầu máy khâu cho cha tôi, nhưng với điều kiện, chỉ được phép may phục vụ nhân dân có áo mặc trong dịp Tết; ra Giêng lại đưa đầu máy khâu vào kho.
Được làm nghề nhưng khống chế thời gian, cha tôi làm việc như con thiêu thân. Có đêm, chúng tôi vừa rét vừa đói, không ngủ được, tỉnh giấc vẫn thấy cha tôi run lập cập, đạp máy; mẹ tôi ngồi bên, đơm khuy đơm cúc. Bây giờ, khi nghe ai hát bài “Quê nhà” của Nhạc sỹ Trần Tiến, trong đó có đoạn “Những đêm mùa đông/ Bóng cha ngồi đây/ Ngọn đèn lung lay/ Bức tường vôi trắng” là tôi gai hết người, thương nhớ cha tôi. Và tôi tự hỏi, nếu ngày ấy cha tôi đòi đầu máy khâu về, không hiểu anh em tôi có được yên ổn học hành và nếu có học hết phổ thông, liệu lí lịch có được địa phương xác nhận “sạch sẽ” để đi đây đi đó? Và, nếu ngày ấy, cha tôi không thức trắng đêm để may quần áo, chẳng biết anh em chúng tôi sống thế nào và trẻ em, thanh niên hàng xóm liệu có niềm vui khi Tết đến khoác áo quần đẹp?
...Tôi nhớ, ngày tôi đi học, cha tôi lai tôi xuống ga Chợ Si để lên tàu ra Bắc. Khi tàu chuyển bánh, tôi nhìn qua ô cửa, nước mắt giàn giụa. Sau này, trong trường ca “Quê Nội”, viết năm 1977, tôi hồi tưởng: “Tàu chuyển bánh lao về phương Bắc/ Dáng cha chập chờn khuất dưới hàng cây/ Hạt gạo củ khoai đường kim mũi chỉ/ Cha mẹ đưa con tới những phương trời…”.
… Sau mấy chục năm phiêu bạt khắp “những phương trời”, làm đủ nghề, tiếp xúc đủ hạng người, tôi mới thấy mình chẳng làm được trò trống gì. Những bài báo, cuốn sách tôi viết, từng gây ầm ĩ đâu đó, khiến có lúc tôi tưởng là to tát, rốt cục nó chỉ là những thứ phù phiếm, vô bổ; mọi người sẽ quên sau khi đọc nó. Đến giờ tôi mới nhận ra ý nghĩa to lớn công việc của ông nội tôi, của cha, mẹ tôi. Hơn nửa thế kỷ nay, rất nhiều người dân nghèo quê tôi đã khỏi bệnh nhờ những thang thuốc của ông nội tôi, của cha tôi. Rất nhiều thanh niên, trẻ em làng tôi đã vui hơn, đẹp hơn bởi những bộ quần áo cha tôi may. Giờ đây, mỗi lần về quê, nhìn mấy cuốn sổ ghi nợ ố vàng, những tên người gạch xóa; nhìn chiếc dao cắt thuốc lưỡi mòn vẹt, chiếc đầu máy khâu rỉ sét, tôi thương nhớ cha, mẹ; thương nhớ ông nội khôn nguôi.
Cao Thâm