Nguyễn Đình Hiển, người chơi thơ hào hoa
Nước ta bây giờ người làm thơ nhiều, người yêu thơ cũng lắm nhưng ít thấy ai say thơ như Nguyễn Đình Hiển. Đối với ông, tài sản quí giá nhất là chục cuốn sổ to, dày cộp, ghi chép chi chít thơ và những giai thoại thú vị về các nhà thơ.
Ngoài đời, Nguyễn Đình Hiển chẳng giống chút nào với hình dung của các cô nàng lãng mạn về các nhà thơ: không trắng trẻo thư sinh, không kính cận trí thức, không ẽo ợt với những câu thơ "tán gái"... Nhưng, vẻ mộc mạc của ông lại chứa đựng cốt cách và tâm hồn của một thi nhân đích thực, mặc dù tôi vẫn gọi đùa ông là nhà thơ không có "thẻ", bởi ông chưa là hội viên của Hội Nhà văn.
Bạn bè yêu quí Nguyễn Đình Hiển thường gọi ông là "thi nhân làng Mọc", vùng đất ven đô nổi tiếng bởi có nhiều người thành đạt qua câu thành ngữ: "Quan làng Mọc, thóc Mễ Trì". Nơi chôn nhau cắt rốn đó là niềm kiêu hãnh của ông:
Đất địa linh thăm thẳm sâu dày/ Gò Đông Thấy chỉ làng này mới có/ Nhân kiệt rải đầy trong trăm họ/ Cửa nhà nào cũng in dấu hoa văn (ĐẤT MỌC).
Miền quê ấy, một thời chưa xa vẫn hiện diện trong kí ức Nguyễn Đình Hiển những hình ảnh thân thương:
Con đường đất thó lượn quanh/ Tường rêu cắm mấy mảnh sành óng lên/ Cổng làng đứng giữa nhớ quên/ Lũ chim làm tổ hai bên xập xòe/ Ông tôi uống rượu bên hè/ Thuốc lào khói phả như che tháng ngày/ Cha tôi huỵch hoạt đi cày/ Lưng trâu ướt đẫm mà say chiêm mùa (NHỚ LÀNG)
Quán nghèo nép dưới gốc đa/ Thời gian chậm chạp vẫn qua nơi này/ Bà tôi thắp một bóng gầy/ Chõng tre nước vối tiễn ngày tháng xa/ Lá khô rụng xuống quanh bà/ Lưng còng dựa gốc cây đa cùng ngồi/ Chuyện xưa chẳng kể thành lời/ Thuốc lào kẹo bột rối bời gió mưa/ Ngày thường giống hệt ngày xưa/ Dấu chân kim cổ như vừa qua đây (QUÁN NƯỚC GỐC ĐA)
Với tốc độ đô thị hóa như vũ bão, làng xưa đã mất nét xưa. Những khu chung cư cao tầng đã "đẩy quê tít lên cao" khiến ông đang sống giữa quê nhà mà vẫn phải xót xa đi tìm quê:
Quê còn đâu nữa mà về/ Tôi bâng khuâng đứng nhớ quê thủa nào/ Ai đẩy quê tít lên cao/ Cò không bay nữa chào mào cũng thôi/ Chắc là hết hẳn quê rồi/ Gió không ra gió, mặt trời bỏ đi/ Nhìn quanh còn thấy những gì/ Có chăng nấm cỏ xanh rì nghĩa trang/ Người quê giờ đã lang thang/ Hồn quê cũng đã bỏ làng từ lâu (TÌM QUÊ)
Tình yêu quê hương chiếm một mảng quan trọng trong thơ Nguyễn Đình Hiển. Những hoài niệm xưa cũ, những đề tài muôn thuở được ông trìu mến chau chuốt thành quê riêng của ông, không lẫn với ai khác. Đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, người thơ càng đau đáu, day dứt những nỗi niềm về cha mẹ, quê hương:
Cha khô mẹ héo đã lâu/ Ba gian nhà vắng ngồi đâu cũng thừa/ Ngày nào cũng nhớ ngày xưa/ Hình như hai Cụ mới vừa đâu đây (NHỚ)
Mẹ tôi nấp bóng ca dao/ Dòng sông nước mắt thủa nào còn trôi/ Mùa màng gặt hái mẹ tôi/ Cọng rơm xơ xác gặt trời tháng năm (MẸ TÔI)
Trong ký ức mỗi người, mẹ là nơi ta gửi nhiều tình cảm yêu thương nhất. Và dẫu bao nhiêu tuổi, ta vẫn mong còn mẹ để được trở lại làm đứa bé con dụi đầu vào lòng mẹ, tìm lại bình yên cho tâm hồn
Mẹ không còn nữa để già/ Ta đâu còn bé để mà trẻ con/ Một đời sớm tối héo mòn/ Lòng ta dẫu nhớn mãi còn ngày xưa/.../ Mẹ giờ đã hóa thành chùa/ Con như chú tiểu bốn mùa chạy quanh (MẸ)
Nguyễn Đình Hiển dung dị, sâu sắc khi viết về cha mẹ, quê hương và thăng hoa, mơ mộng khi viết về Hà Nội. Nhiều câu thơ rất gợi của ông cứ trở đi trở lại trong tôi, ám ảnh tôi - một người sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ. Thương quá Hà Nội ơi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã mất đi quá nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, chỉ còn lại trong thơ, trong niềm nuối tiếc khôn nguôi của những người yêu Hà Nội đến si mê như Nguyễn Đình Hiển:
Lộc vừng thêu những thuyền hoa nho nhỏ/ Chở Hà Nội đi đâu mà mỏng mảnh quá chừng/ Cát bụi vô thường... Cát bụi rưng rưng (HÀ NỘI TRONG TÔI)
Cạn ly rượu ngoảnh lại thấy mùa xuân/ Đang chuếnh choáng cài hoa lên cành cũ/.../ Xuân đánh thức cả trời lá vàng khô/ Rắc xanh vào khóm dây leo mơ màng bên cửa sổ/ Đánh đắm cả thuyền hoa ngoài ngõ/ Lạc trong xuân thấp thoáng nhận ra mình (MÙA XUÂN)
Chập chờn hương phố gió lùa/ Một dòng sông Cái đơm mưa mấy lần/ Hơi thu đợi cốm tần ngần/ Mấy trăm cái nhớ khuất dần trong sương (CHỜ SAY)
Có gì xôn xao mà mùa hạ/ Khi sen thấp thoáng trong đầm/ Gió đụng vai ta rất khẽ/ Tưởng tiếng thở dài trăm năm (XÔN XAO)
Nguyễn Đình Hiển là cựu chiến binh giai đoạn chống Mỹ 1965 - 1975. Năm 1979 ông tái ngũ, giữ chức Trung đội trưởng bộ binh trong cuộc chiến phía Bắc và về hưu sau nhiều năm làm Giám đốc Công ty xe buýt Hà Nội. Chiến tranh giờ đã đi xa/ Vết thương gửi đến từng nhà còn tươi (ĐÊM ĐÔNG HÀ). Chiến tranh cũng để lại trong ông những ký ức rất đậm về một thời đi qua cuộc chiến, về những người đồng đội đã "Tự dưng hóa những anh hùng" ở tuổi thanh xuân:
Trường Sơn núi tượng cụt đầu/ Bao năm vẫn thấy dìu nhau tìm đường/... / Nghe trong thắc thỏm đâu đây/ Vẫn vang tráng khúc đêm ngày véo von/ Bao nhiêu núi mẹ bồng con/ Vọng theo hồn đá đang còn hành quân (MỘT THỦA)
Làng mình có nhiều đàn ông/ Được đi bộ đội mà không thấy về/ Đêm đêm ở phía bờ đê/ Rất nhiều đom đóm lập lòe như sao/ .../ Con đi giữ đất giữ trời/ Xác vùi trong cỏ hồn trôi quanh làng (VỀ CÕI)
Mười ngôi mộ dưới đất mềm/ Kết hình tiểu đội dựng lên lũy thành/ Tuổi xuân mãi nức nở xanh/ Vàng hoen vỏ đạn sáng danh kỳ đài/ Môi hồng thơm cả ban mai/ Tóc mây phủ nẻo đất đai chưa chồng (NGÃ BA ĐỒNG LỘC)
Với Nguyễn Đình Hiển, thơ là một cuộc chơi nghiêm túc, chỉ yêu thơ chưa đủ, còn phải đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ. Miệt mài và say mê trong lao động nghệ thuật, ông luôn cố gắng tự làm mới mình, tìm tòi cách thể hiện riêng. Gần như bài thơ nào của ông cũng có từ hay, câu hay làm điểm nhấn, neo vào trí nhớ người đọc:
Núi như ngựa thét đại ngàn/ Sông căm căm chảy vắt ngang hồn người (SỐ PHẬN)
Vọng cổ thon thót đổ dài/ Một chùm điên điển đọng vài tiếng chim (VỀ MIỀN)
Bước ngày vẫn lững thững qua/ Bao mùa tan chảy đã là sau lưng (NỖI NIỀM)
Nỗi xấu hổ ngồi rất lâu trên lưng cha lưng mẹ/ Hãy vỗ cánh thoát khỏi hình hài thằng bé/ Tự lớn lên như một cách trả ơn (RỒI MỘT NGÀY)
Gió thổi rỗng cho một mùa đơm tuổi (THU CÓ VỀ)
Khúc ve ngân lấm tấm tiếng hạ rơi (BÂNG KHUÂNG)
Lá xanh đã lẫm chẫm vàng/ Chân chim để lẫn tàn nhang hơi nhiều (VỀ HƯU)
Heo may thổi lệch con đường/ Váy H'Mông thả nõn nường vào mơ (MÙ CANG CHẢI)
Mùa xuân là giống đa tình/ Tôi giăng lưới bắt được mình dưới hoa (NGƯỜI ĐI)... vv...
Lãng mạn và tài hoa, Nguyễn Đình Hiển còn tự phổ nhạc một số bài thơ rất giàu tính nhạc của mình để biểu diễn trước công chúng. Gặp Nguyễn Đình Hiển ngoài đời, nghe ông hát và đọc những bài thơ vui của mình một cách duyên dáng, sống động, nhiều mợ nhiều cô mê tít, cười như nghé. Mấy ai biết đằng sau bề nổi đó là một Nguyễn Đình Hiển nội tâm, sâu sắc, với bao nỗi ưu tư của kẻ sĩ trước thời cuộc. Hãy đắm mình vào dòng chảy của một đời thơ, hãy mơ màng cùng “Giấc sen cuối hạ” để khám phá những thẳm sâu tầng vỉa của tâm hồn thi nhân, để khắc khoải cùng những bài thơ thế sự, để cảm nhận được dòng máu quật cường của người xưa vẫn truyền qua bao thế hệ, sục sôi trong huyết quản người trai Hà Nội "Tay vung gươm tay mềm mại bút hoa" này.
Hà Nội, 4/2019
Chử Thu Hằng
ĐT: 0363332171