Chùm thơ phồn thực mùa xuân của Phạm Công Trứ

Xuân 

Nếu mùa xuân có môi 
Tôi tin môi xuân đỏ 

Nếu mùa xuân có má 
Tôi tin má xuân hồng 

Nếu mùa xuân có mông 
Tôi tin mông xuân đẫy 

Tôi tin cái mây mẩy 
Của mùa xuân cũng hồng 

Xuân có tin tôi không? 

Huyền thoại mưa 

- Tự thời ngày xửa ngày xưa 
Tự thời trái đất còn chưa có người 
Thì sấm sét đã có rồi 
Động phòng giữa đất và trời, đó em 
Sau mưa cây cối mọc lên 
Lâu dần ếch nhái biến thiên thành... người! 

- Anh này chỉ giỏi bịa thôi! 
Em cười mắt nhắm e trời... lại mưa. 

Khoả 

Thoạt đầu khoả tay 
Nuột nà tay trắng 
Rồi thì khoả chân 
Ngọc ngà chân thẳng 
Rồi thì khoả ngực 
Mởn mơ ngực hồng 

Rồi thì khoả hông 
Hông đầy ngồn ngộn 
Bây giờ khoả rốn 
Rốn tròn bây by 

Rồi nữa khoả gì? 
Gặp em hỏi nhỏ 
Em cười quay đi! 


Đêm cổ tích 

“Tự thời ngày xửa ngày xư­a 
Tự thời trái đất còn ch­ưa có ng­ười...”


Bao cựu cổ tích cũ rồi 
Thì tân cổ tích ra đời ở đây 
Triền đê phơ phất bông may 
Nguyệt liềm tháng chín tròn đầy từng đêm 
Chàng thì chợt “nhớ” chợt “quên” 
Nàng thì chốc chốc “bắt đền” khổ không! 
Khuya rồi sao rụng đầy sông 
Bầu trời thấp xuống, cánh đồng dâng lên 
Dế giun bất chợt lặng im 
Cỏ may đ­ược dịp xâu kim vào ng­ười… 

Với ai cổ tích lỗi thời 
Với nàng cổ tích tuyệt vời là... đêm. 


Đủ 

Chân trần cỏ xanh 
Em là tiên nữ 
Vào bếp cơm canh 
Em là thục nữ 
Lên chùa chắp tay 
Em là tín nữ 
Lên gi­ường tắt đèn 
Em thành... quỷ dữ 

Chỉ một em thôi 
Đã là quá đủ! 


Linh vật 

Chiêm bái đồ thờ tại một số đền, tháp nước Việt

Tư­ợng hình một cối, một chày 
Chày trên, cối d­ưới tự ngày có đôi 
Ở đâu cất giấu của giời 
Ở đây “linh vật” chính ngôi t­ượng thờ 
Ở đâu chày cối tư­ởng thô 
Ở đây chày cối nh­ư thơ đắc vần 

Cúi đầu bái tạ tiền nhân! 

Tình yêu 

Tình yêu có hít có hôn 
Có thương có nhớ có hờn có mong 
Tình yêu có ngực có mông 
Thiếu hai cái đó là không có gì! 

Đêm 

Mặt trời mọc dậy mà đi 
Mặt trời lặn lại quay về với đêm 

Người khó đêm chỉ là đen 
Tối như cái thuở "tắt đèn" ngày xưa 
Người buồn đêm chỉ là mưa 
Ròng như nến chảy tẩm vừa năm canh 
Người vui đêm chỉ là xanh 
Bao nhiêu trăng sáng tan thành suối thơ 
Người mộng đêm chỉ là mơ 
Kề bên ngà ngọc còn ngờ liêu trai...


Đêm về tháo bỏ cân đai 
Lều tranh cũng hoá lâu đài, lạ chưa 
Tắt đèn dân cũng như vua 

Đài các cũng thể quê mùa, khác chi 
Đêm mờ, đêm ảo, đêm nuy
Đêm mà quần áo còn gì là đêm 
Đêm mê, đêm mệt, đêm rên 
Đêm làm mất ngủ bắt đền... còn lâu 

Hỡi người, ngày trắng đêm thâu 
Thắp đèn xin lại bắt đầu cùng đêm! 

Báu vật 
Nhân đọc “Báu vật của đời” của MẠC NGÔN 


“Phong nhũ, phì đồn” 
Thật thà chuyển ngôn 
Vú to, mông nở 
Người dịch tự sửa 
“Báu vật của đời” 
Nhân cái chuyện ấy 
Mấy dòng bàn chơi 

I. 

Tên thường gọi vú 
Đích thị đàn bà 
Để cho văn vẻ 
Chữ là nhũ hoa 
Đứa trẻ lên ba 
Bảo là cái “tí” 
Thêm tý duy mĩ 
Bồng đảo đôi gò 
Nàng chửa muốn cho 
Cau còn non lắm... 

Phất phơ yếm thắm 
Ngày xưa lên chùa 
Sư bị bỏ bùa 
Ôm lăn ốm lóc 

Phất phơ yếm thắm 
Qua dinh ông nghè 
Được lệnh lũ lính 
Xếp hàng ra ve 

Ngày xưa yếm sống 
Đã lắm khen chê 
Còn hơn thế nữa 
Cái thời coóc-xê... 

II. 

Xung quanh cái mông 
Cũng nhiều chuyện lắm 
Trên đã yếm thắm 
Dưới phải váy sồi 
Nếu kém gò đồi 
Đẹp chi bồng đảo 
Cha ông đã bảo 
Tai thì lá mít 
Đít phải lồng bàn 
Đã vừa phồn thực 
Lại lắm “chát tom” 

Âu Cơ đã thế 
Mỵ Châu khác gì 
Bà Trưng cũng vậy 
Bà Triệu kém chi 

Ai như Xuân Hương 
Đào nguyên một lạch 
Ai như Thị Điểm 
Da trắng bì bạch 

Đúng là Mẹ Đốp 
Váy xắn quai cồng 
Đích là Thị Màu 
Đánh mắt, lắc hông... 



Chợt từ ngoài ngõ 
Vợ réo: ơi chồng! 
Vậy xin tạm gác 
Chuyện vú, chuyện mông. 

(Rút từ “Phồn tập”)