Sai lầm đi về phía sáng tạo, sai lầm dẫn dắt nhân loại

“Các ông bố bà mẹ luôn cố gắng dạy cho con rất nhiều thứ, tuy nhiên có một điều họ không bao giờ nói với con đó là về những thất bại, sai lầm của chính mình để có thể chuyển giao cho con hành trang xử lý khi đối mặt với thất bại...”- Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Trung tâm N-T Nguyễn Khắc Viện, Trưởng khoa Giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục phân tích.


TS NGUYỄN MINH ĐỨC - Viện trưởng Viên nghiên cứu trẻ thông minh sớm

Giúp con vấp ngã mà an toàn

Là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý trẻ con, với kinh nghiệm của mình, ông thấy trẻ con hay phản ứng với thất bại theo những cách nào?
Cũng đa dạng lắm, tùy vào cách giáo dục mà từng đứa trẻ nhận được. Tuy nhiên, có hai xu hướng biểu hiện bề ngoài rõ rệt nhất. Một là các em sẽ chán nản, mặc cảm, tự ti, thu mình lại. Hai là các em sẽ trở nên hằn học, bất mãn và muốn quậy phá. Cả hai phản ứng này đều tiêu cực, nhưng có thể dạy dỗ được.
Trong các gia đình Việt Nam, thường thấy tình huống sau. Lúc nhỏ, khi con cái bị ngã. Người lớn lập tức chạy đến đỡ dậy, dỗ dành, nâng niu. Lớn lên chút nữa, khi con làm hỏng việc, người lớn sẽ đứng ra giải quyết hậu quả. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Đó là sai lầm nguyên thủy của các ông bố bà mẹ. Thay vì để con bắt đầu học cách chịu trách nhiệm với hành động của mình thì họ lại vô tình đẩy con vào thói quen xấu là dựa dẫm và không biết cách để “ngã”. Thay vì bảo với con rằng chỗ này trơn dễ ngã, lần sau con phải cẩn thận thì họ lại xuýt xoa thương con, “đánh” cái ghế, cái bàn vì đã làm con ngã. Nghĩa là họ đổ hết lỗi sang một vật thể khác. Và trẻ con thật sự không bao giờ biết được vì sao mình lại ngã.
Ở phương Tây, bố mẹ luôn tập cho con khi vấp ngã sẽ tự đứng dậy. Tôi cũng đã từng có bài tư vấn cho các bậc phụ huynh cách “Giúp cho con vấp ngã mà an toàn”.
Quay trở lại với vấn đề các phản ứng trước thất bại, ông cho rằng phản ứng tiêu cực hoàn toàn có thể dạy dỗ được. Tức là rèn luyện cho trẻ cách ứng xử với thất bại?
Cái quan trọng nhất để con biết cách đối mặt với thất bại là cha mẹ cần dạy cho trẻ biết tự tin. Tự tin trên cơ sở tôn trọng người khác, biết được cái người khác có và hiểu rõ cái gì đích thực mình có chứ không phải thứ hào quang giả tạo. Cha mẹ có quyền tự hào về con. Đó là niềm tự hào chính đáng, nhưng đừng để nó trở thành niềm tự hào quá đáng.
Tôi quan sát thấy có hiện tượng như thế này: Trong một cuộc thi, một đứa trẻ khi thua cuộc, chúng cay cú và tìm mọi cách nỗ lực để lần sau sẽ chiến thắng. Một đứa trẻ khác khi thất bại chúng thấy không vấn đề gì cả, dù sao cũng chỉ là một trò chơi. Như vậy, phản ứng nào chúng ta nên khuyến khích?
Cay cú nhưng có chắc là lần sau sẽ có kết quả cao hơn không? Có chắc là trên con đường đời rất dài sau này mình sẽ luôn thành công, sẽ không rơi vào những thất bại như thế này nữa không? Các em nên xử lý nghịch cảnh bằng cách tìm cho mình con đường khác, con đường đó không nhất thiết phải điểm số, thứ bậc. Ở nước ngoài, tôi đã từng gặp những người chỉ có bằng cử nhân, thạc sỹ nhưng người ta sở hữu hàng chục phát minh.
Thẳng thắn với trẻ về thất bại của người lớn

 

Từ trong gia đình tới nhà trường, con chúng ta dường như luôn luôn có ý thức phải ganh đua để dành được thành tích, kết quả tốt hơn bạn mình như câu thành ngữ cha ông ta đã đúc rút “Thua thày một vạn không bằng kém bạn một ly”. Sự hơn thua bạn bè ở đây cũng chứng tỏ một điều con cái chúng ta đang được giáo dục: Phải luôn luôn chiến thắng, không được phép thất bại, dù chỉ là kém bạn một ly?
Chúng ta đang gây áp lực rất lớn cho trẻ em. Đẩy trẻ em vào các cuộc cạnh tranh như thế sẽ tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Người được cho là “kém” sẽ tự ti, thất vọng về bản thân còn người “hơn” sẽ sinh ra kiêu ngạo, tự tin quá lố.
Có một thực tế là bây giờ thủ khoa rất nhiều, tuy nhiên đa số thủ khoa đầu vào lại không phải là thủ khoa đầu ra. Chứng tỏ phương pháp giảng dạy của phổ thông khác với đại học, vì thế tiêu chí lựa chọn người đứng đầu của mỗi bậc cũng khác nhau. Nghĩa là cái từ “kém” mà lâu nay chúng ta nói tới thực ra không phải là đẳng cấp mà nó nằm ở tiêu chí lựa chọn.
Khi vào đại học, sinh viên A thua sinh viên B một điểm thì chưa chắc thực tế A đã kém thông minh hơn B, mà đôi khi chỉ vì kém may mắn hơn một chút. Kể cả các trò chơi giải trí trên truyền hình thì cũng không thể đánh giá khách quan, tổng thể về kỹ năng, kiến thức của mỗi người.
Nói vậy, nghĩa là tư duy “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly” đã lỗi thời?
Trong xã hội hiện đại, người ta nhìn mỗi người bằng tiềm năng của chính họ. Xu hướng ở nước ngoài là thay vì đánh giá trí thông minh theo kiểu truyền thống thì họ đưa ra 9 loại thông minh và mỗi em sẽ có một tiềm năng, một loại trí thông minh cần phát huy. Trong khi đó, chúng ta thì lại đưa các em vào chung một cái rọ, tính điểm và phân biệt kẻ hơn người thua. Tại sao không tạo cơ hội cho một học sinh chuyên vẽ bậy lên cửa, lên bàn học trở thành một người đứng đầu lớp về môn báo tường. Tại sao không công nhận một em nhất lớp về giọng hát rất hay, thay vì phải biết làm văn, làm toán thật giỏi. Chúng ta hãy cho mỗi em nhỏ đều đứng nhất lớp. Chúng ta phải làm cho mỗi lĩnh vực đều có một trạng nguyên.
Theo dõi báo chí, tôi thấy có nhiều trường hợp, các em học sinh khi trượt đại học đã rơi vào trạng thái tâm lý tồi tệ, thậm chí, đau lòng hơn là tìm đến tự tử. Anh có nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể cứu được các em khỏi những cái chết phi lý như vậy?
Tôi thấy nhiều gia đình cứ ép con đi vào những con đường mà họ muốn chứ không phải con cái muốn. Một đứa trẻ có năng khiếu âm nhạc, thay vì để con phát huy tiềm năng này thì bố mẹ lại bắt thi vào kinh tế, thi liền 3 - 4 năm cũng không đỗ. Bố mẹ thất vọng, con cái mệt mỏi và thêm tự ti về chính bản thân mình. Kể cả có nhiều bố mẹ nói rằng không hề gây áp lực nhưng con cái vẫn tự cảm thấy áp lực vì các em rất muốn làm hài lòng bố mẹ. Trẻ em sinh ra đã bị người lớn lập trình phải biết vâng lời, phải biết làm theo mong muốn của bố mẹ, thầy cô. Nên có lẽ, cách duy nhất để cứu các em là phải trang bị trước một quá trình giáo dục toàn diện từ cả gia đình, nhà trường lẫn xã hội.
Cha mẹ kỳ vọng vào sự giỏi giang của con cái và mong muốn chúng đạt được những thành tích cao nhất, thậm chí tạo ra được kỳ tích. Còn nhà trường chú trọng truyền dạy cho các em tri thức nhân loại để vượt qua các kỳ thi. Vậy những kỹ năng đối mặt với thất bại, các em sẽ học ở đâu và rèn luyện thế nào?
Chính bố mẹ và thầy cô có thể dạy các em. Nhưng thực tế là các ông bố bà mẹ luôn cố gắng dạy cho con rất nhiều thứ, tuy nhiên có một điều họ không bao giờ nói với con đó là về những thất bại, sai lầm của chính mình để có thể chuyển giao cho con hành trang xử lý, đối mặt với thất bại. Bố mẹ, và ngay cả các thầy cô cũng luôn tìm cách giấu thất bại của mình.
Ngay cả chính người lớn, chúng ta cũng phải học cách ứng xử với thất bại của con mình, không phải lúc nào cũng đặt ra cái đích và ép con phải đạt được. Giả như tình huống con thất bại, chúng ta sẽ phải làm gì thưa anh?
Thường thì khi con thành công, bố mẹ bảo “Đấy, may nhờ có bố mẹ tạo điều kiện cho ăn học mới được thế này”, còn khi con thất bại thì quát “Tại mày!”… Khi con thất bại hãy giúp con thấy được đó là điều bình thường trong cuộc sống, cũng như ngày xưa đi học bố cũng từng thất bại, mẹ đã từng thất bại… Hãy nói với con rằng đây không phải là kỳ thi cuối cùng, vẫn còn nhiều kỳ thi nữa để con chinh phục. Về điểm số con có thể thua bạn nhưng về đẳng cấp thì chưa chắc, con vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác và chúng ta sẽ cùng cố gắng làm lại. Khi bố mẹ nói được như thế, con cái sẽ thấy được cảm thông và không cô đơn.
Sai lầm đi về phía sáng tạo, sai lầm dẫn dắt nhân loại
Phải xây dựng sợi dây tương tác như thế nào giữa gia đình và nhà trường để rèn luyện và chuẩn bị cho con cái những kỹ năng ứng xử với thất bại?
Trước hết, người lớn phải xử lý được chính tâm lý của người lớn đã. Họ phải biết cách nhìn nhận thất bại của con. Họ đẩy con cái vào chính cuộc chiến hơn thua của họ. Với họ, nếu con điểm thấp hơn con hàng xóm thì nghĩa là cách dạy của họ không bằng nhà hàng xóm. Ở trường cũng vậy, giáo viên đua nhau danh hiệu dạy giỏi bằng cách tạo áp lực thi cử cho học sinh. Như thế là không công bằng.
Một vấn đề nữa, cha mẹ và thầy cô phải sòng phẳng với các em, phải thừa nhận những thất bại trong quá khứ của mình. Hãy đưa cho trẻ những dẫn chứng, những tấm gương đã từng gặp rất nhiều thất bại trong cuộc sống nhưng cuối cùng vẫn thành công. Bên cạnh đó cũng phải giúp các em thấy được tiềm năng của mình. Động viên các em cố gắng, bền bỉ để theo đuổi con đường đích thực của mình.
Nhưng ranh giới giữa an ủi, động viên con để con cố gắng tiến lên và đẩy con vào thế thụ động, phó mặc rất mong manh?
Cái đó liên quan đến cả quá trình lâu dài. Do đó chúng ta phải bắt tay làm ngay từ đầu. Chúng ta vẫn chờ trẻ đến tuổi tập nói mới dạy con nói, đến tuổi tập đi mới dạy con đi. Nhưng ở nước ngoài, họ dạy con những kỹ năng này từ rất sớm, vì thế có những đứa trẻ mới 13 tháng tuổi đã có thể nói từng câu ngắn rõ ràng. Trong khi những đứa trẻ khác cầm sách và xé thì những em nhỏ được bố mẹ dạy sớm đã biết cầm quyển sách và chỉ ra những hình ảnh theo lời bố mẹ. Nghĩa là bản thân cha mẹ cũng đừng thụ động nữa, hãy trang bị cho con cái những kỹ năng cần thiết ngay khi con mới như mầm măng.
Với 30 năm tham gia giảng dạy các khóa học của sinh viên, điều mà ông truyền đạt cho thế hệ trẻ là gì?
Từ trước đến nay, hầu như chúng ta không dạy trẻ em tư duy phản biện. Hiện nay, đa số luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ đều có thể bày bán ngoài chợ. Các mẫu đề tài nghiên cứu hầu như không có giả thiết. Học sinh, sinh viên tin thầy cô một cách nhẹ dạ, mù quáng. Họ không được giáo dục là phải biết nghi ngờ. Nghi ngờ bản thân, nghi ngờ cả những người thầy của mình.
Tôi luôn bảo sinh viên của mình phải kiểm chứng những điều mà các học giả của Harvard nói có đúng không. Nếu chưa kiểm chứng được thông tin thì chưa tin. Một xã hội bình đẳng, nhìn nhận lẫn nhau. Anh không hơn tôi tuyệt đối, tôi cũng không hơn anh tuyệt đối. Tôi cũng luôn đánh giá cao những sai lầm của sinh viên. Ý tưởng mới, dẫu chưa đúng nhưng tôi sẽ vẫn cho điểm. Bởi đây là sai lầm đi về phía sáng tạo, sai lầm dẫn dắt nhân loại.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị!