Ngày Thơ Việt Nam năm nay có gì mới?

Đã trở thành thói quen, mỗi dịp xuân về công chúng yêu văn chương lại háo hức chờ đợi xem năm nay lễ hội thơ có gì khác với các năm trước. Nhưng liệu sự khác biệt này có làm cho Ngày Thơ Việt Nam đọng lại so với các lễ hội truyền thống dân gian từ trước đến nay?

Nhiều thành phần, phong phú nội dung

Ở Việt Nam hầu như mỗi làng quê đều có riêng một lễ hội mang đậm tính địa phương nhằm tưởng nhớ hoặc bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng… đối với cá nhân đã có công lớn trong việc khai sinh, giữ gìn, làm rạng danh mỗi vùng đất.

Hội thơ thì khác. Hội thơ không phải vinh danh ông tổ của thơ ca. Và kì thực cũng chả ai biết chắc người đầu tiên làm thơ là ai. Hội thơ là để tôn vinh thơ ca, là để những người làm thơ gặp gỡ với nhau, là để người ta nghe, ngắm, xem… tất tật những gì liên quan đến thơ.

Hội thơ cũng không phải là lễ hội độc quyền của địa phương nào. Cứ bắt đầu từ ngày 13 đến 15 tháng 1 âm lịch là các địa phương trên cả nước đã diễn ra Hội thơ.

Vài năm trở lại đây, trừ những Ngày thơ ở các địa phương còn mang những đặc trưng của địa phương như tác giả địa phương, ngôn ngữ thơ ca vùng miền địa phương, cách trang trí, các trò chơi theo quan niệm địa phương, phần lễ và phần hội phù hợp với địa phương… thì Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội lại không mang nặng đặc trưng của đất Hà thành. Thậm chí, còn có xu hướng hội tụ nét địa phương của một số miền trên đất nước.  Trong ngày họp báo về Ngày thơ mới gần đây nhất, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, hiện đã có 51 tỉnh, thành phố có chương trình, kế hoạch tổ chức Ngày thơ năm 2014. Nhiều địa phương, Ngày thơ sẽ diễn ra sớm để đúng ngày Nguyên tiêu tham gia Hội thơ tại Văn Miếu. Cụ thể, năm 2014, ngoài Hà Nội còn có sự góp mặt thi ca của 7 tỉnh, như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Giang, Lạng Sơn.

Được biết, các năm trước trong Ngày thơ cũng đã có sự góp mặt của nhiều nhà thơ, nhiều cây bút trẻ trên khắp đất nước, chứ không riêng Hà Nội, như Thái Nguyên, Bình Thuận, Vũng Tàu…

 

Sinh viên các trường Đại học cũng được chú trọng là một trong những điểm đáng quan tâm tại Ngày thơ ở Hà Nội. Không còn là “đặc quyền”, ưu tiên của sinh viên các trường có khoa Viết văn hay liên quan đến văn chương mà còn có nhiều trường khác tham gia như Đại học Bách khoa, Học viện Cảnh sát…

Ngày thơ những năm đầu không có sự tham gia của các Câu lạc bộ thơ. Nhưng mấy năm trở lại đây thì các Câu lạc bộ đã hiện diện trong Ngày thơ Việt Nam. Dù sự ảnh hưởng không lớn, thậm chí bị thơ ca “tên tuổi” lấn lướt, tuy nhiên các Câu lạc bộ thơ đã cho công chúng nhìn thấy bức tranh thơ ca đương đại một cách đầy đủ và muôn màu muôn sắc.

Ngoài thành phần tham gia đông đảo từ nhiều nguồn phong phú, Hội thơ tại Văn Miếu còn liên tục đổi mới chương trình từ năm này qua năm khác. Hầu như không có năm nào giống hệt năm nào ngay từ Chủ đề ban đầu đến nội dung diễn ra bên trong. Có năm có trình diễn thơ, rồi lại cả trình diễn văn xuôi, thơ thị giác, thơ sắp đặt… Có năm có hẳn sân thơ dành cho thiếu nhi, lại có cả sân thơ quốc tế dành cho thơ dịch và thơ của các nhà thơ nước ngoài… Rồi thì các bài thơ được phổ nhạc cũng trở thành những tiết mục ca nhạc tạo cho Ngày thơ một sinh khí mới, không bị nhàm chán, đơn điệu. Các cuộc triển lãm ngoài trời quanh khu vực hồ Thiền Quang tỉnh từng năm cũng thu hút được đông đảo công chúng thưởng lãm. Bởi đó là các bức tượng chân dung nhiều thế hệ nhà văn đã làm nên nền văn học Việt Nam.

Đổi mới Ngày thơ, liệu có hụt hơi?

Nội dung các Ngày thơ trong nhiều năm vừa qua được đổi mới liên tục đã làm Hội thơ có nét riêng và phần nào tránh được sự đơn điệu cho người xem. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng nói rằng, bản thân thơ ca là một sự vận động đổi mới không ngừng, vì thế Ngày thơ cũng phải có sự đổi mới. Và quả thực, trong 11 năm tổ chức Ngày thơ là 11 lần khác nhau. Chắc chắn Ngày thơ lần thứ 12 tới đây cũng sẽ có nhiều nét mới.

Còn nhớ, có năm khi vừa qua Ngày thơ này, đã nghe râm ran ban tổ chức dự định chủ đề cho Ngày thơ năm sau. Hoặc, năm nay, năm tới có sự kiện gì nổi bật, ngày kỷ niệm nào chẵn thì rất có thể nó sẽ được lấy làm chủ đề cho Ngày thơ. Rồi khi chương trình Ngày thơ được công bố, công chúng và báo giới sẽ lại tò mò xem năm nay có gì khác không…

Nhưng ngược lại, khi tan hội, khi nhìn lại và đặt câu hỏi cho người tham dự Ngày thơ cái gì đọng lại, cái gì còn lại, cái gì là tâm điểm xuyên suốt trong Ngày thơ thì sẽ thế nào? Nếu câu trả lời chỉ có thể là những tiết mục được lặp lại từ năm này qua năm khác thì không biết Ban tổ chức có bất ngờ không? Đó là: Rước thơ, Đánh trống khai hội, Ngâm bài Nguyên tiêu, Thả thơ… Những nội dung này có thể ngay lập tức không đánh vào thị giác của người tham dự, không tạo ra cảm xúc “bất chợt” để họ dừng chân, không mang yếu tố tò mò… mà cứ lặng lẽ ngấm dần, qua năm này đến năm khác và tự nhiên trở thành cái hồn cốt chính của một ngày hội mang tên Hội thơ. Để rồi, trong vô thức người đến với Hội thơ cứ mặc định phải được chứng kiến những giây phút đó mới là tham dự Ngày thơ. Còn các nội dung, tiết mục khác có thể chỉ cần ngó qua. Theo quan sát, thì ở mấy Ngày thơ gần đây, sân thơ tưởng chừng “cũ kỹ” - sân thơ truyền thống lại luôn được đánh giá cao hơn, có sức níu kéo độc giả dừng lại lâu hơn.

Nếu phải cân nhắc giữa việc lặp lại hay đổi mới trong ngày Hội thơ thì đó là quyền của Ban tổ chức Ngày thơ. Nhưng nếu ở góc độ người có mặt trong Ngày thơ thì họ muốn có cả sự dung hoà giữa cái mới và cái cũ.

Ở sân thơ truyền thống vẫn là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng và tôn vinh những giá trị thơ ca mang tính truyền thống. Các bài thơ được sử dụng trong sân thơ này cần chọn lọc, không trùng lặp các năm. Khi thể hiện thơ dưới các hình thức khác, như ngâm, hát… cần được đầu tư công phu kỹ lưỡng, không cần chạy theo những thử nghiệm mới lạ. Bản thân nội dung, giọng điệu các bài thơ khác nhau đã tạo nên sự khác nhau rồi chứ không cần, không nhất thiết phải “thêm thắt” nhiều thì mới có được sự khác nhau.

Còn ở sân thơ trẻ thì cứ để tất cả những gì mới lạ, mang tính thể nghiệm được phô bày. Thậm chí còn có thể tương tác hai chiều giữa người trên và dưới sân khấu. Từ các nội dung của sân thơ này, qua sàng lọc từ năm này qua năm khác biết đâu sẽ là nguồn bổ sung những tiết mục “đóng đinh” cho sân thơ truyền thống hoặc cho ngày Hội thơ nói chung.

Nếu như vậy thì sự “đổi mới” chỉ cần tập trung chính ở sân thơ trẻ. Công chúng đi dự Hội thơ cũng sẽ có tâm thế tiếp nhận rõ rệt ở hai sân thơ. Ban tổ chức cũng không phải mất nhiều thời gian, hoặc lo sợ “hụt hơi” khi cứ phải liên tục thay đổi toàn diện các món ăn trên mâm cỗ Ngày thơ.

Ngày Hội thơ, bên cạnh việc nghe, xem, nhìn, ngắm… thơ, người làm thơ, với nhiều người thì mục đích đến đây lại vô cùng giản dị, đó là được gặp lại các bạn văn hàng năm. Vậy mục đích này có được những người tổ chức tính đến?

(Hà Anh – Theo Tổ Quốc)