Trò chuyện với ôsin

"Ô sin" là một tiểu thuyết của Nhật Bản được nhà văn Lê Bầu dịch ra tiếng Việt. "Ô sin" cũng được điện ảnh Nhật chuyển thể thành phim truyền hình và truyền hình VN cũng chiếu bộ phim này. Nội dung phim/truyện nói về cuộc đời của một cô gái giúp việc có tên là Ô sin. Từ đó, từ Ô sin đã đi vào tiếng Việt với ý nghĩa là người giúp việc. Có thể nói dịch giả Lê Bầu là cha đẻ của từ ô sin trong tiếng Việt. Đây chính là hiện tượng mượn từ nước ngoài để làm phong phú vốn từ vựng trong các sinh ngữ như tiếng Việt.

Chiều mát, ngồi ở quán nước đầu khu tập thể Phương Nam có thể thấy các cô gái trẻ, tuổi chừng 14, 15 đón các cháu bé từ nhà trẻ về, dẫn các các cháu đi chơi quanh sân. Có vẻ như các cô ô sin ở đây đã quen biết nhau lâu rồi… Lân la hỏi chuyện một trong mấy cô giúp việc này…

-      Cháu đi làm lâu chưa?

-      Mấy năm rồi ạ.

-      Quê cháu ở đâu?

-      Ở Phú Thọ ạ.

-      Thế các bạn khác ở đây có cùng quê không?

-      Có mấy đứa cùng làng, cũng có đứa ở tận Thanh Hóa, Nghệ An. Lên đây đi làm rồi quen nhau hết ấy mà. Có hội có thuyền cũng vui hơn bác ạ.

-      Thế công việc hàng ngày có vất vả lắm không?

-      Cũng tùy thôi ạ. Có đứa ở giúp ông bà già thì chỉ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ và nấu ăn, nhàn lắm, nhưng khổ là phải nấu nướng sao cho hợp khẩu vị các cụ.

-      Nhiều nhà con cái nhỏ thì lắm việc chứ?

-      Vâng, các cô chủ mới sinh con thì bận đủ việc. đi chợ nấu ăn, giặt giũ, giúp trông con, cho bú sữa… suốt ngày, tối đêm nữa.

-      Thế cháu đã quen mọi việc rồi chứ?

-      Vâng, cũng may cháu ở với anh chị chủ này… Được bà bác đến chỉ bảo, hướng dẫn mọi việc nên cháu làm tốt hết, nhanh chóng, gọn ghẽ…

-      Thế thì được anh chị chủ tín nhiệm lắm nhỉ?

-      Vâng, cháu được quan tâm đối xử tốt lắm. Đi đâu chơi phải đi cùng để trông em bé… như người nhà… mà toàn đi ô tô ấy nhé? Cứ ở nhà quê thì cả đời chả biết câí ô tô là gì.

-      Hàng tháng cháu được “trả lương” bao nhiêu?

-      Trước thì 2 triệu, đầu năm nay được tăng lên 2 triệu rưỡi, có nhà đã tăng lên 3 triệu rồi, nhưng tiền lương cao cũng nhiều việc và trách nhiệm cũng phải cao hơn đấy ạ.

-      Thế các chế độ khác thì sao? Quần áo, đồ dùng ấy?

-      Hàng năm cháu được mua mấy bộ quần áo mặc thường ngày thôi. Mà cũng chả cần áo váy đẹp đâu. Có khi nào mà mặc. Cứ thế này là tốt rồi.

-      Mà này, cháu có cái điện thoại di động cũng mốt đấy chứ?

-      Vâng mỗi khi anh chị chủ thay điện thoại thì lại cho cháu cái cũ. Mà cũ đấy còn khối đứa mơ cũng chả thấy ấy chứ!

-      Thế cháu thường gọi và nhắn tin cho ai?

-      Thì mấy đứa cùng hội ô sin trên này. Gọi cho bố mẹ cháu, anh em họ hàng cũng lên đây đi làm. Mấy đứa lớn hơn cháu thì gọi cho mấy anh cùng làng, hẹn hò vui lắm…

-      Thế tiền điện thoại ai cho?

-      Cháu mua thẻ nạp. Anh chị chủ cũng cho mỗi tháng 50 ngàn để kiên lạc hỏi han tình hình nhà chứ. Mấy đứa lớn là có “nhà tài trợ” đấy bác ạ.

-      Nhà tài trợ là thế nào?

-      Ôi bác ở trên trời xuống à? Thì nạp thẻ hộ ấy mà, cứ gọi và nhắn tin thoải mái.

-      Thế ô-sin cũng sướng nhỉ?

-      Thì như là thành viên trong gia đình mà. Nhà nào có điều kiện thế nào thì mình cũng được sống theo hoàn cảnh ấy. Chúng cháu là ô sin làm công việc đơn giản thôi chứ ô sin bây giờ cũng hiện đại lắm bác ạ. Có người làm lái xe, đưa đón con chủ nhà đi học, đưa vợ đi chợ, lo giải quyết mọi việc nhà… được trả lương hơn 10 triệu ấy chứ.

-      Thế cháu có ý định làm ô sin mãi không?

-      Biết đâu sau này cháu sẽ học tiếng Anh, vi tính và sẽ có cơ hội thành quản gia cho các nhà doanh nghiệp ấy chứ. Làm được ô sin cao cấp thế còn mong gì hơn nữa.

-      Bây giờ nhu cầu xã hội cần nhiều người giúp (NGV) việc mà.

-      Vâng, nhà nào không thuê được NGV cũng vất vả lắm ạ. Nhà hàng xóm cháu ấy, anh chị ấy cưới nhau được hơn năm, sinh con thì bố mẹ già thành ô sin luôn. Các cụ già rồi phải làm hết mọi việc như ô sin nên vất vả lắm. Đúng như là mẹ cháu vẫn nói: nước mắt chảy xuôi… Bố mẹ già nghỉ hưu rồi mà có được nghỉ ngơi đâu. Anh chị ấy đi làm về sẵn ăn, lại rủ nhau đi chơi bạn bè, con cái giao phó hết cho bố mẹ già.

-      Thế sao các cụ ấy không tìm ô sin cho con?

-      Không dễ tìm được NGV như ý đâu ạ. Có người chỉ được ba bảy hai mốt ngày là chán nhau ngay. Nhiều ô sin nấu ăn, giặt giũ không như ý chủ nhà. Tay chân đang nấu bếp, làm cá tanh ngoéo lại cứ thế bế con người ta, ai mà chịu được. Lắm chuyện lắm chứ không đơn giản đâu bác ạ.

-      Chuyện gì kể bác nghe thử xem nào?

-      Ô sin cũng có lắm kiểu lắm ạ. Có chị giáo viên dạy ở trường đại học ấy, sắp đi học ở nước ngoài, về quê tìm một chị ô sin 19, 20 tuổi rõ xinh… lên giúp trông con và trông ông xã luôn ấy. Người ta bảo sao lại đem mỡ để miệng mèo thế chị ấy bảo thì đằng nào con mèo nhà chị ấy cũng đi ăn đâu đấy, cứ mang “mỡ sạch” về để ngay miệng cho nó ăn lại yên tâm hơn.

-      Nhiều trường hợp đi về mất luôn chồng ấy chứ?

-      Cháu nghe thấy nói chả ông nào lại bỏ vợ con đi theo ô sin đâu. Chị ấy về giải tán ngay, cho chút vốn liếng về lấy chồng làm ăn ở quê rồi. Mà bác ạ, nhiều chị chủ nói thà rằng chồng mình đầu gối tay ấp với những phụ nữ thông minh thì đã đành, đằng này ông ấy lại “ăn ngủ” với ôsin “dở hơi” thì thực sự không hiểu nổi đàn ông nghĩ thế nào nữa đấy. Sau này cháu có gia đình, cháu làm lấy mọi việc, không thuê ô sin đâu.

-      Mà ô sin cũng hay thay đổi chủ lắm phải không?

-      Thì lâu quá không tăng lương là có chuyện ngay ấy mà.

-      Đứa bạn cháu làm cho nhà ở cầu thang cuối kia kìa. Mấy năm mà chủ nhà chả quan tâm đến tăng lương cho nó. Có nhà mới ở cầu thang bên cạnh cần người, nhờ một đứa đánh tiếng mời nó với mức lương cao hơn hẳn 1 triệu thế là nó bỏ ngay...

-      Không có lý do gì à?

-      Đơn giản lắm bác ạ. Bảo chủ nhà cũ là bố mẹ ốm phải về chăm. Vài hôm nhắn tin không lên được nữa và hôm sau đã thấy nó xuất hiện ở cầu thang bên cạnh rồi mà. Cháu thấy người ta nói đấy là cơ chế thị trường gì đấy bác ạ.

-      Mà này, bác thấy nói nhiều vụ gia đình rắc rối với ô sin lắm đấy nhé?

-      Vâng, cháu biết một trường hợp ô sin có thai với ông chồng sau một lần bóp đầu bóp trán cho ông chủ. Bà chủ đã giải quyết êm đẹp và cho về quê nhưng từ đấy 2 người lạnh lùng với nhau lắm. Chị ấy không thể quên được nỗi ám ảnh dù trong thâm tâm đã tha thứ cho chồng. Bác biết không? Nhiều ông chồng trả lương cho ô sin ở nhà nghỉ hàng tháng nhiều gấp mấy lần mức công khai với vợ ấy chứ.

-      Mà gần đây cũng có chuyện ô sin bị hành hạ tàn nhẫn lắm đấy, cháu có nghe thấy không?

-      Vâng có vụ phải ra tòa đấy. Chủ nhà bị phạt 18 tháng tù kia mà. Hành hạ dã man, bắt ăn phân trẻ con... Kinh khủng!

-      Nhiều nhà khó khăn mà không dám thuê ô sin đấy cháu ạ.

-      Thì có nhà thuê ô sin già cho an toàn thế mà vẫn có chuyện đấy. Có bà ô sin gần 50 tuổi vẫn nhì nhằng với ông chủ, còn bà già hơn gần 60 thì ông nội thằng cháu lại siêng đến thăm cháu để chuyện trò với bà ấy! Thế là cũng vẫn lại có chuyện.

-      Xem ra câu chuyện ô sin của cháu chẳng có hồi kết nhỉ?

-      Vâng, cuộc sống phức tạp mà bác. Cháu thấy nhiều điều mà chán. May mà nhà cháu làm chưa có chuyện gì xảy ra...

- Cháu có mong ước gì không?

-      Cháu thấy người ta tuyển ô sin đi làm ở Hàn Quốc, Đài Loan ấy. Nghe có vẻ sướng lắm, lương cao trả bằng ngoại tệ. Đi làm vài năm có chút vốn về buôn bán gì đấy ở quê cũng được bác ạ.

-      Chẳng phải chỉ toàn điều tốt đẹp đâu.

-      Vâng, cháu cũng biết có người bị hành hạ, bị làm vợ hờ và có trường hợp bị hành hạ đánh đập đến chết... về nước trong lọ tro đấy ạ. Thôi cháu cứ làm thế này vài năm nữa... sau hãy hay.

-      Thế có tiết kiệm giúp bố mẹ được nhiều không?

-      Thì cháu cũng phải tiết kiệm để có ít tiền về quê làm ăn. Khi nào ở nhà có việc hiếu hỉ cháu cũng giúp bố mẹ một ít. Bố mẹ cháu còn khỏe nên chưa phải lo mà. Tết về cháu cũng mua quà cho mọi người, mua áo cho bà cháu, đưa tiền cho mẹ sắm Tết. Tết vừa rồi cháu mua cho bố một bộ com-lê đồ cũ, diện vào oách ra phết nhé, nhất cả họ luôn.

-      Ôi, cháu phải về nấu cơm đây, sắp mưa phải thu quần áo nữa. Hôm nay cháu sẽ nấu món canh cua đồng như bác tư vấn nhé. Hôm nào cháu sẽ hỏi anh chị ấy cho phép cháu vào mạng và đọc bài bác đăng trên Tác Phẩm Mới nhé.

-      Ừ, cám ơn cháu. Cháu thành ô sin “quý tộc” rồi!