Dieu bat ngo o Giai dieu tu hao

Chương trình âm nhạc “Giai điệu tự hào” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, phát trên VTV1 đêm 25/1/2014 tạo ra dư luận nhiều chiều trong đông đảo khán giả. Cách thức tổ chức của chương trình như thế này: trên sân khấu, các ca khúc kinh điển của Việt Nam được các ca sỹ trình bày trước hai hội đồng bình luận và bình chọn với sự phản biện trực diện, cởi mở của các thành. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc đua thắng – thua như những sân chơi ca nhạc khác.

Hội đồng bình luận cao niên – trung niên bao gồm: Nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Giáo sư – NSND Trung Kiên; Giáo sư Văn Như Cương; Giáo sư – Bác sĩ – Nhà giáo Nhân dân Trần Quán Anh; Đạo diễn Đặng Nhật Minh; Diễn viên Minh Châu; Nhà thơ – Nhạc sĩ Thụy Kha; Nhà văn Trần Thị Trường.

 

Hội đồng bình luận trẻ tuổi bao gồm: Nhà văn Trang Hạ; Nhạc sĩ Trần Lập; Ths - Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh; Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương; Nhà báo Quỳnh Hương; Nhà báo Ngô Bá Lục; Nhạc sĩ Dương Cầm; MC Danh Tùng; Ca sĩ Minh Quân; Diễn viên Diệu Hương.

Chương trình phát sóng đầu tiên có chủ đề “Bài ca năm tấn” gồm các ca khúc: Cô thợ hàn (sáng tác của Thịnh Trường, do Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn); Tôi là người thợ lò (sáng tác của Hoàng Vân, do NSND Quang Thọ biểu diễn); Những ánh sao đêm (sáng tác của Phan Huỳnh Điểu, do Đức Tuấn biểu diễn và băng âm thanh của NSND Quốc Hương); Bài ca năm tấn (sáng tác của Nguyễn Văn Tý, do ca sỹ Tân Nhàn biểu diễn); Quảng Bình quê ta ơi(sáng tác của Hoàng Vân do Ca nương Kiều Anh cùng Tốp chèo biểu diễn).

Khi NSND Quang Thọ biểu diễn ca khúc “Tôi là người thợ lò”, ống kính camera  cận cảnh, đặc tả cảm xúc những khán giả đủ lứa tuổi say mê đắm đuối hát theo Quang Thọ, khiến ngực tôi cồn lên náo nức. Tôi đã nghe NSND Trần Khánh, NSND Quang Thọ, các ca sỹ như Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Đăng Dương, Tuấn Anh và cả những thợ mỏ hát ca khúc này hàng trăm lần trên đài phát thanh, trong các hội diễn văn nghệ quần chúng của ngành Than, trên sân khấu ca nhạc của các đoàn văn công chuyên nghiệp, trên ti vi, thậm chí cả trong các quán nhậu, vậy mà lần nào tôi cũng thấy như mới, xúc động khôn nguôi. Tôi cho rằng, “Tôi là người thợ lò” là tráng ca của thợ mỏ; hay nhất trong những ca khúc về thợ mỏ.

Tại Chương trình nêu trên, các thành viên trong Hội đồng bình luận cao niên – trung niên đều đánh giá cao giá trị nghệ thuật và nhân văn của ca khúc “Tôi là người thợ lò”. Giáo sư - NSND Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin nhận xét, đại ý, ca khúc “Tôi là người thợ lò”, giả dụ nếu bỏ đi phần lời thì nó (ca khúc) vẫn là một tác phẩm  đỉnh cao trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

GS-NSND Trung Kiên vừa dứt lời thì phía Hội đồng bình luân trẻ tuổi, Ths - Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh “phang” lại, đại ý, vị Thạc sỹ - bác sỹ này không đồng ý với nhận xét của NSND Trung Kiên và Nhạc sỹ Thụy Kha – tức là không nhất trí với  các ông già, đã quá đề cao “Tôi là người thợ lò”. Anh ta cho rằng, “Tôi là người thợ lò” chẳng qua là ca khúc mang tính thời sự, tuyên truyền cổ động phong trào sản xuất, động viên người  thợ hầm lò vất vả…

Sau khi xem chương trình trên, tôi gặp một số khán giả nhắc lại ý kiến của bình luận của vị Ths- bác sỹ Tăng Hà Nam Anh, liền bị  phản ứng gay gắt, thậm chí có người còn phẫn nộ. Rằng, một ca khúc ra đời cách đây 54 năm, có khi còn hơn tuổi của của vị bác sỹ kia, vậy mà sức sống của nó vẫn mãnh liệt, vẫn làm lay động hàng triệu trái tim khán giả, sao anh ta lại cho rằng nó mang tính thời sự, tính phong trào! (thực tế, qua bình chọn hôm đó, ca khúc này đạt số phiếu bình chọn cao nhất). Lại rằng, một trí thức mà cảm thụ âm nhạc như thế thì khác nào đám trẻ cổ xúy cho thứ âm nhạc giải trí lai căng; thì thứ âm nhạc giải trí, giá trị tư tưởng và thẩm mỹ thấp kém lấn át giá trị âm nhạc đích thực là điều không có gì ngạc nhiên; thì nền âm nhạc Việt Nam ngày càng…giật lùi chẳng có gì lạ!

Đó là bình luận của khán giả dành cho vị Ths- bác sỹ kia. Còn người viết bài này - là nhà báo lâu năm trong ngành, từng làm thợ lò, từng chỉ huy sản xuất trong hầm lò tôi thấy như bị tổn thương. Lâu nay, trên các báo, ti vi, hình ảnh bao trùm của thợ lò là gương mặt lấm than bụi, mồ hôi ướt đẫm quần áo; là sự cố chết người, là cứu hộ. Chẳng lẽ thợ lò chỉ có vậy sao? Vậy, cuộc sống của họ, nỗi lo toan của họ, buồn vui của họ và cả bi kịch của họ ra sao? Chẳng lẽ thợ lò không có gì đáng để khắc họa hình tượng nghệ thuật hay sao; đến nỗi, một trong số ca khúc hiếm hoi ngợi ca phẩm chất của họ mà có người vẫn còn nghi ngờ? Chẳng lẽ, hàng triệu thế hệ thợ mỏ hầm lò Việt Nam đổ mồ hôi và máu cho nền công nghiệp Việt Nam vẫn không thể làm rung động trái tim của nghệ sỹ để tác phẩm của họ thăng hoa hay sao?

Chợt nhớ, có lần, chúng tôi trong đoàn nhà văn vào lò ở độ sâu âm 175 mét thuộc Xí nghiệp than Thành Công. Khi lên mặt đất, nhà văn Lê Hồng Nguyên (vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam) bất ngờ rằng: “Chúng tôi mới chỉ đi bộ có mấy trăm mét trong hầm lò, chẳng phải làm gì mà đã nhọc thế này. Vậy mà  suốt bốn năm nay, các anh thợ lò ở đây không những đi lại vất vả mà còn đào hơn tám cây số đường lò; mỗi mét lò tốn từ 30 đến 200 triệu đồng vẫn chưa lấy được than. Thế mà lâu nay tôi cứ tưởng, than có sẵn trong lòng đất, cứ xúc lên mà bán”.

Còn chúng tôi lại bất ngờ rằng: Từ nhiều năm nay, ngành Than đã tổ chức cho hàng trăm đoàn văn nghệ sỹ thâm nhập thực tế sáng tác trong hầm lò; tổ chức hàng chục trại sáng tác văn học, nghệ thuật; hỗ trợ nhiều tỷ đồng cho văn nghệ sỹ công tác phẩm. Nhưng từ cổ đến kim, nền văn học nghệ thuật nước nhà chưa có tác phẩm nào viết về đời sống lao động trong hầm lò với nhân vật trung tâm là người thợ lò. Các nhà văn từng làm thợ mỏ, đã có những tác phẩm đồ sộ về vùng Mỏ như Võ Huy Tâm, Võ Khắc Nghiêm, Nguyễn Sơn Hà, Sỹ Hồng, Trần Tâm v.v nhưng viết về cuộc sống lao động trong hầm lò thì chưa. Một số nhà văn, nhà báo cũng có những bài ký về hầm lò; Nhà văn Nguyễn Sơn Hà có truyện ngắn “Gió tươi” nhưng mờ nhạt, không  có sức sống.

Tập đoàn Vinacomin đang tập trung xây dựng nguồn nhân lực, trong đó nhiệm vụ cấp bách hành đầu là tuyển dụng, nâng cao đội ngũ và chất lượng thợ hầm lò. Nếu Tập đoàn không chủ động trong công tác truyền thông; để dư luận hiểu sai lệch, méo mó về hình ảnh người thợ lò thì hậu quả khôn lường. Bài học về sự cố truyền thông Bô- xít Tây Nguyên vẫn còn đó…

(Viết cho Tạp chí Vinacomin)

Ảnh: Ths – bác sỹ  Tăng Hà Nam Anh, bên trái, hàng trước