Vẻ đẹp trong bài thơ "Nói với con" của Nhà thơ Y Phương

Y Phương tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, người dân tộc Tày, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948, quê ở làng Hiếu Lễ xã Lăng Hiếu huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Năm 1968 Y Phương tham gia quân đội năm. Năm 1981 ông chuyển về công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin Cao Bằng. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1988. Năm 1993 ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Hiên nay ông sống và viết tại Hà Nội. Thơ Y Phương thể hiện cách cảm, cách nghĩ chân thật, mạnh mẽ, trong sáng, cách diễn tả bằng hình ảnh của người miền núi phía Bắc. Ông được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987, 1992; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Các tác phẩm chính gồm có: Tiếng hát tháng giêng (thơ -1986), Lửa hồng một góc (thơ - 1987, viết chung), Lời chúc (thơ - 1991), Đàn then (thơ - 1996), Chín tháng (trường ca 2001).

 

 

BÀI THƠ: NÓI VỚI CON

(Y Phương)

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con!

Bài thơ “Nói với con” được sáng tác vào năm 1980. Nói về bài thơ, Y Phương bảo: “Đó là lời tâm sự của tôi với đứa con gái đầu lòng. Tâm sự với con còn là tâm sự với chính mình” và ông cũng cho biết thêm: “cái lý do lớn nhất để bài thơ ra đời chính là lúc tôi dường như không biết lấy gì để vịn, để tin. Cả xã hội lúc bấy giờ đang hối hả gấp gáp kiếm tìm tiền bạc. Muốn sống đàng hoàng như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hóa. Phải tin vào những giá trị tích cực vĩnh cửu của văn hóa”. Những lời “gan ruột” về hoàn cảnh ra đời ấy cũng chính là cái chìa khoá giúp cho người đọc thấy được chiều sâu với những vầng sáng lung linh mang đậm sắc màu văn hoá miền núi của tác phẩm.

Y Phương sáng tác bài thơ theo thể tự do, cách diễn đạt linh hoạt, trong sáng, giàu hình ảnh. Bố cục bài thơ gồm có hai đoạn rõ ràng, mạch lạc. Giữa các câu trong đoạn và giữa hai đoạn thơ trong bài có sự hiệp vần với nhau chặt chẽ tạo nên sự thống nhất hài hoà trong cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm. Đoạn thứ nhất nói cội nguồn sinh dưỡng: con lớn lên trong tình yêu thương, nâng đỡ của cha mẹ và sự đùm bọc nghĩa tình của quê hương (cái nôi sinh thành và nuôi con khôn lớn). Đoạn thứ hai nói về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ cùng truyền thống văn hoá của quê hương và lòng mong mỏi con sẽ giữ gìn, kế tục xứng đáng những vẻ đẹp ấy (vẻ đẹp quê hương và lòng ước mong). Bố cục này giúp cho tứ thơ phát triển một cách hợp lí, tự nhiên. Từ tình cảm gia đình tứ thơ mở rộng ra tình yêu quê hương đất nước; từ những tình cảm ấm áp, yêu thương rất thân quen, gần gũi của mỗi mái ấm gia đình tứ thơ nâng lên thành ý chí, nghị lực để thúc giục mỗi con người. Có thể nói những điều Y Phương nói với con thì không mới nhưng cách nói giản dị, mộc mạc, giàu hình ảnh và có tính khái quát, theo lối tư duy của đồng bào miền núi Đông Bắc thì khá lạ. Chính những tâm tình thiết tha và sự sáng tạo nghệ thuật này đã làm cho bài thơ dễ đi vào lòng người, lắng đọng trong lòng người và sống mãi với thời gian.

1.     Cái nôi sinh thành và nuôi con khôn lớn.

Đoạn thơ thứ nhất Y Phương đã nói với con hai điều: con được sinh ra, lớn lên trong vòng tay yêu thương, đùm bọc, che chở của cha mẹ và quê hương. Nhà thơ nói với con những điều ấy bằng một lối tư duy rất giàu hình ảnh và mang đậm chất miền núi. Cách tư duy này được hiển hiện rõ ràng trên bề mặt của bài thơ và gây ấn tượng mạnh mẽ tới trực quan của người đọc. Trước hết, nó được thể hiện ở tính nhạc của lời thơ. Giống như nhiều bài thơ khác của Y Phương, nhạc tính ở bài thơ này giống như những thanh âm hoang sơ, chậm chạp, nhẩn nha, trầm tư quen thuộc của núi rừng và gợi lên những liên tưởng thú vị trong trí tưởng tượng của người đọc: “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ/ Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước tới tiếng cười”. Đó là những câu thơ ngắt nhịp 2/3 với phần lớn là thanh trắc (16/20) cộng hưởng với nghệ thuật điệp ngữ và đối ý (chân phải - chân trái, một bước - hai bước, cha - mẹ, tiếng nói - tiếng cười) đã dựng lên hình ảnh một đứa trẻ bi bô tập nói đang đi những bước chập chững đầu tiên trong vòng tay âu yếm, yêu thương, che chở của gia đình. Cái độc đáo ở đây là bước chân chậm chạp, khó khăn của đứa trẻ và niềm vui của cha, mẹ được hình dung trong các số đếm “một bước”, “hai bước” và âm thanh vui vẻ, rộn ràng của những “tiếng nói”, “tiếng cười”. Người đọc như hình dung thấy đứa trẻ đang lẫm chẫm bước đi một cách đầy phấn khích vì được cha, mẹ đang nhiệt tình dõi theo và cổ vũ. Mỗi bước đi của đứa bé là một dấu mốc về sự “trưởng thành” trong tâm trí của cha, mẹ. Ở đây có một liên tưởng thoạt nhìn tưởng rất phi lí nhưng ngẫm sâu lại thấy rất hợp lí. Đó là những bước đi của đứa trẻ vốn hữu hình nhưng lại chạm được tới những cái vốn vô hình “tiếng nói”, “tiếng cười”. Thì ra Y Phương đã “lạ hoá” ngôn ngữ, tư duy theo lối thơ tượng trưng để hữu hình hoá cái vô hình nhằm diễn tả một khung cảnh gia đình đầm ấm yên vui. Hình như mỗi khi đứa trẻ chập chững bước tới chỗ cha hoặc mẹ thì không gian của ngôi nhà bỗng vang lên những tiếng nói, tiếng cười. Cái không khí ấy thể hiện sâu sắc niềm vui của cha mẹ khi thấy đứa con yêu thương của mình đang từng ngày lớn dậy. Cách nói giản dị, mộc mạc nhưng cụ thể và giàu hình ảnh này gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác ấm áp, một không khí đầm ấm, quấn quýt, ngập tràn yêu thương của các thành viên trong gia đình. Đây chính là cái nôi gia đình. Cái nôi ấy là cội nguồn đầu tiên của mỗi con người. Cái nôi đầm ấm, hạnh phúc ấy sau này ta lại thấy trong những bài thơ khác của ông. Đó là hình ảnh người cha trong công việc nội trợ đang mong ngóng con đi học về: “Hôm nay con học muộn chưa về / Cha ủ nồi cơm, nấu nồi canh /  Nước đã réo năm lần bảy lượt / Cha lắng tai nghe / Tiếng chân con / Chạy vù vù rơi bình bịch / Cha đợi chờ mong khắc nữa chắc là con đến” (Chờ con). Hay là lời căn dặn đầy lo lắng cho con của người cha khi con vào lớp ba:  “Sớm mai con vào lớp ba / Lớp ba đằng sau nhà ta / Leo hết dốc là con đến lớp / Đêm nay cha chong đèn ngồi thức / Làm cách nào để dốc thấp hơn / Không rắn rết không gai góc bất chợt dọc đường / Nhưng có điều làm cha lo hơn tất cả / Người bây giờ / Đừng cãi nhau đừng đánh nhau nghe con / Cô lỡ quát về với cha hãy khóc / Con có đói, áo con có rách / Đừng xấu hổ con ơi cứ đi mà học / Chữ của người đời không phân biệt giàu nghèo” (Sớm mai con vào lớp ba). Đứa trẻ lớn lên đâu phải chỉ có cái nôi của gia đình mà còn có cả cái nôi của quê hương nữa chứ! Bởi thế trong bài thơ Y Phương mới kể cho con: “Người đồng mình yêu lắm con ơi/ Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát/ Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng. Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới/ Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”. Nếu gia đình là cái nôi nhỏ của mỗi con người thì quê hương là cái nôi lớn bao bọc nhiều cái nôi nhỏ. Kết nối hai cái nôi yêu thương ấy, nhà thơ đã gợi lên trong lòng người đọc về mối quan hệ của gia đình với quê hương. Con lớn lên trong vòng tay âu yếm chăm sóc của cha mẹ nhưng cũng là trưởng thành trong bầu “khí quyển” của quê hương: cuộc sống lao động, truyền thống văn hoá, thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương. Tiếp tục mạch tư duy bằng cảm xúc giàu hình ảnh cụ thể, chân thực theo lối nói, cách nghĩ của người miền núi, Y Phương đã làm sáng lên vẻ đẹp sống động của cái nôi quê hương. Nói về cái nôi lớn yêu thương này Y Phương tập trung vào ba hình ảnh: con người – thiên nhiên – ngày cưới. Nói với con về con người của quê hương, Y Phương sử dụng rất hay cụm từ “người đồng mình”. Cách gọi này rất “mộc” nhưng chan chứa tình thương yêu. Nó có nghĩa là người làng mình, người vùng mình, người miền quê mình, người dân tộc mình. Nhắc về những con người của quê hương Y Phương thấy “yêu lắm”. Nhà thơ đã chỉ cho đứa con yêu quí của mình thấy cái đáng yêu của “người đồng mình”. Họ yêu lắm bởi họ có đôi bàn tay rất chăm chỉ, tài hoa và một tâm hồn rất phong phú. Câu thơ của Y Phương chỉ dừng lại miêu tả ở hai hình ảnh chỉ hai hoạt động của con người quê hương nhưng đã chạm tới cái huyệt nhạy cảm nhất của con người miền núi: “Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát”. Hình ảnh “Đan lờ cài nan hoa” thật sinh động. Nó vừa miêu tả một dụng cụ quen thuộc trong lao động sản xuất của người miền núi (cái “lờ” để đánh bắt cá được đan bằng những nan tre vót tròn) vừa gợi lên sự chăm chỉ cần cù lao động của người miền núi (sản xuất dụng cụ đánh bắt cá và hoạt động đánh bắt cá). Còn hình ảnh và âm thanh “Vách nhà ken câu hát” lại gợi lên nhưng sinh hoạt văn hoá của người miền núi. Đó là những buổi hát then vui vẻ, rộn ràng, náo nức bên vách nhà sàn, dưới đêm trăng hay các dịp lễ hội hè. Như thế “Vách nhà ken câu hát” là một yếu tố văn hoá phi vật thể. Chỗ này Y Phương đã muợn phong tục văn hoá của dân tộc mình để thể hiện. Bởi thế người miền núi đọc câu thơ này thì không thể không liên tưởng tới cuộc hò hẹn của những đôi trai gái diễn ra rất nên thơ. Chàng trai ngồi ngoài vách, cô gái ở bên trong vách, hai người hát cho nhau nghe, họ có thể hát “tràn đêm đến sáng bạch”. Chưa hết, cái nôi lớn ấy không phải chỉ có truyền thống lao động sản xuất và truyền thống văn hoá mà còn có cả thiên nhiên giàu có thơ mộng và cuộc sống nghĩa tình của những con người nơi sơn thẳm xa xôi. Rừng núi thì cung cấp cho con người cây gỗ, rau măng và những đoá hoa đẹp đẽ ngát hương còn “con đường” lại “cho những tấm lòng” để làm đẹp thêm cuộc sống. Câu thơ “Rừng cho hoa” thì đã rõ nghĩa nhưng “Con đường cho những tấm lòng” thì hiểu như thế nào đây? Câu thơ trừu tượng, mơ hồ nhưng lại diễn tả sâu sắc cái tình quê. Người Tày sinh sống nơi sơn cao núi thẳm không chỉ gắn bó, hài hoà bên núi rừng tươi đẹp mà còn quan hệ thân thiết với nhau. Con người nơi đây sống rất đỗi bình dị và luôn chan hoà yêu thương. Họ gắn kết với nhau để cùng sinh tồn giữa nơi vách đá dựng ngang trời. Họ không bao giờ để cho con đường mòn trong bản, liên bản bị che lấp bởi bờ lau, cây dại. Họ lại càng không bao giờ để con đường dẫn lên cầu thang nhà mình bị cỏ cây che lấp. Cho nên con đường đó không chỉ là con đường đi mà còn là con đường nghĩa tình, con đường kết nối yêu thương. Câu thơ có điệp từ “cho” (động từ chỉ sự trao tặng, dâng hiến) đi cùng với hai biểu tượng “rừng” và “con đường” diễn tả sinh động về sự hào phóng, nghĩa tình của con người và thiên nhiên quê hương. Nói với con về “con đường” ấy hẳn nhà thơ đâu muốn con chỉ nhìn ra hình ảnh của cái “Con đường bỗng dưng quanh/ Bỗng dưng quành/ Bỗng dưng co mình lên núi vắng” (Những con đường núi) mà còn hướng con về cái kỉ niệm đẹp đẽ nhất trong đời của mình. Đó là hình ảnh “ngày cưới”. Kỉ niệm “đẹp nhất trên đời” của Y Phương gắn với quê hương. Bởi thế nói với con về quê hương chắc hẳn nhà thơ muốn đưa đứa con yêu dấu của mình trở về với mạch nguồn yêu thương của làng quê. Mạch nguồn “chùm kế ngọt” ấy là nơi khởi đầu cho mỗi cuộc đời, cho những tình cảm thương yêu. Trong những tình cảm ấy có lẽ “ngày cưới” là ngày đẹp đẽ nhất, ngày mà không thể nào quên. Nói với con về cái ngày đẹp nhất của đời mình, Y Phương như nhắc nhở con biết trân trọng, yêu thương, thuỷ chung với cái cội nguồn đầy ân tình ân nghĩa với mình và với cả con yêu nữa. Ba hình ảnh: con người – thiên nhiên – ngày cưới thoạt nhìn tưởng như rất rời rạc chẳng liên quan gì với nhau nhưng nghĩ kĩ thì lại rất tập trung. Nó đều là những hình ảnh kết tinh rực rỡ nhất trong cảm xúc thăng hoa của thi sĩ: con người của quê hương vừa chăm chỉ vừa tài hoa; thiên nhiên của quê hương vừa hào phóng vừa thơ mộng; hoài niệm đẹp đẽ của cuộc đời là ngày cưới. Người cha Y Phương như đang cộng hưởng tất cả những cái gì tinh tuý nhất của mình và quê hương để thức dậy trong đứa con tình yêu thương, thuỷ chung và gắn bó với cội nguồn sinh dưỡng. Cái nôi lớn ấy là cội nguồn của cái nôi nhỏ. Nhà thơ “Nói với con” để cho con hiểu và nhớ về sự may mắn ấy. Con may mắn được sinh ra và lớn lên trong sự bao bọc của quê hương, dân tộc. Cái may mắn ấy không phải chỉ có con mà ngay cả cha mẹ cũng được thừa hưởng. Nhắc nhở, dặn dò con về cội nguồn, về truyền thống tốt đẹp của quê hương hẳn là Y Phương muốn con khắc cốt ghi xương để yêu thương và gắn bó.

2.     Vẻ đẹp quê hương và lòng mong ước

Là một người con của dân tộc Tày, sống gắn bó sâu nặng với cái bản (làng) Tày ở vùng thung lũng Cô Sầu, Y Phương đã từng tự hào giới thiệu với mọi người về cái nơi chôn nhau cắt rốn của mình rằng: “Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt/ Có niềm vui lúa chín tràn về/ Có tình yêu tan thành tiếng thác/ Vang lên trời/ Vọng xuống đất”. Đó là cái làng Hiếu Lễ, huyện Trùng Khánh mãi tít trên Cao Bằng xa xôi, nơi phên dậu phía Bắc của tổ quốc. Làng ấy hiện lên thật mộc mạc, chân thành những rất đỗi thiêng liêng. Tha thiết một tình yêu quê hương như thế nên những hình ảnh về thiên nhiên và phong tục của cái bản Tày ấy cứ lặng lẽ thấm sâu vào hồn thơ của Y Phương một cách rất tự nhiên nhưng vô cùng mãnh liệt: “Tết đến làng/ Eng éc tiếng lợn kêu/ Thụp thùm chày giã gạo/ Ơi ới người gọi người/ Khắp cánh đồng râm ran tiếng núi/ Tết đến nhà/  Lá vừa thơm/ Hoa vừa non/ Quả vừa giòn/ Con cái nhà ai đi ngang qua e thẹn/ Tết vào nhà/ Bố lửa cười/ Cột nhà hồng/ Con dao cái cuốc nghỉ chơi ăn bánh/ Tết ở lại/ Mưa sương như hoa rơi/ Trời dần ấm/ Rừng đào ló lé nụ/ Muôn mặt cười” (Mặt hồng cười). Bởi vì tha thiết với xứ sở dân tộc mình nên nhịp tim thầm kín của Y Phương lúc nào cũng thăm thẳm một một tình thương da diết: “Người đồng mình thương lắm con ơi”. Yêu lắm, thương lắm nên cũng tự hào lắm. Tự hào cũng phải thôi vì sức sống mạnh mẽ, bền bỉ và truyền thống văn hoá đẹp đẽ của quê hương cứ bền bỉ âm thầm tồn tại theo thời gian. Thế nên nhà thơ cũng khát khao mong ước đứa con yêu dấu của mình sẽ giữ gìn, kế tục xứng đáng truyền thống ấy, vẻ đẹp ấy.

Mở đầu đoạn thơ thứ hai nhà thơ lại lặp lại câu thơ “Người đồng mình thương lắm con ơi” (khác với câu thơ trong đoạn trước một chữ “yêu” bằng “thương”). Nghệ thuật điệp ngữ  đã nhấn mạnh được cảm xúc đang trào dâng trong tâm trạng nhà thơ trước bao nỗi niềm thiêng liêng, da diết của quê hương. Tiếng lòng nhà thơ như đang thổn thức với nhưng cơn “nấc” yêu lắm, thương lắm trước cái “đẹp” và cái “khó” của quê hương. Đặt bài thơ vào thời điểm ra đời, như lời nhà thơ đã từng nói: “cả xã hội lúc bấy giờ đang gấp gáp tìm kiếm tiền bạc. Muốn sống đoàng hoàng như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hoá” (Theo TT&VH online, ngày 15/6/2008) thì lời nhắc nhở con đáng trân trọng biết bao. Nhà thơ tiếp tục “Nói với con” về những cái “đẹp” của người “đồng mình”. Cái “đẹp” đó là nghị lực và ý chí của con người quê hương: “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”. Nhà thơ đã dùng cái cao của trời và cái xa của đất làm thước đo nỗi buồn và ý chí vươn lên. Nét đặc sắc ở đây là tác giả đã dùng những cái vô cùng của thiên nhiên để thể hiện tầm kích chí hướng của con người. Câu thơ cô đúc, đăng đối, chắc nịch như câu tục ngữ đã diễn tả một cách mạnh mẽ, dứt khoát một thái độ, một phương châm ứng xử rất đẹp của con người xứ núi: dẫu gian khó nhưng con người nơi đây không vì thế mà dời bỏ quê hương, ngược lại họ tìm mọi cách để thích nghi với cái khó, cải biến cái khó như cây rừng đã từng sinh sôi phát triển trên núi đá, xanh tốt trong thung, trong khe. Tiếp tục mạch chảy của cảm xúc ấy, Y Phương đã dùng một loạt các hình ảnh gợi cảm để nói về quê hương và nhắc nhở con rằng: “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn/ Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc”. Các hình ảnh: sống trên đá, sống trong thung, như sông như suối, lên thách xuống ghềnh gợi lên trong người đọc một cuộc sống đầy gian khổ của “người đồng mình”. Và trong những hình ảnh ấy có lẽ hình ảnh của đá là ám ảnh nhất. Nó vừa gợi lên cuộc sống cực nhọc nhưng cũng lại gợi lên cái thế ngẩng cao đầu trên đá của con người. Hình ảnh của đá trong bài thơ này lại làm ta nhớ đến hình ảnh đá trong những bài thơ khác của Y Phương (Thơ Y Phương có rất nhiều hình ảnh của đá). Hình ảnh đá đó đã hiện lên như một nỗi ám ảnh không nguôi. Nó là nỗi niềm trăn trở đau đáu của nhà thơ về cuộc sống áo cơm nghèo khó: “Đi từ mùa khô/ Đến hết mùa mưa/ Chỉ thấy đá/ Đá lởm chởm/ Đá thu lu/ Đá hun hút” (Những người thấp bé) “Những hòn đá héo/ Dầm chân suối reo/ Như anh/ Dầm chân trong đời nghèo” (Những hòn đá héo) “Dẫu em qua một vùng toàn đá/ Đá lô nhô như sóng triều dâng/ Em có buồn? Sao em bâng khuâng/ Quê hương mãi nghèo thế ” (Tiếng hát tháng giêng). Trở lại với bài thơ, Y Phương gợi lên cái khó, cái khổ của quê hương không phải để nhắc con biết “thương” mà cao hơn thế là dạy con biết vượt lên những cái “khó”, phát huy cái “đẹp” của quê hương. Đó là sự cần cù, tinh thần lạc quan, ý chí không lùi bước trước khó khăn. Điệp ngữ “sống”,“không chê - không lo” không phải nhấn mạnh cái khó, cái khổ mà nhấn mạnh lời dạy con phải có ý chí nghị lực vươn lên; không sợ khó không sợ khổ, không được coi khinh quê hương, dân tộc. Từ lời dạy đó Y Phương muốn con phải gắn bó, thủy chung với quê hương.

Tiếp tục cái mạch tâm tình ấy, ở phần cuối của đoạn hai lời dặn dò của người cha tha thiết hơn và cũng nghiêm khắc hơn. Vẫn là cách nói hình ảnh quen thuộc của người miền núi nhưng ý thơ ở đây mang đậm màu sắc triết lí: “Người đồng mình tuy thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”. Sự “thô sơ da thịt” là hình thức bề ngoài còn “chẳng mấy ai nhỏ bé” là nội dung. Bề ngoài thì mộc mạc, thô sơ nhưng bên trong là ý chí, nghị lực phi thường; là sự tự trọng và niềm kiêu hãnh vĩ đại. Bằng cách diễn đạt tương phản giữa nội dung và hình thức Y Phương đã thể hiện một sức mạnh tiềm tàng của những con người quê hương. Đó là sự phi thường của con người quê hương “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục”. Câu thơ thật đặc sắc, đầy tự tôn dân tộc. Đây là câu thơ tả thực nhưng rất gợi cảm. Câu thơ  ấy gợi cho người đọc về một nét văn hóa của người miền núi. Đó là họ đẽo đá kê chân cột nhà, làm lối đi… Từ hình ảnh cụ thể này nhà thơ chuyển sang nghĩa khái quát “kê cao quê hương” để chỉ ý thức, tinh thần xây dựng quê hương. Bằng sự nhẫn nại hàng ngày những con người lao động thô sơ da thịt ấy đã làm nên quê hương, làm nên truyền thống, làm nên phong tực. Sự tôn vinh quê hương có thể nói là vô cùng sâu sắc. Bốn câu thơ cuối hình ảnh “người đồng mình” “thô sơ da thịt” lại được lặp lại. Sự lặp lại này là mượn cái hình thức giản dị bề ngoài của quê hương để gợi nhớ đến truyền thống vĩ đại của quê hương qua đó nhằm nhắc nhở, nhắn nhủ, thể hiện mong muốn con sau này lớn khôn, trưởng thành, dù đi khắp phương trời nhưng “không bao giờ nhỏ bé” ngược lại phải làm được những điều lớn lao, sống cao thượng cho xứng đáng với truyền thống của quê hương, cái nôi lớn của mình.

Bài thơ “Nói với con”, với Y Phương đó không chỉ là nhưng tâm sự của người cha với con về một vùng quê dù có nhiều cái đẹp nhưng cũng còn không ít vất vả và gian khó mà hơn thế là ông muốn truyền lại cho con một tình yêu, một nghị lực và khát vọng vươn lên để khắc phục và dựng xây mảnh đất có cái tên làng là Hiếu Lễ nói riêng và cả cái vùng đất biên cương nơi phía bắc của Tổ quốc thân yêu nói chung. Bài thơ đã không những góp phần làm giàu bản sắc văn hoá Tày mà còn làm phong phú văn hoá Việt Nam nói chung trong thời đại mới.