Tinh thần yêu ước và dân tộc qua “Sông núi nước Nam” và “Bình ngô đại cáo”
Bài thơ "Sông núi nước Nam" tương truyền là của Lý Thường Kiệt và áng thiên cổ hùng văn "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi soạn được coi là những bản tuyên ngôn độc lập của đất nước ta trong hành trình bảo vệ và giữ gìn đất nước. Tư tưởng bao trùm của của hai văn bản này là cảm hứng yêu nước, niềm tự hào về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đặc biệt là ý thức về chủ quyền đất nước và khẳng định quyết tâm bảo vệ sự độc lập về chủ quyền ấy trước những thế lực phong kiến phương Bắc.
TƯ TƯỞNG VÀ NHẬN THỨC VỀ QUỐC GIA, DÂN TỘC QUA
HAI VĂN BẢN "SÔNG NÚI NƯỚC NAM" VÀ "BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO"
Đào Thị Thu Hiền
Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội
Bài thơ "Sông núi nước Nam" tương truyền là của Lý Thường Kiệt và áng thiên cổ hùng văn "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi soạn được coi là những bản tuyên ngôn độc lập của đất nước ta trong hành trình bảo vệ và giữ gìn đất nước. Tư tưởng bao trùm của của hai văn bản này là cảm hứng yêu nước, niềm tự hào về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đặc biệt là ý thức về chủ quyền đất nước và khẳng định quyết tâm bảo vệ sự độc lập về chủ quyền ấy trước những thế lực phong kiến phương Bắc. Gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, trải qua hành trình giữ nước và dựng nước, qua hai bản tuyên ngôn độc lập "Sông núi nước Nam" và "Bình Ngô đại cáo", chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự phát triển của tư tưởng và nhận thức về dân tộc (quốc gia) của các nhà thơ, đồng thời cũng là những nhà chính trị ưu tú bậc nhất của Việt Nam trong các thời đại phong kiến.
Theo lịch sử ghi nhận, vào cuối năm 1076 và đầu 1077 hơn 10 vạn quân Tống do tướng Quách Quỳ chỉ huy đã ồ ạt xâm lược nước ta. Với tư cách là Thái úy phụ quốc, Lý Thường Kiệt đã cho dựng phòng tuyến phòng thủ trên sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), đoạn từ phía nam chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu để ngăn chặn và tiêu diệt hỏa lực của kẻ thù nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho kinh thành Thăng Long. Để động viên và khích lệ quân sĩ trên trận tuyến chống quân thù đồng thời cũng để uy hiếp, cảnh báo kẻ thù xâm lăng, đêm đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát giả làm thần linh đọc sang sảng, vang vọng bài thơ “Sông núi nước Nam”: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ (bản dịch của Lê Thước – Nam Trân, Thơ văn Lý Trần, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977). Có lẽ, vượt ra ngoài suy nghĩ chủ quan của tác giả, bài thơ không chỉ là một vũ khí tâm lý đối với hai phía ta và địch mà đã trở thành một bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Và thực tế, lịch sử cũng đã ghi nhận đây là bài thơ có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước Việt Nam. Có thể thấy, dời quân thành Hoa Lư về định đô ở Thăng Long không chỉ là tầm nhìn xa trông rộng của nhà Lý mà còn thể hiện sự vững mạnh, tự tin về mọi mặt của Lý Công Uẩn trước mọi thù trong giặc ngoài nhằm chủ động xây dựng một quốc gia Đại Việt. Trong tâm thế ấy, nhận thức về dân tộc và sự độc lập chủ quyền quốc gia đến lúc này hẳn đã được mọi thần dân ý thức rất rõ, nhất là trước những toan tính của kẻ thù phương Bắc. Với vai trò là người thống lĩnh toàn quân, đứng trước hiểm họa an nguy của bách tính, hơn ai hết Lý Thường Kiệt càng ý thức sâu sắc được điều này. Bởi thế, trên trận tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã chỉ ra cho kẻ thù thấy được những điều phải trái mà đội quân của những kẻ tự nhận là "thiên tử" đang vi phạm một cách nghiêm trọng vào "sách trời" (thiên thư). Tuy còn mang màu sắc thần bí, trừu tượng nhưng trong bản tuyên ngôn này Lý Thường Kiệt cũng đã xác định được một cách rõ ràng về khái niệm quốc gia, dân tộc trên hai phương diện lãnh thổ (sông núi) và thể chế - chính quyền (vua Nam) trong lịch sử thành văn của nước ta. Với những điều này, chúng ta có thể thấy đây là sự trưởng thành to lớn về ý thức dân tộc trên hành trình dựng nước và giữ nước. Trong đêm trường của gần một ngàn năm Bắc thuộc, các thế hệ người Việt Nam trên mọi vùng miền của đất nước đã không chịu khất phục, không ngừng vùng lên chống lại ách đô hộ với dã tâm thôn tính của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Năm 938, với chiến thắng trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đặt dấu chấm hết cho mưu đồ bá vương của "thiên tử" phương Bắc. Lịch sử dân tộc được sang trang mới nhưng nội chiến lại liên tục diễn ra và chỉ chấm dứt dưới thời Lý Công Uẩn. Trách nhiệm tận cùng với đất nước, khác với các hai triều Đinh - Lê, Lý Thái Tổ mong muốn làm sao để “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh" nên đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La bởi ở đó mới là trung tâm của trời đất (đất nước) với bốn bề rộng lớn, bát ngát; thế đất cao, thoáng mà bằng phẳng; có sông nhìn ra phía trước, núi tựa phía sau thật là tiện nghi sau trước, đắc dụng về phong thủy; muôn vật tốt tươi, phồn thịnh. Và chỉ trong bầu "khí quyển" ấy thì quan niệm về quốc gia, dân tộc mới được ý thức và thể hiện một cách rõ ràng. Do đó Lý Thường Kiệt thể hiện một quan niệm về quốc gia, dân tộc không một chút băn khoăn, ngần ngại: "Sông núi nước Nam vua Nam ở". Cái lẽ thường giản dị, ai cũng hiểu này thực tế không đơn giản đối với đất nước ta. Để giành được cái quyền được ở trên đất của mình ấy, dân tộc ta đã phải đứng lên đánh đuổi quân xâm lược Trung Hoa trong suốt gần một ngàn năm Bắc thuộc như đã nêu ở trên. Phải đặt bài thơ trong bối cảnh đó thì mới thấy được sự quí giá, thiêng liêng của cái chân lí “hiển nhiên và đơn giản” ấy. “Quốc” là “nước” nhưng bọn phong kiến phương Bắc chỉ dùng từ này để gọi đất nước của bọn chúng mà thôi còn với nước ta chúng chỉ coi là quận, huyện của “Bắc quốc”. Cũng tư tưởng ấy vua Trung Hoa tự coi mình là “Hoàng đế”, cho mình cái quyền làm vua của các vị vua. Bởi vậy vua của đất nước Trung Hoa mới được gọi là “đế” (Hoàng đế) còn vua của Việt Nam chỉ được gọi là “vương”, vương là vua của nước chư hầu và do Hoàng đế Trung Hoa phong cho (chúng phong cho Đinh Bộ Lĩnh tước Giao Chỉ quận vương hoặc sau này phong tước cho Lý Anh Tông là An Nam quốc vương…). Tuy nhiên đến thời kì này, với sự lớn dậy mạnh mẽ của dân tộc Đại Việt về mọi mặt, với sức mạnh của một người vừa dạy cho kẻ thù một bài học (sự kiện Đại Việt vừa đem quân đánh phủ đầu nhà Tống tới tận Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) Lý Thường Kiệt đã đủ tự tin, vững vàng để dõng dạc tuyên bố về sự bình đẳng cũng như độc lập chủ quyền của đất nước Đại Việt với Tống triều. Lý Thường Kiệt xưng “Nam quốc” là để khẳng định sự ngang hàng với “Bắc quốc”, “Nam đế” là sự khẳng định ngang hàng với “Bắc đế”. Với sự khẳng định về sự bình đẳng dân tộc này Lý Thường Kiệt đã thể hiện đầy đủ về ý thức quốc gia, thể hiện một chiều sâu về nhận thức: nước Việt Nam vua Việt Nam ở, vua Việt Nam cũng có nghĩa là nhân dân Việt Nam (theo quan niệm thời phong kiến thì vua là tiêu biểu cho dân tộc, cho nhân dân; là người đại diện cho dân tộc, cho nhân dân).
Trải qua quá trình phát triển của đất nước, nhận thức về quốc gia, dân tộc của Lý Thường Kiệt ở trên sau này đã được Nguyễn Trãi kế thừa, bổ sung trong một tuyên bố khá đầy đủ về một quan niệm quốc gia, dân tộc trên cơ sở khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước với nhà Minh trong “Bình Ngô đại cáo”: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có (bản dịch của Bùi Kỉ và Bùi Văn Nguyên, Giảng văn, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1969) Như chúng ta đã biết, sau công cuộc kháng Minh vĩ đại, đất nước lại độc lập, vào tháng Chạp năm Đinh Mùi (đầu năm 1428), thay mặt Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã viết "Bình Ngô đại cáo" để thông báo cho toàn thể nhân dân trong nước biết cuộc kháng chiến chống giặc Minh đã hoàn toàn thắng lợi, đất nước đã được độc lập trở lại thanh bình. Và áng thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi cũng đã đi vào lịch sử thành văn của dân tộc Việt Nam như là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai. Trong bản tuyên ngôn này Nguyễn Trãi đã đưa ra một quan niệm về quốc gia, dân tộc gồm có sáu thành tố: lãnh thổ, thể chế, văn hóa, phong tục, lịch sử, nhân dân (đại biểu ưu tú là các nhân tài/ hào kiệt). Như vậy, so với quan điểm của Lý Thường Kiệt ta thấy khái niệm về quốc gia, dân tộc đến đây đã Nguyễn Trãi được bổ sung thêm bốn thành tố mới: văn hiến, phong tục, lịch sử, nhân dân. Có thể nói đến "Bình Ngô đại cáo" quan điểm, nhận thức về quốc gia, dân tộc đã được Nguyễn Trãi phát biểu một cách rõ ràng, cụ thể và khá toàn diện. Và nhận thức đúng đắn ấy đã trở thành một cơ sở quan trọng cho cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, đồng thời cũng là để vạch trần âm mưu xâm lược, vô đạo của nhà Minh đối với đất nước ta, nhân dân ta.
Trở lại với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, như chúng ta đã biết, sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 cho đến khi nhà Minh xâm lược nước ta vào năm 1407, nước Đại Việt đã có một quãng thời gian độc lập dài lâu. Trong khoảng thời gian này, toàn thể đất nước ta dưới sự chỉ đạo của các triều đại phong kiến khác nhau đã tích cực bắt tay vào xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Việt của mình. Theo đó mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa đã được củng cố và phát triển. Là một trí thức đỉnh cao của thời đại, Nguyễn Trãi đã kết tinh được những tinh hoa văn hóa, đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn của cuộc kháng chiến chống Minh nên khái niệm về quốc gia, dân tộc mà ông đã nêu là một nhận thức khá đầy đủ, rõ ràng. Về vấn đề này năm 1913, Stalin cũng đã từng đưa ra một định nghĩa như sau: “Dân tộc là một khối cộng đồng người ổn định được thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, lãnh thổ, sinh hoạt kinh tế và tâm lý biểu hiện trong cộng đồng văn hoá". Như thế, định nghĩa về dân tộc của Stalin gồm có 4 thành tố: kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, tâm lý. Đặt vào hoàn cảnh lịch nhất định, ta thấy ở châu Âu lịch sử hình thành các quốc gia có một sự góp phần không nhỏ của quá trình thống nhất thị trường, sự hình thành của các tập đoàn kinh tế trong đó có sự tập trung tư liệu sản xuất và tích tụ tư bản vào một số ít người. Còn ở Việt Nam, cho đến thế kỉ XV, sự hình thành quốc gia, dân tộc chủ yếu trên cơ sở của tinh thần đoàn kết chống lại những kẻ thù xâm lăng và các thế lực thiên nhiên khắc nghiệt. Trong hoàn cảnh ấy ta không thể đòi hỏi ở Nguyễn Trãi những điều gì hơn. Ngoài những điều đã nói, so với Stalin chúng ta thấy quan niệm của Nguyễn Trãi ngoài những thành tố trùng hợp còn có nhiều thành tố khác mà Stalin chưa đề cập được. Do vậy, có thể nói với quan niệm về quốc gia, dân tộc của mình như thế Nguyễn Trãi là người đầu tiên đưa ra một khái niệm khá đầy đủ, hoàn thiện và đây cũng là một đóng góp của Việt Nam vào kho tàng lí luận, tư tưởng của thế giới mà ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.
Qua hai văn bản tuyên ngôn độc lập "Sông núi nước Nam" của Lý Thường Kiệt và "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, chúng ta thấy đồng hành với lịch sử giữ nước là quá trình trưởng thành của tư tưởng, nhận thức về quốc gia, dân tộc của người Việt Nam. Những nhận thức ấy ngày càng được bổ sung, hoàn thiện đầy đủ giúp chúng ta ý thức rõ ràng hơn về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; làm cơ sở để chúng ta khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia, đoàn kết dân tộc xây dựng đất nước. Đồng thời đó cũng là một đóng góp quí báu vào di sản lí luận, tư tưởng về quốc gia, dân tộc của nhân loại.