Hội chứng “Đường cong mềm mại”

Khi Hà Nội giải tỏa để làm mới một con đường, vì những lý do khác nhau người ta đưa ra một thuật ngữ “Đường cong mềm mại”. Ai cũng hiểu đây là cách nói lấp liếm, che giấu một ý đồ không thẳng thắn, nhưng không ai ngờ được rằng cách nói ngụy tạo ấy lại trở thành một hội chứng, để rồi đây đó người ta tận dụng tối đa cho các tình huống biến xấu thành tốt.

 

Một cai xây dựng ở tỉnh nọ phổ biến cho nhóm thợ của mình rằng: Các anh phải xây cho thẳng. Xây không thẳng thì phải trát vữa cho thẳng. Trát không thẳng được thì chí ít cũng phải là “Đường cong mềm mại” thì gia chủ mới có thể chấp nhận được (!)

Một thầy thuốc bó ống xương chân bị gãy cho bệnh nhân. Không hiểu quá trình bó bị can lệch hay do sự vận động thiếu giữ gìn của bệnh nhân mà đến ngày tháo băng chân của bệnh nhân bị cong. Nạn nhân phải tập đi bằng cái chân vòng kiềng. Thầy thuốc động viên: Bất cứ công việc sửa chữa nào cũng có những dung sai nhất định. Chân bác bây giờ có dáng “Đường cong mềm mại” trông lại đẹp và vững vàng  như chân của các cầu thủ bóng đá vậy (!).

Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Trãi thẳng thắn, to và rộng. Đường bộ ở dưới thì thẳng nhưng đường trên cao thì ngoằn ngoèo uốn lượn, trông rất thiếu chuyên nghiệp. Khi được hỏi thì có một thợ đã trâng tráo giải thích thế này: Chính cái “đường cong mềm mại” uốn lượn trên cao thế  này đang làm tăng thêm vẻ đẹp cho phố phường của Thủ đô Hà Nội đấy (!).

Tôi cho rằng chính tác giả đưa ra khái niệm biện bạch “Đường cong mềm mại” trên cũng không lường hết được ảnh hưởng xấu và lâu dài của cách nói biến báo này. Mới hay:

Lời hay vang vọng rất xa

Lời bẩn tồn đọng thối tha lâu bền