Bớt nghi ngờ lại đi
Nhàn đàm: Ngô cũng già rồi, chắc Ngô đã có thể nói về điều này mà không ngần ngại. Thú thật, đây là vấn đề Ngô rất muốn bàn từ vài năm trước, nhưng Ngô lại e dè những cái nhíu mày, đành thôi. Đêm qua rồi cả sáng nay, Ngô soi gương rất kỹ, thấy râu đã cứng hơn, thấy tóc đã hoa râm nhiều hơn. Con trai lớn của Ngô đã có thể hát trọn vẹn từ Hò kéo pháo cho đến Năm anh em trên một chiếc xe tăng rồi cả Tiến quân ca… Suy xét nhiều chiều, Ngô đã cảm thấy can đảm hơn.
Với lại, Ngô cũng già rồi. Ngô cứ phải lập đi lập lại câu khẳng định này như là một sự bảo chứng cho câu nói của Ngô, “Bớt nghi ngờ lại đi”.
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.
Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.
1. Vừa rồi, ở Quảng Nam – có anh thanh niên tuổi đã ba mươi được đề bạt làm Phó Giám đốc một Sở trực thuộc UBND Tỉnh. Anh thanh niên này là trưởng nam của ông Bí thư Tỉnh ủy.
Có liên quan giữa chức vụ của ông bố và vị trí của ông con hay không?. Ngô cho là có.
Thế nhưng, điều quan trọng hơn chính là đám đông chưa chứng minh được sự không có khả năng của anh thanh niên thì đã vội vã hồ nghi, tại là con của bí thư mới được thế này chứ không thì làm sao mà được như thế.
Tư duy này, chính xác rồi. Ngô không tranh luận, với lại có mỗi mình Ngô thì Ngô cũng không cãi lại rất (quá) nhiều người.
Ở nước mình, không chỉ mỗi có anh thanh niên con của ông bí thư tỉnh là được đề bạt vào vị trí lãnh đạo năm ba mươi tuổi. Có cô con gái của ông Ủy viên cũng thành sếp lớn nhất của một tập đoàn kinh tế, có con trai của ông Bí thư Huyện đang ngấp nghé tước ngôi của ông Chủ tịch xã ở một vùng ở miền Tây… Nhiều lắm, nhiều không kể xiết. Chỉ nội đọc báo không đã thấy đầy ra đấy rồi, huống hồ là những chuyện đang diễn ra mà báo chí không sờ mó đến.
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà tiền nhân tự thuở xa lắc lơ đã đùa, “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa ra quét lá đa..”.
Tuy nhiên, Ngô vẫn tin rằng cuộc sống chỉ tốt đẹp hơn nếu chúng ta minh bạch. Minh bạch trong câu chuyện này chính là hãy xét về năng lực trước khi truy nguồn gốc.
Bạn đọc thương mến của Ngô, Ngô biết là bạn đọc đang rất cáu Ngô khi Ngô viết những dòng này. Ngô lại càng biết, đây không phải là lần đầu tiên bạn đọc cáu Ngô đâu. Nhưng tính Ngô xưa giờ là vậy, Ngô không nghĩ một đằng nói một nẻo được, Ngô chỉ nghĩ sao viết vậy (hẳn là, nói điều này không phải là tự hào vì mình hồn nhiên chủ nghĩa, chẳng qua là Ngô biết nên viết cái gì và nên tránh cái gì mà thôi).
Ngô nghĩ, người ta có quyền đứng trên đôi vai của người khổng lồ khi người ta có điều kiện. Cái này, Ngô nói rất thật tâm của Ngô.
Chúng ta không thể yêu cầu mọi người có một xuất phát điểm như nhau, đây là điều hết sức vô lý. Ngô thấy ở nước ngoài, cha làm Tổng thống rồi đến phiên con làm Tổng thống, cha làm Thủ tướng rồi đến lượt con làm Thủ tướng… chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng có điều, người ta minh bạch hơn mình chăng?.
Không có nhẽ là vậy, mà cũng có thể là vậy. Theo quan điểm của Ngô, bản chất của vấn đề chính là những người kế nhiệm đã làm được gì cho đám đông, cho xã hội, cho người dân? Mà muốn có cơ hội để những người mà những cá nhân hết sức bình thường như chúng ta muốn chứng kiến, thì phải để cho họ thời gian để chứng minh.
Hãy cho người ta thêm thời gian, Ngô nghĩ vậy. Bởi rằng, cảm xúc là thứ rất dễ đánh lừa nhận định.
2. Ngô biết, có những thiếu gia con nhà quan nhân, chuyên môn giỏi nhất là phá của, chuyên môn giỏi nhì là phá uy tín của gia đình, chuyên môn giỏi thứ ba là phá phách theo lối cậy thế làm càn. Cái này thì không chỉ là thiếu gia con của quan nhân, ngay cả lái xe, thư ký hay người giúp việc của quan nhân vẫn hành xử theo lối “Ông chủ là quan nhân, tôi tớ cũng thành thần”.
Thế nhưng, Ngô không cho tất cả con cái của quan nhân đều như vậy. Ít ra, theo sự hiểu biết của Ngô, theo những gì Ngô đã chứng kiến thì cũng có những thiếu gia con của quan nhân học cao hiểu sâu, cung kính khiêm nhường, vừa có kiến văn, vừa có năng lực.
Ngô vẫn hy vọng đến một ngày nào đó, chúng ta hoàn toàn thoát khỏi tư duy con của quan nhân thì ăn chơi, con của nhà giàu thì đổ đốn, chỉ có con của người nghèo là luôn vượt khó siêng năng.
Tất nhiên là con của người nghèo vượt khó siêng năng rất đáng trân trọng, bất cứ ai vượt qua được hoàn cảnh của mình đều đáng trân trọng cả. Ngay cả khi, sự bất hạnh mà cá nhân phải vượt qua do chính cá nhân tạo nên cũng đáng trân trọng. Ví như một anh chàng ham chơi vướng nghiện ngập, rõ ràng nghịch cảnh này là do chính anh chàng tạo nên, nhưng bằng quyết tâm của mình, anh chàng đoạn tuyệt được với con đường nghiện ngập thì đã là vô cùng đáng trân trọng rồi.
Dẫu vậy, điều này không có nghĩa công tử của quan nhân hay thiếu gia của nhà giàu mà học giỏi, đỗ đạt thì chúng ta không đáng trân trọng. Trong chúng ta, phần nhiều (phần nhiều không phải là tất cả, xin lưu ý) đều được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, đều được thầy cô truyền đạt kiến thức một cách nhiệt thành nhưng tại sao chúng ta cũng không được đỗ đạt như công tử của quan nhân hay thiếu gia của nhà giàu.
Đúng là, có bột thì dễ gột nên hồ. Nhưng đâu hẳn cứ có bột gột được nên hồ đều là chuyện giản đơn như trở bàn tay.
Có lần, Ngô ngồi chơi với thiếu gia con nhà giàu, Ngô cực choáng với tư duy lẫn sự hiểu biết của thiếu gia. Thiếu gia trao đổi với người Anh bằng tiếng Anh dứt câu thì đến lượt thiếu gia trao đổi với người Nhật bằng tiếng Nhật… Thật, Ngô chưa thấy ai trên thông thiên văn dưới tường ngôn ngữ như thiếu gia ấy. Không chỉ vậy, thiếu gia còn nói rành rẽ về đồ công nghệ, về siêu xe cho đến cả văn chương. Không chỉ có thiếu gia này thôi đâu, Ngô còn biết ít nhất là hơn một cơ số thiếu gia khác cũng giỏi sêm sêm như vậy.
Nhìn thiếu gia vừa giỏi vừa sang trọng, vô cùng thú vị. Từ thiếu gia, Ngô biết vài công tử của quan nhân. Họ giỏi chỉ có hơn chứ không kém thiếu gia, Ngô thập phần ngưỡng mộ.
Sự ngưỡng mộ rất thành tâm.
3. Ngô trở lại cái chuyện công tử nhà quan nhân được đề bạt làm lãnh đạo. Ngô biết trong hệ thống cơ quan Nhà nước đang tồn tại một thực tế rất đáng chua xót. Đó là tình trạng giữ ghế.
Khi còn là nhân viên, cá nhân làm việc rất chuyên cần, mẫn cán, thậm chí làm việc rất nên được gọi là siêu năng lực. Ấy vậy mà khi làm lãnh đạo thì khác ngay. Đụng đâu cũng sợ, đụng đâu cũng ngại. Đúng như, “Loay hoay sợ áo hoàng hoa/ Vướng vào rào giậu thế là đi tong”.
Có anh nhân viên xưa giỏi là thế, xưa hay là vậy. Lên đến quan nhân rồi, miệng chỉ lẩm bẩm mỗi câu duy nhất, “Phải an toàn, phải an toàn”. Lại có anh nhân viên, lên làm quan nhân xong chỉ có nhiệm vụ duy nhất là khen quan nhân ở tầm cao hơn. Chán không thể tả được.
Chính vì sợ trách nhiệm, sợ áo hoàng hoa rách nên có làm việc gì ra hồn đâu. Cứ loay hoay bên này, loay hoay bên kia. Xưa thì băm bổ, nay thì nhút nhát. Xưa thì đập tay cái làm ngay, nay thì đập tay xong ngồi xuống. Thậm chí, thấy có anh nhân viên nào như mình ngày trước thì cũng hốt hoảng, cứ sợ cái tay nhân viên kia làm gì ảnh hưởng đến mình thì toi luôn cả tôi lẫn ông. Lâu dần, hình thành nên một sự trì trệ khủng khiếp.
Nên Ngô rất có hy vọng là công tử của quan nhân khi họ lên làm lãnh đạo. Ít ra, họ cũng có một phong thái tự tin hơn, quyết liệt hơn. Ít ra, họ cũng không phải ngại hai từ trách nhiệm. Ít ra, họ có ngã xuống thì người khổng lồ cũng sẽ nâng họ dậy. Ít ra, khi đưa ra một ý tưởng cải cách hay thay đổi, họ cũng không phải ngó tới ngó lui cho đến hết nhiệm kỳ, hay vì sự gièm pha đố kỵ mà phải ném ý tưởng của mình vào miền vô thanh nào đó.
Ngô không lạc quan đến mức cho rằng tất cả công tử của quan nhân khi lên làm lãnh đạo đều như vậy. Vì có lãnh đạo tốt thì cũng có lãnh đạo không tốt, có lãnh đạo làm việc thì cũng có lãnh đạo hưởng thụ, có lãnh đạo có chuyên môn thì cũng có lãnh đạo không có năng lực… Nhưng, như Ngô vẫn thường hay viết, “Còn sống là còn hy vọng”.
Một chốn quan trường thanh tao, thì phải bắt nguồn từ một quan nhân thanh tao. Từ một quan nhân thanh tao, mới có sức ảnh hưởng đến những quan nhân còn chưa được thanh tao lắm. Đấy là nguồn cơn để người xưa răn, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Như ở Đà Nẵng thời cụ Bá còn đương chức vậy, cũng có chuyện này chuyện khác nhưng toàn là chuyện vụn vặt thôi. Cái chuyện làm được hơn hẳn những chuyện chưa làm được, cái chuyện tích cực nhiều hơn trăm lần cái chuyện tiêu cực.
Có lẽ đến đây, thì bạn đọc đã bớt cáu Ngô mà phần nào hiểu được cái tâm ý của Ngô rồi, phải không ạ(?).
Còn sống là còn hy vọng, chỉ là thế thôi.
Nguồn: http://cand.com.vn/
Tin cùng chuyên mục
Dịch "phỏm"
21/04/2015
Làng Văn nghệ quê tôi (Đăng TPM số 5/2013)
20/04/2015
Địa chỉ ăn quà Hà Nội
11/04/2015
BÓI NGHỀ
03/04/2015
Đi tìm lá diêu bông của người Mường Xứ Thanh
23/03/2015