Không phải là sống chết để đỗ đại học mà nên nhớ 'đại học' chỉ là nơi bạn tích lũy kiến thức để thực hiện ước mơ, hoài bão, sứ mệnh cuộc đời bạn. Ngày 8/8 vừa qua, sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố ba mức điểm sàn 2014, các trường lần lượt thông báo điểm chuẩn. Bên cạnh những em đủ điều kiện vào trường học thì cũng còn những em tiếc nuối đành đợi xét tuyển nguyện vọng 2 hoặc chờ sang năm thi tiếp. Trước nỗi buồn của các em, một bức tâm thư với tiêu đề "chúc mừng các em trượt đại học" được chia sẻ trên các diễn đàn gây sự chú ý của nhiều người. Tác giả của lá thư là một kỹ sư trẻ, trong thư anh đưa ra những lời giải thích thấu đáo về bài học đạt được, cùng lời động viên chia sẻ sâu sắc, đánh trúng tâm trạng của những ai trượt đại học.
"Có nhiều em đọc thấy tiêu đề có khi bảo tôi dở hơi, hoặc có vấn đề. 'Tao đang trượt đại học, đang buồn không thiết sống lại chúc mừng!'. Nhưng với trải nghiệm một người từng trượt đại học vì thiếu 0,5 điểm, phải học cao đẳng và ôn thi lại vào năm sau, đã đỗ vào đại học top đầu Việt Nam, đã có bằng kỹ sư, nhưng chưa một ngày dùng đến nó, đã làm rất nhiều ngành nghề, đã tìm hiểu rất nhiều gương thành công và ngâm cứu khá kỹ về khoa học thành công và phát triển bản thân thì với tôi trượt đại học nên đáng chúc mừng hơn.
Tôi biết cái cảm giác chán nản, đau buồn và nhục nhã của các bạn đang gặp phải, tôi cũng gần ứa nước mắt khi ăn liên hoan những thằng học dốt hơn mà thi đỗ. Nếu muốn khóc các bạn cứ khóc đi, khóc thật to, nếu xấu hổ khi gặp bạn bè, thầy cô các bạn có thể nằm ở nhà hoặc xách ba lô đi phượt. Tôi cũng đã như vậy, trùm chăn khóc cả buổi, và một năm không gặp bạn bè, không gặp thầy cô cho đến khi tôi đỗ. Động lực giúp tôi vượt qua khi đó là gì các bạn biết không?
Vào cái buổi đó, cái buổi tôi không bao giờ quên trong đời, cái buổi thằng con trai khóc lóc như con nít. Bố tôi đến bên cạnh tôi nói một câu tôi nhớ mãi: 'Nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất, nước mắt phải chảy vào trong'. Từ đó đến nay với tôi không còn biết đến khái niệm “khóc”.
Nhưng đó là tôi ngày xưa, nếu các bạn đọc được bài viết này các bạn không nên làm như vậy, các bạn không phải tự hành hạ mình, thân thể bạn vô tội... Mà ngược lại các bạn có thể cười lớn, hát vang bởi vì các bạn đang học được những bài học vô giá mà 12 năm qua các bạn chưa từng được học, bài học về hai chữ 'thất bại'.
Bài học lớn:
- Mọi người thường chỉ quan tâm đến kết quả, họ không thèm quan tâm đến bạn học hành vất vả thế nào, thậm chí còn chê bai khi bạn học hành chăm chỉ nhưng vẫn trượt - nhưng đối với bạn quá trình mới quan trọng, nó chính là những bước mà bạn trưởng thành. Kết quả chỉ là hệ quả của quá trình bạn phát triển bản thân.
- Trượt đại học là do bạn chọn chưa đúng trường, ngành nghề, hoặc đa phần do bố, mẹ bắt bạn phải thi trường như vậy hoặc bạn chọn theo xu hướng xã hội, nếu bạn chọn ngành nghề bạn thực sự thích, bạn giỏi tôi nghĩ bạn sẽ không thể nào trượt - nên nhớ trượt đại học không có nghĩa bạn là người thất bại.
- Thế giới không hoàn toàn là ánh sáng và cầu vồng. Nó là một nơi rất khốn khổ và khó chịu, người khác không quan tâm bạn đang khó khăn thế nào, khó khăn nó sẽ đánh gục bạn phải quỳ, và giữ bạn ở đó mãi mãi nếu bạn để nó làm thế. Bạn phải sẵn sàng đối đầu nó, sự cứng cỏi, chịu đựng thế nào khi bạn bị đánh và bạn vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Bạn chịu bao nhiêu và vẫn vững bước đi lên. Chiến thắng được tạo ra là như thế đó.
Bạn phải nhớ điều này: 'Những cây mạnh nhất, khỏe nhất thường sống ở những nơi cằn cỗi nhất'.
- Trượt đại học dạy bạn rằng khó khăn là tất yếu trên con đường bạn đi đến thành công, vinh quang. Đó chính là quy luật đào thải tự nhiên thế giới là sân chơi cho những con người ý chí và nghị lực.
- Khi trượt đại học, khi bạn không còn gì, khi đó bạn biết bạn bè thực sự của mình là ai, ai thực sự quan tâm tới bạn.
- Trượt đại học giúp bạn có thêm thời gian nghĩ bản thân, nghĩ về tương lai của mình, nghĩ về cái mình thích, nghĩ sâu hơn về ngành nghề bạn muốn theo đuổi.
- Bạn nghĩ trượt đại học thì không làm nên việc gì? Bạn có biết Bill Gates bỏ đại học năm thứ 3 sáng lập ra Microsoft, bầu Đức người người có máy bay riêng đầu tiên Việt Nam trở thành doanh nhân sau 3 lần trượt đại học… và còn nhiều tấm gương khác nữa.
Và điều quan trọng nhất đối với bạn, đối với những người thành công:
Không phải là sống chết để đỗ đại học mà nên nhớ “đại học” chỉ là nơi bạn tích lũy kiến thức để thực hiện ước mơ, hoài bão, sứ mệnh cuộc đời bạn. Vì vậy trước khi nghĩ đỗ đại học bằng mọi cách thì bạn nên trả lời câu hỏi: 'Tại sao tôi phải học đại học?'. Nếu không trả lời được câu này bạn thi đỗ rồi cũng phí tiền, phí thời gian, nó là lý do nhiều người làm trái ngành, rồi bỏ đại học giữa chừng.
Vấn đề của bạn bây giờ phải nghĩ sâu, phải tìm hiểu xem bạn thực sự muốn gì, bạn đam mê làm gì, đâu là năng khiếu của bạn và ước mơ, hoài bão của bạn là gì. Hãy đầu tư vào nó, hãy theo đuổi nó, hãy sống với nó, khi bạn tập trung vào nó thì mọi nguồn lực sẽ đến với bạn.
Bạn trượt đại học bạn có thể mất bạn bè, có thể mất danh dự tạm thời... nhưng niềm tin, giấc mơ, hoài bão của bạn không thể mất. Và bạn để lại cho thế hệ sau bạn, câu chuyện như thế nào! Tuyệt vời hay dở tệ tất cả phụ thuộc vào bạn!"
(Nguồn: Ngôi Sao)