Đọc bài thơ "Mừng năm học mới" của Nắng xuân
Tác giả Nguyễn Thanh Toàn bút danh Nắng Xuân, nhà thơ, nhà giáo với phong cách viết hào phóng nhưng vẫn sâu lắng. Thể loại nào cũng để lại những bài thơ mà khi đọc chúng ta không khỏi day dứt, băn khoăn, cảm động đau đáu một nỗi niềm, bởi cái chiều sâu của tư tưởng cũng như cái da diết của tình người, cái mênh mông của kiến thức và cái tâm huyết của một tấm lòng trung hậu, nên ở thơ tác giả luôn có sức cuốn hút, có sự thu phục lòng người khá mạnh.
Hôm nay tôi thử bình một bài thơ đường luật của tác giả Nắng Xuân, đó là bài MỪNG NĂM HỌC MỚI.
Tôi lựa bài này không quan tâm tới việc nó có phải là một bài tiêu biểu xuất sắc trong kho tàng thơ đồ sộ của tác giả hay không, mà là vì nó thể hiện cái hiện tại, cái đang diễn ra trong thời gian gần đây nhất, cái mà người ta quan tâm nhất, cái quan trọng nhất liên quan đến con người trong xã hội. Đó chính là vấn đề gia đình và nhà trường, học vấn và sự nghiệp.
Bài thơ viết ngày 25/8, viết vào lúc hè sắp qua, năm học mới sắp tới nên nó nói lên một không khí náo nức của một năm học sắp bắt đầu. Bài thơ thể hiện bằng thể thơ đường luật, với giọng thơ nhịp nhàng, uyển chuyển truyền tải một cái nôi học đường với niềm bao niềm hy vọng.
Để mở đề bài thơ MỪNG NĂM HỌC MỚI lấy hình ảnh nhân hóa "lả cánh sen hồng" và "chững tiếng ve" để báo hiệu mùa hè sắp qua và một năm học mới bắt đầu.
Lả cánh sen hồng chững giọng ve
Dần trôi kỷ niệm sắp qua hè
Mùa sen nở là vào đầu mùa hạ, đi suốt dọc mùa hạ, hết mùa sen cũng là lúc mùa hạ trôi qua, mùa thu tới, cũng là ngày khai trường sắp đến. Lúc hè về tiếng ve sầu râm ran, hè đi qua tiếng ve sầu cũng dứt, chững lại.
Những hình ảnh này đưa vào bài viết làm bối cảnh hoàn toàn xác thực đễ diễn tả một đầu năm học mới.
Còn nữa, hai câu đề còn gợi lên một sự lưu luyến, luyến tiếc kỷ niệm một mùa sen nở trắng trong tinh khiết mê hồn, luyến tiếc kỷ niệm tiếng ve xuyến xao rộn ràng, luyến tiếc những ngày hè sắp qua bằng cụm từ "dần trôi kỷ niệm sắp qua hè”
Ở hai câu này có những từ ngữ được chọn lọc chuẩn, gợi cảm, gợi hình, thu hút người đọc là từ 'lả', từ "chững", từ 'dần trôi"
Tưng bừng ngõ xóm mây ngừng gợn
Rộn rã sân trường gió thoảng nghe
Hai câu thực này vang lên một âm thanh tưng bừng của ngày khai trường như nắng bừng lên, cảnh vật rộn lên (từng bừng, rộn rã), bầu trời trong trẻo quang đãng không một gợn mây (mây ngừng gợn), không khí trong lành ( gió thoảng).
Ngõ xóm/ sân trường biểu hiện khung cảnh tấp nập của học sinh rộn ràng khắp nơi từ nhà đến lớp là nói lên mối gắn kết giữa nhà trường và gia đình nên đối vậy là ổn.
Mây có dừng lại để nhìn, gió có ngưng động để nghe hay không, tôi không biết nhưng chắc chắc tất cả đang hướng tới ngày khai trường. Trẻ em thì lo lắng, hồi hộp chờ đón ngày hội mới, ông bà cha mẹ thì tất bật lo toan cho con cháu họ...
Hai câu thơ giàu hình ảnh, sống động, biểu hiện nhịp sống rộn rã dưới mái trường, từ ngữ cùng âm hưởng như được bay cao bay xa gợi niềm mơ ước, chứa chan hy vọng. Từ ngữ như một chất liệu bồi đắp tinh thần cho thầy trò bước tới.
Chúng bạn vui lòng trao gửi nghĩa
Thầy cô vững dạ đắp vun lề
Nhà trường là nơi người thầy đến trao kiến thức cho con em chúng ta, con em chúng ta tới để học tập, dựng xây. Học kiến thức, học lễ nghĩa. Nhà trường cũng là nơi đem lại niềm vui, niềm say mê khám phá cuộc sống để phục vụ cuộc sống nên chúng ta “vui lòng” trao gửi tấm lòng, “vững dạ” trao gửi niềm tin vào nhà trường. Tinh thần bất diệt ấy là sự trau dồi cái nghĩa, sự xây đắp cái lề, những trang sách hồng cho tương lai của bản thân cũng như của đất nước. Câu luận là như vậy. Tác giả trọn cặp đối vui lòng/ vững dạ là thỏa đáng, chuẩn xác, chọn lọc. Cặp đối nghĩa/ lề cũng vậy. Cái nghĩa là chữ lễ, cái lề là chữ văn. “Tiên học lễ, hậu học văn” là mục đích của nhà trường gói gọn trong hai câu luận này. Cái nghĩa chúng ta trao nhau, còn cái lề chúng ta giữ gìn vun đắp.
Nghệ thuật ở hai câu này là dùng ngôn ngữ trao đổi giản dị, gần gũi nên có sức thu phục người đọc.
Chào năm học mới cùng nhen lửa
Những lứa măng mầm hẳn vượt tre.
Câu kết “Những lứa măng mầm hẳn vượt tre” thay cho luận đề “Tre già măng mọc”, biểu hiện ý nghĩa từ mái trường, những tài năng sẽ ngày một sinh sôi nảy nở, những thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước…tung cánh vào đời.
Hình tượng TRE và MĂNG, "Tre già măng mọc" là muốn nói thế hệ sau sẽ giỏi hơn thế hệ trước.
Sự thật là thế nhưng đó cũng là niềm tin, khát vọng gửi gắm vào nhà trường, nơi đào tạo nên lớp người kế tục.
TRE và MĂNG là hình tượng cho LỚP TRƯỚC và LỚP SAU
Câu kết này muốn nói lên nếu cả thầy và trò cùng “nhen lửa” trong tâm hồn cho một quyết tâm tới đích thì những kiến thức nhất định sáng rỡ hơn, để lớp lớp người kế tiếp, không những kế thừa người đi trước mà còn vượt lên, sáng tạo không ngừng. Chúng ta luôn chờ đợi những thế hệ “tre già măng mọc” mà.
Tóm lại:
Bài thơ mang một không khí phóng khoáng thể hiện tâm huyết thầy trò trong nhà trường trước ngưỡng cửa năm học mới.
Nhịp điệu toàn bài nhịp nhàng uyển chuyển, bố cục rõ ràng: Đề, thực, luận, kết
Bài thơ thể Ngũ độ thanh, vần tròn, đảo thanh xen kẽ, phối thanh nhuyễn. Phần đối chỉnh. Một lỗi tiểu vận (bừng/ ngừng ở câu 3) nhưng không ảnh hưởng gì đến giá trị bài thơ.
Có 5 cái làm tôi chú ý:
1. Nội dung thể hiện trọn vẹn không khí rộn ràng, tâm tư ước vọng của thầy của trò của gia đình đối với sự nghiệp trồng cây cũng như trồng người.
2. Tác giả dùng ngôn ngữ dễ hiểu, đời thường, giàu hình ảnh, âm thanh rộn ràng
3. Nhịp điệu bài thơ nhịp nhàng
4. Hồn thơ trong trẻo, ý nghĩa sâu lắng
5. Từ ngữ chọn lọc
Bài thơ đã nói lên những điều muốn nói của chính tác giả, một nhà giáo, một nhà thơ.
Đọc bài thơ này, nghĩ sao nói vậy, chưa hẳn tôi đã nói được hết ra những gì cảm nhận được, cũng như những thiếu sót của bài thơ có thể tôi cũng chưa nhận ra vì kiến thức cảm nhận thơ của tôi còn nhiều hạn chế từ vốn sống của mình, nhưng muốn nói mà không nói cũng là một thiếu sót, nghĩ vậy nên tôi mạnh dạn tỏ bày…
Cũng mong được thử một lần được hiểu thơ người khác, và một lần thử bàn luận về thơ đường luật, mong một điều có ích về thơ, về người làm thơ và về người cảm nhận thơ…
Xin được chia sẻ cảm nhận cùng các thi hữu và bạn đọc!
Hoàng Giao
TPHCM
Tin cùng chuyên mục
Lo ngại trước báo dành cho học trò
05/10/2014
Một đề án giáo dục phản giáo dục
17/09/2014
Cháu đến trường
16/09/2014
Ngày mưa thu, ba tiễn con đến trường học mới
08/09/2014