Lo ngại trước báo dành cho học trò

Bữa nọ chị đồng nghiệp nhờ tôi mua hộ cho con gái đang học lớp 2 tờ Thiên thần nhỏ số mới nhất, tôi mới có dịp ra bưu điện, nhân tiện cũng lướt qua những tờ báo yêu thích ngày trước xem có gì. Thực sự tôi bị “sốc”, vì các tờ báo thay đổi về mọi phương diện: đẹp và thu hút, nội dung phong phú. Nhưng điều đáng nói là chúng ngập tràn các chuyên mục “dạy” học trò cách xử lý “tình huống” rất phản giáo dục.

 

 

Nhiều năm học phổ thông, tôi là tín đồ của các tờ báo dành cho tuổi học trò như Mực tím, Hoa học trò, Sinh viên Việt Nam… Ngày ấy cảm động biết bao với những bài học trong sáng về tình bạn, tình thầy trò; ngưỡng mộ những tấm gương vượt khó học giỏi; học được nhiều điều từ những mẩu chuyện giản dị về cách làm người…

 

Sau này học lên đại học, ra trường đi làm, tôi không còn đọc những tờ báo tuổi teen ấy nữa. Bữa nọ chị đồng nghiệp nhờ tôi mua hộ cho con gái đang học lớp 2 tờ Thiên thần nhỏ số mới nhất, tôi mới có dịp ra bưu điện, nhân tiện cũng lướt qua những tờ báo yêu thích ngày trước xem có gì. Thực sự tôi bị “sốc”, vì các tờ báo thay đổi về mọi phương diện: đẹp và thu hút, nội dung phong phú. Nhưng điều đáng nói là chúng ngập tràn các chuyên mục “dạy” học trò cách xử lý “tình huống” rất phản giáo dục. Cụ thể, trong tờ Thiên thần nhỏ (số 185, ra ngày 4/9/2014) có bài “Trường học có điều kỳ diệu” trong đó có “Tuyệt chiêu giảm tải hình phạt”, bày cách cho học trò giả bộ đánh rơi hộp bút làm bút chì, bút mực, thước, gôm văng tung tóe khi bị phạt đứng góc lớp; viết chữ to gấp 10 lần bình thường, khoảng cách giữa mỗi chữ dài một đốt ngón tay khi bị phạt chép bài 10 lần… Tờ Hoa học trò (số 1074, ra ngày 25/8/2014) thì có mục Cao thủ học đường với những ghi chú khá “độc” và “sốc” như: “Dành cho học sinh lười nhưng muốn có điểm đẹp; muốn ăn vụng mà không bị bắt quả tang; muốn được lòng thầy cô mà sức học tàng tàng và muốn làm “thánh” mà không cày ngày cày đêm; chống chỉ định với thanh niên nghiêm túc, học sinh gương mẫu”. Đọc kỹ, tôi “bị choáng” với hàng loạt chiêu trò được hướng dẫn trên báo như: đầu năm đi thỉnh sách cũ của các anh chị học giỏi lớp trên. Sách cũ có ghi chú, có đáp án nhiều câu hỏi khó => dùng để ăn điểm cộng mà không phải suy nghĩ nhiều; canh me thầy cô đến gần chỗ mình thì giả vờ bấm máy tính/ cúi xuống lục cặp/ quay qua bạn hỏi bài, tỏ vẻ chăm chỉ; chuẩn bị cuốn tập trắng nếu hôm nào không làm bài tập thì có cớ nói với thầy cô em vừa thay tập, sẽ bổ sung sau”; hay “trộn bánh tráng trong hộp bút để không ai biết mình đang ăn vụng”…

Cũng trong số báo này còn có “Những điều các game thủ dạy bạn” về cách xử lý tình huống trong giờ kiểm tra như: phản xạ nhanh gọn lẹ (khi thầy cô xuất hiện); làm sao để không đầu hàng (nhận tội) khi bị bắt; phân biệt đâu là bạn xấu, đâu là bạn tốt (trong giờ kiểm tra)…

Một điểm đáng lưu tâm nữa là các tờ báo dành “đất” khá lớn cho phần cập nhật chuyện đời tư của ca sĩ, diễn viên nước ngoài với xu hướng thời trang từ quần áo, đầu tóc rất… “màu mè”. Dường như “tiêu chí” mà nhiều tờ báo hướng đến là những: bí quyết ăn mặc quyến rũ thu hút “đối phương”; cách ăn mặc, trang điểm để trở thành “sao”; những địa chỉ mua sắm hàng hiệu, vui chơi, ăn uống… Ví như chuyên mục thời trang trên báo 2! (chuyên đề của báo Sinh viên Việt Nam số 379) có “Nào xuống phố tuần này” với những chiếc quần “rách bươm”, những bộ áo váy giấu quần ngắn cũn cỡn, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên với những bộ trang phục “mát mẻ” của các người mẫu.

Không thể nói là không có những bài phù hợp xoay quanh các vấn đề của tuổi mới lớn, nhưng cũng ít đề cập đến kiến thức giới tính mà chủ yếu là những câu chuyện “say nắng”, đi tìm nguyên nhân vì sao F.A mãi không “thoát ế” (báo Hoa học trò); chưa kể tờ báo được trình bày rối mắt, nền chữ xanh đỏ tím vàng, hình ảnh chi chít, nhìn thôi đã “tức mắt”.

Với lứa tuổi học trò, việc chính yếu vẫn là học tập. Thiết nghĩ những “tuyệt chiêu” ấy lướt qua thì tưởng như chỉ đùa vui, vô hại nhưng biết đâu chúng sẽ được học sinh “sử dụng” khi gặp tình huống, tạo điều kiện cho sự thiếu trung thực, “thủ đoạn” trong suy nghĩ và hành động… Nỗi lo ngại về lối sống buông thả, chạy theo các giá trị ảo mà đánh mất mình của một bộ phận giới trẻ không nằm ngoài ảnh hưởng từ những tờ báo hiện nay, âu cũng là điều dễ hiểu.

(Nguồn: Văn nghệ Thái Nguyên)