Kỉ vật của bố
Tác giả: Nguyễn Văn Dũng. Sinh 1957. Quê quán: Nga Sơn, Thanh Hóa. Hiện là Giáo viên trường trung học phổ thông Bỉm Sơn. Email: vnvandung23@gmail.com Điện thoại liên lạc: 0913508004 Đây là bài viết về chuyện thật, rất thật: Bố tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ hi sinh năm 1966 tại mặt trận phía Nam hiện chưa tìm thấy mộ chí.
Cuối năm ngoái, một lần mẹ tôi ốm nặng. Một đời lam lũ, nhiều lần mẹ tôi đã thập tử nhất sinh, nhưng tất cả đều đã qua khỏi. Trận ốm lần này, khi mẹ tôi đã gần 80 tuổi, có lẽ chứa nhiều bất thường. Cảm nhận và lo lắng về điều bất thường này, mẹ gọi tôi tới bên giường căn dặn:
- Mẹ muốn trao lại cho con chiếc đồng hồ đeo tay!
- Thì mẹ cứ giữ và đeo ở tay mẹ như lâu nay đi!
Tôi nói với mẹ như vậy, phần vì tôi đã có đồng hồ đeo tay, phần vì chiếc đồng hồ của mẹ thuộc loại cổ, quá cổ, đã phải sửa chữa nhiều lần, đến mức gần đây tôi không thấy mẹ đeo ở tay nữa. Nó đã được gói trong một chiếc khăn tay. Hơn nữa tôi không tin điều bất thường trong sự sống của mẹ tôi.
Giọng yếu ớt, xúc động và tỉnh táo lạ thường, mẹ cho tôi biết:
- Chiếc đồng hồ Ponzot này không phải của mẹ mà của bố con, kỉ vật thiêng liêng của bố con. Nó về với mẹ một đêm tháng 6 năm 1967, khi chính quyền xã nhà tổ chức lễ truy điệu cho bố con.
Tôi bất ngờ và bắt đầu lặng người đi trong những dòng hồi tưởng của mẹ. Bố tôi hi sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống đế quốc Mỹ của dân tộc đã gần 50 năm. Ngần ấy năm qua tôi luôn nhớ bố bằng những dòng hồi tưởng của mẹ. Điều lạ lùng là bố tôi chỉ được mẹ kể lại bằng những câu chuyện đầy xúc động chứ chưa bao giờ bằng các kỉ vật. Càng lớn tôi càng biết kỉ vật của người lính trong chiến tranh ít ỏi quá. Chiếc đồng hồ của bố tôi đang trong tay mẹ. Tôi không kìm được nước mắt.
Giữa năm1965, gia đình tôi tiễn bố đi B trong một căn hầm chữ A bằng một nồi cháo khoai lang pha chút đường đỏ. Ít khi cháo khoai có đường nên ba anh em tôi ăn nhiều và ngon lành lắm Bà tôi đi cắt cỏ bò nhưng là tránh để không nhìn thấy cuộc chia li này. Mẹ và bố không ăn cháo, cứ nhìn nhau, nhìn chúng tôi, đôi lúc cứ như đang bị chi phối bởi tiếng máy bay rít gào.
Hơn một năm sau gia đình nhận được tin sét đánh: bố hi sinh tại mặt trận phía Nam
Tin do một người cháu trong họ, gần bằng tuổi bố từ mặt trận đem về. Người cháu kể: chúng cháu đã chôn cất chú tại một cánh rừng, cạnh một trạm quân y dã chiến. Đơn vị có sơ đồ mộ chí nhưng chúng cháu chỉ biết đó là mảnh đất miền Trung mà chú cùng cả đoàn quân phải hành quân bộ sáu tháng trời mới tới nơi. Không phải là bom đạn mà chính là những cơn sốt rét ác tính đã cướp đi mạng sống của chú. Cùng đơn vị, cháu băng rừng đến trạm quân y thăm chú một chiều tháng 4 năm 1966. Chú cháu gặp nhau mừng lắm. Chú tháo ở tay mình chiếc đồng hồ Ponzot từ miền Bắc đem theo bảo cháu đi đổi trong đồng bào con gà về nấu cháo. Cháu nghĩ phần vì chú cháu lâu ngày gặp nhau, phần vì chú ốm muốn ăn bát cháo gà lấy sức nên đã không ngần ngại cầm chiếc đồng hồ đi ngay. Qua những cánh rừng săng lẻ nhiều cây bom đạn làm cho tan tác, qua con suối nước chảy róc rách, cháu gặp một bản nhỏ của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Gặp một già làng, cháu nói nguyện vọng của người ốm và đưa ra chiếc đồng hồ đeo tay. Nét mặt nghiêm nghị, ông đưa trả chiếc đồng hồ và bảo người con trai tìm bắt con gà trên ngọn cây. Già làng nói: mày về mau đi, bộ đội ốm biết mình sắp chết đấy Con gà này nấu bát cháo ăn để bộ đội đi gặp Giàng đấy. Cháu hiểu nhanh lời già làng, băng rừng băng suối trở về. Chú nhìn con gà cười nhưng sắc mặt yếu ớt lắm. Chờ cháo chín, cháu đưa lại chiếc đồng hồ cho chú. Cầm chiếc đồng hồ, tay chú run run và đôi mắt đẫm lệ. Chú nghe chuyện già làng. Chú hỏi chuyện quê hương. Chú nói, vậy là chiếc đồng hồ này vừa của Liên Xô,vừa của miền Bắc, vừa của già làng. Đôi mắt chú nhìn vào xa xăm, không chớp. Tiếng chú yếu dần và im bặt. Cháu đã vuốt mắt cho chú. Anh em trong đơn vị đã gỡ chiếc đồng hồ từ bàn tay nắm chặt của chú.
Năm1967, chính quyền địa phương báo tin và làm lễ truy điệu cho bố tại gia đình. Tiếng máy bay vẫn gầm rít trên đầu. Mẹ không nghe được tiếng máy bay bởi ngất đi ngất lại. Lế truy điệu bố diễn ra trong một đêm trăng. Thứ ánh sáng này đủ để những người trong buổi lễ nhìn thấy nước mắt trên gương mặt của nhau và cũng đủ để mọi người nhìn thấy chiếc đồng hồ mạ vàng, kỉ vật duy nhất của bố mà đơn vị gửi về.
Mẹ bảo, đã bao nhiêu năm mẹ đeo chiếc đồng hồ ấy và luôn thấy bố bên cạnh. Chiếc đồng hồ đã không còn óng ánh màu vàng tây nữa. Vài chỗ ở các góc cạnh đồng hồ đã bị mòn theo năm tháng. Nó đã phải sửa chữa mấy lần nhưng vẫn chạy, có điều không chính xác nữa. Mẹ mở chiếc khăn mùi xoa, cầm chiếc đồng hồ đưa tôi. Hai tay tôi nâng niu chiếc đồng hồ. Mắt nhoà lệ. Tôi nhìn thấy bố và đồng đội của bố, nhìn thấy già làng và bao nhiêu đồng bào – những người đã thầm lặng đóng góp, hy sinh cho cuộc sống hôm nay.
NVD
Tin cùng chuyên mục
Bến này đục thì neo thuyền bến khác
19/07/2014
Chung mái nhà không chung tiếng nói
14/07/2014
Cô gái làm mọi việc bằng... chân
29/06/2014
Mùa gụ
28/06/2014
Thủy chung với vợ
27/06/2014