Đi tìm “chị Sứ” trong tiểu thuyết “Hòn Đất”
Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang). Ông hoàn thành tiểu thuyết Hòn Đất vào tháng 5-1965. Tác phẩm này đã mang lại cho ông Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu và được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông. Nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết là ai?
Ông Sáu Mỳ - Phan Văn Mỳ (sinh năm 1947, nguyên bí thư Huyện ủy Tri Tôn, nguyên trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy An Giang) - em ruột của anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (Tư Ràng), nguyên mẫu của chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất. Cha mẹ ông có với nhau năm người con, đặt tên: Hai Tỏ, Ba Rõ, Tư Ràng, Năm Nhu và Sáu Mỳ.
Cha ông tham gia kháng Pháp tại quê nhà Lương Phi (Tri Tôn, An Giang) và mất vào năm 1947, khi đó anh Hai và chị Ba của Sáu Mỳ đã thoát ly đi kháng chiến. Tư Ràng lúc ấy mới lên 10, phải làm lụng quần quật phụ mẹ nuôi hai em. Năm 13 tuổi, Tư Ràng tham gia đội thiếu niên cứu quốc tại địa phương.
Cuộc hứa hôn lỡ làng
Trong ký ức của ông Sáu Mỳ, chị Sứ - Tư Ràng là người phụ nữ giỏi giang, đa tài, không nề hà việc gì. Năm năm sau ngày cha ruột qua đời, mẹ chị tái giá với ông Phạm Văn Hổ, giám đốc xưởng công binh 18, chuyên về sửa chữa vũ khí.
Chị Tư Ràng khi ấy gần 16 tuổi đã cùng các em dọn về ở cùng cha dượng trong căn nhà mới dựng đầu kênh Đạo Sáu, thuộc xã Bình Sơn để tiếp tục hoạt động.
Cuộc sum vầy chưa được bao lâu thì cả gia đình chuẩn bị đi tập kết cùng với xưởng 18 theo Hiệp định Genève.
“Chuyến đi có anh Tư Quang (Lê Vinh Quang), phụ trách tài vụ của xưởng 18, đi cùng. Anh ấy là người được cha mẹ tôi chọn, hứa hôn cho chị Tư, đợi hai năm nữa khi chị đủ 18 tuổi sẽ làm lễ cưới. Nhưng rồi tới cận ngày đi đùng một cái má tôi không chịu đi bởi bà đang mang thai người em út Bình Sơn, muốn ở lại giữ nhà chờ cha tôi quay về. Má kiên quyết ở lại, tôi cũng không muốn rời xa má. Chị Tư thấy vậy cũng tình nguyện ở lại chăm sóc má và tôi. Vậy là gia đình tôi chia làm hai. Cha dượng cùng với anh Hai Tỏ và anh Năm Nhu lên tàu ra Bắc; còn má, chị Tư Ràng và tôi ở lại miền Nam. Không ngờ đó là cuộc chia ly định mệnh, bởi sau đó chị Tư hi sinh mà không một lần gặp lại người yêu đã hứa hôn” - ông Sáu Mỳ nhớ lại.
Nhắc lại chuyện này, ông Sáu Mỳ trầm ngâm: Trong truyện và trong phim Hòn Đất, chị Sứ có chồng đi tập kết, chị ở lại nuôi đứa con gái nhỏ.
“Nhiều người cứ tưởng chị Tư Ràng có chồng nhưng không phải vậy, cha mẹ tôi mới đứng ra hứa hôn thôi. Ban đầu khi nghe cha ướm lời giới thiệu anh Quang, chị Tư phản ứng dữ lắm vì tướng mạo anh thấp, lại lớn hơn chị cả chục tuổi, nhưng về sau nhận ra những nét đáng quý ở anh, chị tỏ ra quyến luyến. Suốt gần bảy năm sau ngày chia tay, chị ở Nam, anh ở Bắc, dù không có tin tức nhưng anh chị vẫn đợi chờ nhau. Mãi về sau khi hay chị tôi hi sinh, anh Tư Quang mới lập gia đình ở miền Bắc, về sau anh chuyển vào làm bí thư một quận ở TP.HCM. Năm 2012 khi làm lễ giỗ lần thứ 50 cho chị, huyện Hòn Đất định đón anh về mới hay anh vừa mất cách đó hai tháng!” - ông Sáu Mỳ kể.
Sau cuộc chia tay, chị Tư Ràng cùng mẹ và em Mỳ về Hồng Dân (Bạc Liêu), qua Rạch Sỏi, Hòn Đất, Hà Tiên, rồi về Tri Tôn. Tài sản quý giá nhất lúc nào chị cũng mang theo bên mình là chiếc máy may hiệu Singer cũ trị giá cả trăm đồng mẹ chị đã mua từ số tiền dành để chi xài khi sinh mà ông Hổ để lại trước khi đi tập kết. Nhờ chiếc máy may đó mà chị vừa đánh giặc, vừa lo cho mẹ và em cho tới ngày chị hi sinh.
Hòn Đất bây giờ
Quần tụ trên diện tích vài trăm hecta, khu di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn (Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo) là nơi tiếp giáp giữa biển và đất liền.
Thiên nhiên đã kiến tạo cho các hòn này hệ thống hàng trăm hang, hầm ăn thông với nhau tạo thành thế liên hoàn hết sức lý tưởng cho việc phòng thủ. Bởi vậy trong quá khứ từng có những trận đánh kéo dài nhiều ngày diễn ra nơi đây, trong đó có trận chị Sứ tham gia và hi sinh.
“Ý chí sắt đá và lòng quả cảm cộng với yếu tố địa lợi đã giúp đồng đội của chị Sứ trụ vững và đánh bật đối thủ đông, mạnh gấp trăm lần” - ông Trần Văn Hiền, trưởng Ban quản lý di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn, nói về những chiến công đã đi vào lịch sử.
Hòn Đất bây giờ thật yên bình với những vườn cây trái xanh um. Chúng tôi tìm đến nhà bà Cà Mỵ. Trong tác phẩm Hòn Đất, Cà Mỵ là con bà Cà Sợi và là em ruột của trung úy Xăm, chỉ huy đại đội biệt kích.
Nhưng thực tế ngoài đời bà Mỵ và bà Sợi là hàng xóm, nhà ở đối diện nhau ngay chân núi Hòn Đất, cách hang quân y chỉ độ trăm mét. Ở tuổi ngoài 80, bà Cà Mỵ vẫn khá minh mẫn, nhưng từ mấy năm qua bà đã phải di chuyển bằng đôi tay do bị trật khớp chân phải trong một tai nạn lao động. Chồng bà mất cách đây hơn chục năm.
Không con, không họ hàng, bà sống một mình trong căn nhà tình nghĩa bằng tiền trợ cấp. Mấy bận ban quản lý di tích mời bà về phụng dưỡng, xem như nhân chứng sống của Hòn Đất, nhưng bà không chịu xa ngôi nhà đã gắn bó bao năm.
Ở đó, cách nay hơn 50 năm, ngày ngày bà đã âm thầm nấu cơm cho vào cà om đội lên vách đá, ngồi mà kêu “ột... ột” để người ta lầm tưởng bà cho heo nuôi thả rừng ăn, nhưng thật ra là để “Việt cộng” trong hang nghe thấy đến lấy.
Trò chuyện với khách đến thăm, bà Cà Mỵ luôn sợ bị hiểu nhầm nên cứ thanh minh: “Tui đâu phải con bà Cà Sợi, đâu phải em thằng Xăm”.
Bà lo vậy thôi chứ thật ra những đồng đội của chị Sứ - Tư Ràng như bà Tư Ngần, nguyên bí thư Huyện ủy Hòn Đất, đều biết. Những người dân cố cựu ở Hòn Đất kể với chúng tôi rằng Xăm chính là Năm Khen, em ruột ông Tư Mắm Ruốc quê ở huyện Hòn Đất.
Có người còn khẳng định nhiều lần trông thấy mấy người con của Xăm vào thắp nhang trên mộ chị Sứ, nhưng bẵng đi mấy năm rồi không biết đã dời nhà đi đâu.
Bà Hiệp Định vẫn giữ mái tóc dài sau hơn 30 năm nhập vai - Ảnh: Tấn Đức
Gặp lại “chị Sứ”
Bộ phim Hòn Ðất của đạo diễn Hồng Sến (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Ðức) từng gây tiếng vang lớn trong làng điện ảnh cách đây gần 30 năm. Vai nữ chính (chị Sứ) được giao cho người lần đầu đóng phim: cô giáo Ngô Thị Hiệp Ðịnh (sinh năm 1954), giáo viên dạy sử của Trường trung học sư phạm TP.HCM.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà yên tĩnh ở P.Tân Phong, Q.7 (TP.HCM), bà Hiệp Ðịnh nhắc lại chuyện xưa mà không khỏi bồi hồi: “Một bữa chiều khi tôi vừa đi dạy về đã thấy đạo diễn Hồng Sến chờ sẵn ở nhà. Anh nói với tôi là bộ phim Hòn Ðất đang chuẩn bị bấm máy mà chưa tìm được người thủ vai nữ chính nên đến mời tôi tham gia. Tôi nghe xong quá bất ngờ, vì từ hồi nào tới giờ có biết đóng phim ảnh gì đâu. Tôi một mực từ chối, nhưng vì thấy anh tha thiết quá nên đành nhận lời.
Sáng hôm sau tôi chạy xe đến Xí nghiệp phim Tổng hợp trên đường Lý Chính Thắng (Q.3) thì được đưa một đoạn thoại trong phân cảnh chị Sứ bị bắt, để xem qua rồi diễn xuất thử ngay trước mắt cả hội đồng tuyển chọn diễn viên.
Tôi hồi hộp lắm nhưng có lẽ do đã có thời gian tham gia kháng chiến, yêu thích nhân vật chị Sứ đến độ đọc đi đọc lại muốn thuộc làu cả tiểu thuyết Hòn Ðất nên diễn rất nhập tâm. Kết quả là tôi được chọn ngay lần diễn thử đầu tiên”.
Sau gần một năm tạm nghỉ dạy để theo đoàn làm phim, lúc xuống Hòn Ðất (Kiên Giang), Châu Ðốc (An Giang), lúc ra Biên Hòa, Trị An (Ðồng Nai), Hiệp Ðịnh đã hoàn thành xuất sắc vai diễn.
Sau vai diễn để đời này, Hiệp Ðịnh trở về với nghề dạy học, dù không ít đạo diễn mời bà tham gia các phim khác. Và cũng sau bận đóng phim đó, suốt 30 năm qua bà luôn giữ mái tóc dày mượt xõa kín bờ vai, lúc nào cũng thơm nức mùi hương bưởi hệt như suối tóc của chị Sứ năm nào.
Ảnh: Chị Tư Ràng (TẤN ĐỨC – theo Tuổi trẻ)