Mênh mang...sen - Trúc Đôn Thư!
Từ lúc mới bắt đầu cảm nhận được cái đẹp, cái hay trong cuộc đời, tôi đã rất thích hoa sen, cây trúc. Năm học cấp hai tôi đã được đọc bài văn viết về cây tre. Tôi rất ngưỡng mộ và cảm ơn tác giả đó đã khiến tôi càng thêm yêu thích tre, trúc. Khi lớn lên, đi làm và có nhà riêng, tôi đã trồng biết bao tre, trúc Nhật…ở ban công, sân trước, sau…Nhưng rồi một thầy phong thủy đã phán: “Không nên trồng tre, trúc, vì loại cây này tượng trưng cho quân tử, nên thường bị kẻ xấu ganh ghét, hãm hại!” Nghiệm lại tôi thấy cũng đúng trong nhiều trường hợp, nên về nhổ hết chúng để trồng cây khác!
Chẳng phải ngẫu nhiên tôi rất thích màu hồng cánh sen. Lúc trước đây khi đang thời “làm ăn”, tôi cũng thường se sua, chưng diện. Từ màu son, băng đô tóc, nón, áo, giày, túi xách…tôi thường mua màu cánh sen cho đồng bộ. Cái màu sắc tươi roi rói ấy, khi nhìn cho người ta cái cảm giác yêu đời hơn, vui vẻ hơn, hưng phấn hơn sau những buổi làm việc miệt mài, mệt nhọc!
Hồ cá trên sân thượng tôi cũng thả sen vào trồng. Thường buổi chiều gió mát, tôi ngồi ngắm sen hàng giờ không biết chán! Tôi nghĩ tạo hóa thật khéo léo và kì vĩ, khi “nặn” ra những cái đẹp, cái lạ không tưởng tượng nổi! Ví dụ như Vịnh Hạ Long – một trong những kì quan của thế giới(*)…Rồi những nét xinh đẹp, mê hoặc trên khuôn mặt, dáng vóc của thiếu nữ đương xuân…Rồi những cánh hoa sen từ đậm chuyển sang nhạt; trong cánh lại nổi lên những đường bé li ti cũng màu hồng sen sậm ; nhụy vàng nổi bật trên nền cánh hoa vừa trắng tinh khôi vừa hồng ngan ngát ấy… Lá xanh đọt chuối to xòe ra như…gì nhỉ…như cái tai voi…không, như cái quạt của nàng Tiên mới đúng! Ngó sen màu nõn chuối ngả vàng với những hạt đều đặn như ai sắp xếp bên trong…quả thực là sự mầu nhiệm vô cùng của tạo hóa!
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng, lá xanh…
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!”
Tranh sơn dầu của Diên Minh
Câu ca dao quen thuộc xưa đã khiến sen đứng vào loại “đệ nhất Hoa”. Ngày nay, nhà nước đã đưa hoa sen vào loại “Quốc Hoa”của nước Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà người ta yêu thích sự thuần khiết, thanh cao của sen. Sen vẫn thong thả phủ khắp mặt ao, hồ…Sen tỏa sáng, trang nghiêm, trân trọng trên bàn thờ cúng, trong chùa, chiền…Hạt sen bán đầy chợ, các cửa hàng…Những khay mứt sen vàng rộm nhìn thật ngon mắt, nhai một hột cảm thấy bùi, mềm, ngọt thanh, thơm ngát tận chân răng…Ngó sen tinh tươm, tươi nõn trong đĩa gỏi điểm thịt, tôm, lạc rang, rau húng thơm phức…Sen bát ngát cả trong tranh vẽ…Bây giờ, sen lại xuất hiện trên tay của cô dâu trong đám cưới nữa mới hay! Cánh sen xếp đều tắp lự từng cánh, không rối rắm và quăn quéo như hoa hồng…(chả thế mà người ta thường nói hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, chắc cũng “rối rắm và quăn quéo” là ý nghĩa này đấy!)
“Paris có gì lạ không em?
Mai em về mắt có còn ngoan?
Có trải lòng mình là hương cốm…
Chẳng biết tay ai làm lá sen?!”
Lời của bài hát nổi tiếng do một danh ca trình bày vẫn in sâu trong lòng thính giả …Những cái lá sen tưởng chừng rất vô tư đó lại được họ yêu thích, đem cả vào lời ca, tiếng nhạc như ru đắm hồn người…Tháng Bảy Vu Lan, sen được dịp tràn lan trên đường phố, trên tay mọi người đi lễ chùa cúng Phật! Sen dâng cha mẹ để tỏ lòng tôn kính, hiếu thảo. Tháng Tám Trung Thu lại đến với nhiều loại lồng đèn bày bán, không thể thiếu đèn hoa sen. Tôi nhớ năm học lớp năm tiểu học, cô giáo cho tả chiếc lồng đèn. Tôi đã tả chiếc lồng đèn hoa sen do chính tay bố tôi làm, không quên ghi thêm một đoạn: “Em đang chơi rước đèn cùng các bạn thì chiếc lồng đèn của em bỗng nhiên bị cháy. Em rất buồn và tiếc chiếc đèn! Đây là tình thương của bố dành cho em. Bố đã dùng thời gian, công sức làm đèn cả buổi. Nghĩ đến chiếc đèn em lại cảm thấy thương bố vô hạn!...”. Bài văn đã được cô đọc trước lớp và cho điểm cao nhất! Sen đã gắn bó với tôi suốt từ thời thơ ấu cho đến hôm nay như thế! Tôi yêu sen và cũng yêu trúc như nhau. Cây tre, trúc đã được phân tích, nói nhiều trong sách vở, nên tôi chỉ có thể “chấm phá” đôi chút về “nó” thôi! Lá trúc thon dài, tựa cái lông gà mà thời xưa bên Tàu các nho sĩ thường chấm mực để viết trên giấy. Trong tranh vẽ, tôi thường thấy các họa sĩ cách điệu những chiếc lá trúc vắt ngang qua vầng trăng, đẹp đến huyền hoặc, nao lòng! Màu xanh của trúc thật mát mắt, tưởng có thể “cắn” ra từng miếng như miếng thạch vậy! Thi sĩ Hàn đã từng viết:
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Màu xanh được ví von “như ngọc” ấy quả thật khéo, tinh tế vô cùng! Dù mặt tôi không phải “chữ điền” để đợi “lá trúc che ngang”, nhưng tôi cũng rất thích ngửa mặt lên trong cái bóng râm mát của hàng tre xanh, để đón và hít thở bầu không khí trong lành tỏa ra từ nơi ấy. Giá như bây giờ mà có chiếc võng vắt ngang trong vườn trúc, tôi sẽ nằm chờ làn gió mát mơn man trên mặt, trên tóc, vỗ về ru tôi ngủ như ngày nào tuổi thơ tôi vẫn thường thơ thẩn sau những bụi tre, bứt lá rồi vân vê, xé nhỏ chúng, đưa lên mũi ngửi cái mùi hăng hăng, khó chịu đó. Tiếng tre xào xạc trong gió, thật thanh bình và yên ả nơi những làng quê như sưởi ấm lòng người… Khi vẽ tranh thư pháp và sơn dầu, tôi cũng chọn vẽ sen, vẽ trúc đầu tiên. Những bức họa mà có người hỏi mua tôi cũng nhất định không bán. Đây là những khoảng thời gian tôi đắm mình trong sen, trúc. Tôi tỉ mẩn hàng buổi trời để tô điểm từng cái gân lá, từng cái bóng sen tỏa trên mặt hồ, từng giọt sương be bé bám trên cánh, lá, nhụy hoa... “Thà là tặng chứ không bán”, vì thế trên tường nhà tôi bao phủ khắp tranh do tôi vẽ. Nhưng ai đó đến chơi và hỏi, tôi chỉ cười và nói: “Ối, của mấy đứa em nó vẽ chơi thôi!”.
Tranh thư pháp của Diên Minh |
Chẳng ngờ về sau, khi giao lưu tôi mới biết Đôn Thư là tên làng. Ngọc Thanh là đàn ông chứ không phải phụ nữ(!) Tôi lại càng ngạc nhiên hơn, sau khi đọc kí dài kỳ “Thứ nhất làm quan, thứ nhì…” và bộ 3 bài viết về Di tích LSVH Đình làng Đôn Thư (Bài thơ chữ Hán của ông Tú tài Tây, Phụ huynh chiếu tử đệ, Khúc thần ca viết trong ngày đẹp trời) của Ngọc Thanh. Và các bài thơ về “sen” của các tác giả như Tú Cống, Phạm Vũ Quý, Việt Thanh, Phạm Vũ Thực... và Trường ca Đôn Thư của Phạm Vũ Diên; các tác phẩm viết về giếng, ao, đình, miếu của làng, trong đó có nhắc đến “Chằm sen Đôn Thư”…Rồi các bài viết về các vị khoa bảng tiền bối như Lưỡng quốc Đông các Đại học sĩ Vũ Công Trấn, Tế tửu Quốc tử giám Phác Đức Hầu Phạm Vũ Quyền, Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm”….Những “cái ngạc nhiên” ấy đã vỡ ra cảm giác thích thú, lạ lẫm với nhiều điều mà tôi chưa được biết đến trên “Quê Mẹ”! Thầy giáo Ngọc Thanh là cháu trực hệ đời thứ 6 của quan Tế tửu Quốc tử giám Phạm Vũ Quyền (cụ Phạm Vũ Quyền là ông họ của Tam nguyênThám hoa Vũ Phạm Hàm). Thảo nào mà thầy “có gien” của dòng họ, nhớ dai vanh vách thơ, văn từ cổ chí kim; từ Namchí Bắc…Tôi thực sự ngưỡng mộ và thích thú, khi thấy có người rất mê câu đối, thơ Đường, văn chương giống…tôi! Thuở tham gia Việt nam Thi đàn, tôi lại được hân hạnh quen biết thêm thầy Cải, thầy Thăng. Chính các thầy đã chỉ bảo, phân tích, sửa từng câu đối chưa hay của tôi. Tôi vô cùng cảm phục và biết ơn các thầy! Nhờ các thầy mà trình độ của tôi tiến bộ hẳn. Đây là điều quí giá nhất mà tôi lãnh hội được trong những ngày “dạo chơi” trên các thi đàn!
Tôi yêu Đôn Thư, nơi có những con người “thông minh, hiền lành, tài năng, khiêm tốn, mến khách…”. Tôi yêu ao sen và lũy tre làng Đôn Thư, yêu cả cái nghề làm vòng nón và nón lá tuy cực nhưng rất vui và ý nghĩa này! Giá mà có một ngày, tôi sẽ được đội chiếc nón ấy, để cảm nhận và so sánh với chiếc nón bài thơ ở Huế, xem nón của nơi nào…thơ hơn, Huế hơn, mơ mộng hơn…Tôi nghĩ lúc nào đấy mà không lên mạng giao lưu nữa, chắc là tôi sẽ buồn đến chết mất!
Hồi còn nhỏ tôi đã qui y, song pháp danh thầy đặt cho tôi là Diệu Thanh. Vừa qua, thầy Cải đã bảo tôi đây là tên húy của “Bà Diệu Thanh”, trùng tên thần thánh không tốt. Tôi nghe thầy và qui y lại, với dự định sẽ dùng tên pháp danh Diệu Thư, cái từ Thư đã theo tôi từ thời học cấp hai bởi cô bạn thân xinh đẹp, ngoan hiền, học giỏi tên Phương Thư; cho đến nay là tên ngôi làng “chữ nghĩa” này! Mừng trang web Đôn Thư tròn hai tuổi, tôi viết bài này để bày tỏ chút lòng đến người Đôn Thư, đến những bông sen, những cây tre làng, những bài văn, thơ hay làm tôi xao xuyến buồn, vui...suốt những ngày qua!
Thân tặng bạn đọc và làng Đôn Thư bài thơ sen, trúc trong bức tranh của DM:
“Sen nở triền miên…
Ấp ủ mặt hồ…
Lá xòe như quạt…
Của những nàng tiên!”
“Như chiếc ngòi bút
Lá trúc thon dài…
Bên vầng trăng tỏ
Tựa cảnh thiên thai.”
Tin cùng chuyên mục
Dư luận nói gì về ông Vũ Đức Đam?
14/11/2013
Xót lòng khúc hát “Bão ơi, đừng đến nữa”
11/11/2013
Nhà văn Hữu Ước từng bị 3 năm tù oan
09/11/2013