Dư luận nói gì về ông Vũ Đức Đam?

Hôm qua, 13/11, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh. Kết quả, cả hai ông đã được Quốc hội phê chuẩn vào vị trí Phó Thủ tướng. Cụ thể, kết quả kiểm phiếu ông Vũ Đức Đam nhận được 421/471 số đại biểu có mặt đồng ý, chiếm 84,54%. Ông Phạm Bình Minh nhận được 467/471 số đại biểu có mặt đồng ý, chiếm 85,75%. Sự kiện này được các báo đăng tin, trong đó hàng loạt bài báo ca ngợi tài năng và nhân cách của 2 vị tân Phó Thủ tướng; ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sáng suốt giới thiệu với Quốc hội hai Phó Thủ tướng được lòng dân. Dưới đây là hai bài viết về ông Vũ Đức Đam – vị Phó Thủ tướng trẻ nhất trong Chính phủ hiện nay.

CÂU NÓI CỦA ÔNG VŨ ĐỨC ĐAM KHIẾN NGƯỜI DÂN QUẢNG NINH NHỚ MÃI

Tôi vẫn nhớ ngày ông Đam còn là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, khi đó tôi còn là một anh "phóng viên báo tỉnh" ở chân chạy mới vào nghề, nhưng may mắn đã có vài lần tôi được tiếp xúc với ông. Trong mỗi cuộc họp, hội nghị tại tỉnh, ông Đam vẫn thường tự lái xe đến và chẳng mấy khi thấy ông cầm văn bản, giấy tờ để đọc. Những câu chuyện ông nói trong hội nghị cũng rất gần gũi, thiết thực, không dài dòng lý thuyết xa xôi.

Trong những cuộc họp đó, ấn tượng khiến tôi nhớ mãi về vị Bí thư tỉnh ủy, đó là câu ông nói với lãnh đạo sở, ban ngành tỉnh Quảng Ninh: “Các anh phải coi tiền của Nhà nước như tiền của nhà mình, từ đó để biết cân đối, chi tiêu sao cho hợp lý”.

Và ông tiếp tục cuộc họp với câu chuyện nghe thật vui, ông hỏi những vị có mặt tại hội nghị, sự giống và khác nhau cơ bản giữa Bin laden và Tổng thống Mỹ George Bush? Không thấy ai trả lời, ông tủm tỉm nói: “Theo tôi Bin laden và Tổng thống Mỹ George Bush đều là những người rất giỏi, họ có 99 điểm giống nhau và chỉ khác nhau ở một điểm, đó là một người tìm cách chống phá (Bin laden - PV) còn một người tìm cách khắc phục, xây dựng (Tổng thống Mỹ George Bush - PV)”.

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa qua sự so sánh đó, chỉ hiểu rằng ngay trong cả những cuộc hội nghị, ông Đam biết truyền cảm hứng cho người nghe khi nói về những đề tài thường được cho là khô khan của hội nghị bằng các câu chuyện vui để tránh không nhàm chán.

Ngày đó là năm 2009. Đã 4 năm trôi qua, ông Đam giờ đã được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ và tôi cũng đã không còn công tác tại Quảng Ninh nhưng câu nói đó của vị Bí thư cũ khiến tôi luôn luôn ghi nhớ và tâm đắc.

Giải Sao Khuê duy nhất năm 2010 dành cho cá nhân được trao cho TS Vũ Đức Đam. Ngày đó ông Đam đang là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Tôi lại nhớ ngày xa xôi hơn, lúc ông còn là Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, báo chí phỏng vấn ông, ông chia sẻ rằng có lẽ ông là vị Chủ tịch nhàn nhất trong tất cả các vị Chủ tịch của 64 tỉnh thành. Ông nói: “Tôi vẫn có thời gian đi đá bóng buổi chiều, vẫn có thời gian học hát, học nhảy buổi tối và vẫn có thời gian giao lưu với bạn bè”.

Trong những trận bóng buổi chiều sau giờ làm việc, ông rất bình dị và "thanh niên tính", ông cảm thấy khó chịu khi ai đó "nể nang" mà nhường bóng cho mình. Lúc đó ông thường nhắc nhở ngay, “không được như thế, cứ phải đá hết mình”.

Cũng trong một cuộc trả lời báo chí ngày đó, ông không ngần ngại khi nói rằng, nếu cho ông chọn việc, ông muốn được làm một Chủ tịch huyện bởi ông nghĩ rằng: “Tôi nghĩ chỉ một năm thôi, huyện của tôi sẽ là điểm đến yêu thích của mọi người. Còn làm Chủ tịch một tỉnh như bây giờ - thật là khó để làm thật tốt mọi việc, chỉ dám nghĩ rằng mình đã làm hết sức trong khả năng và quyền lực cho phép”.

Vào dịp Tết nguyên đán năm 2011, khi ông là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Thường thì cứ vào dịp đầu xuân, bao giờ trên "Báo nhà" cũng luôn có một bài phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy. Điều này cũng phải thôi, bởi giống như trên một con thuyền, sau mỗi chặng đường, chuẩn bị lấy sức để đi tiếp, ai chẳng muốn biết về những nhận định, đánh giá và cả những suy nghĩ, tâm tư của “người chèo lái”...

Theo "tiền lệ", PV Báo Quảng Ninh đã soạn sẵn công văn nêu câu hỏi để đồng chí Bí thư trả lời bằng văn bản...

Thế nhưng, thật bất ngờ, nhận văn bản từ tay PV, đồng chí Vũ Đức Đam tươi cười: -Thế này nhé, chúng ta sẽ ngồi với nhau một lúc để xem có điều gì cần chia sẻ, chứ nếu như văn bản này thì nhờ các bạn... lấy lại những ý chính trong báo cáo tổng kết năm của Tỉnh ủy biên soạn giúp tôi cũng được mà!

Và cuộc trò chuyện đầu xuân giữa PV với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã khởi đầu với sự cởi mở, thân tình như thế...

Sau khi rời Quảng Ninh để lên làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, việc đầu tiên ông Đam làm là xây dựng, tổ chức chương trình ''Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời'' - bắc một cây cầu nối giữa người dân và các chính khách, được nhân dân cả nước ủng hộ, đánh giá cao.

Tại các phiên họp báo của Chính phủ, ông Vũ Đức Đam thường được báo chí "ưu ái" dành cho ông những câu hỏi khó. Trả lời xong, ông luôn hỏi lại, liệu các phóng viên đã hài lòng với câu trả lời của ông. Nếu chưa, ông sẵn sàng mở cơ hội để báo chí "chất vấn" tiếp.

Mới đây, khi các phóng viên hỏi về quan điểm của ông trong vụ bác sỹ ném xác nạn nhân xuống sông, ông đã xúc động ứa lệ nói: “Tôi từng này tuổi rồi nhưng nói thật, vẫn có những vụ việc còn khiến tôi run người lên vì giận...”.

Có thể, ông giận dữ trước hành vi phi nhân tính của những người ''từ mẫu'' đáng lẽ phải là một biểu tượng của lương tri. Cũng có thể, bộ trưởng xúc động trước khuôn mặt của người chồng nạn nhân, giờ đau đớn đến mức không còn có thể khóc được nữa. Nhưng đúng hơn, đó là những cảm xúc đồng cảm của một con người với một con người.

Một phóng viên trực tiếp có mặt bấy giờ kể lại là, tất cả đã lặng đi khi chứng kiến sự xúc động trào dâng của vị Bộ trưởng.

Giờ đây, ông Đam đã làm đến chức Phó thủ tướng Chính phủ. Chức vụ lớn hơn rất nhiều so với “Chủ tịch huyện” mà ông đã từng mong muốn. Chức vụ lớn hơn cũng đồng nghĩa trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, công việc cũng nhiều hơn nhưng dù ở cương vị nào, ở đâu, tôi tin rằng ông Đam cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

(Viết Cường -Theo GDVN)

CHÂN DUNG VỊ PHÓ THỦ TƯỞNG TRẺ NHẤT VIỆT NAM

Căn bản từ học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng quê nghèo của Hải Dương. Giống như nhiều gia đình khác thời đó, lẽ ra ông không có điều kiện học cao mà cùng gia đình làm ruộng. Nhưng có thể gọi là may mắn bởi cha mẹ ông tuy là nông dân nhưng lại coi việc học hành của các con là quan trọng nhất nên đã tần tảo nuôi các con ăn học.

Một người bạn của ông kể, khi Phó Thủ tướng đang học bên Bỉ thì cha mất. Trước khi mất, vì lo ảnh hưởng đến chuyện học hành của con nên cha ông đã cấm gia đình báo tin. Phó Thủ tướng chỉ biết cha mình mất khi về nước. Cũng theo người bạn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn rất tự hào về cha mẹ đã dạy ông lẽ sống, truyền cho ông tinh thần hiếu học, quyết tâm vượt lên nghèo khó.

Từ trải nghiệm của bản thân, ông thấu hiểu tầm quan trọng của sự học và luôn cổ vũ, tạo cơ hội cho mọi người xung quanh học tập, nâng cao trình độ. Ông thường đặt yêu cầu rất cao đồng thời tạo điều kiện để cán bộ trẻ học hỏi, trưởng thành và bản thân cũng luôn nghiêm khắc không ngừng học hỏi. Cán bộ UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn thường nhắc lời ông khi còn làm Chủ tịch: Muốn phát triển mạnh để đuổi kịp và vượt người ta thì chủ tịch xã phải có tầm chủ tịch huyện, chủ tịch huyện phải có tầm chủ tịch tỉnh.

Ông cũng khiêm tốn tự nhận với khả năng của mình thì làm chủ tịch một huyện sẽ có thể làm huyện đó nổi bật được còn làm chủ tịch tỉnh thì chỉ biết cố hết sức. Sự học trong quan niệm của ông không chỉ qua trường lớp, mà còn qua thực tế, qua những người xung quanh.

Là Vụ trưởng ở VPCP rồi ông vẫn thỉnh thoảng đi làm… nhân viên chạy bàn. Một doanh nhân khá thành đạt đã khoe được ông phục vụ trong một quán ăn. Cũng có thể ông đi phục vụ để rèn ngoại ngữ nhưng điều chắc chắn là ở đâu cũng thấy ông quan tâm nhất tới những người phục vụ.

Luân chuyển kép

Nhìn vào lý lịch của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một điều ngẫu nhiên thú vị là ông đều bước đi, bước lại hai lần qua ngành Bưu điện (Tổng cục Bưu điện và Bộ Bưu chính - Viễn thông), địa phương (Bắc Ninh và Quảng Ninh) và Văn phòng Chính phủ.

Xem chừng việc kinh qua nhiều công việc đã giúp ông có được kinh nghiệm khá dày từ địa phương đến cơ quan trung ương đầu não, từ kỹ thuật đến hoạch định chính sách, từ đối nội đến đối ngoại, từ Đảng đến chính quyền….

Phải chăng đây là điều kiện để ông có thể bổ sung, hoàn thiện năng lực, nhờ vậy mà trưởng thành nhanh hơn, phát huy tốt hơn sở học và có thể là thăng tiến nhanh như ai đó nghĩ. Bắt đầu từ việc được Nhà nước cử đi học ở Bỉ - một nước tư bản phương Tây từ 1982, điều đặc biệt này có lẽ là may mắn đối với ông và cũng là lý do cho câu hỏi “Ông Đam là con ai?”.

Thực ra, những năm 1978-1982 có khoảng 40 người được Nhà nước cử đi học ở Bỉ và ông là 1 trong số đó. Nhiều người trong số đó cũng có thân thế bình thường.

Sau 6 năm bên đất Bỉ, năm 1988, ông về nước và nhận công tác ở ngành bưu điện khi đó bước vào giai đoạn chuyển từ công nghệ của các nước Đông Âu sang công nghệ số của các nước phương Tây. Học từ phương Tây về, thông thạo ngoại ngữ lại biết chuyên môn nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được trọng dụng, phát huy và liên tục thăng tiến, chuyển qua nhiều vị trí.

Ông rời ngành Bưu điện năm 1994 khi làm Phó Vụ trưởng và quay lại ngành vào năm 2005 với cương vị Thứ trưởng. Việc ông được điều về VPCP hồi đó cũng là nhờ có quá trình học tập và làm việc với phương Tây. Ông được chọn để chuẩn bị cho việc gia nhập ASEAN và trở thành Vụ trưởng trẻ nhất ở VPCP cho tới tận ngày nay.

Đời thường

Người quen đôi khi vẫn bắt gặp Phó Thủ tướng đi xe máy vào những ngày nghỉ. Khi Quảng Ninh tổ chức lễ hội đường phố carnaval, ông không ngại cùng lãnh đạo tỉnh học múa, học hát để tham gia diễu hành, hòa mình vào công chúng, vào hoạt động của người dân.

Yêu thể thao, ông thích nhất bóng đá. Có thể ông thích vì đó là môn thể thao đối kháng tập thể, đòi hỏi sự gắn kết sức mạnh của tất cả. Dù bận việc, ông vẫn cố gắng sắp xếp để ra sân hằng tuần và khi mặc quần đùi áo số thì chẳng ai nhận ra Chủ tịch, Bí thư hay Bộ trưởng.

Trong thời gian làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ông được báo giới đánh giá cao bởi sự gần gũi, thẳng thắn trước mọi câu hỏi. Khác hẳn vẻ “khuôn thước” thường thấy của người phát ngôn Chính phủ, khi đã kết thúc phần hỏi đáp chính thức, ông trò chuyện rất thoải mái, thân thiện với phóng viên như với bạn bè, đồng nghiệp.

Ông quan niệm trong mỗi con người, bên dưới những toan lo cuộc sống, tận nơi sâu thẳm đều có một khát khao rất đỗi sáng trong được cống hiến cho cộng đồng, cho quê hương, cho tổ quốc... Ông cũng từng chia sẻ rằng mỗi người đều có giá trị của mình.

Giá trị đó không đơn thuần đo đếm hay tỉ lệ với sự nổi tiếng, tài sản hay địa vị. Ông nhắn nhủ giới trẻ hãy có hoài bão và quyết tâm với hoài bão của mình, hãy vượt khỏi những “giấc mơ con” để sống một cuộc sống thật ý nghĩa, đóng góp nhiều nhất cho những giá trị lớn lao.

(theo Vietnamnet)

Ông Vũ Đức Đam

Sinh ngày: 3/2/1963. Quê quán: Hải Dương.

Học vị: Tiến sỹ. Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.

7/1982-9/1988: Lưu học sinh tại Vương quốc Bỉ.

10/1988-10/1990: Cán bộ Công ty Dịch vụ kỹ thuật và Xuất nhập khẩu, Tổng cục Bưu điện.

10/1990-2/1992: Chuyên viên Ban Phát triển kỹ thuật và Quan hệ đối ngoại, Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam.

3/1992-4/1993: Chuyên viên Văn phòng Tổng cục Bưu điện.

4/1993-10/1994: Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Bưu điện.

10/1994-11/1995: Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ.

11/1995-8/1996: Quyền Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ ASEAN, Văn phòng Chính phủ.

8/1996-8/1998: Vụ trưởng, Thư ký Thủ tướng Chính phủ.

8/1998-3/2003: Trợ lý Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

3/2003-7/2005: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh.

8/2005-11/2007: Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

11/2007-5/2008: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh.

5/2008-3/2010: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Từ 3/2010: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

13/11, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.