Chùm thơ về nước Nga

Với ngọn bút Lê–vi–tan Trong giông bão chim vẫn bay về tổ Dưới băng tuyết mùa đông hoa vẫn nở Mỗi thớ gỗ vân cây đều biết hé cười

 

 

LÊ-VI-TAN


Với ngọn bút Lê–vi–tan
Trong giông bão chim vẫn bay về tổ
Dưới băng tuyết mùa đông hoa vẫn nở
Mỗi thớ gỗ vân cây đều biết hé cười

Chiều Plê–xơ ấm áp dịu dàng
Lung linh huyền ảo sắc thu vàng
Hoàng hôn mơ màng soi gương đáy nước
Vạt nắng giữa vòm cây óng ánh màu cam

Tất cả tình yêu và tâm huyết
Hóa thân vào thiên nhiên nước Nga
Lê–vi–tan khám phá tận cùng cái đẹp
Đât nước – con người – vũ trụ bao la…
Với ông đều trở lên thân thiết
Tuyết tháng ba tan chảy dưới chân người
Bầy thiên nga trên hồ biếc đua bơi
Và ráng đỏ của mặt trời sắp lặn
Những tu viện nhà thờ khói sương mê đắm
Trong chiều vàng buông tiếng chuông rung
Dưới màn mưa hải cảng, dòng sông
Vẫn rộn rã tàu thuyền cập bến
Rừng nổi gió, đám lá vàng lưu luyến
Nhắn nhủ thầm thì… gọi cây mẹ trổ mầm xanh.

Ôi thiên nhiên tự do thiên nhiên kỳ vĩ
Sắc thu vàng quấn quýt bên ta
Như con đường Vơ-la-đi-mia ngàn vạn dặm xa
Lê vi tan đã đi qua đã từng chứng kiến
Bọn Sa hoàng với súng gươm dao kiếm gieo tang tóc hung tàn

Bằng tình yêu nước Nga
Ông đã hình dung ra những con người bất khuất
Tìm lại buổi bình minh ở cuối con đường

Với rừng bạch dương rực rỡ ánh vàng
Lê vi tan đã đi qua đã từng mơ ước
Nên không bao giờ ông chán ước mơ
Ông nâng niu những bông bồ công anh bừng nở trong mưa
Ông xót thương những cánh hoa tàn úa
Xao động bâng khuâng trước hoa rừng màu tím
Ông có thể cảm nhận được độ ẩm của cành hoa lưu ly hoài niệm
Phút chia tay rừng. Giọt lệ rưng rưng
Trong sắc màu Lê-vi-tan có sóng nhạc rung
Có lấp lánh áng thơ huyền diệu
Tuyết trắng, trời xanh nhuộm ánh thu vàng

Thương Lê-vi-tan khi sức lực đã tàn
Tim ngừng đập ông mới dừng tay vẽ
Hẳn ông chẳng còn chi buồn lo nữa
Khi chào mặt trời, chào buổi sáng thần tiên
Ông đi vào cõi vĩnh hằng lặng lẽ
Trong hàng trăm bức tranh đã vẽ
Ông để lại cho cuộc đời bức tranh tuyệt mỹ
Khi ánh thu như bữa tiệc cuối cùng

Ôi! Mùa thu vàng – thu vĩnh viễn
Tâm hồn Nga, thiên nhiên nước Nga
Năm tháng sẽ che khuất đi những ngọn cây già
Những thế hệ sau ta vẫn đón chào vồn vã
Sắc màu Lê-vi-tan trong mùa thu nước Nga.

VIẾT Ở BẢO TÀNG CHIẾN TRANH MÁT-XCƠ-VA


1.
Dưới đài gương ngập tràn ánh sáng long lanh buông rơi
Hai mươi nghìn giọt pha lê
Như gieo vào trái tim tôi những nỗi đau
Nỗi đau của hàng triệu bà mẹ Nga bất khuất
Nỗi đau của hàng triệu thiếu phụ Nga mất chồng
Thế nhưng…
Tất cả các mẹ, các chị đều kìm nén nỗi đau
Khi đọc trên bức tường dòng chữ của các chiến sĩ Hồng quân viết trước giờ ra trận
“Kẻ nào đến với ta bằng thanh gươm
Kẻ đó sẽ chết vì thanh gươm đó”

2.
Bảo tàng chiến tranh Mát-xcơ-va
Đưa ta ngoảnh nhìn về lịch sử nước Nga
Trầm sâu qua những khúc bi ca…
Những giọt nước mắt rơi trên phím dương cầm bay qua không gian, thời gian
Kể cho ta nghe những thiên anh hùng ca lẫm liệt của hơn 20 triệu người con nước Nga đã anh dũng
hi sinh
Vì sự sống còn Tổ quốc
Ôi! Tiếng đàn ngân nga
Tiếng đàn tha thiết
Đưa ta về những kỷ niệm xưa
Đây dòng Nhê-Va, đây thành phố U-li-a-nốp
Thành phố mang tên Cách mạng tháng 10
Vẫn nghe đâu đây gần gũi từng lời
Tâm huyết
Của thân phụ Lê-nin
“Con người có quyền tự do chọn Đức tin”

Bảo tàng chiến tranh Mát-xcơ-va trân trọng giữ gìn
Những tấm huân chương
Những kỷ vật chiến tranh
Những tượng đài chiến thắng
Tôn vinh những chiến tích anh hùng
Của những tập đoàn quân, phương diện quân
Những tướng binh tiên phong
Những chiến binh dũng cảm
Đã tạo nên phòng tuyến vòng cung
Bao vây – đánh tan quân Phát xít
Những chiến binh Nga Hội quân trong thành Lê-nin-gơ-rát
Cờ chiến thắng kiêu hãnh bay trên đồi Ma-na-ép
Tiếng quân reo, pháo nổ rung trời

3.
Thế chiến thứ II
Hơn 40 năm… đã qua rồi
Vẫn nghe tiếng bánh xích xe tăng rú gầm trong thành Sa-ra-tóp
Bên bờ sông Vol-ga
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc
Hơn 300.000 chiến binh Nga không trở về
Ngã xuống rồi
Trong những lồng ngực trẻ
Vẫn còn linh diệu lời thề
“Không một bước lùi trên sông Vol-ga

Mát-xcơ-va
Mùa đông năm 1942 -1943
Lung linh trên gương mặt bà mẹ Nga
Niềm tin, sự hy sinh thầm lặng
Hóa thân vào tượng đài “Nữ thần chiến thắng”
Mẹ kêu gọi đàn con ra trận
“Hãy quên thân mình để cứu nước Nga”

Mát-xcơ-va
Stalin-gơ-rát
Giữa những dàn tên lửa Ca-chiu-sa
Trên tháp pháo xe tăng
Thành phố hoang tàn
Đất đai xám ngoét
Đoàn hùng binh sư đoàn Sa-pa-ép
Vẫn băng qua bão tuyết
Chân buốt tê trong những đôi ủng rách, mòn
Chia nhau khẩu phần ăn từ những khoanh bánh mì đen sũng nước
Vẫn ào ạt xông lên phía trước
Xả súng bắn quân thù
Và cõng thương binh dưới làn mưa đạn
Trước quân thù chỉ biết xung phong

4.
Ở bảo tàng Mát-xcơ-va
Có biết bao nhiêu chiến tích
Bao nhiêu gương mặt con người, ta chưa biết tên
Nhưng trong giờ phút thiêng liêng
Trước đài lửa VĨNH CỬU
Muôn đời sau ta không thể nào quên

Những vinh quang từ trong tên tuổi họ
Giữa bảo tàng Mát-xcơ-va
Trong không gian bình yên
Tôi càng yêu hơn nước Nga
Yêu áng văn của Ilya-Erenbour viết về lòng yêu nước
“Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật bình thường nhất
Yêu cái cây trồng ở trước nhà
Yêu cái phố cổ đổ ra bờ sông
Yêu vị thơm chua của trái lê mùa thu
Yêu thương cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”

Những người đã đi qua chiến tranh
Mới hiểu rõ giá trị của hòa bình
Các nhà văn Nga đã viết về  Tổ quốc mình bắt nguồn từ lòng yêu nước
Và sự căm thù cháy bỏng trước quân thù

“Một cô gái bị tên Phát xít treo cổ lên cành cây
Các gia đình không còn đàn ông
Những người phụ nữ Nga làm việc lặng im
Những con mắt không có nước mắt”

Chiến tranh đã nặn lại gương mặt con người
Như bài thơ Olua Berggolt viết về cuộc đời
Như trường ca Lê-nin-gơ-rát
Đã khiến ta xúc động bồi hồi
5.
Viết ở bảo tàng chiến tranh Mát-xcơ-va
Tôi như mơ nghe triệu trái tim đang hát
Hát về cuộc chiến tranh vệ quốc
Hát về điện Krem-lin, Mát-xcơ-va, Xanh-pê-tec-bua
Hát về tình yêu nước Nga
Về chiến tranh và hòa bình
Như câu thơ tôi hát về đất nước Việt nam của tôi trong lũy tre xanh hòa trong trang thơ tôi viết ở xứ
sở bạch dương yêu dấu
Suốt mấy chục năm trường Việt Nam kháng chiến
Bảo tàng Mát-xcơ-va ở trong tôi.

Viết tháng 8 năm 1979

Sửa hoàn chỉnh lần 1 -1992

Sửa lại lần cuối 2 – 2013