Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Phượng Đại và hành trình đi tìm cái đẹp
Sau gần 20 năm rong ruổi trên con đường đi tìm cái đẹp, nhiếp ảnh gia vùng mỏ Dương Phượng Đại đã tìm được tác phẩm nghệ thuật ưng ý nhất: “Thợ lò vào ca” - một trong ba tác phẩm của Quảng Ninh được tham gia triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia 2016.
Bông hoa nở muộn
Không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, nhiếp ảnh đến với Dương Phượng Đại như một cái duyên. Xuất thân từ quê hương Quảng Yên - mảnh đất giàu văn hóa với truyền thống Tiên công ở làng đảo Hà Nam và làng tranh Yên Hưng nổi tiếng, chất nghệ sĩ đã chảy trôi trong anh từ lúc nào không biết. Trải qua thời trẻ đầy nhọc nhằn, biến động: sớm đi bộ đội rèn luyện trong quân ngũ, khi trở về đời thường làm thợ mỏ ở vùng than Cẩm Phả, tâm hồn nghệ sĩ nơi Dương Phượng Đại mới thực sự có cơ hội nảy nở ở cái tuổi 40.
Năm 1999 được coi là bước ngoặt đưa Dương Phượng Đại đến với nhiếp ảnh nghệ thuật. Khi ấy, ngành than gặp khó khăn, thợ mỏ phải dãn việc, lương thấp lại kéo theo bao mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Cuộc sống lam lũ vất vả thôi thúc người thợ mỏ Dương Phượng Đại tìm cho mình nghề tay trái để bớt gánh nặng mưu sinh. Thế rồi nghe theo lời khuyên của anh trai là nhà thơ Dương Phượng Toại, anh và vợ dành cả tháng lương thợ lò khoảng 2-3 triệu để mua một máy ảnh cơ CanonAE1. Cũng từ đó, quá trình tự học hỏi nghệ thuật nhiếp ảnh đầy gian truân, thử thách của anh bắt đầu.
Dấu ấn người thầy
Thành công của mỗi con người đều mang dấu ấn của những người thầy. May mắn thay, trên mỗi bước đường nghệ thuật của Dương Phượng Đại đều có những người thầy đồng hành, cũng là những người bạn tâm giao.
Người thầy đầu tiên mà anh luôn yêu quý, kính trọng đó là anh trai của mình – nhà thơ Dương Phương Toại. Người đặt nền móng cho anh bước chân vào “cung đường nghệ thuật nhiếp ảnh”. Dưới sự dìu dắt của anh trai, anh được học chụp ảnh để có thêm thu nhập cho gia đình, học viết báo để có những bài viết cho Tạp chí Than- khoáng sản, Báo Quảng Ninh... Lâu dần, nhiếp ảnh với anh không còn là nghề dịch vụ để mưu sinh mà trở thành niềm say mê nghệ thuật với nhiều tác phẩm ảnh tâm huyết, đạt giải thưởng và thường xuyên được đăng trên các trang bìa, tạp chí hay triển lãm cấp khu vực, quốc gia.
Tiếp đó, tâm hồn nghệ sĩ và kĩ năng nhiếp ảnh nghệ thuật của Dương Phượng Đại được nâng tầm bởi sự chỉ bảo của người thầy là Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh, cựu Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Quảng Ninh - nhà báo Hào Minh. Tuy thầy không còn nhưng những bài học và kinh nghiệm thầy truyền dạy vẫn là hành trang sự nghiệp quý báu theo anh trên mỗi bước chân khai phá cái đẹp cuộc sống.
Giao hưởng Hang Đầu Gỗ - Huy chương đồng tại liên hoan ảnh nghệ thuật 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2009
Hiện tại, có những người thầy, người đồng nghiệp chân thành luôn chia sẻ với Dương Phượng Đại trên mỗi nẻo đường đó là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khắc Đạm ở Cẩm Phả, cùng nhiều đồng nghiệp khác.
Hành trình đi tìm cái đẹp và lạ
Điều làm nên những bức ảnh thành công của Dương Phượng Đại đâu chỉ bởi những người thầy mà còn ở chính sự tự học của bản thân.
Con đường tìm được cái đẹp và lạ qua mỗi bức ảnh không trải hoa hồng. Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đó là thiên nhiên, ánh sáng, thời tiết, con người, bối cảnh và sự kiện… Vì vậy, muốn có tác phẩm tâm đắc, người nghệ sĩ phải đi nhiều, không ngại lặn lội sớm hôm và mưa nắng khắc nghiệt. “Tôi thường phải tranh thủ ngày chủ nhật, hàng ngày thường dậy trước bình minh, thường lặn lội đêm hôm, thường phải đợi hoàng hôn nên về nhà với vợ con thất thường .”- Dương Phượng Đại chia sẻ. Tuy nhiên với anh, cái đẹp luôn ở quanh ta, chỉ cần tinh ý, chịu khó quan sát thì bất cứ lúc nào cũng cho ra đời các tác phẩm đẹp.
Nắng sớm Hạ Long – Giải nhì cuộc thi ảnh nghệ thuật Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới năm 2007
Trên con đường nghệ thuật nhiếp ảnh, chưa bao giờ những khó khăn có thể dập tắt niềm đam mê khám phá cuộc sống qua góc nhìn ống kính của Dương Phượng Đại. “Đấy là tiền bạc phải “bóp mồm, bóp miệng” để sắm thiết bị nào là máy ảnh, ống kính, máy tính và tiền để đi sáng tác “nhất động nhất phí” mà! Nhưng với tôi khó khăn nhất đấy là thời gian vì tôi vẫn còn đang công tác!” – anh nói.
Mỗi bức ảnh ra đời là thành quả của những nhọc nhằn đầy thú vị mà chỉ những nhiếp ảnh gia tâm huyết mới được trải nghiệm: “Có những lần một mình ngủ đêm trên đỉnh Núi Bài Thơ để ngắm trăng Hạ Long, một mình một “ngựa sắt” đi Lào Cai, đi Hà Giang… khám phá sắc phục dân tộc Tây Bắc”.
Chính nhờ lòng đam mê, chịu khó “lặn lội”, chịu khó “nhếch nhác”, chịu khó “học hỏi” từ đồng nghiệp, Dương Phượng Đại đã gặt hái cho mình những thành công để đời như: “Giải Nhì cuộc thi ảnh nghệ thuật “Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới”; giải Khuyến khích cuộc thi ảnh nghệ thuật “Văn hoá gia đình Việt Nam trong ứng xử”; Huy chương Đồng Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2007 ... Bên cạnh đó là nhiều bức ảnh được trưng bày tại các Triển lãm ảnh nghệ thuật của ngành Than và Triển lãm ảnh quốc tế tại Slovakia...
Con đường cụt - Giải nhất cuộc thi ảnh: Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh
Đề tài và Bức ảnh tâm đắc “Thợ lò vào ca”
Đề tài chủ đạo trong các bức ảnh của Dương Phượng Đại thường là nông thôn gắn với quê hương Quảng Yên và vùng cao - nơi có đồng bào các dân tộc còn khó khăn! Lý giải nội dung đề tài các bức ảnh, ông cho biết :“Tôi yêu quý hình ảnh người nông dân bởi thời thơ ấu tôi được khắc ghi hình ảnh người cha phải chịu nhiều sương gió với gánh nặng cuộc đời, mẹ tôi lam lũ trên cánh đồng làng để nuôi anh em tôi khôn lớn được ăn học tử tế”.
Một đề tài nữa anh dành tình cảm và phần lớn các bức ảnh để phản ánh là "thợ mỏ". Từng có 20 năm lao động trong hầm lò, Dương Phượng Đại thấu hiểu nỗi gian truân của những người thợ mỏ. Chính vì vậy, hầm lò và những người thợ mỏ luôn là niềm tự hào và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho anh: “Tôi rất biết ơn Vùng mỏ, thợ mỏ, nhất là thợ lò đã tạo cảm hứng sáng tác cho tôi. Tôi sẽ càng cố gắng săn lùng nhiều tác phẩm về thợ mỏ và về thợ lò. Tuy nhiên đề tài về Hạ Long tôi cũng luôn tìm kiếm!” – Dương Phượng Đại hào hứng nói.
Nắng sớm mỏ than – Huy chương đồng tại liên hoan ảnh nghệ thuật 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2011
Rất nhiều bức ảnh về thợ lò đã ra đời nhưng tác phẩm anh tâm đắc nhất là “Thợ lò vào ca” được tham gia triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia từ 26/8 – 5/9/2016 tại Kiên Giang. Chia sẻ về tác phẩm tâm đắc này, Dương Phượng Đại cho đó là một “cái may” khi bắt được khoảnh khắc đẹp. Nhưng không hẳn vậy, đó còn là góc nhìn nghệ thuật, cảm quan nhạy bén của người nghệ sĩ đã có thâm niên lao động nghề mỏ và chụp ảnh hầm lò.
"Tôi bấm máy “Thợ lò vào ca” trong điều kiện hầm lò ánh sáng vô cùng khắc nghiệt và tôi chộp được khoảnh khắc đấy là nhờ vào những tia ánh sáng đèn lò, gương mặt người thợ lò đang gồng mình để đẩy xe gòong chở đầy vật liệu chống lò vào ca qua đoạn đường rất khó khăn”- Dương Phượng Đại chia sẻ khoảnh khắc chụp được bức ảnh này tại đường lò Tuynen Tây Khe Sim - công trình của Công ty TNHH 1TV Môi trường.
Không ngủ quên trên vinh quang, mỗi ngày trôi qua, Dương Phượng Đại vẫn khao khát chinh phục nghệ thuật và khẳng định giá trị bản thân, làm đẹp cho cuộc sống qua mỗi bức ảnh: “Dự định thì nhiều lắm! Đấy là khi rảnh rỗi vẫn phải rong ruổi trên mỗi chặng đường tìm kiếm khoảnh khắc đẹp, để góp phần nho nhỏ cho cuộc sống đẹp hơn. Tôi muốn có một triển lãm cá nhân hay in một tập sách ảnh để trình làng và đấy cũng là món quà nhỏ dành cho cháu nội”.
Một người nghệ sĩ luôn tâm niệm “Một ngày không bấm máy là một ngày tôi cảm thấy cô đơn” và “Làm nghệ thuật cũng chính là đền ơn Tiên tổ, quê hương, vùng mỏ và những người thợ mỏ”, chúng ta chúc cho anh sẽ có nhiều những tác phẩm nghệ thuật thành công hơn nữa về mảnh đất và con người Quảng Ninh.
Mạc Thảo/Đài phát thanh truyền hình Quảng Ninh