Cái nhìn qua sự việc cô giáo bị quỳ
Anh chàng Đỗ Đức Thắng hay viết theo kiểu tếu táo, để mọi người sau khi cười vui, cùng suy nghĩ về những điều anh đề cập đến. Hôm nay, anh chàng lại đổi cách viết thật nghiêm túc trong một bài Tản văn về một sự việc NÓNG vừa xảy ra. Xin được giới thiệu tới các bạn (ĐỨC kẾT NỐI)
CÁI NHÌN QUA SỰ VIỆC :
"CÔ GIÁO BỊ QUỲ"
Tản văn của Đỗ Đức Thắng
Tôi khẳng định đây là suy nghĩ riêng của bản thân tôi . Không phải là mang danh ai trong sự việc "cô giáo bị quỳ" gây xôn xao những ngày qua
Tôi chắc chắn sự việc này sẽ chẳng có bản án nào thực thi cả , mặc dù dư luận đòi phải xử thích đáng người này , phạt thật nặng người kia . Nếu có bản án nào đó thì sẽ không nặng bằng bản án day rứt lương tâm , mà tầm ảnh hưởng của nó rất lâu mới lắng dịu .
Đầu tiên là cô giáo bắt học sinh quỳ . Có rất nhiều người thông cảm nói rằng : ngày xưa ta bị quỳ suốt có sao đâu . Xin thưa : ngày xưa khác ngày nay rất nhiều , so sánh là khập khiễng . Ngày nay , một đứa trẻ cuối cấp tiểu học sẽ đọc vanh vách cho ta nghe "công ước về quyền trẻ em" mà ta đã ký với Quốc tế . Cô giáo đã sai khi vượt ngưỡng sư phạm . Cô đã biết lỗi , đã có biên bản ghi nhận , có người tiếp nhận xử lý và hứa sẽ không tái phạm . Điều này chấp nhận được
Cái sai tiếp theo của cô giáo là đã quỳ gối , rất nhiều người cho rằng cô đã nhu nhược , hèn nhát , phá vỡ trật tự "tôn sư trọng đạo" của dân tộc , cần phải xử lý nghiêm khắc . Nhưng tôi sẽ đặt mình vào vị trí của cô : một cô giáo trẻ , kinh nghiệm còn non (như cô tường trình) , áp lực mình là người có lỗi , trong không gian không có người bảo vệ , trước một nhóm người có thể là có "uy quyền", muốn cho xong chuyện . Và một điều hết sức quan trọng là "miếng cơm manh áo" trong bối cảnh dư thừa giáo viên như hiện nay . Sự nhịn nhục ... đáng thương hơn đáng trách . Chúng ta là người ngoài cuộc , sự phán xét rất dễ dàng , nhưng thử là người trong hoàn cảnh ấy , tôi tin : 10 người sẽ có 6 người nhịn nhục ( nghĩa là quá bán).
Chủ thể thứ hai là vị "luật sư" phụ huynh học sinh nọ . Anh ta đã đúng khi biết rằng luật cho phép quyền trẻ em là bất khả xâm phạm , hơn nữa : con tôi đẻ mà còn chưa bắt quỳ , cô là cái thá gì mà bắt con tôi quỳ ?
Anh đúng !
Nhưng anh lại đi quá cái giới hạn bảo vệ
Tiếp theo là "hình như" anh đã sai khi mà sự việc đi quá xa , anh lại có một "bản tường trình" thiếu logic đến mức mà một đứa trẻ vị thành niên nó cũng không chấp nhận được .
Tôi sẽ phân tích cái thiếu logic như thế này :
- Chả ai dại gì "được tha" mà vẫn quỳ chịu tội , nếu không bị ép buộc .
- Anh "bất ngờ" khi cô giáo quỳ và năn nỉ cô đứng dậy , chẳng lẽ sức vóc một người đàn ông lại không xốc vai nổi một cô gái hay sao ?
- Hơn nữa : 40 phút chứ không phải là 40 giây . 40 phút là quãng thời gian người ta đi được 1/3 chiều dài đất nước bằng đường hàng không đấy anh "luật sư" ạ..
Ừ thì cứ cho là anh không ép mà cô giáo tự nguyện có nhiều người làm chứng , cứ cho là cô giáo vu khống anh đi . Nhưng khi sự việc đã đi quá đà , anh cứ dũng cảm nhận một chút khuyết điểm giống như cô giáo nọ ... "cho xong chuyện" thì đâu đến nỗi . Có lẽ nhiều người sẽ gọi anh là ... Thánh , là anh hùng , hoặc ít ra là soái ca
Đằng này anh lại đưa ra cái bản tường trình ngớ ngẩn không ai tin nổi , nam nhi đại trượng phu , anh đã sỉ nhục không chỉ một số phụ huynh mà còn sỉ nhục mọi đấng nam nhi khác . Người ta chửi anh là phải .
Chủ thể thứ ba là ngài hiệu trưởng , ngài đã không nhận một điểm cộng nào từ dư luận , mặc dù ngài đã nhận khuyết điểm . Rất muộn , đáng lẽ ra ngài nhận khuyết điểm từ khi đi "dự giờ" về mới phải
Ngài là bậc tối cao trong nhà trường , ngài đang nghĩ gì vậy ?
Chủ thể thứ tư là các em học sinh . ít được nhắc đến , nhưng lại chính là mấu chốt của sự việc , là người chịu ảnh hưởng trực tiếp . Chúng sẽ bị "sang chấn tâm lý " chúng sẽ bị "ám ảnh suốt đời" , đấy là đánh giá về chuyên môn của các nhà tâm lý học . Tôi xin miễn bàn cãi đúng sai về vấn đề này , bởi đấy là những nghiên cứu khoa học cần hết sức tôn trọng .
Tôi chỉ dám nói lên suy nghĩ của mình rằng :
Đúng ! bọn trẻ có ảnh hưởng thật , chúng có sợ đi học thật , chúng có nghe lao xao những chuyện này thật . Và trở lại lớp chúng sẽ hồn nhiên nói với nhau rằng : hình như ba mình với cô giáo hôm qua ... cãi nhau ... Chúng chưa thể nào hiểu nổi cái thế giới người lớn nó lại quá phức tạp , mặc dù trẻ em bây giờ "khôn" hơn thế hệ chúng ta ngày xưa rất nhiều .
Và "có lẽ" chúng sẽ quên ngay khi nhận được cử chỉ ân cần khác mọi khi mà cô giáo đã có "lỗi" với nó hôm trước . Và chúng sẽ quên ngay khi được sự quan tâm khác trước của cha mẹ chúng sau việc bị phạt quỳ .
Tôi tin là như vậy !
Nhưng ...
5 năm nữa , hay 10 năm nữa , khi chúng đã có nhận thức tạm đủ , chúng sẽ lục lại những bài báo ngày hôm nay viết về thầy cô và cha mẹ của chúng , chúng sẽ hiểu được thế giới người lớn . Cô giáo đối với nó thế nào ? Cha mẹ nó đối với người thầy ra sao ? Công nghệ thông tin hiện nay cho phép chúng tìm hiểu khác xa với thế hệ chúng ta ngày xưa . Rất có thể đứa bé kia sẽ từ bỏ ước mơ làm nghề thầy mà nó mong ước những ngày đi học , khi đọc được cái cách đối xử của cha nó với người thầy của mình .
Có thể lắm chứ.
Vậy là cái khả năng "sang chấn tâm lý" và "ám ảnh suốt đời" có thể sẽ xảy ra vào thời điểm sau này nhiều hơn là trước mắt . Tôi chỉ phỏng đoán về khả năng nhẹ nhàng mà không gay gắt như suy diễn của một số người nói rằng : nhân nào quả nấy . Hoặc : cha chúng cưỡi cổ người khác thì lúc ấy chúng sẽ cưỡi lên cổ cha mẹ chúng . Bởi vì đấy là những suy diễn mang tính chất tiêu cực , tôi ngại nhắc tới .
Vậy nên : giá như cách cư xử của người lớn khéo léo hơn một chút sẽ chẳng có hệ lụy nào xảy ra . Tiếc rằng trong những cuốn sách về lịch sử không có chữ "giá như".
Và chủ thể cuối cùng chính là chúng ta , gọi là số đông quần chúng nằm ngoài sự việc . Đều nói rằng : giáo dục đã xuống cấp "tôn sư trọng đạo" không còn nữa . Đúng ! khi mà nhan nhản ngoài kia những chuyện liên quan đến giáo dục đến mức báo động . Thầy giáo đánh học sinh , trò cãi thầy , thậm chí sẵn sàng đánh trả ... vv ... và ... vv . Đủ cả , xuống cấp quá đi chứ .
Nhưng có phải là tất cả không ?
Khi sự việc xảy ra , có rất nhiều người đứng ra bênh vực cho cô giáo nọ , có những nhà báo quyết đi đến tận cùng của sự việc để bảo vệ thanh danh cho nghề giáo . Và chắc chắn họ làm những việc ấy không vì tư thù cá nhân hay mục đích nào khác . Họ chắc chắn sẽ nhìn thông tin từ nhiều chiều chứ không theo kiểu a dua "cho vui" . Đấy có phải là tôn sư trọng đạo ?
Còn lớp trẻ ???
Mọi người nghĩ sao khi vào những ngày lễ như 20.11 hay 8.3 , bọn trẻ đòi bằng được bố mẹ , hoăc đập heo đất lấy tiền tiết kiệm mua hoa tặng thầy cô ? Những đứa trẻ í ới rủ nhau đến thăm nhà thầy cô ?
Trên mạng xã hội tràn ngập những lời chúc tụng . Đó có phải là tôn sư trọng đạo ?
Trên youtube tôi vẫn hay xem những video rất xúc động , về những học sinh khóc và tự nguyện quỳ gối trước cô giáo để xin lỗi vào cái ngày cuối những năm học phổ thông , bởi chúng là những học sinh ngổ ngáo , ngỗ ngược . Nhưng thầy không "nỡ" phê vào cái sổ học bạ của chúng là "hạnh kiểm xấu" . Chúng thừa hiểu rằng : một nét chữ của thầy trong sổ học bạ sẽ là một "bản án" chúng sẽ phải mang theo suốt đời .
Đấy ! Các thầy cô giáo làm sai đấy . Sai nguyên tắc và sai cả sự thật .
Và cái sai của thầy cô ấy đã thức tỉnh cả những đứa trẻ ngổ ngáo khi bước ra ngoài đời !